Khi loài vật lên ngôi: Trượt Nobel là thiên kinh địa nghĩa
Khi loài vật lên ngôi: Trượt Nobel là thiên kinh địa nghĩa
Nhận 7 đề cử Nobel Văn chương 7 năm liên tục, nhưng toàn ra về tay trắng. Čapek bị hắt hủi vì cớ làm sao?

Luận án tiến sĩ đã nộp từ lâu

Không nhiều nhà văn được đề cử giải Nobel văn chương như Čapek: đằng đẵng suốt 7 năm liên tục, 1932-33-34-35-36-37-38, ông được các giáo sư và tiến sĩ văn chương nộp tên cho hội đồng xét giải. Và hết năm nay qua năm khác, ông tiếp tục trượt dài trong danh sách những người không được Nobel. Ông gia nhập hàng ngũ của những Leo Tolstoy, James Joyce, Vladimir Nabokov, Marcel Proust, Jorge Luis Borges. Ông bị thua một cách cay đắng những Ivan Bunin, Luigi Pirandello, hay Pearl Buck, đặc biệt là Pearl Buck.

Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Čapek, “Khi loài vật lên ngôi”, bên cạnh những kiệt tác khác như vở kịch đã đi vào kinh điển “R.U.R” và bộ ba tiểu thuyết “Hordubal,”” Meteor,” “An Ordinary Life”, ra đời năm 1936, ngay lập tức đã được dịch ra tiếng Anh và xuất bản năm 1937 bởi cặp vợ chồng dịch giả chuyên dịch tác giả này sang tiếng anh Marie và Robert Weatheral. Trước đó danh tiếng của Čapek đã dội khắp châu Âu và thế giới: vở kịch “R.U.R” ra đời năm 1920 của ông nhanh chóng được dịch ra hơn 30 thứ tiếng và công diễn ở các thành phố lớn như London và New York. “Khi loài vật lên ngôi” của Čapek được các phê bình gia cũng như các nhà nghiên cứu ca ngợi nhiệt liệt. Nhà nghiên cứu Harry Levin đã có một bài điểm sách ngay năm 1937 và đưa ra một nhận định chắc nịch: Với “Loài vật lên ngôi” mà ủy ban xét duyệt Nobel còn lờ Čapek đi nữa thì là chuyện rất khó.

Các vị giám khảo, dĩ nhiên, đã lờ tịt Čapek đi. Nhưng trước khi lờ, họ có đề nghị ông rằng, sẽ trao giải cho ông, nếu cuốn tiếp theo ông viết nhàm chán và vô hại đi một chút. Một chút ở đây là rất nhiều. Đáp lại lời đề nghị có phần hài hước này, Čapek bảo: tôi đã nộp luận văn tiến sĩ từ lâu rồi. Ông quả đã hoàn thành tiến sĩ chuyên ngành mỹ học hơn chục năm trước.

Tại sao ủy ban Nobel lại có lời đề nghị có thể coi là vừa ấu trĩ vừa thức thời này? Rất đơn giản, Čapek bị Gestapo liệt vào dạng “kẻ thù nhân dân” – như Trump liệt một loạt báo chí. Čapek qua đời năm 1938, chỉ vài tháng sau, khi Anh và Pháp để mặc cho phát xít Đức đánh chiếm Séc, vợ ông bị bắt, anh trai ông cũng bị bắt và chết trong trại tập trung. Ủy ban Nobel thuần túy sợ phát xít. Họ không dám tôn vinh một nhà văn giễu nhại và “gây hấn” với tất tần tật các loại chủ nghĩa và các chế độ toàn trị. Čapek sáng tạo ra một thứ văn chương không “phải đạo” mà vinh danh ông đồng nghĩa với đồng tình với việc lên tiếng tố cáo tội ác của phát xít. Ủy ban Nobel xin được phép không dại mà làm điều đó. Không phải ai cũng chịu được châm chích, đặc biệt là Phát xít.

“Chiến tranh với loài Lưỡng thê” – Khi Giễu-nhại lên ngôi và Sự bứt đẩy lằn ranh tiểu thuyết

Hoàn toàn không phải là quá lời coi “Khi loài vật lên ngôi” là một trong những tác phẩm đỉnh cao của nghệ thuật giễu và nhại. Việc mô phỏng các phong cách văn chương ở tác phẩm này bắt đầu từ rất sớm, ngay từ những trang đầu của “Khi loài vật lên ngôi”, khi câu chuyện về tay thuyền trưởng J. van Toch phát hiện ra một giống sa giông sinh sống dưới nước có khả năng đứng bằng chi sau, chi trước bước cầm nắm, có trí khôn và có khả năng bắt chước và huấn luyện để làm theo các hoạt động của giống người, được ông ta đào tạo trở thành nô lệ săn ngọc trai: những trang viết về hòn đảo xa xôi trên trái đất có dáng dấp của du ký thời Victoria, với sự pha trộn của đủ các loại ngôn ngữ địa phương và sắc tộc. Chậm rãi, từng bước, sự mô phỏng tăng tốc, theo tốc độ phát triển và lan tỏa của loài sa giông. Ở “Khi loài vật lên ngôi” có một cấu trúc song song giữa sự lên ngôi của sa giông và sự lên ngôi của giễu nhại.

Được một thuyền trưởng khác, lần này là “thuyền trưởng của nền công nghiệp,” của đại tư bản đóng tàu Bondy (ở một đất nước không có đường bờ biển!) tài trợ tiền để đầu tư cho dự án săn và buôn bán ngọc trai của van Toch, loài sa giông bắt đầu bứt thoát ra vùng đảo nhỏ hẹp của mình, bị vận chuyển đi khắp nơi trên thế giới, bị nhân giống và phân loại, biến thành công cụ lao động phục vụ cho loài người một cách chuyên nghiệp. Trong các kỹ năng, có lẽ quan trọng nhất là việc chúng học được tiếng người (một chi tiết vô cùng quan trọng với ý nghĩa ẩn dụ cao với nước Séc và việc Čapek cương quyết viết bằng tiếng Séc để kiến tạo bản sắc dân tộc, rất khác lựa chọn của Kafka và tiếng Đức). Chúng bắt đầu có khả năng giao tiếp: trường đoạn con Andrew Scheuchzer ở sở thú nhờ đọc báo và giao tiếp với người hoàn toàn qua những câu chuyện và câu cú, từ ngữ mà nó học được từ báo có lẽ là một trong những cú giễu nhại hài hước, đặc sắc và có tính báo hiệu cao nhất ở “Khi loài vật lên ngôi”. Nó không chỉ chế giễu cái ý tưởng con người ta bị khuôn đúc nếu bị chìm đắm trong một thứ văn hóa độc tôn, không chỉ là nhại các cách thức giật và đưa tin của báo chí, nó là bước đệm quan trọng trong tiến trình lao các bậc thang văn minh để tiến vào thời đại sa giông.

Có lẽ những trang nổi bật của “Khi loài vật lên ngôi” – mà giáo sư Peter Swirski coi là 70 trang trong những trang xuất sắc nhất từng xuất bản là phần thứ hai của cuốn sách. Dưới dạng bộ sưu tập các tài liệu của ông Povondra về loài sa giông, người giữ cổng năm nào của ông Bondy đã cho van Toch vào gặp mặt chủ mình, thu thập được qua năm tháng, văn bản trưng bày một cách rầm rộ và phô phang lộ liễu tất cả những cách tân, những sáng tạo, những sắp xếp tài tình của tác giả. Khi thì là một bài báo cắt ra, khi thì là báo cáo và tài liệu khoa học, khi là thông tin đưa nhanh, khi là câu chuyện hư cấu, khi thì là ghi chép các bộ luật, khi thì là tuyên ngôn đoàn kết, khi là thì bài tường thuật v.v… Čapek đã thêu dệt nên một tấm thảm kỳ quặc và độc đáo của muôn mặt sự nhại. Không chỉ nhại nội dung của các văn bản ấy vận hành, Čapek vốn là người làm báo thập thành đã áp dụng tất cả các hình thức của các chúng, tạo thành một trò chơi cả về mặt nội dung lẫn thị giác đập vào mắt người đọc.

Čapek không phải là người đầu tiên biết sử dụng thay đổi về font chữ và hình ảnh để gây ấn tượng về mặt thị giác. James Joyce mới là người đầu tiên làm việc đó ở Ulysses từ hồi 1922 với chương số 7 “Aeolus” khi tiểu thuyết biến thành một tờ báo với các dòng chữ in hoa để mô phỏng tít còn in thường là nội dung (và ở các chương khác nữa). Nhưng Čapek là người đã đẩy việc áp dụng sự thay đổi ấy lên một tầm cao mới, bằng việc cho tích hợp không chi font chữ, mà còn là hình ảnh, biển hiệu, hóa đơn… ở đúng dạng thức của nó vào văn bản, và kéo căng thể loại của “Khi loài vật lên ngôi” với tư cách một tiểu thuyết ra vô cùng. Tiếp theo Joyce, Čapek cho thấy người viết có thể biến đổi tiểu thuyết đến mức độ nào, có thể làm cho văn bản có khả năng dung nạp được những dữ liệu, những sáng tạo độc đáo đến mức nào. Chính ở Čapek mà chúng ta có thể thả những bước thăm dòcủa chủ nghĩa hậu hiện đại, của việc văn bản luôn gợi nhắc người đọc bằng việc cung cấp các chỉ dẫn rằng đây chính là “văn bản” chứ không phải là một hiện thực. Một trong những điểm nổi bật nhất trong cái thư mục đấy chính là việc Čapek cấy cho các ghi chú một vai trò độc đáo, mà không nghi ngờ gì, những nhà văn lớn sau này đã lần lượt học tập ông. Bằng việc tạo ra các ghi chú cho các tài liệu khoa học, các bài báo, Čapek đã biến ghi chú từ chức năng ngoài văn bản thành cái kiến tạo các giọng mới, các câu chuyện mới, khi thì củng cố mạch tự sự chính, khi lại can thiệp và làm gián đoạn. Các ghi chú của Čapek tồn tại vừa độc lập vừa tham gia vào việc cấu thành câu chuyện chính, tạo thành một văn bản đa thanh đa chiều bậc nhất.

Các văn bản tác hợp với nhau trong một dòng cuồn cuộn của nhại, chế giễu không loại trừ một đối tượng nào: từ các nhà khoa học, đến báo chí, đến doanh nhân, đến giới văn nghệ sĩ, chính trị gia, các loại hiệp hội của phụ nữ, của nhân quyền, của nhân văn, của liên hiệp châu Âu; từ chủ nghĩa khoa học, chủ nghĩa tiêu dùng, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa thực dân… Tất cả các loại chủ nghĩa đều có thể soi mình trong “Khi loài vật lên ngôi” và thấy mình bị bêu lên vũ đài của chế giễu: Sa giông kia là ai? là người da đen bị treo cổ không tòa, bị buôn bán và bắt làm nô lệ, bị phân loại và cưỡng bức, hay chính là những phần tử đang dần lên của chủ nghĩa phát xít, của các chính quyền toàn trị, của kêu gọi lao động và đoàn kết toàn thế giới lại?

Văn chương của phi-cấp và đạo đức: Čapek một nhà văn lập thể

Giáo sư văn chương Peter Swirski coi văn chương của Čapek là một thứ văn chương phi-cấp. Không phải cao cấp, không phải thứ cấp, “Khi loài vật lên ngôi” cùng nhiều tác phẩm khác của Čapek từ chối một cấp bậc được phân loại: Nó là một thứ nghệ thuật cao hòa quyện nhuần nhuyễn với khả năng tạo được tiếng cười và giải trí cho độc giả. Vốn là người tôn vinh cái thường nhật, lại cực kỳ mê truyện trinh thám, đặc biệt là Sherlock Holmes, Čapek coi văn chương phải có khả năng thu hút được độc giả, phải làm cho họ dán mắt vào câu chuyện. Chính vì thế, Čapek tập trung vào những câu chuyện phổ biến thường nhật thường hay xuất hiện trên báo chí, từ chuyện giật gân cướp hiếp giết, đến những mẩu chuyện lẻ tẻ nhưng luôn lấy tâm điểm là con người, với số phận con người trong các tình thế o ép để từ đấy bóc trần bản chất đời sống. Và ông viết bằng một phong cách giải trí hiếm có.

Một khía cạnh khác về Čapek chính vì thế bật lên ở đây: Ông là một trong những nhà văn cực kỳ coi trọng vai trò đạo đức của văn chương và người cầm bút. Việc này thể hiện trong rất nhiều ứng xử đời sống và văn chương của ông: thành công vang dội với vở kịch “R.U.R” nhưng ông nhanh chóng từ bỏ viết kịch để quay sang làm báo, bởi với ông báo chí có khả năng tiếp cận và khai thác những vấn đề trực tiếp liên quan tới đời sống; văn chương với ông không phải để giải trí đơn thuần, mà có giá trị cảnh báo con người về những biến dị khả thể nảy nòi trong những cực đoan của đời sống; ông từ chối chạy khỏi Séc dù đất nước đang có nguy cơ bị Phát xít xâm lược; ông từ chối viết một thứ văn chương nhàm chán vô hại dù cho nó có đem lại cho ông giải thưởng Nobel. Như chính lời Čapek khẳng định trong lời mở đầu của “Khi loài vật lên ngôi”, những gì ông đề cập không phải là một tương lai xa xôi mà chính là hiện thực: “Văn chương mà không quan tâm tới hiện thực và với những gì đang diễn ra trên thể giới, không thể phản ứng được mạnh mẽ hết khả năng của ngôn từ và lý tưởng – thứ văn chương như vậy không phải là thứ tôi quan tâm.”

Những ý tưởng về một thế giới tận thế, sự suy tàn của giống người, vai trò của mỗi cá nhân trong việc đẩy nhân loại tới diệt chủng trong “Khi loài vật lên ngôi” thực ra đã được triển khai từ rất sớm, trong “R.U.R”. Những con robot – người nhân tạo – dưới ách áp bức bóc lột của loài người đã vùng lên quật khởi tiêu diệt con người và chiếm lấy cả trái đất: những hình ảnh ấy không khác gì với loài sa giông, và lời hiệu triệu Hỡi robot toàn thế giới liên hiệp chống lại loài người, vang vọng ở ở phần 3 của “Khi loài vật lên ngôi”, khi sa giông đã dần đánh sụp các lục địa và chiếm hết chỗ sống của loài người – dùng chính các loại bom mà loài người đã cung cấp cho chúng. Vẫn dùng cơ chế kẻ áp bức – kẻ bị áp bức, và mô típ lật nhào cán cân quyền lực, Čapek ở “Khi loài vật lên ngôi” viết một câu chuyện có kết thúc yếm thế hơn hẳn so vở kịch kia. Quan trọng hơn, ở “Khi loài vật lên ngôi”, Čapek đã công kích và tiên tri một cách toàn diện việc nhân loại đắm chìm trong các “chủ nghĩa” sẽ dẫn đến hậu quả như thế nào. Tránh rơi vào sự cực đoan của một góc nhìn, “một chủ nghĩa”, cũng là tránh sự quá độ dẫn đến góc nhìn méo mó, là điều mà Čapek tìm mọi cách cổ vũ trong tác phẩm của mình.

Čapek, là một nhà văn lập thể, thể hiện góc nhìn đa dạng, mà không dành quyền ưu tiên cho một lý tưởng nào. Phương pháp viết lập thể này thể hiện rất rõ trong tập truyện ngắn “Hoa cúc xanh” nhưng có những câu chuyện được ông kể từ các góc nhìn khác nhau, để cho độc giả thấy cùng một sự việc nhưng qua các lăng kính sẽ dẫn đến những cách ứng xử khác nhau như thế nào. Đây cũng chính là cách mà ông triển khai ở bộ ba tiểu thuyết đề cập ở trên. Ở “Khi loài vật lên ngôi”, độc giả lại chứng kiến sự lên ngôi của cực đoan, không còn nghi ngờ gì nữa, là nguyên nhân dẫn đến lụi tàn.

Sự lập thể của Čapek còn thể hiện tài tình ở lối giễu nhại có khả năng vừa bao trùm vừa chỉ đích danh đối tượng. Vấn đề không chỉ là nhận ra Čapek đang giễu những gì, vấn đề là nhận ra Capek không bị khuôn văn chương của mình vào một cái giễu nhất định: những đối tượng của ông đa dạng, phong cách thì biến ảo, chính là hai yếu tố khiến văn chương của Capek không bị khuôn vào một bộ khung nhất định nào cả. Các giễu nhại của ông liên tục tạo ra nghĩa bằng cách ám chỉ, nhờ thế mà tạo ra các diễn giải vô tận, đó là một thứ văn chương chống lại sự cố định hóa. Tất cả các chủ nghĩa với danh sách kéo dài vô tận đều có dáng hình trong “Khi loài vật lên ngôi” bởi chúng đều chia nhau sự “quá đà” – sự tham lam của con người – mà Čapek đã tóm gọn.

Văn chương của Čapek vì thế có khả năng từ chối bị xếp hạng, bị phân loại: nó từ chối mọi dán nhãn.

 

Trạm Đọc

Theo Bên phía nhà Z