Khói trời liệu có lộng lẫy được chăng?
Khói trời liệu có lộng lẫy được chăng?
Vẫn là câu chữ đậm đà chất Nam Bộ, vẫn những mảnh đời éo le nổi trôi giữa thiên nhiên sông nước, lần này được Nguyễn Ngọc Tư đào sâu hơn thông qua 9 truyện ngắn.

“Tôi đứng trong khói và tự hỏi, làm sao giữ được vẻ đẹp lộng lẫy này của khói, với mùi trứng kiến cháy với mùi của những con mối ú mềm, mùi lửa bén vào chiếc trái khế con rụng xuống nằm khô trong máng nước, mùi lửa liếm láp lên chiếc lông gà, cái quạt tàu cau giắt trên vách, chiếc chiếu đã đứt mấy sợi dây trân, và khói bắt đầu sẽ sàng bén vào những sợi tóc…

Khói này, là món quà cuối cùng tôi tặng em tôi. Nhưng khi nắm chúng lại, tôi chỉ nghe những ngón tay mình xỏ vào lòng bàn tay của chính mình.”

Vẫn là câu chữ đậm đà chất Nam Bộ, vẫn những mảnh đời éo le nổi trôi giữa thiên nhiên sông nước, lần này được Nguyễn Ngọc Tư đào sâu hơn thông qua 9 truyện ngắn. Mỗi câu chuyện là mỗi cuộc đời, mỗi một hoàn cảnh sống khác nhau. So với những tác phẩm trước đây tôi từng đọc, thì “Khói trời lộng lẫy” là tác phẩm được xây dựng hình tượng nhân vật và tình huống sự việc rõ nét nhất, chi tiết nhất. Nó dường như chỉ kể về số phận một con người, nhưng cũng dường như được tác giả dùng để ẩn dụ cho cả những kiếp đời nào đó giống nhau. Dưới ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tư, chuyện đời, chuyện người nghe mới thật là gần gũi, thân thương.

Giống như những tác phẩm quen thuộc khác của Nguyễn Ngọc Tư, “Khói trời lộng lẫy” cũng gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Đó là việc cốt truyện quá đỗi…”cũ rích”, không có nhiều đột phá. Người đọc chỉ cần đi đến gần nửa đoạn đường là đã đoán ra được kết cục. Hoặc cũng có cốt truyện tưởng chừng như đầy kịch tính nhưng thực ra lại rối rắm và thiếu chân thực.

Có thể kể ra một vài truyện điển hình: Cảm giác trên dây - truyện về một cô giáo dù đã có gia đình vẫn “say nắng” bởi tiếng yêu được cậu học trò của mình thổ lộ. Dòng máu giang hồ - truyện về những người thích phiêu bạt, nay đây mai đó, chỉ cần ở đâu còn có người thương thì ở đó vẫn gọi là nhà, với một mô típ khá chung chung, cảm xúc chủ yếu dựa vào lối dẫn truyện của tác giả. Nước như nước mắt - câu chuyện với cái kết bị rập khuôn, một cái kết mở khá mập mờ, mang hơi hướng phim truyền hình nhiều hơn.

Bên cạnh đó, cũng có những cốt truyện hay và nhiều ám ảnh: Có con thuyền đã buông bờ - chuyện diễn ra tự nhiên, nhiều chi tiết rất thực và rất đẹp, rất “người”. Mộ gió - chuyện về cô chị đáng thương bị gia đình trừng phạt cũng như tự mình trừng phạt mình vì đã gây ra cái chết cho cậu em trai. Chị dành cả cuộc đời dường như để kiểm điểm về lỗi lầm đó của mình, trong khi nó chưa hẳn là lỗi của chị, cũng chưa hẳn được coi là lỗi lầm...Tùy vào cảm nhận của từng người đọc, mà nội dung và giá trị của tác phẩm được đánh giá khác nhau.

Với tôi, “Khói trời lộng lẫy” không nằm trong danh sách những tác phẩm hay nhất của Tư, nhưng vẫn là tác phẩm đáng đọc. Lối viết đẹp, chắt chiu, giọng viết tự nhiên, có trầm có bổng, vẫn thể hiện được sự tài hoa điêu luyện trong ngòi bút của tác giả.

Theo #Hann - Hộc sách số 23.

 

Tags: