Liệu pháp miễn dịch: Bước đột phá trong chữa trị ung thư
Liệu pháp miễn dịch: Bước đột phá trong chữa trị ung thư
Cuốn sách “Liệu pháp miễn dịch: Bước đột phá trong chữa trị ung thư” là câu chuyện về những thiên tài, những kẻ hoài nghi, những người ủng hộ nhiệt tình, và đặc biệt nhất là những bệnh nhân đã đánh cược chính mạng sống của mình, và còn nhiều hơn thế là những người đã mất nó, để giúp cải tiến và xác thực thứ khoa học mới đầy hi vọng này.

Cho đến gần đây chúng ta có ba phương pháp điều trị ung thư chính. Chúng ta đã có phẫu thuật từ ít nhất 3.000 năm trước. Chúng ta có thêm xạ trị vào năm 1896.  Rồi đến năm 1946, nghiên cứu vũ khí hóa học đã dẫn tới việc sử dụng một dẫn xuất của khí mù tạt để tiêu diệt tế bào ung thư. Những chất độc đó là nền móng cho hóa trị liệu.  

 Những kỹ thuật “cắt, đốt và đầu độc” này hiện được ước tính có thể chữa ung thư cho khoảng một nửa số người mắc bệnh. Và điều đó thật xuất sắc, một thành quả y học thực sự. Nhưng nó không chữa khỏi cho một nửa số bệnh nhân kia. Năm 2017, chỉ riêng ở Mỹ, con số một nửa đó là gần 600.000 người chết vì ung thư.  

Cuộc chiến này chưa bao giờ công bằng. Chúng ta vẫn luôn sử dụng những loại thuốc đơn giản để chống lại những phiên bản đột biến sáng tạo của những tế bào trong chính cơ thể, cố gắng tiêu diệt những tế bào bệnh mà không làm ảnh hưởng tới những tế bào khỏe mạnh, và khiến bản thân trở nên yếu ớt trong suốt quá trình đó. Và chúng ta đã làm thế trong một thời gian rất dài.

Nhưng giờ đây chúng ta đã có thêm một cách tiếp cận mới và khác biệt – một cách tiếp cận không tác động trực tiếp lên tế bào ung thư, mà là lên hệ miễn dịch.

Hệ miễn dịch của chúng ta qua hơn 500 triệu năm đã tiến hóa thành một lá chắn tự nhiên hiệu quả và mang tính cá thể trước bệnh tật. Nó là một hệ thống sinh học phức tạp với một nhiệm vụ tưởng chừng đơn giản: tìm và tiêu diệt những thứ đáng lẽ không được có mặt trong cơ thể của chúng ta. Những tế bào của hệ miễn dịch luôn đi tuần tra, hàng trăm triệu tế bào này lưu hành khắp cơ thể, vào và ra các nội tạng, tìm kiếm và tiêu diệt những kẻ xâm phạm gây bệnh và những tế bào cơ thể đã bị nhiễm bệnh, đột biến hoặc bị hỏng – chẳng hạn như tế bào ung thư. 

Điều đó đặt ra câu hỏi: Tại sao hệ miễn dịch vẫn không chiến đấu với các tế bào ung thư?

Câu trả lời là chúng có làm vậy, hoặc cố gắng để làm vậy. Nhưng ung thư dùng những mánh khóe để ẩn mình trước hệ miễn dịch, khiến hàng phòng thủ của chúng ta ngừng hoạt động và né tránh trận chiến. Chúng ta không có cơ hội nào, trừ phi chúng ta thay đổi luật chơi. 

Liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư là cách tiếp cận nhằm đánh bại các mánh khóe đó, khiến ung thư lộ diện, kích hoạt hệ miễn dịch và khởi động lại trận chiến. Về cơ bản, nó khác các cách điều trị ung thư khác mà chúng ta có, vì nó hoàn toàn không tác động đến tế bào ung thư, không phải theo cách trực tiếp. Thay vào đó, nó mở khóa cho các tế bào sát thủ tự nhiên (natural killer cell) thuộc hệ miễn dịch của chính chúng ta và cho phép chúng làm công việc của mình.

Ung thư là chính chúng ta. Nó là sai lầm đã gây nên chuyện. Các tế bào trong cơ thể thường xuyên bị trục trặc, các nhiễm sắc thể của chúng bị hư hại do các hạt ánh sáng mặt trời hoặc chất độc, bị đột biến do virus hoặc di truyền, tuổi tác, hoặc chỉ đơn giản là do sự tình cờ. Đa số những đột biến này sẽ dẫn đến cái chết của các tế bào đó, nhưng một số lại sống sót và phân chia. 

Trong 99,9999% trường hợp, hệ miễn dịch sẽ thành công trong việc nhận ra các tế bào đột biến và tiêu diệt chúng. Vấn đề là 0,0001% số tế bào bị trục trặc, các tế bào mà hệ miễn dịch không nhận ra là kẻ xâm nhập và không tiêu diệt. Thay vào đó, 0,0001% số tế bào đó cuối cùng sẽ giết chết chúng ta.

Đối với nhiều nhà nghiên cứu ung thư, sự thiếu hụt rõ ràng của đáp ứng miễn dịch với ung thư có nghĩa là mục tiêu hỗ trợ một đáp ứng miễn dịch chống lại ung thư là vô ích – vì không có gì để giúp cả. Ung thư được cho là thân thuộc với chúng ta đến mức không thể được nhận ra là “không thuộc cơ thể”. Khái niệm liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư dường như là sai lầm từ bản chất.

Nhưng xuyên suốt lịch sử, đã có các bác sĩ ghi chép lại một số trường hợp hiếm hoi trong đó ung thư dường như đã tự khỏi.

Trong thời kỳ tiền khoa học thì những “sự thuyên giảm tự phát” này được cho là nhờ ma thuật hay phép màu; thực tế, chúng là nhờ một hệ miễn dịch đã thức tỉnh. Trong hơn 100 năm, các nhà nghiên cứu đã cố gắng và thất bại trong việc tái tạo các phép màu đó bằng dược phẩm, tiêm chủng hoặc kích hoạt một đáp ứng miễn dịch chống ung thư giống như những đáp ứng miễn dịch đã chống lại các dịch bệnh kinh hoàng như bại liệt, đậu mùa hay cúm. 

Đã có những tia hi vọng, nhưng không có biện pháp điều trị nào đáng tin cậy. Tới năm 2000, các nhà miễn dịch học ung thư đã chữa khỏi bệnh cho hàng trăm con chuột, nhưng không thể lặp lại những kết quả đó trên người. Hầu hết các nhà khoa học đã tin rằng họ sẽ không bao giờ có thể thành công.

Điều đó gần đây đã thay đổi hoàn toàn. Ngay cả với các bác sĩ, sự thay đổi này vẫn vô hình cho đến khi nó ở ngay trước mắt. Một trong những cây bút về chủ đề ung thư giỏi nhất hiện tại, Tiến sĩ Siddhartha Mukherjee, còn không hề nhắc tới liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư trong cuốn sách xuất sắc đoạt giải Pulitzer về lịch sử căn bệnh này, Lịch sử ung thư: Hoàng đế của bách bệnh. Cuốn sách được xuất bản vào năm 2010, chỉ năm
tháng sau khi loại thuốc miễn dịch điều trị ung thư đầu tiên thuộc thế hệ mới được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (Food and Drug Administration – FDA) phê duyệt.

Nhóm thuốc miễn dịch điều trị ung thư đầu tiên đó được gọi là “thuốc ức chế trạm kiểm soát miễn dịch”. Chúng có nguồn gốc từ phát hiện đột phá về các mánh khóe cụ thể, hay “các trạm kiểm soát”, mà ung thư dùng như một cái bắt tay bí mật, để thỏa thuận với hệ miễn dịch: Đừng tấn công. Các loại thuốc mới sẽ ức chế các trạm kiểm soát và ngăn chặn cái bắt tay bí mật của ung thư. 

Vào tháng 12 năm 2015, thuốc ức chế trạm kiểm soát miễn dịch thứ hai3 đã được sử dụng để giải phóng hệ miễn dịch của cựu Tổng thống Jimmy Carter. Một căn bệnh ung thư ác tính đã lan ra khắp cơ thể ông và tiên lượng là cái chết; nhưng thay vào đó, các tế bào miễn dịch của ông đã loại bỏ ung thư khỏi gan và não.

Tin tức về sự hồi phục thần kỳ của vị cựu Tổng thống 91 tuổi đã khiến tất cả mọi người ngạc nhiên, kể cả chính người bệnh ấy. Đối với nhiều người, “loại thuốc Jimmy Carter đó” là liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư đầu tiên và duy nhất họ nghe nói đến. 

Nhưng sự đột phá không chỉ là một phương pháp điều trị hay một loại thuốc; nó là một chuỗi các khám phá khoa học mở rộng hiểu biết của chúng ta về bản thân mình và căn bệnh này, cũng như định nghĩa lại những điều khả thi. Nó thay đổi những lựa chọn và tiên lượng của bệnh nhân ung thư, và mở ra cánh cửa tới một vùng đất màu mỡ và chưa được khai phá của nghiên cứu y học và khoa học. 

Các khám phá này xác nhận một cách tiếp cận nhằm đánh bại ung thư, nó khác về mặt lý thuyết so với các cách tiếp cận truyền thống là cắt, đốt hoặc đầu độc, nó chữa bệnh nhân thay vì chữa bệnh. Lần đầu tiên trong suốt cuộc chiến lâu đời với ung thư, chúng ta đã hiểu mình đang chiến đấu với cái gì, ung thư đã dùng mánh khóe nào trong cuộc chiến đó, và chúng ta có thể chiến thắng như ra sao. 

Vài người gọi đây là cú phóng phi thuyền lên Mặt trăng của thế hệ chúng ta. Ngay cả các nhà ung thư học, những người cẩn trọng, cũng dùng từ chữa trị. Sự cường điệu có thể nguy hiểm, cũng như ảo vọng có thể trở nên tàn nhẫn. Chúng ta luôn có xu hướng đặt quá nhiều hi vọng vào một thứ khoa học mới, đặc biệt khi nó hứa hẹn lật ngược tình thế trước căn bệnh đã, bằng cách nào đó, tác động đến cuộc sống của tất cả mọi người. Tuy thế, đây không phải là những lý thuyết bị cường điệu quá mức hay những phương thuốc kỳ diệu trong giai thoại, mà đã được chứng minh dựa trên những số liệu chắc chắn. Liệu pháp miễn dịch đã từ một giấc mơ trở thành khoa học. 

Đến nay, mới chỉ có một vài liệu pháp miễn dịch có thể được sử dụng. Chưa đến một nửa số bệnh nhân ung thư cho thấy đáp ứng với những thuốc này. Nhưng ở những bệnh nhân có đáp ứng thì bệnh tình thuyên giảm không chỉ trong vài tuần hay vài tháng, mà cả cuộc đời. Sự đáp ứng sâu sắc và lâu dài đó là những lời hứa hẹn mà liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư đem lại, và phần nào khiến nó thu hút bệnh nhân, nhưng điều quan trọng cần ghi nhớ là lời hứa hẹn đó khác với lời cam đoan rằng mỗi bệnh nhân đều sẽ có kết quả giống nhau. Chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm để mở rộng phạm vi đáp ứng và tìm ra phương thuốc thực sự. Nhưng cánh cửa đã mở ra và chúng ta cũng mới chỉ bắt đầu mà thôi.

Một số nhà trị liệu miễn dịch mà tôi phỏng vấn đã so sánh việc phát hiện những loại thuốc trị liệu miễn dịch ung thư đầu tiên với penicilin. Khi được dùng làm thuốc, penicilin ngay lập tức làm giảm tỉ lệ nhiễm trùng, chữa khỏi một số bệnh do vi khuẩn, và cứu sống hàng triệu sinh mạng. 

Nhưng với tư cách là một bước đột phá khoa học, nó định nghĩa lại sự khả thi và mở ra một mảnh đất màu mỡ cho hàng thế hệ các nhà nghiên cứu dược học. Gần 100 năm sau khi loại thuốc đơn giản đó được phát hiện, kháng sinh đã trở thành một lớp thuốc có ảnh hưởng toàn cầu mạnh mẽ tới mức chúng ta coi nó như một điều hiển nhiên. Những mối họa vô hình đã gây tai ương và đầu độc nhân loại suốt cả thiên niên kỷ giờ đây dễ dàng bị đánh bại bằng một loại thuốc phổ biến. 

Việc phát hiện ra cách ung thư đánh lừa và lẩn trốn khỏi hệ miễn dịch chính là khoảnh khắc tìm ra penicilin của liệu pháp miễn dịch. Việc phê duyệt thuốc ức chế trạm kiểm soát đầu tiên, mang đến những thay đổi dễ nhận thấy và mạnh mẽ cho kết quả điều trị ung thư, đã giúp định nghĩa lại hướng đi cho nghiên cứu khoa học. Giờ đây, điều đó khiến mọi người đổ xô vào nghiên cứu và đầu tư phát triển thuốc. 

Bảy năm sau khi loại thuốc ức chế trạm kiểm soát đầu tiên được phê duyệt, đã có báo cáo về 940 loại thuốc miễn dịch điều trị ung thư “mới” được thử nghiệm trên hơn nửa triệu bệnh nhân ung thư tại các viện lâm sàng. Thêm vào đó là 1.064 loại thuốc mới khác đang ở giai đoạn tiền lâm sàng trong các phòng thí nghiệm. Nhưng những con số đó rất bé nhỏ so với số thử nghiệm để kiểm tra tính hiệu quả đồng vận khi kết hợp các liệu pháp miễn dịch.

Nghiên cứu đang phát triển nhanh chóng tới mức một vài công ty dược phẩm có những thế hệ thuốc xếp hàng chờ đợi để thử nghiệm lâm sàng như máy bay đang chờ chỗ trống ở LaGuardia (một trong những sân bay lớn và bận rộn nhất nước Mỹ), đòi hỏi FDA phải có những quy trình “nhanh chóng” và “đột phá” để nhanh chóng đưa chúng qua quá trình phê duyệt tới những bệnh nhân ung thư không còn thời gian để chờ đợi nữa. 

Những bước phát triển lớn trong điều trị ung thư thường xuất hiện sau khoảng mỗi 50 năm; liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư đã có bước nhảy vọt qua một thế hệ, dường như chỉ trong một đêm. Để miêu tả những điều sắp đến, rất nhiều nhà khoa học mỉm cười và dùng những từ như “sóng thần” và “sóng triều”.

Bước phát triển này rất hiếm thấy trong lịch sử y học hiện đại, còn trong lịch sử của chúng ta với ung thư thì chưa từng có. Chúng ta có cơ hội để thay đổi về cơ bản mối quan hệ với một căn bệnh từ quá lâu đã định ra giới hạn với mình.

Cuốn sách “Liệu pháp miễn dịch: Bước đột phá trong chữa trị ung thư” là câu chuyện về những thiên tài, những kẻ hoài nghi, những người ủng hộ nhiệt tình, và đặc biệt nhất là những bệnh nhân đã đánh cược chính mạng sống của mình, và còn nhiều hơn thế là những người đã mất nó, để giúp cải tiến và xác thực thứ khoa học mới đầy hi vọng này. Đây là một hành trình tìm xem ta đang ở đâu, cách chúng ta đến được đây, và là cái nhìn
thoáng qua về con đường phía trước, được kể lại bởi những người đầu tiên trải qua nó, cũng như một số người đã khiến nó trở nên khả thi.

Tác giả cuốn sách “Liệu pháp miễn dịch: Bước đột phá trong chữa trị ung thư” Charles Graeber là một cựu sinh viên y khoa, nhà nghiên cứu. Ông là nhà báo đạt nhiều giải thưởng và là tác giả sách bán chạy của New York Times. Với kiến thức y khoa vững chắc và bút lực dồi dào của một nhà báo tài năng, các cuốn sách của ông dù viết về khoa học, vẫn là những tác phẩm hấp dẫn thu hút người đọc ngay từ những chương đầu tiên.

Tags: