Khám phá điều ít biết về tiểu thuyết hợp tác, có khi lên tới… 115 tác giả
Việc có nhóm tác giả thay phiên nhau viết một tiểu thuyết hợp tác dù không ai biết trước điều gì, ngoại trừ người đang viết phần đó, thường dẫn đến những bất ngờ, kích thích sự sáng tạo.
Nghe hơi lạ tai nhưng tiểu thuyết hợp tác là hoàn toàn có thật, nghĩa là tác giả này viết một phần hoặc một chương rồi chuyển cho tác giả khác viết tiếp phần mới vào tác phẩm, với quy tắc là mỗi phần hoặc mỗi chương tiếp theo phải tuân theo cốt truyện của các chương hoặc phần trước. Thuật ngữ tiếng Anh dùng để gọi phương pháp sáng tác này là Collaborative fiction; người Trung Quốc gọi là Tiếp long tiểu thuyết (接龍小說, Jiēlóng xiǎoshuō), Tây Ban Nha gọi là Ficción colaborativa, Thụy Điển gọi là Kollaborativ fiktion...
Tiểu thuyết hợp tác còn được gọi là tiểu thuyết xâu chuỗi (Chain novel), không ai biết trước điều gì diễn ra, ngoại trừ người đang viết phần nào đó. Phương pháp viết này là một dự án thường dẫn đến những bất ngờ, một nỗ lực hợp tác nhằm kích thích sự sáng tạo và khám phá những ý tưởng mới
Thông thường đã gọi là hợp tác thì có ít nhất 2 người. Thí dụ bộ sách Xấu xa (Wicked) và Chết chóc (Deadly) của Paul Jennings và Morris Gleitzman, tác giả đầu viết vài chương rồi gửi cho tác giả kia đọc để viết tiếp vài chương, cứ thế mà liên kết sáng tạo cho đến khi hoàn thành tác phẩm.
Đôi khi một nhóm lên đến 14 tác giả, thí dụ nhóm viết truyện trinh thám của Detection Club với chủ soái là Agatha Christie – một nữ văn sĩ rất nổi tiếng, có nhiều sách được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Nhóm này trình làng quyển The Floating Admiral vào năm 1931, có tổng cộng 12 chương, mỗi tác giả viết một chương.
Năm 1989 tác phẩm Những hang động (Caverns) được trình làng. Đây là quyển tiểu thuyết hợp tác của 14 thành viên trong lớp viết sáng tạo do nhà văn Mỹ Ken Kesey dạy ở Đại học Oregon khởi xướng. Ngoài bìa ghi tên tác giả của tiểu thuyết thể nghiệm này là O.U. Levon, đánh vần ngược lại là Novel U.O (University of Oregon).
Năm 2007 xuất hiện tiểu thuyết Một triệu chim cánh cụt (A Million Penguins) với rất nhiều người là đồng tác giả. Đây là dự án của trang mạng Penguin Books UK phối hợp với nữ tiểu thuyết gia Kate Pullinger (Canada), thay mặt cho Viện Công nghệ Sáng tạo của Đại học De Montfort thực hiện. Mở màn là nhà xuất bản nổi tiếng Penguin Books, sau đó là những độc giả của trang web tham gia, muốn viết gì thì viết để thành tổng thể tác phẩm chung. Tuy nhiên, do bị phá hoại nên dự án này sớm kết thúc cũng vào năm 2007.
Ở Ý, viết tiểu thuyết hợp tác được xem là một truyền thống. Những tác phẩm đáng chú ý là Sa hoàng chưa chết (Lo zar non è morto, 1929), một sáng tác tập thể của nhóm tương lai học "Gruppo dei Dieci", Thư gửi một cô giáo (Lettera a una professoressa,1967), một tiểu thuyết best-seller của Wu Ming - bút danh của một nhóm tác giả người Ý thành lập năm 2000. Wu Ming (无名) có nghĩa là “Vô danh” trong tiếng Trung Quốc. Trong lãnh thổ của kẻ thù (In territorio nemico, 2013) là tiểu thuyết lịch sử được thực hiện theo dự án SIC (Scrittura Industriale Collettiva) do Gregorio Magini và Vanni Santoni điều phối. Đây là quyển tiểu thuyết rất đặc biệt, được xem là kỷ lục thế giới vì nhóm tác giả lên tới… 115 người.
Ở Úc cũng có một số nhóm nhà văn hợp tác. Quyển Bầu trời sơn (The Painted Sky) của 5 tác giả lấy bút danh chung là Alice Campion được trình làng vào năm 2015, đến năm 2017 nhóm còn 4 thành viên, trình làng phần tiếp theo là Ánh sáng chuyển dịch (The Shifting Light) gây được tiếng vang lớn.
Nhìn chung, tiểu thuyết hợp tác có thể hoàn toàn mở, không có quy tắc hay cấu trúc bắt buộc nào khi nó chuyển từ tác giả này sang tác giả khác. Tuy nhiên, nhiều tác phẩm viễn tưởng hợp tác áp dụng một số quy tắc để tạo nên một tổng thể có khả năng lôi cuốn người đọc, đó cũng là lý do vì sao tiểu thuyết hợp tác luôn có nhiều ưu điểm vượt bậc và thu hút độc giả tìm đọc.