Nữ dịch giả Trung Quốc bật khóc mỗi lần đọc
Nữ dịch giả Trung Quốc bật khóc mỗi lần đọc "Nỗi buồn chiến tranh"
Ngày 28.3, tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh phát hành tại Trung Quốc. Sách do Công ty văn hóa truyền thông Bác Tập Thiên Quyển Trung Nam (CS-Booky) và Nhà xuất bản Văn nghệ Hồ Nam phối hợp phát hành.

Nỗi buồn chiến tranh từng nhận Giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học của Anh, Đan Mạch, Giải thưởng Nikkei châu Á và Sim Hun, Hàn Quốc. Đến nay, cuốn sách đã được dịch ra khoảng 20 thứ tiếng, xuất bản ở hơn 20 quốc gia trên thế giới. Người dịch Nỗi buồn chiến tranh sang tiếng Trung là Phó giáo sư Hạ Lộ, Phó giáo sư Khoa Đông Nam Á, Học viện ngoại ngữ Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), hiện là học giả thỉnh giảng tại Đại học California (Mỹ). Nhiều năm Phó giáo sư Hạ Lộ làm công tác giảng dạy, nghiên cứu ngôn ngữ, văn học Việt Nam, nghiên cứu vấn đề truyền bá văn học Trung Quốc ra nước ngoài, cũng như so sánh giữa văn học Việt Nam và Trung Quốc.

* Chị đã đến với tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh trong hoàn cảnh nào?
- Phó giáo sư Hạ Lộ: Tháng 12.2007, Viện trưởng Viện Văn học thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam Phan Trọng Thưởng dẫn đoàn thăm Đại học Bắc Kinh, nơi tôi làm việc, còn tôi làm phiên dịch. Trong khi tiếp đoàn, một giảng viên trường tôi hỏi về hai nhà văn đáng đọc nhất của Việt Nam. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên liền trả lời không chút do dự, đó là Bảo Ninh và Nguyễn Huy Thiệp. Ông còn giới thiệu cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là tiểu thuyết đương đại hay nhất Việt Nam. Tôi chưa đọc Nỗi buồn chiến tranh, cũng không biết nó được đánh giá cao như vậy trong nền văn học đương đại Việt Nam và có tầm ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới. Sau đó, tôi vội lên mạng tải về đọc, và quyết định đưa cuốn sách vào chương trình giảng dạy Tuyển chọn tác phẩm văn học Việt Nam cho sinh viên của mình.
Đến hè năm 2009, cô Nguyễn Thị Thu Hiền của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia đã tặng tôi hai phiên bản của cuốn Nỗi buồn chiến tranh mà khi đề tặng cô gọi là "một trong những tiểu thuyết đặc biệt nhất trong lịch sử văn học đương đại Việt Nam". Còn tôi, với vai trò là một học giả chuyên giảng dạy và nghiên cứu văn học Việt của Trung Quốc, tự thấy mình có trách nhiệm và nghĩa vụ truyền bá tác phẩm mang tính đại diện này. Và tôi đã quyết định dịch để xuất bản cuốn sách.
Nữ dịch giả Hạ Lộ
 
* Trong quá trình dịch tác phẩm điều gì khiến chị ấn tượng nhất?
- Ấn tượng sâu sắc thì nhiều lắm. Lần nào đọc tôi cũng khóc. Tôi kinh ngạc ngay từ những trang đầu tiên. Phần mở đầu của cuốn tiểu thuyết vô cùng khác biệt, ngôn ngữ thật đẹp, thể hiện đầy đủ sự phong phú, phức tạp và khả năng biểu đạt mạnh mẽ của tiếng Việt. Cách tự sự giao thoa xen kẽ giữa mộng tưởng và hiện thực cùng sắc thái tự tình đậm chất thơ cũng làm tôi khó quên, khác hẳn với những cuốn tiểu thuyết khác.
 
* Được biết, tác phẩm này đã được chị đưa vào bài giảng của chính mình và là một những danh tác nước ngoài bắt buộc phải đọc của Lớp sáng tác Trường đại học Nhân dân Trung Quốc?
Đúng vậy, từ năm 2009, tôi đã tuyển lựa một phần tác phẩm đưa vào bài giảng cho các em sinh viên, đến năm 2015, sau khi hoàn thành bản dịch sơ khai, tôi bắt đầu giảng dạy trọn vẹn tác phẩm trong chương trình dành cho nghiên cứu sinh. Nhà văn Diêm Liên Khoa đã đưa cuốn sách vào một trong những danh tác nước ngoài bắt buộc phải đọc của Lớp sáng tác Đại học nhân dân Trung Quốc, nơi ông làm Chủ nhiệm Trung tâm sáng tác. Mùa thu năm 2014, khi đọc mấy chương tôi dịch, ông đã rất thích cuốn truyện, không lâu sau, ông viết bài "Tầm cao của văn học chiến tranh phương Đông", đánh giá rất cao tác phẩm của Bảo Ninh và giới thiệu đến sinh viên của mình.
 
* Đã từng có một bản dịch tiếng Trung của tác phẩm này, vậy có sự khác biệt gì ở đây thưa chị?
- Cho đến thời điểm này, tôi chỉ thấy có bản dịch tiếng Trung của Đài Loan về tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh và cuốn này của tôi. Cuốn của Đài Loan dịch năm 1995 theo bản dịch tiếng Anh. Tuy nhiên, tôi có cảm giác dịch giả không hiểu tiếng Việt, bởi tên tác giả Bảo Ninh bị dịch thành Bào Ninh, tên các nhân vật cũng chuyển ngữ không chuẩn. Hơn thế, bìa sách ghi rõ đây là tiểu thuyết của Mỹ. Có thể thấy, cả tác giả và nhà xuất bản đều không biết đây là tác phẩm của nhà văn Việt Nam. Hơn nữa, bởi bản dịch tiếng Anh không trung thành với nguyên tác, do vậy bản dịch tiếng Trung này khác nhiều so với bản gốc. Khi đọc, tôi có cảm giác như một tác phẩm xa lạ. Bản dịch của tôi trung thành theo nguyên tác, hơn nữa khi dịch nếu có vấn đề gì tôi còn thỉnh giáo chính tác giả. Nhưng dù sao tôi vẫn phải cảm ơn dịch giả Đài Loan vì đã giúp tôi tránh được những sai lầm trong quá trình dịch thuật.
 
* Điều gì khiến chị gắn bó với văn học Việt?
- Công việc của tôi là giảng dạy ngôn ngữ và văn học Việt Nam. Tôi yêu công việc của mình. Trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu, tình cảm của tôi dành cho văn học Việt ngày càng sâu đậm. Nó có gì đó giống như khi yêu vậy, yêu đơn phương khó mà dài lâu, tức là tôi yêu văn học Việt không chỉ riêng từ phía tôi, mà còn bởi văn học Việt quả thực có sức hấp dẫn riêng. Văn học Việt Nam là một phần quan trọng của nền văn học thế giới, từng gặt hái nhiều thành tựu lớn từ rất sớm. Những năm qua, tôi tiếp xúc với không ít các nhà văn, nhà thơ Việt Nam, quá trình dịch thuật các tác phẩm của họ cũng thúc đẩy tôi sáng tác, không ít các sáng tác của tôi chịu ảnh hưởng của các nhà thơ, nhà văn Việt Nam.
* Xin cám ơn chị!
Theo Thanh Niên
Tags: