“Tôi có thể bỏ qua cho mọi thứ trừ sự buồn chán”
Hedy Lamarr nói một cách châm biếm. Thật hợp lý khi người phụ nữ đã phát minh ra công nghệ đặt nền tảng cho sự ra đời của wifi này lại là tác giả của câu khẩu hiệu của Thời đại Thông tin. Ngày nay, trong sự tôn sùng dành cho năng suất làm việc, chúng ta coi sự buồn chán là điều hoàn toàn không thể bào chữa được – điều có thể coi như tương đương với một tội lỗi chết người. Chúng ta tránh xa nó như thể việc bị bắt gặp trong trạng thái làm việc thiếu năng suất chính là một thất bại cá nhân sâu sắc. Chúng ta không thể làm gì cả, nói gì tới sẵn sàng tự làm tất cả mọi thứ một mình
Tuy vậy, buồn chán không chỉ là một thứ cảm xúc thích ứng mà còn là một thứ cảm xúc thiết yếu - với những khả năng liên quan tới sự suy tư, cô độc, và tĩnh lặng – buồn chán có vai trò quan trọng đối với cả cuộc sống tâm trí cũng như linh hồn con người, cân bằng trong cả khoa học và nghệ thuật. .
Khi Jane Goodall bắt đầu biến giấc mơ thời thơ ấu thành hiện thực, bà dành ba năm lăn lộn trên đất để kiên nhẫn lặp lại một công việc đòi hỏi khả năng chịu đựng rất cao đối với sự buồn chán - điều có thể coi là gốc rễ của nghệ thuật quan sát và đặt nền tảng cho mọi nghiên cứu khoa học. Năng lực chịu đựng buồn chán cũng quan trọng như chính nghệ thuật vậy. Không có buồn chán, có lẽ sẽ không có những “giấc mơ ban ngày” hay những không gian hồi tưởng. Không có những “giấc mơ ban ngày tích cực” sẽ không có sự sáng tạo; không có hồi tưởng, chúng ta sẽ không thể ứng phó mà chỉ biết phản ứng tức thời,.
Buồn chán chính là không e sợ cuộc sống bên trong - một kiểu dũng cảm tinh thần căn bản của con người. Dưới đây mà một vài suy tư trường tồn và sâu sắc nhất về sự buồn chán và những phúc lành nghịch lý nó mang lại mà tôi đã đọc được trong vài năm qua.
Trong cuốn The Conquest of Happiness (tạm dịch: Chinh phục Hạnh phúc), con mắt nhìn xa trông rộng của nhà triết học người Anh Bertrand Russell (18/5/1972 - 02/02/1970) đã để ý tới vấn đề của sự buồn chán, tại sao sự kinh sợ của chúng ta với nó không khác nào một vết thương tự đâm, và hành trình loại bỏ nó khỏi cuộc sống đồng thời lấy đi một vài năng lực tối quan trọng với chúng ta như thế nào.
Trong chương “Buồn chán và hưng phấn”, Russel viết:
“Chúng ta ít buồn chán hơn tổ tiên của mình, nhưng lại sợ điều đó hơn họ. Chúng ta dần nhận ra, hay đúng hơn là tin rằng, sự buồn chán không phải một phần bản chất của con người, và điều đó có thể được tránh được nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ theo đuổi sự hưng phấn”.
Ông có một ghi chép đặc biệt mang tính thời đại giải thích cách thức “vòng xoay khoái lạc” (hedonic treadmill) đã bám sâu thâm căn cố đế , và ngày càng vô nghĩa như thế nào trong nỗ lực chạy trốn khỏi sự buồn chán của chúng ta:
Càng phát triển về mặt xã hội, sự theo đuổi của chúng ta đối với sự hưng phấn càng trở nên mạnh mẽ. Người ta liên tục chuyển từ chỗ này sang chỗ khác nếu có thể, nhảy múa và tiệc tùng trong hoan lạc, nhưng vì một lý do nào đó, lại luôn mong đợi có thể tận hưởng điều này nhiều hơn nữa ở một nơi chốn mới. Những người phải làm việc để kiếm sống nhận phần buồn chán của mình như một điều tất yếu trong khi làm việc, nhưng với những người dư giả đủ để giải phóng bản thân khỏi công việc, lý tưởng của họ chính là một cuộc sống hoàn toàn thoát khỏi sự buồn chán. Đó là một lý tưởng cao quý, và dù không muốn chỉ trích, nhưng tôi e là nó cũng chỉ như những lý tưởng khác, khó đạt được hơn nhiều những gì người mơ mộng về nó đã tưởng tượng. Rốt cục, mọi buổi sáng đều nhạt nhẽo so với những buổi đêm hoan lạc hôm trước. Rồi cũng sẽ đến tuổi trung niên, có lẽ thậm chí là cao niên. Khi 20 tuổi, người ta nghĩ rằng đến 30 tuổi là hết tất cả…. Thật không khôn ngoan chút nào khi người ta tiêu xài vốn liếng quan trong cả đời như tiền bạc. Có lẽ một vài nhân tố buồn chán là nguyên liệu cần thiết cho cuộc sống. Mong ước trốn tránh khỏi sự buồn chán là điều tự nhiên; sự thật là mọi chủng tộc người đều thể hiện ra như vậy khi có cơ hội…. Những cuộc chiến tranh, tàn sát và hành quyết đều là một phần của “chuyến bay” thoát khỏi sự buồn chán; thậm chí cãi nhau với hàng xóm còn tốt hơn là không làm gì cả. Vì vậy, sự buồn chán trở thành một vấn đề cốt lõi đối với những người giảng đạo đức, vì chí ít phải một nửa số tội lỗi của loài người là do nỗi sợ buồn chán gây ra.
Tuy tình trạng này rất đáng phê bình, Russel vẫn ghi nhận những giá trị sống nó mang lại, và vạch ra hai nhóm buồn chán chính:
Sự buồn chán, tuy vậy, không nên bị coi là hoàn toàn xấu . Có hai loại buồn chán: “Fructifying” và “Stultifying”. Loại thứ nhất sinh ra do thiếu thuốc, còn loại thứ hai sinh ra do không có những hoạt động cần thiết.
Việc chúng ta chạy trốn điên cuồng khỏi sự buồn chán, như ông cảnh báo, đã tạo ra một mối quan hệ nghịch lý với sự hưng phấn, khiến chúng ta nhanh chóng nghiện và bị hiệu ứng của nó làm tê liệt:
Những gì áp dụng với thuốc, trong chừng mực nào đó, cũng áp dụng với mọi dạng hưng phấn. Một cuộc sống quá nhiều hưng phấn sẽ khiến người ta kiệt sức, theo đó chúng ta sẽ liên tục cần tới những kích thích tố mạnh hơn để thấy hồi hộp, một cảm giác được cho rằng là một phần thiết yếu của khoái lạc. Một người quá quen với sự hưng phấn sẽ giống như một con bệnh thèm [hạt] tiêu, cuối cùng biết lượng tiêu thế nào có thể khiến người khác phải nghẹn. Có một nhân tố của sự buồn chán không thể tách rời khỏi việc tránh hưng phấn quá mức, và sự hưng phấn quá mức không chỉ làm hao mòn sức khỏe, mà còn làm mất dần cảm giác với mọi khoái lạc, thay thế những kích thích đối với khoái cảm tuyệt vời trong cơ thể, sự lanh lợi đối với trí tuệ, và những ngạc nhiên sâu sắc với cái đẹp… Một sức mạnh tất yếu của việc chịu đựng sự buồn chán, do đó, là thiết yếu đối với một cuộc sống hạnh phúc, và đó là một trong những điều cần thiết phải dạy cho giới trẻ.
Thật vậy, việc nuôi dưỡng năng lực cốt lõi này từ sớm sẽ củng cố hệ thống miễn dịch tâm lý cho người trưởng thành. Gần một thế kỉ trước khi có iPad, vật giờ đã nhanh chóng được nhét vào đôi tay chỉ thèm lướt màn hình của những đứa trẻ mới chập chững biết đi luôn thấy buồn chán tới mức cáu kỉnh, Russell đã viết:
Khả năng chịu đựng một cuộc sống ít nhiều đơn điệu nên được hình thành từ thời thơ bé. Những ông bố bà mẹ hiện đại thật đáng trách trong khoản này; họ đưa cho con trẻ quá nhiều những thú vui bị động… và không nhận ra tầm quan trọng của việc đứa trẻ cần có một ngày nào đó tương tự như những ngày khác, tất nhiên là ngoại trừ những dịp hiếm có nào đó.
Thay vào đó, Russell hô hào các bậc làm cha làm mẹ cho trẻ tự do trải nghiệm “sự đơn điệu có ích”, để khơi nguồn sáng tạo và những trò chơi tưởng tượng - nói cách khác, niềm vui thơ ấu lớn lao và thành tựu học tập có tính phát triển chính là việc “không làm gì cả với bất cứ ai mà ngoài chính mình”. Russell viết:
"Niềm vui thích thời thơ ấu nên là do đứa trẻ tự tạo ra từ môi trường quanh nó với một chút nỗ lực và sáng tạo. Những vui thú tràn đầy hứng khởi nhưng đồng thời không đòi hỏi chút nỗ lực nào về thể chất, ví dụ như đi xem kịch, thì nên rất hạn chế. Sự hưng phấn, về bản chất, giống như thuốc, càng ngày sẽ càng cần nhiều hơn, và sự thụ động về thể chất khi hưng phấn này hoàn toàn đi ngược lại tự nhiên. Một đứa trẻ, giống như những cây non, sẽ phát triển tốt nhất khi được để tự nhiên. Quá nhiều chuyến đi và quá nhiều những ấn tượng mới sẽ không tốt cho đứa trẻ, khiến chúng lớn lên mà không có khả năng chịu đựng nổi một sự đơn điệu cần thiết để tạo ra thành công .
Tôi không có ý nói rằng sự đơn điệu cũng có giá trị của chính nó; ý tôi chỉ là những điều tưởng như đương nhiên là tốt đó là không thể đạt được nếu không có một mức độ đơn điệu nhất định trong đó… Một thế hệ không thể chịu đựng nổi sự buồn chán sẽ là một thế hệ của những kẻ tiểu nhân, tách biệt một cách không chính đáng với những quy trình chậm rãi của tự nhiên, với họ mỗi động lực quan trọng sẽ dần dần khô héo, như thể những bông hoa bị cắt đưa vào lọ."
Nhà triết học người Đan Mạch Søren Kierkegaard (05/05/1813 - 11/11/1855) là người có hiểu biết sâu sắc và tầm nhìn vượt thời gian. Gần hai trăm năm trước, ông đã có thể giải thích về những vấn đề phù hợp với cả ngày nay như tâm lý học về những trò đùa quá đà và bắt nạt trên mạng (online trolling and bullying), lý do chúng ta phục tùng [theo đám đông], và nguyên nhân lớn nhất dẫn tới sự không hạnh phúc.
Ông cũng hướng con mắt tinh thông của mình tới các vấn đề của sự buồn chán, trong một chương của tác phẩm của ông viết năm 1843 Either/Or: A Fragment of Life (tạm dịch: Thế này hay thế kia: Một mảnh của cuộc sống), ông cho rằng sự buồn chán chính là một sự trống rỗng có tính tồn tại, được định nghĩa không phải bởi sự thiếu vắng các kích thích mà bởi sự thiếu vắng ý nghĩa - điều có lẽ giải thích tại sao ngày nay, thay vì bất kì thời điểm nào khác trong lịch sử, chúng ta chỉ cảm thấy hưng phấn quá mức chứ không buồn chán.
Kierkegaard của tuổi 30 tiếc nuối cuộc sống “hoàn toàn vô nghĩa” của mình và viết rằng:
Sự buồn chán có thể kinh khủng thế nào chứ - buồn chán đến phát ngấy; tôi không thấy biểu hiện nào mạnh mẽ hơn, chân thật hơn, như thể chỉ được ghi nhận bởi thứ như… tôi nằm trơ bất động và mệt mỏi; điều duy nhất nhìn thấy được là sự trống rỗng, điều duy nhất để tôi tiếp tục sống là sự trống rỗng và điều duy nhất giúp tôi hòa nhập cuộc sống mới cũng vẫn là sự trống rỗng. Tôi thậm chí không biết tới đớn đau… Sự đau đớn không thể giúp tôi tỉnh táo lại. Nếu tôi được ban tặng tất cả những vinh quang hay tất cả sự dày vò trên thế giới, chẳng có lựa chọn nào có thể biến chuyển tôi nhiều hơn điều còn lại; tôi sẽ không quay sang phía còn lại để đón nhận hay trốn tránh. Tôi đang chết dần. Và liệu điều gì có thể làm tôi khuây khỏa? Có lẽ nếu tôi cố gắng nhìn ra sự chân thực trường tồn qua mọi thử thách, sự nhiệt huyết vượt lên tất cả, một niềm tin có thể dời núi lấp biển; nếu tôi có thể biết được một ý tưởng kết hợp cả những cái vô hạn và hữu hạn.”
Ông khai sáng chúng ta về sự tôn sùng với năng suất và sự bận rộn không cưỡng lại được của chúng ta như một rào ngăn trước sự buồn chán kinh khủng kia:
Buồn chán là gốc rễ của mọi điều xấu xa. Thật hiếu kì khi biết rằng sự buồn chán, với bản chất yên bình và an nhiên của nó, lại có thể có năng lực khởi động. Hiệu ứng nó tạo nên thật kỳ diệu, tuy nhiên điều đó lại thật khó ưa chứ chẳng hấp dẫn gì.
Điều này giải thích tại sao mọi danh mục những điều dễ thương sinh ra từ việc thiết lập những trò tiêu khiển vật chất của BuzzWorthy thật vô nghĩa khi trấn an những tâm hồn đang kêu gào vì sự buồn chán khủng khiếp sinh ra từ sự thiếu vắng những việc có ý nghĩa, điều đúng ra vốn là nhiệm vụ của triết học. Alan Watts, một nhà hiền triết khác của thời đại, gọi những chiến lược vô vọng để tiêu khiển này là những “khoái cảm không cần giải phóng”. Lưu ý rằng những “trò tiêu khiển sai lầm”này chính là nguồn gốc tồn tại của sự buồn chán - một kiểu “mỳ ăn liền” - Kierkegaard bổ sung:
Thật khó tin khi chính liều thuốc cho sự buồn chán lại có thể sinh ra buồn chán, nhưng điều này chỉ đúng chừng nào liều thuốc đó bị dùng sai cách. Một trò tiêu khiển kì quặc, sai lầm cũng ẩn chứa sự buồn chán trong chính nó, vì thế nó cứ vậy tiến triển và mang trong mình tính thời đại.
Tuy vậy, sự buồn chán chính là bản chất của chúng ta, ông lập luận:
Mọi cá nhân đều nhạt nhẽo. Chính từ đó nói lên một khả năng phân loại. “Nhạt nhẽo” có thể khiến người khác cũng như làm cho chính mình thấy buồn chán. Kiểu người nhạt nhẽo đầu tiên là nhóm người bình dân, là đám đông, là con tàu vô hạn của loài người nói chung; còn kiểu người thứ hai là nhóm người được chọn, giới quý tộc. Thật buồn cười làm sao khi những người không khiến mình thấy buồn chán lại thường làm người khác thấy phát ngấy; ngược lại, những người làm mình thấy buồn chán lại giúp người khác giải khuây.
Gợi lại chính lời phê bình của mình về sự bận rộn của con người thời nay như một đánh lạc hướng chú ý khỏi cuộc sống, ông bổ sung:
Thường thì những người không khiến mình thấy buồn chán lại hay bận rộn trong việc này hay việc khác, nhưng chính họ chính là những người nhạt nhẽo nhất, khó có thể chịu đựng nổi nhất… Nhóm còn lại, cao cấp hơn, là những người tự khiến mình buồn chán… Thường thì họ khiến người khác vui vẻ, với đám đông và đồng nghiệp của họ. Họ càng khiến mình chán bao nhiêu, mức độ tiêu khiển họ mang lại cho người khác lại càng mạnh mẽ và tương tự, khi sự buồn chán đạt cực độ, họ hoặc sẽ chết vì nó (nhóm thụ động) hoặc bật ra khỏi sự tò mò (nhóm chủ động)
Nếu vậy, chúng ta phải làm gì để bảo vệ chính mình khỏi những điều xấu xa vô cùng do buồn chán? Đổi lại, Kierkegaard đưa ra giá trị của sự “lười nhác” - một khái niệm thường được ông sử dụng như từ “tĩnh” chúng ta sử dụng ngày nay, một tính chất cần thiết đối với sự tồn tại có nhận thức trong cuộc sống của chính chúng ta. Ông viết:
Lười nhác không bao giờ là nguồn gốc của sự xấu xa; trái lại, cuộc sống không buồn chán mới thật sự là “hoàn hảo”... Sự lười nhác, vì vậy, thay vì là nguồn gốc của sự xấu xa, lại chính là sự tốt đẹp chân chính. Sự buồn chán là nguồn gốc của xấu xa: chính điều này mới phải gạt đi. Sự lười nhác không xấu; thật vậy, vì có thể nói rằng những người không biết thế nào là lười nhác thì chẳng phải người bình thường.
Rất lâu trước khi thuật ngữ “vòng xoay khoái lạc” (hedonic treadmill) được đặt ra bởi các nhà tâm lý học đương đại để mô tả kiểu tiêu dùng không cưỡng lại được và sau khi đến những ngưỡng thỏa mãn thì chúng lại mất hào quang thế nào, nhà triết học vĩ đại người Đức Arthur Schopenhauer (22/02/1788 - 21/09/1860) đã tư duy về vai trò của sự buồn chán - điều ông định nghĩa là “cảm giác trống rỗng trong cuộc sống” - trong vũ điệu bất tận không biết đến điểm thỏa mãn của con người. Trong cuốn “The Essays of Schopenhauer” (tạm dịch: Các bài viết của Schopenhauer), tác phẩm cho thấy phong cách của Schopenhauer cũng như lời phê bình có tính tiên đoán của ông về tính đạo đức của việc xuất bản online, ông viết:
Cuộc sống chính nó là một nhiệm vụ, đó là kiếm kế sinh nhai. Nếu điều này được giải quyết, thì những gì chúng ta đạt được đều là gánh nặng, và chúng bao gồm cả nhiệm vụ thứ hai, chính là loại bỏ gánh nặng này để không bị buồn chán, giống như loài chim săn mồi luôn chực chờ nhắm xuống bất cứ vật sống nào bảo đảm cho ham muốn của nó. Như vậy nhiệm vụ đầu tiên chính là đạt được một điều gì đó, và nhiệm vụ thứ hai sau đó chính là quên đi thành tích đó để nó không trở thành gánh nặng.
Với tính bi quan tiêu biểu của mình, ông lập luận rằng sự thỏa mãn các nhu cầu lúc nào cũng đưa tới buồn chán và “sự buồn chán sẽ ngay lập tức kéo theo những nhu cầu mới”, khiến chúng ta dần rơi vào vô nghĩa:
Con người là một bản thể tập hợp của các nhu cầu, những điều rất khó để thỏa mãn… Nếu chúng ta thỏa mãn, thì tất cả những gì chúng ta nhận được là một trạng thái không đau đớn, khi anh ta chỉ có thể quy phục trước sự buồn chán. Đây là một minh chứng rõ ràng bản thân sự tồn tại là vô giá trị, vì sự buồn chán chỉ đơn thuần là cảm giác trống rỗng trong cuộc sống. Ví dụ, nếu cuộc sống này là ham muốn tạo nên sự tồn tại của chúng ta, thực có giá trị tích cực, thì đã không có sự buồn chán; vì chỉ riêng sự tồn tại đã mang đến cho chúng ta mọi thứ, và do đó, thỏa mãn chúng ta. Nhưng chúng ta sẽ tồn tại mà chẳng cảm thấy vui vẻ gì nếu như không theo đuổi điều gì đó; vì khoảng cách và khó khăn cần vượt qua đại diện cho mục đích, một điều có thể khiến chúng ta thỏa mãn - một ảo giác sẽ biến mất ngay khi chúng ta đạt được mục tiêu … Mọi khoái cảm nhục dục chẳng là gì khác ngoài một nỗ lực liên tục đạt được mục tiêu. Chừng nào chúng ta không làm một trong hai cách này, mà bị ném trả lại vào sự tồn tại, chúng ta sẽ bị thuyết phục về sự trống rỗng và vô nghĩa của nó, và đó là thứ chúng ta gọi là buồn chán.
Tất nhiên Schopenhauer là một nghệ nhân bậc thầy sử dụng sự bi quan làm nguyên liệu chính cho sáng tạo. Chúng ta không nhất thiết phải đi theo quan điểm tiêu cực như vậy để tìm thấy phần minh triết cốt lõi trong những ý tưởng xám xịt ảm đạm của ông ấy. Bởi lẽ, như Annie Dillard đã viết trong tư duy tích cực của bà về việc ưu tiên hiện tại thay vì năng suất, thỏa mãn về cảm giác và thỏa mãn về tinh thần là hai điều hoàn toàn khác nhau - chỉ có điều thứ nhất là giới hạn và do đó, được ấn định thử thách với của sự buồn chán; khi theo đuổi điều thứ hai, sự buồn chán sẽ là bằng hữu thay vì kẻ thù của chúng ta, nền tảng tĩnh tại cần thiết cho sự suy ngẫm đưa chúng ta ra khỏi guồng bận rộn không thể cưỡng lại được để đi vào một trạng thái tồn tại với nhận thức sâu sắc trong hiện tại.
Trong cuốn Illumination: Essays and Reflections (tạm dịch: Khai sáng: Các bài viết và hồi tưởng), nhà triết học người Đức, nhà lý luận văn hóa và nhà phê bình văn học Walter Benjamin (15/7/1892 - 26/09/1940) đã khám phá vai trò của sự buồn chán trong những suy ngẫm rộng hơn về vai trò của truyện kể trong việc tách biệt trí tuệ khỏi thông tin.
Cho rằng sự sự phát triển của thông tin đã làm giảm đi vài trò của kể chuyện, ông coi sự dị ứng với buồn chán của chúng ta như một nỗi ưu phiền nguy hiểm trong Thời đại Thông tin. Một nửa thế kỷ trước khi có những di căn như bây giờ, Benjamin đã phê phán chứng bệnh tinh thần này:
Không gì đưa một câu chuyện vào tâm trí dễ dàng hơn sự cô đọng mộc mạc có thể loại bỏ những phân tích tâm lý. Quá trình người kể bỏ dần từng lớp tâm lý càng tự nhiên bao nhiêu, câu chuyện càng chiếm tâm trí người nghe nhiều bấy nhiêu, càng hòa cùng với trải nghiệm của chính người nghe, anh ta càng có xu hướng kể lại chuyện đó cho người khác trong tương lai, dù sớm hay muộn. Quá trình hấp thụ dần dần này diễn ra theo chiều sâu trong trạng thái thư thái cần thiết - một điều ngày càng trở nên hiếm có. Nếu giấc ngủ là cực hạn khi cơ thể nghỉ ngơi, sự buồn chán chính là cực hạn khi tâm trí nghỉ ngơi. Sự buồn chán là cánh chim mơ ước sinh ra từ trải nghiệm. Chỉ một tiếng xào xạc trong lá đã đủ khiến chú chim bay mất. Những nơi nó làm tổ, nơi mọi hoạt động đều gắn liền sâu sắc với sự buồn chán - đều đã “tuyệt chủng” tại các thành phố và thưa thớt dần tại các vùng quê. Cùng với đó là sự mất đi của khiếu lắng nghe và cộng đồng những người biết lắng nghe cũng biến mất. Vì kể chuyện vẫn luôn là nghệ thuật lặp lại các câu chuyện, và nghệ thuật này mất đi khi những câu chuyện không còn nữa. Nó mất đi vì không còn những tiếng khung dệt vang lên khi còn có người lắng nghe chúng. Người nghe càng dễ quên, họ càng dễ ấn tượng sâu sắc với những gì họ nghe và ghi vào tâm trí. Khi nhịp công việc theo đuổi họ, họ lắng nghe như thể khiếu kể chuyện tự nó đi vào tâm trí họ. Điều này chính là bản chất của tấm mạng nuôi dưỡng khiếu kể chuyện. Đây là cách nó đang dần được tháo gỡ sau hàng nghìn năm được thêu dệt từ những hình thức thủ công cổ nhất.
SUSAN SONTAG
Susan Sontag (16/01/1933 - 28/12/2004) dùng nhật ký để ghi lại “chế độ” ngốn sách rộng và bao quát của bà khi tự thừa nhận đọc sách 8 - 10 tiếng/ngày. Với trí tuệ mẫn tiệp, bà lượm từng mảnh ý tưởng thu được từ những trang sách - bao gồm tư tưởng của Kierkegaard, Schopenhauer, và Benjamin, tất cả đều ghi lại trong nhật ký - và thêu dệt nên tư tưởng của riêng bà, vốn luôn là sự tổng hợp của một trí óc sáng tạo.
Trong một chương mục của nhật ký trích từ cuốn As Consciousness is Harness to Flesh: Journals and Notebooks (tạm dịch: Khi nhận thức trang bị sức mạnh cho thân thể: Những bài viết và ký), một kho tàng những tư tưởng thông thái của Sontag viết về tình yêu, nghệ thuật, viết lách, sự kiểm duyệt, và cách ngôn, cũng như những minh họa sâu sắc về tình yêu, chính là một suy tư về vai trò của sự buồn chán đối với sự sáng tạo dưới hình thức của một kiểu chú ý:
Buồn chán thì mang cả nghĩa tốt lẫn nghĩa xấu.
"[Arthur] Schopenhauer, người đầu tiên viết về sự buồn chán (trong những bài luận của ông) xếp nó cùng hạng với “sự đau đớn”, như hai anh em sinh đôi xấu xa của sự sống (đau đớn cho người nghèo, buồn chán cho người giàu - phân loại thế nào chỉ phụ thuộc vào mức độ giàu có).
Mọi người nói rằng “chán thật” như thế đó là tiêu chuẩn cuối cùng của sự hấp dẫn, và không có tác phẩm nghệ thuật nào có quyền khiến chúng ta buồn chán.
Nhưng phần lớn những nghệ thuật thú vị trong thời đại chúng ta lại thật tẻ nhạt. Jassper John nhạt nhẽo. Beckett nhạt nhẽo, Robb-Grillet cũng vậy. V.v
Có lẽ chính nghệ thuật cũng nhạt nhẽo. (Đương nhiên điều này không có nghĩa là nghệ thuật nhạt nhẽo thì cần phải tốt đẹp).
Chúng ta không nên kỳ vọng có được sự khuây khỏa nhờ nghệ thuật. Ít nhất là với nghệ thuật cao cấp.
Buồn chán là một cách để học sự chú ý. Chúng ta đang học những trạng thái chú ý khác nhau - ví dụ, thích nghe hơn nhìn - nhưng chừng nào chúng ta còn hoạt động trong khung chú ý cũ chúng ta sẽ còn thấy X là nhạt nhẽo… vd: nghe để cảm nhận hơn là âm thanh (quá chú ý vào thông điệp được truyền tải). Có lẽ sau những lặp lại của những cụm từ, ngôn ngữ hay hình ảnh trong một thời gian dài trong những văn bản viết hay bản nhạc, hay phim ảnh, nếu chúng ta thấy chán, thì nên tự hỏi liệu mình có đang sử dụng đúng khung chú ý hay không. Hoặc là - có lẽ chúng ta đang vận hành theo một khung, mà đáng ra phải là hai khung chú ý đồng thời, để giúp giảm tải gánh nặng ở mỗi bên (như cảm nhận và âm thanh).
Vì lẽ buồn chán là một nhân tố cơ bản của cuộc sống, những khám phá về nó không nên bị giới hạn trong những tác phẩm nhận thức luận hay truyện phi giả tưởng. Trong tiểu thuyết Speedboat (tạm dịch: Tàu biển cao tốc) năm 1976, tác gia và nhà phê bình Renata Adler (sinh ngày 19/10/1938) đã mô tả tất cả những tác động nghịch lý qua lại giữa sự buồn chán và sự chú ý:
Bản chất của sự buồn chán không phải hiển nhiên hay thứ dễ nhìn ra. Ví như nó ngụ ý về khoảng thời gian kéo dài bao lâu. Thật dở hơi khi nói rằng “trong ba giây đó, tôi thấy buồn chán”. Nó ám chỉ về sự thờ ơ nhưng đồng thời cũng đòi hỏi một mức độ chú ý nhất định. Chúng ta không thể nói một người thấy buồn chán bởi một thứ anh ta không chú ý tới, hay khi anh ta đang trong trạng thái hôn mê, hoặc buồn ngủ. Nhưng tôi biết rằng, hay đúng hơn tôi nghĩ rằng mình biết những người lười nhác thường là những người bị làm cho buồn chán, và những người như vậy (trừ khi họ ngủ rất nhiều) thường là kẻ xấu xa. Không phải tình cờ mà sự buồn chán và độc ác lại là những mối bận tâm lớn nhất trong thời đại của chúng ta. Chúng sinh sôi trong một góc nào đó của tâm hồn con người.
Nhà làm phim, nhà văn người Nga Andrei Tarkovsky (04/04/1932 - 29/12/1986) là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong lịch sử điện ảnh. Ingmar Bergman xem ông là đạo diễn vĩ đại nhất, “người đã phát minh ra hẳn một ngôn ngữ mới”. Với ngôn ngữ đó, các phim của ông nói về những khía cạnh đơn thuần nhất và thường là khó khăn nhất trong cuộc sống theo một cách tinh tế và khéo léo. Trong một trích đoạn từ một tài liệu cổ, ông đã khảo sát về sự cần thiết của sự cô đơn một mình:
Do phụ đề video chỉ truyền đạt một phần rất chọn lọc những điều Tarkovsky thực sự bàn tới - một cách khá đánh lạc hướng - nên tôi đã đề nghị bạn mình, Julia, giúp sao chép lại, và cô đã bằng lòng hỗ trợ:
“Ông muốn chia sẻ gì với mọi người?
Tôi không rõ… Tôi nghĩ mình chỉ muốn nói rằng mọi người nên học cách ở một mình và cố gắng dành càng nhiều thời gian có thể với chính mình càng tốt. Tôi cho rằng một trong những thiếu sót của người trẻ ngày nay chính là họ luôn cố gắng tụ tập quanh những sự kiện ồn ã, thậm chí thi thoảng còn khá hung hăng. Tôi cho rằng việc họ muốn xích lại gần nhau để khỏi phải thấy cô đơn có lẽ lại là một biểu hiện không tốt. Điều đó không có nghĩa là chúng ta cần phải cô đơn, nhưng chúng ta không nên thấy buồn chán với chính mình, vì nếu thật như vậy, theo tôi, chính là đang gặp nguy hiểm, xét từ góc độ về lòng tự tôn của bản thân”.
Trẻ con có cách đặt vấn đề tưởng đơn giản nhưng lại chính là những câu hỏi lớn lao có tính tồn tại. Theo nhà phân tích tâm lý học nổi tiếng người Anh Adam Phillips (sinh ngày 19/08/9/1954), câu hỏi “Chúng ta sẽ làm gì bây giờ?” chính là một trong số đó.
Trong một bài luận rất tâm đắc với nhan đề “On Being Bored” (tạm dịch: Bàn về sự buồn chán), được lấy từ tuyển tập On Kissing, Tickling and Being Bored: Psychoanalytic Essays on the Unexamined Life năm 1993, Phillips viết:
“Tất cả người lớn đều ghi nhớ, trong rất nhiều điều khác, sự tẻ nhạt kinh khủng của tuổi thơ, và cuộc sống buồn chán của mỗi đứa trẻ có thể được đánh vần bởi từng chữ trong từ đó: trạng thái lơ lửng đoán trước, khi mọi thứ đã khởi động nhưng chẳng có gì bắt đầu cả, tâm trạng thao thức kéo dài chứa đựng điều ước đầy nghịch lý và ngốc nghếch nhất, mong ước có một ham muốn”.
Tất nhiên Phillips đã viết điều nàyhơn hai thập kỉ trước khi Internet hiện đại đưa ra cho chúng ta một thuật ngữ phổ biến “mạng xã hội” đã tạo nên văn hóa ngày nay. Điều này cho thấy hiểu biết của ông có một tầng ý nghĩa mới, sâu sắc và rất đáng để lưu tâm khi xem xét về năng lực của sự buồn chán - không chỉ với trẻ con, mặc dù đặc biệt trong trường hợp của chúng, mà còn có người lớn – trong bối cảnh thời đại tiếp cận liên tục với những dòng chảy khó hòa hợp từ những kích thích bên ngoài. Đây đặc biệt là sự dừng lại suy xét về chức năng phát triển của sự buồn chán đối với việc hình thành cơ chế tâm lý học và cách chúng ta chú ý tới thế giới - hoặc không phải vậy. Phillips viết:
Buồn chán thật ra là một quá trình nhất thời mà tại đó đứa trẻ vừa chờ đợi vừa tìm kiếm điều gì đó, mong muốn chúng được thỏa thuận một cách bí mật, và theo nghĩa này, sự buồn chán khá giống với sự chú ý nửa vời. Trong sự tắc nghẹn mơ hồ, nỗi buồn chán đến phát điên đôi khi khiến đứa trẻ dần chạm tới một cảm giác trống rỗng đều đặn mà bên ngoài điều đó ham muốn thật sự của nó có thể kết tinh… Khả năng thấy buồn chán có thể là một thành tựu phát triển của đứa trẻ.
Tuy vậy, sự buồn chán của trẻ con lại gợi ra sự khiển trách, cảm giác thất vọng và buộc tội về sự thất bại từ người lớn. Điều này nghĩa là nếu ngay từ đầu người ta đã thừa nhận sự buồn chán thì để giảm nhẹ điều đó, hai mươi năm sau, họ sẽ đặt vào tay đứa trẻ một thiết bị kỹ thuật số. Theo nghĩa nào đó, chúng ta đối xử với sự buồn chán như cách chúng ta đối xử với chính tính trẻ con - như một thứ phải vượt qua và từ bỏ, hơn là đơn giản đó là một trạng thái khác, rất cần thiết là khác. Phillips viết:
Thực tế, sự buồn chán của con trẻ thường gặp phải sự phản đối một cách khó hiểu, và người lớn thì luôn mong muốn làm thế nào để chúng không còn chú ý đến sự buồn chám ấy nữa, như thể họ đã quyết định rằng cuộc sống của con trẻ phải luôn luôn, hay phải được nhìn nhận như là luôn luôn thú vị. Đây là một trong những đòi hỏi áp đặt nhất của người lớn lên trẻ con, rằng chúng phải thích thú với điều gì đó, thay vì dành thời gian tìm hiểu điều gì khiến chúng yêu thích. Sự buồn chán là rất cần thiết trong quá trình con người sử dụng dành thời gian của chính mình để tìm kiếm điều mình yêu thích.
Trạm Đọc (Read Station)
Theo Brainpickings.