Bạn đang ở trong một bệnh viện tâm thần và đối mặt với một bệnh nhân có bệnh tình khá trầm trọng. Bệnh nhân này không tuân thủ các quy định và cũng không chịu uống thuốc. Mặt anh ta đỏ bừng, giọng bắt đầu ré lên - anh ta đang bị kích động. Bạn phải làm gì đây? Bệnh nhân này mắc chứng hoang tưởng. Anh nghe thấy có những tiếng nói ong ong trong đầu và luôn nghĩ có người đến bắt anh. Anh có tiền sử bạo lực, từng gây thương tích cho người khác, thậm chí giết người. Anh ta to con hơn bạn. Vậy bạn sẽ ứng phó thế nào?
Các nhân viên y tế Bệnh viện Oregon State ở Salem, Oregon, phải đối diện với các tình huống như vậy mỗi ngày. Đây là một bệnh viện lớn có một ngàn ba trăm giường bệnh, chuyên nhận những bệnh nhân có tình trạng trầm trọng và bạo lực nhất vùng Oregon, gồm cả những tội phạm tâm thần. Nếu đã xem bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết kinh điển Bay Qua Tổ Chim Cúc Cu của Ken Kesey, thì hẳn bạn đã biết về Bệnh viện Oregon State. Phim được quay tại bệnh viện này, và một số nhân viên ở đây đã xuất hiện trong vai quần chúng. Và Bệnh viện Oregon State thật sự đáng sợ như những gì được mô tả trong phim. Để ra vào bệnh viện, bạn phải qua một loạt các chốt kiểm tra có cửa thép khóa kín. Camera giám sát khắp nơi. Ngay cả khu nhà vệ sinh cho khách cũng có an ninh cẩn mật. Đó là kiểu phòng vệ sinh theo chuẩn nhà tù, mọi thứ trong đó đều không thể bị bẻ rời hòng sử dụng làm vũ khí.
Trong rất nhiều năm, nhân viên Bệnh viện Oregon State đã đáp trả những hành vi thách đố bằng cách thẳng tay trấn áp. Đôi khi họ không có lựa chọn nào khác ngoài biện pháp khống chế bằng vũ lực - các nhân viên to khỏe sẽ ghìm và gô cổ những bệnh nhân này lại. Còn những lần khác, họ phải nhốt bệnh nhân trong các phòng biệt giam nhỏ hẹp suốt nhiều giờ liền, tước đi một số đặc quyền của bệnh nhân, trừ điểm tích lũy bệnh nhân có được khi có hành vi tốt mà họ cần để được hưởng các lợi ích như xem phim hay thêm phần ăn nhẹ.
Nếu bạn nghĩ những biện pháp như vậy có thể tạo ra môi trường bình yên, hòa hợp, có khả năng hỗ trợ điều trị thì bạn nhầm rồi. Bệnh viện Oregon State có quá khứ đen tối về ngược đãi bệnh nhân và số vụ bệnh nhân tấn công nhân viên. Một cuộc khảo sát năm 2014 đã phát hiện một phần tư nhân viên của bệnh viện này “từng bị bệnh nhân hành hung trong năm trước đó”, và “chỉ 54% nhân viên cảm thấy an toàn khi làm việc”. Một số nhân viên bất mãn đã đăng lên Facebook hình ảnh những vết thương khủng khiếp do bị bệnh nhân gây ra.
Với hy vọng cải thiện tình trạng này, nhân viên của một số khoa đã tiến hành một thử nghiệm táo bạo mà nghe qua có vẻ điên rồ và thậm chí là mạo hiểm. Họ bắt đầu cư xử tử tế hơn. Khi các hành vi thách đố phát sinh, họ không đối phó mạnh tay nữa. Thay vào đó, bằng một cách bình tĩnh và có trình tự, họ tiếp cận bệnh nhân và cố gắng trò chuyện về vấn đề đang diễn ra mà không áp đặt bất kỳ giải pháp nào. Họ cũng thay đổi cách nghĩ của mình về hành vi thách đố của bệnh nhân. Thay vì mặc định là bệnh nhân cố tình chống đối và phá luật, các nhân viên y tế chọn cách tin là bệnh nhân sẽ cư xử đúng mực nếu họ có thể, và rằng họ không có hành vi cư xử thích hợp là vì họ không có khả năng làm như vậy - họ thiếu nhiều kỹ năng nhận thức liên quan đến việc giải quyết vấn đề.
Trên cơ sở của sự đồng cảm, các nhân viên đã cố gắng tìm hiểu kỹ hơn về góc nhìn của bệnh nhân, tìm hiểu xem những mối lo ngại nào khiến bệnh nhân có hành vi thách đố như vậy, đồng thời bày tỏ những mối quan tâm của mình. Họ đưa ra giải thuyết rằng chính những biện pháp trừng phạt truyền thống có thể đã châm ngòi cho những hành động bạo lực bùng phát trước đây, kích động bệnh nhân và khiến cảm xúc của bệnh nhân leo thang. Bằng cách loại bỏ những hình phạt này đồng thời tăng cường đối thoại, các nhân viên y tế hy vọng có thể giải quyết ổn thỏa xung đột, theo cách có thể làm hài lòng cả bệnh nhân lẫn nhân viên y tế.
Có thể bạn hiểu vì sao phương pháp này có vẻ “mềm mỏng”. Việc trò chuyện có thể sẽ có tác dụng với những bệnh nhân tương đối khỏe mạnh, nhưng làm sao bạn có thể thực hiện một cuộc trò chuyện ôn hòa và có lý lẽ với người tâm thần rối loạn và có nguy cơ bạo lực? Nếu người bệnh không thể kiềm chế được trong cuộc trò chuyện thì sao? Lỡ đâu anh ta “lên cơn” thì sao? Một nhân viên của bệnh viện từng chia sẻ với tôi, “Khi một bệnh nhân cao gần hai mét và nặng một trăm hai mươi lăm ký mất kiểm soát… những người xung quanh thật sự có nguy cơ bị tổn thương”.
Hóa ra bạn có thể giải quyết xung đột với những người có hành vi thách đố (challenging behavior) bằng các biện pháp được-cho-là mềm mỏng hơn. Một bệnh nhân trung niên, mà tôi sẽ gọi là Jim, có tiền sử tâm thần phân liệt. Anh thường xuyên gặp ảo giác, tin rằng FBI đang truyền suy nghĩ vào não anh và rằng những người xung quanh có thể đọc được suy nghĩ của anh. Sau khi ngưng dùng thuốc, anh bị hoang tưởng và không chịu tương tác với người khác. Anh không tham gia các buổi trị liệu tại bệnh viện với lý do là nhân viên y tế và bệnh nhân đang đọc suy nghĩ của mình. Anh nói là không thể tin họ được.
Thay vì buộc Jim tuân thủ quy định, một y tá đã đến nói chuyện với Jim về cách xử sự của anh. Cô nói, “Dạo này tôi không thấy anh tới điều trị. Có chuyện gì sao?”. Ban đầu, câu hỏi này khiến bệnh nhân trả lời cho qua chuyện. Tuy nhiên, sau ba, bốn lần thử hỏi lại kèm theo nhiều lời trấn an, ý tá đã biết được mối lo của Jim: anh lo người khác có thể đọc được suy nghĩ của anh. “Nghe sợ thật đấy”, cô y tá vừa nói vừa hình dung bản thân sẽ cảm thấy thế nào nếu bị mọi người đọc thấu từng suy nghĩ. Rồi cô bày tỏ sự lo lắng của mình, rằng bệnh nhân cần được điều trị nếu muốn khỏe lên. Thay vì yêu cầu bệnh nhân tuân thủ kế hoạch điều trị, cô hỏi anh ấy xem phải làm sao để giải quyết nỗi lo lắng của cả hai. Sự thật là cô cũng không chắc biện pháp trò chuyện này có thể hóa giải tình trạng hiện tại hay không. Nhưng Jim đã có một ý kiến: “Nếu tôi trùm giấy bạc lên đầu thì sao?”.
Hả?
Theo một cách nào đó, điều này là hợp lý. Jim cho rằng người khác đọc được suy nghĩ của anh qua sóng vô tuyến, và trong tình trạng hoang tưởng của mình, anh nghĩ giấy bạc có thể cản sóng. Vì thế, nếu anh đội giấy bạc lên đầu thì sẽ chẳng ai có thể đọc được suy nghĩ của anh nữa, và như vậy thì anh sẽ cảm thấy an toàn.
Cô ý tá không chắc lắm về hiệu quả của giải pháp đó. Cô nghĩ tấm giấy bạc có thể khiến các bệnh nhân khác xao lãng trong buổi trị liệu theo nhóm. Tuy nhiên, Jim lại đưa ra cách giải quyết mối bận tâm này: anh có thể trùm tấm giấy bạc mỏng lên đầu, sau đó đội nón lưỡi trai lên để che nó đi. Như vậy thì những bệnh nhân khác không thể biết được.
Mặc dù không chính thống nhưng cách này lại hiệu quả - cho cả cô y tá và bệnh nhân. Jim được phép trùm tấm giấy bạc dưới mũ lưỡi trai, và anh sẵn sàng tham gia trị liệu. Vấn đề được giải quyết. Nguy cơ xung đột bạo lực được dập tắt. Thay vì bắt bệnh nhân phải chịu đựng thêm tổn thương bằng cách trừng phạt, cuộc trò chuyện đã tạo ra sự tin tưởng giữa người bệnh và nhân viên y tế. Jim và cô y tá đã cùng nhau giải quyết các khó khăn của họ.
Qua nhiều ví dụ hàng ngày như ví dụ này, từng khoa điều trị của Bệnh viện Oregon State bắt đầu có nhiều cải thiện. Tại tất cả các khoa điều trị có áp dụng phương pháp này, tỷ lệ sử dụng biện pháp cách ly đã giảm 34% một năm và tỷ lệ sử dụng biện pháp giam giữ bệnh nhân giảm 40%. Thương tích ở bệnh nhân và nhân viên y tế giảm lần lượt là 24% và 12%. Tại một khoa, hành vi gây hấn giữa các bệnh nhân với nhau giảm hơn 70%. Các nhân viên y tế mô tả sự thay đổi này là rất rõ ràng, vì họ có thể nhận thấy bệnh viện đang trở thành một nơi nhân văn hơn và giàu lòng trắc ẩn hơn. Một nhân viên chia sẻ, “Ngày trước, việc đối xử tệ với bệnh nhân từng được coi là chuyện hiển nhiên”, nhưng giờ thì không còn như vậy nữa. Phương pháp mới là “biến việc đối xử tử tế với bệnh nhân thành chuyện hiển nhiên”. Một bệnh nhân cho hay anh rất thích cách tiếp cận mới này, nhấn mạnh rằng “những người ở đây thật sự đang cố gắng trò chuyện với tôi”.
Không còn “thương cho roi cho vọt”
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta đều gặp phải những người làm những điều mà chúng ta không thích. Ví dụ, chúng ta có thể gặp cảnh con cái không vâng lời, nhân viên đi làm muộn. Chúng ta xung đột với một nhân viên dịch vụ khách hàng trên điện thoại, mâu thuẫn với bạn bè, xích mích với người bạn đời, hoặc cãi vã với một người xa lạ đang xếp hàng chờ thanh toán trong cửa hàng tạp hóa. Trong các tình huống này, chúng ta dễ cảm thấy muốn phản ứng dữ dội và chứng tỏ uy quyền của mình, dù thực tế chúng ta không có chút quyền lực nào cả. Chúng ta có thể đe dọa người kia bằng một hậu quả nào đó, hoặc có thể đưa ra một lợi ích nào đó để khiến họ tuân thủ. Dù là cách nào đi nữa, chúng ta đều đang cố gắng áp đặt ý muốn của mình. Rất hiếm khi chúng ta dành thời gian lắng nghe người đó, cảm thông với những mối quan tâm của họ và cùng tìm ra một giải pháp có thể giúp đôi bên cùng hài lòng.
Các hệ thống của chúng ta chẳng mấy khi áp dụng sự cảm thông. Các biện pháp kỷ luật ở nước Mỹ từ lâu đã được tiến hành dựa trên giả thiết rằng người ta cố ý cư xử không đúng đắn. Thế là để người vi phạm có ý muốn hành xử đúng đắn, chúng ta phải thực hiện các bước khen thưởng hành vi tốt và trừng phạt hành vi xấu. Gia đình, trường học, nhà tù, các cơ sở điều trị sức khỏe tâm thần và công sở đều được vận hành theo một quan niệm là chúng ta có thể khuyến khích người khác cư xử đúng đắn bằng cách sử dụng các hình thức thưởng phạt để thao túng họ. Trong đời sống xã hội cũng vậy, các chính trị gia rất thường đánh vào nỗi sợ của người dân, hứa hẹn trừng trị và thẳng tay với bọn tội phạm, khủng bố và các quốc gia có thể gây tổn hại cho chúng ta hoặc không đáp ứng được các kỳ vọng của chúng ta, đồng thời họ không tiếc lời ca ngợi các cá nhân hay nhóm người hành động vì lợi ích chung.
Phần thưởng và hình phạt có vẻ là chuyện thường tình và hợp lý, nhưng thật ra đó là những thất bại tồi tệ. Nước Mỹ bỏ tù nhiều tội phạm hơn bất kỳ quốc gia nào, với hy vọng ngăn chặn hành vi phạm tội trong tương lai, thế nhưng có tới gần ¾ số tù nhân bị bắt lại trong vòng năm năm kể từ ngày được phóng thích. Hệ thống trường học đấu tranh với các hành vi thách đố bằng các chính sách “không khoan nhượng” và các hình phạt như cho tạm nghỉ học, cách ly, đình chỉ và đuổi học. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy chính sách “không khoan nhượng” khiến trường học trở nên kém an toàn và cản trở hàng triệu trẻ em đến trường. Ở môi trường công sở, các chính sách trừng phạt nhân viên không thể kiểm soát hành vi lạm dụng, thậm chí là bạo lực, gây thiệt hại hàng tỷ đô-la do năng suất lao động sụt giảm, khiến cuộc sống của nhiều nhân viên trở nên khốn đốn.
Mặc dù thoạt đầu thì thất bại này có vẻ khó hiểu, nhưng thật ra chúng ta đã hiểu vì sao các hình thức thưởng phạt không thể giải quyết các hành vi thách đố. Các nghiên cứu về thần kinh học trong nhiều thập kỷ cho thấy người ta không cố tình cư xử không đúng mực với mong muốn chống đối, gây chú ý hay đạt được mục đích nào đó. Họ cư xử tệ vì thiếu các kỹ năng tư duy cần thiết để đáp ứng các kỳ vọng và giải quyết xung đột. Vấn đề chính là ở kỹ năng chứ không phải ý chí. Nếu những người có khả năng học tập kém gặp khó khăn với các kỹ năng nhận thức trong việc đọc, viết, hay tính toán, thì một số người khác gặp khó khăn với các kỹ năng tư duy phản biện như sự linh hoạt, khả năng chịu đựng, khả năng giải quyết vấn đề. Họ rất khó kiểm soát cảm xúc và giải quyết xung đột, và điều này gây ra đủ dạng hành vi thách đố, bao gồm các hành động hung hăng và chống đối. Các hình thức kỷ luật truyền thống khiến vấn đề thêm trầm trọng, khiến người ta mất động lực hành xử đúng đắn vì họ cảm thấy bị cảm soát, thao túng và hiểu sai.
Những người có hành vi sai lệch không cố ý làm vậy.
Mặc dù được cho là có tính khoa học, các phương pháp truyền thống nhằm kiểm soát hành vi thách đố hoặc khó xử lý - vốn được định nghĩa chung là các hành vi mà chúng ta không mong muốn, hoặc không có khả năng hành xử theo cách chúng ta muốn - vẫn không xử lý được các vấn đề về hành vi, còn các cơ sở trị liệu, các trung tâm cải huấn và các cá nhân thì không biết bất kỳ phương án hay lựa chọn nào khác. Đa số các nhân viên y tế ở Bệnh viện Oregon State không hề muốn trấn áp bệnh nhân bằng vũ lực hoặc phải giam họ vào phòng cách ly. Nhưng như nhiều nhân viên đã nói với tôi, họ không biết cách nào khác để giữ trật tự và duy trì sự an toàn trong bệnh viện. Rất nhiều thầy cô giáo đã chia sẻ với tôi rằng họ đình chỉ việc học của học sinh vì cảm thấy nếu không làm vậy thì họ sẽ không thể kiểm soát được lớp học. Nếu bạn là phụ huynh và bạn đã từng cấm túc con hoặc rút lại một phần thưởng nào đó hòng kiểm soát hành vi của chúng, hãy tự hỏi: tại sao mình làm vậy? Nhiều khả năng câu trả lời là bởi bạn muốn con bạn tôn trọng các nguyên tắc của bạn nhưng bạn không biết cách xử lý nào khác.
Thật ra là có một phương pháp khác. Hơn mười lăm năm qua, tôi và các đồng nghiệp đã hướng dẫn hàng chục ngàn người tại các trường học, nhà tù, sở cảnh sát, các cơ sở trị liệu và các tổ chức khác (bao gồm cả Bệnh viện Oregon State) áp dụng phương pháp giải quyết xung đột mang tên Phương pháp Giải quyết vấn đề thông qua hợp tác (Collaborative Problem Solving - CPS). CPS là phương pháp thay thế cho các biện pháp thưởng phạt, một lối tư duy mà những người có thẩm quyền có thể áp dụng đối với người phạm lỗi, đồng thời cũng là một quy trình có tổ chức để tương tác trong các tình huống thực tế - cái mà tôi và đồng nghiệp gọi là Kế hoạch B. Cả phương pháp CPS lẫn Kế hoạch B đều được bắt đầu vào cuối những năm 1990, khi đồng nghiệp cũ và cũng là người hướng dẫn của tôi, Tiến sĩ Ross Greene, bắt đầu tìm kiếm các phương pháp thay thế cho biện pháp thưởng phạt truyền thống trong quá trình giải quyết vấn đề với những đứa con “nổi loạn” của ông. Khi đó tôi đã lấy bằng tiến sĩ và đang là nghiên cứu sinh tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts và Trường Y Harvard. Một phần công việc của tôi là làm việc với trẻ em và cha mẹ chúng, theo đó tôi đã tham gia nhóm giám sát mà Tiến sĩ Greene đang vận hành nhằm khuyến khích các nhà trị liệu làm việc với những đứa trẻ dễ bị kích động. Tiến sĩ Greene và tôi nhận thấy rằng cả hai chúng tôi đều muốn đưa ra các giải pháp mới, cụ thể hơn cho các bậc cha mẹ. Các gia đình tôi gặp đều vô cùng tuyệt vọng, họ không biết xử lý các hành vi thách đố của con mình thế nào, và họ gần như đã cầu xin tôi tìm ra những phương pháp thực tế hơn. Họ có thể làm gì khác đi để cải thiện cuộc sống gia đình?
Trong quyển sách The Explosive Child (tạm dịch: Đứa trẻ nổi loạn) của Tiến sĩ Greene xuất bản năm 1998, ông đã khái niệm hóa ba phương pháp khả thi để xử lý hành vi thách đố (hay “Giỏ” như cách ông gọi lúc đó). Giỏ A là phương pháp giải quyết bằng cách áp đặt ý muốn của bạn lên đứa trẻ. Bạn cố gắng khiến trẻ thực hiện điều bạn muốn, thường là bằng cách áp các hình phạt hoặc đưa ra các phần thưởng. Giỏ C thì ngược lại: bạn giải quyết xung đột bằng cách cho đứa trẻ những gì nó muốn. Giỏ B thì không được rõ ràng như vậy, đó là giỏ “thỏa hiệp”. Thay vì theo ý muốn của bạn hoặc theo ý muốn của trẻ, với giỏ B, bạn và đứa trẻ gặp nhau đâu đó ở giữa và tìm được một giải pháp trung hòa, một giải pháp không khiến một đứa trẻ có kỹ năng kém muốn phản kháng. Do các hình thức kỷ luật thông thường không có tác dụng đối với nhiều đứa trẻ, nên đối với các bậc phụ huynh và thầy cô, biện pháp thỏa hiệp có vẻ đủ cân bằng để mang lại kết quả tốt. Bằng cách không áp đặt ý chí của mình, người lớn sẽ có cách giải quyết các vấn đề trẻ gây ra do những hạn chế về kỹ năng của chúng.
Tiến sĩ Greene và tôi đã hướng dẫn các bậc cha mẹ về ba phương án này trong mỗi buổi thực hành lâm sàng, và chúng tôi nghiên cứu cách áp dụng Giỏ B. Cuối cùng chúng tôi đã nhận ra rằng Giỏ B cũng có những hạn chế của nó. Thỏa hiệp không phải là một giải pháp tối ưu cho nhiều vấn đề và thường gây bất mãn cho một trong hai bên hay cả hai bên. Thay vì vậy, bạn phải tham gia vào quá trình giải quyết vấn đề cùng đứa trẻ. Bạn phải cùng trò chuyện với trẻ, trao đổi cách nhìn nhận vấn đề, lắng nghe, cùng nhau tìm kiếm các giải pháp khả thi và nhất trí theo đuổi một giải pháp trong số đó. Chính quá trình hợp tác này, một hình thức đối thoại cụ thể giữa cha mẹ và con cái, đã khiến Giỏ B khác với hai giỏ còn lại.
Chúng tôi đã quyết định gọi các phương án này là “kế hoạch” thay vì “giỏ”, đồng thời xác định lại Kế hoạch B như một quá trình hợp tác thay vì đơn thuần là thỏa hiệp. Tuy vậy, chúng tôi vẫn chưa hoàn toàn thỏa mãn với hiểu biết của mình về Kế hoạch B. Chúng tôi tự hỏi không biết phạm vi của nó có rộng hơn so với hình dung ban đầu của mình không. Có lẽ đây là một quá trình không chỉ giúp giải quyết vấn đề mà còn để xây dựng những kỹ năng cơ bản. Như các nghiên cứu thần kinh học cho thấy, con người không thể xây dựng các kỹ năng tư duy chỉ bằng cách thực hành một tuần một lần trong phòng trị liệu. Họ từng bước phát triển các kỹ năng này bằng cách luyện tập trong các tình huống khó khăn thực tế. “Sự căng thẳng tích cực” với liều lượng nhỏ, lặp đi lặp lại trong một thời gian kéo dài sẽ tạo các đường dẫn truyền thần kinh mới trong não bộ. Nói tóm lại, bạn cần rèn luyện các bó cơ trí óc để chúng trở nên hiệu quả hơn - đó chính là điều mà chúng ta có thể làm được qua việc luyện tập kỹ năng tư duy trong các tình huống thực tế.
Bằng cách nỗ lực tham gia giải quyết vấn đề cùng ai đó, trẻ sẽ thực hành nhiều kỹ năng liên quan tới xử lý xung đột. Khi có cơ hội nói ra những mối bận tâm của mình trong quá trình giải quyết vấn đề, các em sẽ học được cách xác định, lý giải và bày tỏ những mối bận tâm đó. Khi được người lớn trấn an và lắng nghe tâm tư của mình, trẻ em sẽ học được cách bình tĩnh và tiết chế cảm xúc. Bên cạnh đó, vì được nghe người lớn bày tỏ nỗi lo lắng của mình, trẻ cũng sẽ học được cách cảm thông và có khả năng suy xét quan điểm của người khác, đồng thời tìm hiểu xem hành vi của chúng ảnh hưởng tới người khác như thế nào. Quá trình hợp tác để cùng động não, đánh giá và lựa chọn giải pháp giúp trẻ luyện tập các kỹ năng như tư duy linh hoạt, thiết lập giải pháp và kết nối hành động với kết quả. Được giới thiệu như một cách thức giải quyết vấn đề thông dụng, Kế hoạch B khiến não bộ phát triển tốt bằng cách tạo ra áp lực tích cực với liều lượng nhỏ và lặp đi lặp lại, tạo ra mối liên hệ nhận thức mới và các đường dẫn truyền mới trong não bộ.
Ít nhất thì đó chính là giả thuyết của chúng tôi. Khi ứng dụng Kế hoạch B trong phòng khám, chúng tôi bắt đầu nhận thấy tỷ lệ các hành vi thách đố giảm dần và kỹ năng cơ bản của trẻ được cải thiện. Các nghiên cứu sau đó đã xác nhận lại kết quả này. Phương pháp CPS và Kế hoạch B đã đạt được những kết quả đáng kinh ngạc khi được áp dụng để trị liệu cho những người lớn và trẻ em khó xử lý nhất nước Mỹ, giúp họ xử lý các xung đột trong cuộc sống hàng ngày, đồng thời luyện tập và phát triển các kỹ năng nhận thức mà họ thiếu. Phương pháp CPS và Kế hoạch B cũng giúp các bậc phụ huynh và giáo viên xử lý xung đột một cách thuần thục hơn. Khi phụ huynh và thầy cô giáo áp dụng phương pháp này với trẻ em, họ cũng khẳng định rằng điều này giúp cải thiện mối quan hệ của họ với vợ chồng mình, với đồng nghiệp, cấp trên, hàng xóm và những người khác. Họ biết cảm thông hơn, khéo léo hơn trong việc tìm ra các giải pháp mang lại sự hài lòng cho đôi bên, và họ ít có xu hướng áp đặt các câu trả lời chỉ vì mình có lợi thế hơn đối phương.
Kể từ năm 2008, khi tôi và Tiến sĩ Greene không còn làm việc với nhau, nhóm của tôi đã mở rộng phạm vi ứng dụng CPS và Kế hoạch B. Chúng không chỉ được áp dụng với những đứa trẻ dễ bị kích động mà còn được áp dụng để hỗ trợ trẻ em và người lớn trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Chúng tôi phát triển thêm và hoàn thiện phương pháp này bằng cách hợp tác với các nhà nghiên cứu về thần kinh hàng đầu cùng nhiều chuyên gia khác, và chúng tôi đã nghiên cứu tính hiệu quả của phương pháp này. Chúng tôi cũng có cơ hội hướng dẫn các tổ chức và cộng đồng - bao gồm cán bộ làm việc trong ngành giáo dục và sức khỏe tâm thần từ khắp các tiểu bang và địa phương - cách sử dụng phương pháp này. Ban đầu CPS và Kế hoạch B chỉ là một lựa chọn có ích cho một số đối tượng nhất định, nhưng sau đó nó đã trở thành một phương pháp mà tính hiệu quả của nó đã được xác thực và thừa nhận, có thể giúp gần như bất kỳ ai xây dựng kỹ năng và thay đổi hành vi thách đố của bản thân.
Cải thiện bất kỳ kỹ năng nào cũng đòi hỏi sự tận tâm, và thực tế là xã hội không cho chúng ta nhiều cơ hội để cùng ngồi xuống và thảo luận giải pháp với người khác. Nhưng hãy tưởng tượng nếu chúng ta có cơ hội như vậy thì sao. Hãy tưởng tượng là nếu có nhiều người thay đổi cách tư duy, như các nhân viên y tế tại Bệnh viện Oregon State đã làm thì sao. Hãy thử nghĩ xem sẽ như thế nào nếu thay vì vội vàng áp đặt ý chí của mình lên các cá nhân gây rối ở nhà hoặc ở nơi làm việc, ngày càng có nhiều người trong chúng ta nỗ lực cảm thông với họ, cùng họ suy nghĩ để tìm ra giải pháp và cho họ cơ hội để rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề. Hãy tưởng tượng trường học và nhà tù bắt đầu tập trung lắng nghe những người vi phạm quy chế và cùng hợp tác với họ để giải quyết các xung đột. Hãy tưởng tượng cảnh cảnh sát, thẩm phán, các cặp vợ chồng, bạn bè, hàng xóm - thậm chí là các quốc gia - bắt đầu ưu tiên sử dụng các cuộc đối thoại hợp tác để giải quyết xung đột. Khi đó xã hội sẽ ra sao? Cuộc sống của chúng ta sẽ thế nào?
Quyển sách này đưa ra cách tư duy mới về kỷ luật, xung đột, các mối quan hệ, cách giải quyết vấn đề, cũng như các công cụ đã được khoa học kiểm chứng để giải quyết các xung đột trong cuộc sống của bạn. Chương đầu tiên giới thiệu một ý tưởng đột phá, đó là con người cư xử đúng đắn nếu họ có khả năng làm vậy, chứ không đơn giản là vì họ có muốn hay không. Chương 2 cung cấp các bằng chứng khoa học cho thấy trên thực tế, kỹ năng chứ không phải ý chí mới là yếu tố quyết định hành vi. Chương 3 xác định rằng phương pháp thưởng phạt truyền thống gây hại nhiều hơn lợi, chất lên vai chúng ta các khoản phí khổng lồ. Chương 4 sẽ trình bày chi tiết về Kế hoạch B. Chương 5 kể về chuyện tôi và các đồng nghiệp đã ứng dụng thành công phương pháp này thế nào với các bậc phụ huynh và các tổ chức như trường học, nhà tù và các cơ sở điều trị bệnh tâm thần. Chương 6 và 7 hướng dẫn cách áp dụng Kế hoạch B và CPS để giúp các đội nhóm làm việc hiệu quả hơn cũng như tạo ra sự kết nối chặt chẽ hơn gia đình và bạn bè.
Những người theo chủ nghĩa truyền thống sẽ cho rằng tôi quá mềm mỏng khi xử lý hành vi xấu, rằng chúng ta cần áp dụng tình yêu cứng rắn và buộc mọi người phải tự chịu trách nhiệm. Tôi sẽ lập luận rằng việc khiến các cá nhân tham gia vào quá trình nỗ lực tìm kiếm giải pháp mới chính là buộc họ chịu trách nhiệm. Mài giũa kỹ năng qua quá trình hợp tác với nhau là một việc khó khăn hơn nhiều so với đơn thuần chấp nhận một hình phạt. Nỗ lực giải quyết vấn đề bạn gây ra là cách chịu trách nhiệm có ý nghĩa nhất.
Cách này cũng thường hiệu quả hơn. Khuyến khích ai đó làm điều bạn mong muốn có thể tạo ra ngoại lực thúc đẩy người đó cư xử tốt, nhưng lại không khiến người đó có động lực nội tại - sự thôi thúc từ bên trong để hành xử tốt. Như tác giả có sách bán chạy Daniel Pink và nhiều người khác đã cho thấy, sử dụng hình phạt hoặc phần thưởng để buộc một người hành xử theo cách nào đó sẽ làm giảm đáng kể động lực nội tại của người đó. Ví dụ, lạm dụng phần thưởng sẽ khiến người ta quan tâm nhiều hơn đến việc giành được phần thưởng và ít quan tâm hơn đến mục tiêu mà bạn mong muốn họ theo đuổi. Cách nuôi dưỡng động lực nội tại trong người khác là hãy cho họ cảm nhận tinh thần làm chủ, cảm thấy được kiểm soát hoàn cảnh xung quanh và có được sự kết nối dựa trên lòng cảm thông. Các biện pháp thưởng phạt truyền thống không nuôi dưỡng được bất kỳ yếu tố nào trong số này. Bạn đang tước bỏ sự tự chủ, năng lực và sự kiểm soát của người khác bằng cách áp đặt ý chí của bạn lên họ, bạn đang khiến họ muốn phản kháng, và do đó bạn cũng khiến họ dần dần mất đi cảm giác được gắn kết với người có trách nhiệm quản lý họ. Chắc chắn bạn không nuôi dưỡng sự cảm thông, vì bạn không hề thể hiện lòng cảm thông trong quá trình áp dụng biện pháp xử phạt hoặc khen thưởng.
Phương pháp CPS rất phù hợp với các nghiên cứu tâm lý gần đây về việc làm thế nào con người có thể cải thiện hành vi và phát huy hết khả năng. Trong quyển Mindset (tạm dịch: Lối tư duy), Tiến sĩ Carol Dweck, nhà tâm lý học tại Đại học Stanford, đã phân biệt tư duy “cố định” - trong đó con người gắn hiệu quả làm việc của mình với những phẩm chất mà họ có sẵn - và tư duy “phát triển” - trong đó con người gắn hiệu quả làm việc với những kỹ năng mà họ có thể thay đổi được. Theo gợi ý của Tiến sĩ Dweck, tư duy phát triển có nhiều khả năng sẽ giúp con người tiến bộ theo thời gian vì nó khiến họ lạc quan hơn và giàu hy vọng hơn về những gì họ có thể đạt được, do đó họ có nhiều động lực để hành động hơn. Triết lý tổng quát kỹ năng chứ không phải ý chí của phương pháp CPS vô cùng phù hợp với khái niệm tư duy phát triển của Tiến sỹ Dweck. Nếu bạn tin việc thành thạo các kỹ năng dẫn tới cách hành xử tốt hơn, thì bạn sẽ tin là mình có thể tiến bộ bằng cách mài giũa kỹ năng - nghĩa là hiệu quả làm việc không phải là một thứ “bẩm sinh”. Ngược lại, hình thức thưởng phạt khiến người ta hình thành kiểu tư duy cố định. Nếu một người nỗ lực nhưng thất bại và phải nhận hình phạt, người đó sẽ cảm thấy mình không có năng lực hoàn thành nhiệm vụ; họ và những người xung quanh họ có thể sẽ mất niềm tin và nghĩ về họ như một người vốn dĩ là “dở tệ”. Phương pháp CPS vận hành tư duy phát triển, vạch ra một lộ trình mà theo đó người ta có thể thật sự luyện tập và xây dựng kỹ năng. Nếu chỉ nghĩ về bản thân như một người có thể học, phát triển và thay đổi thôi thì chưa đủ. Bạn còn cần có một kế hoạch rõ ràng để thực hành những điều đó. Đó là điều CPS cung cấp cho bạn.
Ngày nay khi nói đến hiệu quả làm việc, chúng ta nghe nhiều người nhấn mạnh về tầm tầm quan trọng của tính kiên cường nếu muốn thay đổi cách hành xử của mình. Như Tiến sĩ Angela Duckworth, giáo sư tâm lý tại Đại học Pennsylvania, đã lập luận rằng tài năng không phải là yếu tố quá then chốt để dẫn tới thành công như sự kiên cường, đam mê hoặc tính kiên trì. Dĩ nhiên, có nhiều khả năng bạn sẽ kiên cường hơn nếu bạn có lối tư duy phát triển - hai yếu tố này song hành với nhau. Chịu ảnh hưởng của nghiên cứu này, nhiều trường học đã nỗ lực giúp trẻ em bồi dưỡng lòng kiên cường. Vấn đề là làm cách nào. Khi tới thăm một số trường, tôi đã gặp gỡ nhiều giáo viên và nhân viên giáo vụ, những người đề cao tính kiên cường nhưng không biết làm sao để nuôi dưỡng đức tính này trong bọn trẻ. Đây cũng là lúc phương pháp CPS phát huy tính thực tiễn. Bạn có thể giúp người khác trở nên đam mê và kiên trì hơn trên con đường phát triển bằng cách tập trung vào các kỹ năng cơ bản của họ. Sự kiên trì phụ thuộc vào nhiều kỹ năng liên quan đến tính linh hoạt, khả năng vượt khó và chịu đựng căng thẳng, cũng như khả năng giải quyết vấn đề. Khi người ta xây dựng được các kỹ năng này, họ trở nên kiên cường hơn. Phương pháp CPS giúp con người tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống bằng cách khắc phục những gì đã âm thầm kìm giữ họ - họ không thiếu nỗ lực mà là thiếu kỹ năng.
Nếu bạn muốn tạo động lực thúc đẩy người khác hành xử đúng đắn hơn vì họ muốn thế, nếu bạn muốn họ tin rằng họ có thể thay đổi, và nếu bạn muốn họ kiên trì theo đuổi sự thay đổi, hãy đọc tiếp để hiểu thêm về phương pháp CPS. Phương pháp này còn mang lại nhiều lợi ích khác. Tại Bệnh viện Oregon State, CPS chưa điều trị được bệnh nhân rối loạn tâm thần, nhưng nó giúp các nhân viên y tế xoa dịu những lo âu của người bệnh và làm cho họ cảm thấy được tôn trọng và thấu hiểu. Theo thời gian, quá trình hợp tác cũng giúp những bệnh nhân này học và rèn luyện các kỹ năng tư duy phản biện mà họ thiếu. Ngay cả đối với các bệnh nhân có tình trạng nghiêm trọng nhất và tại một cơ sở điều trị có nhiều thử thách nhất như Bệnh viện Oregon State, chúng ta vẫn có thể đạt được nhiều tiến bộ nếu thừa nhận là chính việc thiếu kỹ năng đã gây ra những vấn đề về hành vi, nếu biết đối xử với bệnh nhân bằng lòng trắc ẩn và sự cảm thông, và nếu chúng ta cộng tác với họ để thay đổi cách suy nghĩ của họ.
Tôi chưa từng gặp người nào mà bản thân họ lại muốn làm người xấu. Tất cả chúng ta đều cố gắng hết sức để ứng phó với những gì cuộc sống đem lại bằng cách sử dụng các kỹ năng mà chúng ta có. Thế nên hãy thay đổi cách chúng ta tư duy về xung đột, giải quyết vấn đề và tinh thần kỷ luật. Bạn có thể xây dựng được các mối quan hệ lành mạnh hơn và hữu ích hơn trong cuộc sống, đồng thời giảm bớt căng thẳng gây ra từ những xung đột triền miên. Bạn cũng có thể vừa giúp người khác xây dựng kỹ năng giải quyết vấn đề vừa tự xây dựng kỹ năng cho mình. Chúng ta có thể cùng nhau cải thiện đời sống gia đình, điều kiện tại nơi làm việc và trường học bằng cách lan tỏa thái độ lịch thiệp và lòng trắc ẩn. Chúng ta có thể làm được tất cả những điều đó bằng cách hợp tác với nhau tốt hơn để đạt được những giải pháp sáng tạo, cũng như hiểu rằng chúng ta thường thiếu kỹ năng chứ không phải thiếu ý chí để hành xử đúng đắn. Tất cả chúng ta đều có khả năng thay đổi. Tất cả phải khởi đầu bằng việc giúp nhau thay đổi cách tư duy.
Hãy thay đổi cách chúng ta tư duy về xung đột, giải quyết vấn đề và tinh thần kỷ luật.