Lịch sử hội sách Frankfurt và sự phát triển văn minh xã hội của châu  Âu
Lịch sử hội sách Frankfurt và sự phát triển văn minh xã hội của châu Âu
“Lịch sử hội sách Frankfurt” - cuốn sách mới ra mắt của Omega+ là cuốn sách đầu tiên ở Việt Nam viết về lịch sử hội sách Frankfurt – Hội chợ sách quốc tế lớn nhất thế giới. Đọc về hội sách Frankfurt, ta không chỉ hiểu về lịch sử 600 năm thăng trầm của nó, mà còn hiểu về lịch sử châu  u và sự phát triển văn minh xã hội từ thế kỷ 15 đến thời kỳ hiện đại. 
Lịch Sử Hội Sách Frankfurt
(0 lượt)
Cuốn sách tái hiện và mô tả lịch sử của Hội sách Frankfurt từ khi bắt đầu đến thời hiện đại, qua đó độc giả như được sống lại không khí từ buổi bắt đầu văn minh in ấn phương Tây và choáng ngợp với sự phát triển trong thời hoàng kim của in ấn và cũng chứng kiến bao thăng trầm của Hội sách Frankfurt, hay nhìn rộng hơn chính là sự phát triển văn minh, với 3 phần chính (25 chương):

Giai đoạn 1 (1454 -1764): Hội sách Frankfurt thuở sơ khai

Từ lúc mới bắt đầu có công nghệ in Gutenberg, việc in ấn, xuất bản và kinh doanh sách ngày một phát triển. Tuy nhiên, trước cả thời Gutenberg, Chợ sách Frankfurt đã hoạt động như một phần của Hội chợ Frankfurt lớn hơn và nổi tiếng hơn. Việc buôn bán các cuốn sách chép tay đã được thực hiện tại Hội chợ này ngay từ đầu. Có thể khẳng định rằng, chậm nhất thì vào năm 1462 và sau đó phát triển thành hội chợ sách dành cho giới in ấn và xuất bản. 

Tác giả Peter Weidhaas đã trích dẫn những tư liệu cho thấy hình ảnh sinh động tại Hội sách này, và các vấn đề được quan tâm như các đầu sách nào được quan tâm ở thời kỳ đó, việc buôn bán, vận chuyển sách diễn ra thế nào…

“Tại các trung tâm in ấn và xuất bản khác nhau của châu Âu như Lyons, Strasbourg, Basel và Leipzig, các khu vực buôn bán đều đã được thiết lập và đều trở thành các hội sách. Frankfurt-am-Main là một trong những chợ sách quan trọng nhất, mặc dù thành phố này không nổi danh với trường đại học nào, cũng không nằm trong các trung tâm in ấn hàng đầu.”

[...]

“Frankfurt không chỉ thu hút các nhà in và nhà buôn sách. Thành phố ngày càng trở thành trung tâm trí tuệ của thời đó, mặc dù điều đáng ngạc nhiên là Frankfurt đã không tự hào về trường đại học của riêng minh cho đến năm 1914. Bên cạnh nhiều nhà buôn sách, các giáo sư từ hầu hết các trường đại học châu Âu được chính quyền sở tại cử đi mua sách đã gặp nhau tại Hội sách. Các thủ thư từ các thư viện nhà nước và giáo hội cũng tập trung ở đây, cùng với các nhà thơ, nhà lưu trữ, nhà toán học và các mục sư,[...] Tất cả đều dành thời gian ở đây, một phần để xem xét và mua các ấn phẩm mới nhất về bán, và một phần để dàn xếp với các nhà xuất bản của họ hoặc đàm phán xuất bản các tác phẩm mới và trao đổi thông tin với đồng nghiệp.”

Hội sách cứ thế phát triển, nhưng những biến động tôn giáo-chính trị, sự đối đầu giữa Công giáo-Kháng cách Luther, đã dẫn tới việc kiểm duyệt và tịch thu sách, khiến cho hội sách dần thoái trào.

Quảng trường Romer, nơi gắn liền với việc tổ chức hội sách Frankfurt - Hình ảnh được sử dụng trên bìa cuốn sách "Lịch sử hội sách Frankfurt"

Giai đoạn 2 (1764-1861): Hội sách ở Leipzig phát triển thay thế cho Hội sách Frankfurt

Có thể bạn không biết, giống như Frankfurt, kể từ thời Trung Cổ, Leipzig dần trở thành một trung tâm buôn bán sách tầm cỡ. Leipzig mở ra cánh cửa cho du khách từ phía Đông, trong khi Frankfurt dễ tiếp cận hơn với những người từ phía Tây và Nam.

Trong trận chiến giữa hai hội sách lớn của Đức vào thế kỷ 18, Leipzig đã thằng. Sự lụi tàn của Frankfurt đã giúp Leipzig vượt lên dẫn trước. 

Tác giả  Peter Weidhaas đã chỉ ra rằng sự bất ổn trong kinh tế và chính trị ở Frankfurt, các nhà xuất bản nước ngoài đã luôn giữ khoảng cách, và hệ quả là Leipzig ngày càng thu hút thị phần lớn hơn. 

Tại phần này, tác giả sẽ phân tích dấu ấn mà Hội chợ Leipzig đã tạo nên trong suốt gần một thế kỷ, khi nó đã khai sinh ra một hệ thống được coi là tiên tiến và tinh vi nhất trên thế giới. Đó là một hệ thống mà trên thực tế, vẫn chỉ rõ tính chất của việc buôn sách ở Đức cho đến ngày nay.

Giai đoạn 3 (từ thế kỷ 20): Một loạt những nỗ lực nhằm khôi phục hội sách Frankfurt

Sau thế chiến II, hội sách ngày càng đạt được nhiều thành công, với sự tham gia của rất nhiều đơn vị, quốc gia. 

“Sau sự hồi sinh thời hậu chiến, tên của Frankfurt một lần nữa đồng nghĩa với “hội sách”. Truyền thống Hội sách Frankfurt vốn đã chìm vào quên lãng trong những năm Leipzig, lại một lần nữa tận hưởng thời kỳ thịnh vượng và thành công.”

Nhiều hoạt động với chủ đề mới mẻ, giới thiệu các vùng đất, các nền văn hóa được tổ chức định kỳ đã thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng. 

“Đến năm 1951, gần như mọi khía cạnh của ngành công nghiệp xuất bản sách dường như đã phát triển một tầng ý nghĩa mới về tiềm năng và mục đích. Tất thảy tác giả, nhà xuất bản, những người viết, người quảng bá, phê bình, những người yêu sách, những nhà sản xuất giấy, nhà in, và những người đóng sách đều bị cuốn vào đó. [...] “Khía cạnh đáng chú ý nhất của các hội chợ hiện đại là họ không tập trung vào những cuộc trò chuyện mệt mỏi về cung và cầu như trước đây. Bây giờ, mọi người giao lưu, chia sẻ quan điểm, học hỏi nhiều điều mới, kết giao bằng hữu mới và làm mới những mối quan hệ cũ, trở nên hào hứng và nói chung là cảm thấy mãn nguyện.” Tại hội sách Frankfurt 1951, một hiện tượng đã bắt đầu hình thành. Cuối cùng, hiện tượng này sẽ dẫn đến một thứ gọi là “gia đình sách”. Trong những năm tới, cảm giác thân thuộc thỏa mãn phát triển từ việc trở thành một phần của cộng đồng độc đáo này đã tạo ra vô số sáng kiến và mối quan hệ có nguồn gốc từ Hội sách Frankfurt.”  

Lịch sử 600 năm của hội sách Frankfurt đầy những thăng trầm, có thời kỳ hoàng kim, cũng có thời kỳ lụi tàn và sau đó lại vực dậy. Tới thời điểm hiện tại, với sự phát triển các phương tiện truyền thông mới trong kỷ nguyên số, những cơ hội và thách thức đối với Hội chợ Frankfurt nói riêng, và ngành xuất bản nói chung cũng được tác giả Peter Weidhaas phân tích và đưa ra nhận định. Hội sách Frankfurt bước vào thời đại điện tử như thế nào? Hãy cùng tìm câu trả lời trong “Lịch sử Hội sách Frankfurt”.

Trạm Đọc trân trọng giới thiệu tới tất cả những người yêu sách cuốn sách này./.

 

Tags: