1. Ai cũng có ngày mai, nhưng chỉ số ít có thể dùng nó để sạc pin cho hiện tại. Chúng ta đi tìm cảm hứng ở chỗ này, người kia, vật nọ, mà quên mất tương lai mới là bể chứa năng lượng dồi dào nhất (vital reserves). Hãy tìm một người chán đời (hoặc nhớ lại mình những ngày rệu rã nhất), bạn sẽ thấy họ chẳng có gì để sống vì, để sống tới, để sống trong chờ mong.
Tương lai đã ngừng cấp điện cho cuộc đời họ, khiến mạch sống của họ trở nên uể oải và lê thê. Tỉnh dậy cũng không biết để làm gì. Nhìn lịch tháng tới cũng chẳng có gì để mong đợi. Không có gì thách thức để khiến tâm trí họ phải tỉnh thức. Sự chật vật trong cái nhỏ nhen của đời sống thường nhật (triviality of everydayness) khiến họ lãng quên đi sự tồn tại của mình (forgetfulness of existence).
"Con người giờ đây có để đặt một câu hỏi phi thường so với 500 năm trước. Họ có thể nói "Yep, bạn đã lo đủ miếng cơm manh áo, bạn đã nuôi được gia đình, bạn yêu đương và chán ghét, nhưng rồi – bạn làm gì nữa?", H.G.Wells viết. Bởi "As for living, our servants will do that for us", Axël nói.
Chúng ta như loài lưỡng cư, đã thoát khỏi mặt nước, thoát khỏi những đòi hỏi cấp bách của cơm, áo, gạo, tiền, nhưng vẫn chưa tìm được một vùng đất mới để khẳng định giá trị làm người của mình. "Is That All There Is?": À thế à, sống chỉ có thế này thôi sao.
2. Con người là một động vật có mục đích: Hiện tại sẽ trở nên vô vọng, nếu tương lai không thể đem lại cho họ hy vọng. Tìm một kẻ muốn sống, bạn sẽ tìm thấy một vài "dự định" trong đầu họ. Sống vẫn còn hấp dẫn, vì họ vẫn còn những dự án muốn làm.
Bạn có thể xoay chuyển một kẻ u sầu đơn giản bằng cách cho hắn một việc ý nghĩa để làm: một lý do để hắn ngưng thả trôi theo dòng suối, mà tự gắn motor để vùng vẫy và tuyên bố sự tự do của mình.
Hoá ra, hôm nay tôi buồn, không hẳn chỉ vì đời nó xảy ra thế, mà là tôi muốn thế và tôi muốn tiếp tục để mình như thế. Và vì tôi cố tình để mình thế này, nên tôi có thể chọn để mình thế khác, nếu tôi biết sử dụng "tương lai" như một nguồn tiếp tế cần thiết.
Giống như Sartre viết ông chưa bao giờ cảm thấy tự do đến thế khi Paris bị chiếm đóng, không có nguy hiểm, không có mục đích, không phải "up against it" (tất cả cái này đều nằm trong tương lai), con người sẽ không cảm thấy mình đang sống 'real'.
3. Sự háo hức của trẻ con là cái mà chúng ta đánh đổi khi trở thành một người lớn biết nhiều. Một năm của đứa trẻ con được đánh dấu bởi những dịp đặc biệt (Trung thu, Giáng sinh, Tết...), vì vậy chúng có thứ để chờ và hạnh phúc khi đợi. Tương lai là một con đường đáng đi tiếp, vì ít nhất sẽ có những điểm dừng chân thú vị trên đường đi, chứ không phải là một thứ chỉ khiến bạn muốn quay đầu lại.
Người lớn đánh mất hết những nghi thức đó, và mất dần sự kỳ vọng vào ngày mai, nên ngày mai cũng chẳng thể đem lại hy vọng cho họ. Anh không yêu tôi, sao có thể cảm nhận tình yêu từ tôi.
"À thế à": Họ đã biết hết, chẳng còn gì bất ngờ, và đời trở nên tẻ nhạt đến mất cả lẽ sống. Càng sống, năng lượng của họ càng bị rò rỉ mỗi ngày, và thỉnh thoảng cơ thể họ cạn kiệt đến mức cả ngày không làm gì cũng thấy mệt. Họ nghĩ là do thiếu ăn, thiếu vận động, thiếu cafe... nhưng có thể cái họ đang thiếu là tương lai.
Bởi thế mà có những ngày bạn tràn trề sức sống, sao yêu đời đến thế, làm người tuyệt đến vậy, nhưng có những ngày vô cùng tuyệt vọng, nằm đáy và chỉ mong ai đó 'kéo tôi lên': sự lên xuống đó, nếu quan sát kỹ, sẽ phụ thuộc lớn câu hỏi 'ngày mai' có gì cho mình. "Ý nghĩa" cũng như một cơ bắp: cơ quan này cũng có thể được luyện tập nếu bạn biết cách.
Nếu tương lai là tất cả những gì chúng ta có, câu hỏi chỉ còn lại là bạn biết tận dụng nó ra sao?
Trạm Đọc