10 việc cần làm để tạo thói quen viết mỗi ngày
10 việc cần làm để tạo thói quen viết mỗi ngày
Viết lách cần rất nhiều cảm hứng và khả năng chau chuốt, nhưng những kỹ năng đó sẽ không tiến xa nếu bạn không tận tâm luyện tập.

Có một câu nói đùa như này: “Đưa cho đứa trẻ một quyển sách và nó sẽ đọc cả ngày. Dạy đứa trẻ cách viết và nó sẽ trở thành người thiếu tự tin.” Những người làm trong ngành công nghiệp sáng tạo nổi tiếng vì sự trì hoãn của họ. Những cám dỗ trên internet, những việc lặt vặt đột nhiên cần làm,... chúng chồng chéo lên nhau và chiếm hết lịch làm việc của bạn. Một phần của sự nghiệp viết lách xoay quanh việc né tránh những rào cản ấy và cố hết sức để quá trình viết suôn sẻ hơn.

 Kỹ năng viết của mỗi người là độc nhất, nhưng những người thành công nhất trong số họ có một điểm chung: họ đã dành thời gian để viết.

 

Tầm quan trọng của thói quen viết hàng ngày

 

Viết bất cứ thứ gì - một bài thơ, một bài báo, một câu chuyện ngắn, hay một cuốn tiểu thuyết - đều là một công việc rất lớn và sự nghi ngờ bản thân là một phần tự nhiên của quá trình này. Có lẽ bạn sẽ cảm thấy chán nản trong giai đoạn đầu hoặc lạc lối ở giai đoạn giữa. Không thành công nào không đòi hỏi vấp ngã. Dù bạn đang viết gì, hay dù bạn trong giai đoạn nào của quá trình viết, một quy trình cụ thể sẽ tạo nên cơ sở và giúp bạn có được cảm giác thành tựu với những gì bạn có thể kiểm soát.

Một thói quen viết hàng ngày sẽ giúp bạn hiểu rằng bị bí không viết được gì - điều xảy ra với mọi nhà văn - chỉ là do trí tưởng tượng của bạn tạo nên. Nếu bạn đang viết, bạn không bị bí.

Mỗi khi bạn nghi ngờ bản thân, hãy xem lại những gì bạn đã thiết lập nên xung quanh việc viết lách của mình và tìm cách để ủng hộ và tôn trọng tác phẩm của bạn. Làm bất cứ điều gì cần thiết để thuyết phục bản thân rằng bạn có thể hoàn thành. Hãy luôn nhớ rằng câu chuyện bạn muốn viết đã có sẵn bên trọng bạn và bạn có khả năng để truyền tải chúng thành con chữ.

 

10 bước để phát triển thói quen viết mỗi ngày

 

Viết lách cần rất nhiều cảm hứng và khả năng chau chuốt, nhưng những kỹ năng đó sẽ không tiến xa nếu bạn không tận tâm luyện tập.

Động lực viết của bạn không duy trì mãi mãi - vì vậy, bạn phải có thói quen. Dưới đây là một vài gợi ý không những giúp bạn đạt được mục tiêu viết lách của mình mà còn là cách để xây dựng thói quen giúp bạn trở thành một nhà văn giỏi hơn.

1/ Đầu tiên, hãy thiết kế một không gian dành riêng cho việc viết. Duy trì thói quen viết hàng ngày sẽ trở nên dễ dàng hơn khi bạn muốn tận hưởng thời gian ở nơi bạn viết. Bạn không cần một khung cảnh đẹp hay một chiếc bàn làm việc đắt tiền. Sự riêng tư và sự tập trung quan trọng hơn chất lượng của đồ vật xung quanh. Đó có thể là một chiếc bàn, hoặc một chiếc ghế thoải mái tại nhà, hoặc không gian trong thư viện. Một số nhà văn thích đứng khi làm việc. Làm bất cứ điều gì bạn thích và tinh chỉnh nó trong quá trình thực hiện. Để nguồn cảm hứng, sách và tài liệu nghiên cứu ở cạnh bên. Dán những câu trích dẫn yêu thích lên máy tính của bạn hoặc một bức tường gần đó. Việc giữ cho không gian sạch sẽ có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyết tâm của bạn. Làm việc trong không gian này vào cùng một thời điểm trong suốt bảy ngày liên tiếp và chú ý để bất kỳ thay đổi nào bạn gặp phải trong quá trình thực hiện. Tạo nên thói quen về giờ giấc và không gian sẽ giúp bạn tìm thấy nhiều cảm hứng hơn, và khi ở trong môi trường đó, bạn cảm thấy thoải mái và tràn đầy cảm hứng.

2/ Bắt đầu ngày mới bằng việc viết nhật ký. Nhiều nhà văn dựa vào thói quen để gầy dựng sự tự tin và khai thác tiềm năng sáng tạo. Bài tập Viết Lách Mỗi Sáng - viết tay 3 trang giấy mỗi ngày - đặc biệt hiệu quả nhằm duy trì thói quen viết lách. Nó không dành cho ai nên nó không cần phải là một áng văn đẹp đẽ. Bằng cách buộc bản thân viết gì đó mỗi ngày, bạn khởi động những tế bào sáng tạo, dọn dẹp não bộ và dành không gian trống cho những thứ hay ho.

3/ Đặt mục tiêu về số từ. Bạn có thể viết 500 từ mỗi ngày, hoặc 50, hoặc 1000. Khi bạn làm gì đó trong thời gian dài, ví dụ như viết tiểu thuyết, đừng lo lắng nếu bạn không đạt được số từ như kỳ vọng. Hãy nhẹ nhàng với bản thân và với những gì bạn đã viết ra, nhưng hãy nghiêm khắc về việc duy trì thói quen luyện tập. Luôn cố gắng để viết ra. Hãy xem nó như chạm khắc một tác phẩm điêu khắc từ đá cẩm thạch. Trong một thời gian dài, trông tác phẩm như những khối không ra hình ra dạng. Đầu tiên hãy thử khắc hình dạng cơ bản trước, sau đó quay lại hoàn chỉnh nhưng chi tiết nhỏ hơn khi bạn đã có được hình dạng tổng thể.

4/ Dành thời gian để viết mỗi ngày, không có ngoại lệ. Ngày lễ, ngày cuối tuần, những kỳ nghỉ,... cũng không được. Bạn phải tìm thời gian. Có cần phải đủ 8 tiếng mỗi ngày không? Dĩ nhiên là không. Nhưng nếu có thể, bạn hãy viết vào một khung giờ cố định trong một khoảng thời gian cố định. Nếu cần thiết, hãy tạo ra một không gian riêng không bị làm phiền bởi email, internet hoặc điện thoại của bạn. Trong khi bạn viết, đừng dừng lại, thậm chí đừng nghiên cứu tài liệu. Ghi chú vào ngay trong tác phẩm những gì bạn cần lên mạng để tìm tài liệu và tìm chúng sau. Hãy kiên định với bản thân (và những người khác) và thói quen của mình: thế giới sẽ cố hết sức để cám dỗ bạn.

5/ Nếu có thể, đừng bắt đầu quá trình viết với một trang giấy trắng. Vào cuối ngày hôm trước, khi sắp hoàn thành công việc của mình, hãy chuẩn bị sẵn cho ngày hôm sau. Xem việc đó như “dọn sẵn thức ăn sáng” - bằng cách viết một đoạn văn hoặc ghi chú cho bản thân về những gì cần làm vào ngày tiếp theo. Đó là một cách hữu hiệu để nhắc nhở bản thân bạn đã làm đến đâu và những ý tưởng cho phân đoạn kế tiếp. Bạn có thể liệt kê những gì cần viết để bắt đầu ngay vào ngày hôm sau.

6/ Thêm việc brainstorm vào quá trình viết của bạn. Chó phép bản thân đưa ra những ý tưởng tồi. Biết đâu ý tưởng tệ ngày hôm nay sẽ trở thành ý tưởng xuất sắc của mai sau.

7/ Đừng hạn chế việc suy nghĩ và lập kế hoạch. Viết không chỉ là ngồi vào bàn làm việc. Đó có thể là thu âm, lên danh sách những gạch đầu dòng, thậm chí viết những phân cảnh nhỏ trên giấy nháp. Duy trì vận động thể lực cũng là một việc quan trọng. Di chuyển thường xuyên và đặt hẹn giờ để nhắc nhở bản thân đứng dậy khỏi bàn làm việc. Di chuyển có thể kích thích những ý tưởng mới. Đôi khi những hoạt động thường nhật cũng giúp đạt kết quả tương tự. Ghi chú những ý tưởng ngắn vào nơi dễ thấy.

8/ Biến quá trình viết lách thành một trò chơi. Theo dõi những ngày bạn hoàn thành mục tiêu. Tự thưởng một ngôi sao vàng cho những gì bạn làm được hoặc download một ứng dụng theo dõi thói quen.

9/ Tính giờ cho mỗi lần bạn viết. Quyết định những gì bạn muốn viết, có thể là một phân cảnh, một chương trong cuốn tiểu thuyết, hoặc đơn giản là một trang viết ngẫu hứng giúp kích thích não bộ. Đặt hẹn giờ 25 phút và viết cho đến khi nào đồng hồ đổ chuông. Nghỉ năm phút và lặp đi lặp lại 3 bước này, nhớ lưu ý đồng hồ đấy nhé.

10/ Những mục tiêu và thời hạn dành cho tập thể, ví dụ như NaNoWriMo (National Novel Writing Month). Để tham gia sự kiện, bạn cần viết một cuốn tiểu thuyết với ít nhất 50.000 từ vào tháng 11 - một động lực viết lách tuyệt vời. Nhiều nhà văn thành công đã đầu bằng cách này và tác phẩm NaNoWriMo của họ không chỉ được xuất bản mà còn nằm trong danh sách bán chạy nhất. Cho dù vào cuối ngày bạn thấy tệ đến đâu thì những bạn bè chung sở thích viết lách khác có thể thúc đẩy bạn viết đến giây phút cuối cùng.

Thanh Trần | Masterclass.com

Tags: