7 triết gia Hy Lạp ngoài Plato, Socrates và Aristotle
7 triết gia Hy Lạp ngoài Plato, Socrates và Aristotle
Các triết gia Hy Lạp cổ đại là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất từng làm rạng danh nhân loại. Nhưng trong số ấy, phần lớn mọi người chỉ quen thuộc với một vài cái tên như Plato, Socrates và Aristotle. Và dưới đây là 7 triết gia Hy Lạp có thể bạn chưa từng nghe đến, và kèm theo lý do tạo sao bạn nên biết đến họ. 
Cộng hòa
(61 lượt)

 

Thales

 

 

 

Nhà triết học kinh điển đầu tiên của  phương Tây, Thales được nhớ đến nhiều nhất nhờ siêu hình học của ông, cho rằng mọi thứ đều có nguồn gốc từ nước và nước bằng cách nào đó cấu thành nên tất cả các yếu tố khác. Ông không để lại bài viết nào, và hầu hết những gì chúng ta biết về ông đều do Aristotle cung cấp nhưng cũng có thể Aristotle đã hiểu sai quan điểm của ông.

Thales cũng dành thời gian cho thiên văn học và là người đầu tiên dự đoán chính xác nhật thực. Ông là một nhà toán học nổi tiếng và được cho là đã đo chiều cao của kim tự tháp vĩ đại bằng cách sử dụng chiều dài bóng của nó. [Nói đến đây, có thể bạn sẽ cảm thấy ngờ ngợ đúng không? Tên của ông gắn liền với một định lý toán học (hình học) mà chúng ta đã được học. Nếu nhớ ra định lý này là gì, bạn hãy để lại bình luận nhé!]

Ông được ghi nhận là người đã khám phá ra từ tính và sử dụng nó làm nền tảng cho lý thuyết Toàn tâm luận của mình. Trên hết, ông đã phát minh ra các hợp đồng tương lai để trở nên giàu có nhờ kinh doanh dầu ô liu.

Trong khi nhiều nguồn cảm hứng và nguồn nghiên cứu của ông là huyền thoại,  Thales được cho là đã vượt ra khỏi huyền thoại và hướng tới những cách giải thích theo chủ nghĩa tự nhiên về thế giới. Điều này mang lại cho ông danh hiệu triết gia đầu tiên. Isaac Asimov rất ấn tượng với dự đoán của ông về nhật thực đến mức tuyên bố sự kiện này là “Sự ra đời của khoa học”.

 

Pythagoras

 

 

 

Pythagoras là nhà toán học, triết gia và nhà thần bí người Hy Lạp. Ông được biết đến nhiều nhất với định lý có tên tương tự mà chúng ta không có bằng chứng nào cho thấy ông là tác giả.   

Hầu hết những công trình nghiên cứu của mình được ông thực hiện ở miền Nam nước Ý, và ông không viết cuốn sách hay tài liệu nào cả. Một lần nữa, chúng ta phải tìm hiểu ông dựa vào những câu chuyện và ghi chú của những người khác. 

Pythagoras là một nhà hiền triết đã thành lập một tôn giáo nhỏ gồm những tín đồ sùng đạo. Việc ăn đậu và hái vòng hoa cùng nhiều việc khác đều bị cấm. Ông rao giảng học thuyết về luân hồi và nổi tiếng với những ý tưởng về những gì xảy ra với chúng ta sau khi chết. Trường học của ông ca ngợi đời sống chiêm niệm và các học viên học toán cùng với những kiến ​​thức bí truyền.

Mặc dù có lẽ ông không chứng minh được định lý mang tên mình, nhưng người ta cho rằng ông đã biết “sự thật của định lý” và đã hiến tế rất nhiều cho các vị thần để vinh danh phát hiện này. 

Cách tiếp cận thần bí với các con số của ông cũng khiến ông khám phá ra mối quan hệ giữa các nốt hòa âm trong âm nhạc và nỗ lực mô tả thế giới liên quan đến toán học - một hoạt động khoa học vẫn được tiếp tục cho đến ngày nay. 

Ảnh hưởng của ông không phải là nói quá. Plato đã mượn một số khái niệm của Pythagoras trong siêu hình học của mình, và nhiều người theo trường phái Pythagore là những nhà tư tưởng được kính trọng một thời gian sau khi ông qua đời.

 

Heraclitus

 

 

 

Là một triết gia hoạt động vào khoảng năm 500 trước Công nguyên trên vùng đất ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ, ông không giống nhiều triết gia khác trong danh sách này (và nhiều triết gia từ thời Hy Lạp). Ông đã viết một cuốn sách, những đoạn trong đó đã được các nhà tư tưởng sau này trích dẫn. Điều này cho phép chúng ta trực tiếp hiểu được cách suy nghĩ của ông. 

Giống như nhiều người tiền Socrates khác, ông đã phát triển vũ trụ học. Vũ trụ của ông không có điểm bắt đầu cũng như điểm kết thúc và về cơ bản được tạo thành từ lửa. Ngọn lửa này có thể chuyển hóa thành nước, đất và không khí. Nó luôn luôn thay đổi nhưng vẫn giữ các yếu tố theo tỷ lệ. Sự thay đổi liên tục này là quy luật của mọi thứ và cần thiết để giữ cho thế giới ổn định. Suy cho cùng, nếu một dòng sông không chảy thì khó có thể là một dòng sông. Từ đó, ông lập luận rằng thay đổi là tốt và tốt nhất là bạn nên nhận ra rằng không cần phải tránh xung đột như hầu hết mọi người vẫn nghĩ.

Plato cáo buộc rằng Heraclitus phủ nhận khả năng tồn tại của tri thức, vì thế giới sẽ thay đổi quá nhanh để có thể có được thông tin chính xác lâu dài về nó. Tuy nhiên, Heraclitus đã ủng hộ ý tưởng rằng có thể đạt được trí tuệ, tuy việc này rất khó khăn. Ông ít nghĩ đến các triết gia đồng nghiệp của mình và cho rằng họ biết rất nhiều nhưng chẳng có giá trị gì. 

Ông cũng có một cách nhìn khá kỳ quặc về triết học. Vì cảm thấy rằng trí tuệ cần phải được tích lũy, nên ông viết một cách mơ hồ, đến nỗi sách của ông rất khó đọc và các tác giả cổ đại đã mệnh danh ông là Kẻ đố chữ.

 

Parmenides

 

 

 

Là một triết gia sống ở bờ biển phía tây nam nước Ý, ông là một trong những nhà tư tưởng tiền Socrates có ảnh hưởng nhất. Trái ngược hoàn toàn với Heraclitus, Parmenides cho rằng sự thay đổi là một ảo tưởng dựa trên tưởng tượng sai lầm của chúng ta về thực tế. Ông giải thích rằng không có gì có thể được tạo ra hay phá hủy và mọi thứ thực sự là “một thể”. Nghĩa là, tất cả các chất đều là một phần của cùng một tổng thể lớn hơn.

Khi ông nghĩ rằng không thể hình dung được “hư vô”, ông cũng lập luận rằng không gian trống rỗng là điều không thể có được. Điều này khiến ông tuyên bố rằng sự chuyển động không tồn tại vì bất kỳ chuyển động nào cũng cần có không gian trống để di chuyển vào.

Công trình của Parmenides đã ảnh hưởng rất lớn đến các triết gia sau ông, những người đã cố gắng dung hòa các lập luận của ông với thế giới như nó vốn có. Plato sau này coi ông như nguồn cảm hứng quan trọng trong việc xây dựng vũ trụ học của mình. Plato cũng đánh cắp ý tưởng của ông rằng chỉ có lý trí mới có thể tiếp cận được sự thật.

 

Zeno của Elea

 

 

 

Đừng nhầm lẫn với Zeno của Citium, Zeno này là người tiên phong của lập luận Phép phản chứng (reductio ad absurdum), và Aristotle đã ghi nhận ông là người đồng phát minh ra phương pháp biện chứng của triết học. Ông được nhớ đến nhiều nhất vì những nghịch lý của mình. Chỉ còn chín trong số hàng chục bài viết của ông còn tồn tại, nhưng chúng rất nổi tiếng vì sự rắc rối. 

Nghịch lý nổi tiếng nhất của ông cho thấy rằng chuyển động là không thể. Theo đó, ông yêu cầu chúng ta tưởng tượng một người chạy trên đường đua và trước khi người này chạy hết quãng đường thì trước tiên họ phải chạy nửa đầu đoạn đường, sau đó là nửa phần tư, rồi nửa phần tám v.v. Tuy nhiên, vì bạn không thể hoàn thành vô số bước trong một thời gian hữu hạn, ông lập luận rằng người chạy không thể đến cuối đường đua nên việc di chuyển là không thể. 

Một số giải pháp tiềm năng đã được đưa ra cho những nghịch lý của ông và cuộc tranh luận vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Những câu trả lời tiềm năng cho những nghịch lý của ông đã ảnh hưởng đến các cuộc thảo luận về thời gian, không gian và cách chúng ta nhìn nhận thực tế.

 

Diogenes của Sinope

 

Diogenes được coi là một trong những triết gia kỳ lạ nhất, là điển hình cho việc thực hành những gì các triết gia cổ điển truyền dạy. Diogenes thành lập trường phái triết học Hoài nghi, một ngôi trường dành riêng cho lối sống giản dị và đức hạnh.

Chủ trương một cuộc sống đơn giản, kỷ luật, tự cung tự cấp, Diogenes sống trong một chiếc lọ khép kín và không sở hữu gì ngoài chiếc áo choàng và cây trượng. Ông xin ăn và trốn tránh dịch bệnh. 

Người ta cho rằng ông đã viết một số bài tiểu luận (bị thất lạc) nhưng ông được biết đến nhiều hơn với việc sử dụng hành động để giáo dục. Người ta nói rằng ông đã đi lùi trên phố nhằm khiến mọi người đặt câu hỏi tại sao mình lại đi về phía trước và cầu xin các bức tượng để chứng tỏ ông không quan tâm đến việc bị từ chối. Ông cũng được cho là đã đứng dậy và bỏ đi khi nghe về nghịch lý Zeno chứng minh rằng chuyển động là không thể. 

Có một giai thoại nổi tiếng kể rằng Alexander Đại đế đã đến thăm ông trong chiếc lọ khổng lồ trước khi lên đường chinh phạt. Khi Alexander hỏi kẻ hoài nghi có thể muốn gì từ Vua Hy Lạp, Diogenes yêu cầu vị vua ấy tránh xa ánh nắng mặt trời của mình.  Những lời dạy của ông cuối cùng đã truyền cảm hứng cho trường phái triết học Khắc kỷ rất lâu sau khi những người theo chủ nghĩa hoài nghi đã biến mất.

 

Zeno của Citium

 

Người sáng lập trường phái triết học Khắc kỷ, Zeno bị ảnh hưởng nặng nề bởi những người theo chủ nghĩa hoài nghi. Ban đầu là một thương gia giàu có, ông bắt đầu quan tâm đến triết học trong chuyến đi đến Athens và trở thành một giáo viên được đánh giá cao. Ông đã viết nhiều sách và tiểu luận, mặc dù không có cuốn nào tồn tại ngoài những trích dẫn có thể không chính xác. 

Chủ nghĩa khắc kỷ là một triết lý nhằm giúp người theo chủ nghĩa này có một cuộc sống tốt đẹp. Các nhà Khắc kỷ cổ đại tin rằng vũ trụ có lý trí, có lẽ là thiêng liêng, và nó có cấu trúc. Họ lập luận rằng trong khi các định luật vật lý quyết định những gì xảy ra bên ngoài, chúng ta vẫn được tự do lựa chọn cách chúng ta phản ứng, một người có lý trí nên cố gắng sống đạo đức và dành nhiều thời gian cho vấn đề đạo đức.

Triết lý của Zeno tiếp tục truyền cảm hứng cho vô số người khác, từ Hoàng đế Marcus Aurelius đến huấn luyện viên Cubs Joe Maddon và tiếp tục là nguồn cảm hứng cho nhiều người ngày nay.

- Trạm Đọc, tham khảo Big Think

 

Tags: