Ngày nay, quá nhiều cuốn sách được xuất bản và ơn giời, bạn không phải đọc tất cả chúng. Trên thực tế, chính nhờ các nhà xuất bản, nhà phê bình, nhà văn và hiệu ứng truyền miệng đã tạo ra một cơ chế chọn lọc tự nhiên giúp giới hạn "khẩu phần" đọc của chúng ta xuống một số quyển sách kinh điển và best-seller, từ đó chúng trở thành những món ăn văn hóa chung của giới tri thức và xã hội.
Tất nhiên, vẫn có vô số người chưa bao giờ đọc qua những cuốn sách "căn bản" đó và do quá xấu hổ để thừa nhận sự thật này, họ liên tục lo lắng sẽ bị bóc mẽ là dạng phàm phu tục tử.
Giờ thì họ có thể được cứu rỗi khi Pierre Bayard, một giáo sư văn học tại Đại học Paris, hé lộ một chỉ dẫn hết sức cần thiết về việc làm sao để có thể kinh qua các lớp thảo luận văn chương. “Làm sao để nói về những cuốn sách chưa đọc” đã trở thành một best seller tại đây, và nhanh chóng được biên dịch khắp châu Âu, hiện đang được đàm phán tại Anh và Mỹ.
“Tôi vô cùng bất ngờ vì tôi chưa từng tưởng tượng những người không đọc lại cảm thấy tội lỗi đến thế”, Bayard, 52 tuổi, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn. “Qua cuốn sách này, họ đã có thể rũ bỏ cảm giác tội lỗi của mình mà không cần viện đến phân tâm học, nhờ vậy tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều.”
Bayard trấn an những người không đọc rằng việc đọc là không hề bắt buộc, và cũng thú nhận rằng đã từng giảng cho các sinh viên về những cuốn sách mà ông thậm chí chưa đọc, hoặc mới chỉ lướt qua. Ông gợi lại những cuộc tranh luận sôi nổi về cuốn sách bên những người cũng chưa từng đọc đến cuốn sách này.
Hơn thế nữa, ông còn trích dẫn các tác gia như Montaigne, một người không thể nhớ nổi mình đã đọc gì, hay Paul Valéry, một người luôn tìm được cách tôn vinh các tác giả sách mà ông còn chưa từng mở ra. Bayard cũng tìm thấy trong các tiểu thuyết của Graham Greene, David Lodge và một số người khác những nhân vật sẵn sàng đặt nghi vấn về sự cần thiết của việc đọc. Và ông cũng không để bị lấn lướt bởi Proust và Joyce.
Sau khi đã thuyết phục rằng có nhiều bằng chứng đứng về phía những người không đọc sách, Bayard đưa ra những bí kíp về việc làm sao để che đậy được sự thờ ơ với những cuốn sách thuộc dạng “phải đọc”.
Nếu phải gặp tác giả cuốn sách thì cũng khá lắt léo. Trong trường hợp này, Bayard nói không cần thiết phải trưng ra kiến thức về quyển sách, vì tác giả cuốn sách vốn đã có sẵn ý tưởng về nó rồi. Thay vào đó, ông nói, câu trả lời nằm ở việc “nói thật hay về nó mà không cần đi vào chi tiết”. Thực sự thì tất cả những gì mọi tác giả cần nghe chỉ là việc “ai đó yêu những thứ họ viết”.
Cuộc sống gia đình cũng là một trường hợp tiềm ẩn nhiều rủi ro. Người ta thường muốn bạn đời hay bạn tình cùng chia sẻ tình yêu với một cuốn sách, để khi đó, theo như lời của Bayard, họ có thể cùng chung sống trong một “vũ trụ bí mật”. Nhưng nếu như chỉ có một trong hai đọc cuốn sách này, mối thấu cảm lặng lẽ giữa hai người có lẽ sẽ không còn.
Riêng với các sinh viên, Bayard ghi lại từ chính trải nghiệm của mình, lại rất lão luyện trong việc bày tỏ quan điểm về những cuốn sách họ chưa từng đọc, dựa trên những yếu tố mà giảng viên đã cung cấp qua bài giảng. Cách tiếp cận này cũng tỏ ra hiệu quả trong những hoàn cảnh quy tụ nhiều cá nhân hơn: bìa cuốn sách, các lời phê bình và phản ứng của công chúng về cuốn sách, những câu chuyện ngoài luồng xoay quanh vị tác giả hay kể cả là những gì xã hội đang trao đổi cũng có thể là nguyên liệu giúp bạn tỏ ra mình hiểu biết.
Theo ông, một phương án là cố lái chủ đề sang hướng khác. Một cách khác là thừa nhận rằng mình không biết về đích xác cuốn sách ấy, nhưng vẫn gợi ý nói về mảng kiến thức của cái gọi là “thư viện tổng hợp”, trong đó nội dung cuốn sách phù hợp.
Nhưng một trong những lời gợi ý táo bạo nhất mà Bayard đưa ra, là rằng những người không đọc sách nên nói về chính bản thân họ, sử dụng phần lời đề tựa của cuốn sách thay vì đi sâu vào nội dung bên trong đó. Bằng cách này, họ bị buộc phải phát huy trí tưởng tượng của họ và hệ quả là có thể tự sáng tạo ra phiên bản sách của riêng mình.
Bayard viết:
“Có thể trình bày khéo léo về một thứ mình không biết thì còn giá trị hơn cả một thiên hà sách”.
Niềm yêu thích của Bayard đối với việc đả phá những thứ thần thánh cũng được thể hiện rõ rệt trong tiêu đề của một vài cuốn sách trước đó ông viết bao gồm “How to Improve Failed Literary Works” (tạm dịch; Làm sao để cải thiện những tác phẩm văn học hỏng), trong đó ông đã xem xét những cuốn sách thất bại của Proust, Marguerite Duras và một số người khác; cùng cuốn “Inquiry Into Hamlet” (Tạm dịch: Điều tra về Hamlet), trong đó ông đi vào chứng minh rằng Claudius không phải là người giết hại anh mình cùng cha của Hamlet, Vua Đan Mạch.
Trong cuốn sách mới này, ông tiếp tục đóng vai lật đổ, vì “Làm sao để nói về những cuốn sách chưa đọc” không hoàn toàn giống như những gì bên ngoài nó thể hiện. “Nó được kể bởi một nhân vật tưởng tượng, người luôn khoe khoang về việc không đọc gì, và người đó rõ ràng không phải là tôi,” ông giải thích. “Đây không phải là một cuốn sách do người không-đọc-gì viết nên”.
Nhưng ông nói, ông chọn phương kế này, vì ông muốn giúp mọi người chế ngự sự sợ hãi văn hóa bằng cách thách thức cách mà sinh viên hay cộng đồng tại Pháp vẫn tiếp xúc với văn học.
Ông nói: “Chúng ta chỉ được dạy một cách đọc. Sinh viên được yêu cầu đọc cuốn sách, sau đó điền vào một cái mẫu liệt kê chi tiết từng thứ họ đã đọc. Đây là một cách phương pháp truyền thống có mục đích để đặt những cuốn sách lên bàn thờ. Mọi người bây giờ gặp tôi để miêu tả những vết thương văn chương mà họ phải chịu đựng ở trường học. "Em phải đọc tất cả những gì của nhà văn Proust". Họ đã bị tổn thương tâm hồn.
“Họ nhìn văn hóa như mà một bức trường thành, như một bóng ma ‘kiến thức’ đáng sợ,” ông tiếp tục. “Nhưng chúng tôi, những nhà tri thức, những kẻ nghiện sách, biết rằng có rất nhiều cách để đọc một cuốn sách.
Bạn có thể đọc lướt, bạn có thể bắt đầu một cuốn sách mà không cần phải đọc đến trang cuối, bạn có thể nhìn vào phần tra cứu. Bạn có thể học cách sống với một cuốn sách.”
Vậy nên, đúng, ông thừa nhận, mục đích thật sự của ông là khiến mọi người đọc nhiều hơn – nhưng với sự tự do hơn. ‘Tôi muốn mọi người học cách sống với những cuốn sách,” ông nói. “Tôi muốn giúp mọi người tự vẽ ra con đường mình muốn đi trong thế giới văn chương. Và thu hút cả những người sống bên ngoài thế giới của ngôn từ, những người đã gắn bó với tranh ảnh tới mức thật khó để kéo họ trở lại.”
Vậy thì, tại sao, người ta hỏi ông, ông lại viết một cuốn sách dường như biện minh cho thói lười đọc?
“Tôi thích viết những cuốn sách thú vị,” ông nói. “Tôi cố gắng sử dụng sự hài hước để đối phó với những chủ đề phức tạp.”
Trạm Đọc (Read Station)
Theo Nytimes