GS Đào Duy Anh (1904-1988) là một vị học giả uyên thâm với nhiều đóng góp cho văn hóa, lịch sử nước nhà. Ông không chỉ dừng ở việc viết báo, nghiên cứu mà còn xuất bản, dịch sách, hiệu đính. Và bản thân ông trực tiếp nghiên cứu, viết sách với những tác phẩm còn giá trị đến nay, được tái bản nhiều lần: Lịch sử cổ đại Việt Nam, Từ điển Truyện Kiều, Hán Việt từ điển, Việt Nam văn hóa sử cương...
Nói về việc Đào Duy Anh là một trong ba người có tủ sách lớn ở đất thần kinh, có thể lấy lời của Đào Đăng Vỹ, trong phần “Tựa” của tác phẩm Nguyễn Tri Phương mà ông viết, xuất bản năm 1974 kể lại: “Trước năm 1945, ở Huế người ta thường đồn có ba nhà có sách nhiều nhất: đó là Phạm Quỳnh có những tủ sách rất quý cả bằng Hán văn, Việt văn và Pháp văn rồi đến Đào Duy Anh có nhiều sách Việt và tài liệu chữ Hán, thứ ba là tôi có nhiều sách Việt và Pháp văn nhất”.
Về phần tủ sách của Đào Đăng Vỹ, vẫn lời ông bộc bạch trong sách trên là: “Về phần bà con nhận xét về tủ sách của tôi có lẽ không đúng, vì tôi biết còn nhiều bạn có sách rất nhiều và rất quý, đó là các anh Bửu Kế và Phan Văn Dật…”. Việc nói về ba tủ sách lớn ở đất Huế, rõ là nói về thời gian trước 1945 kể từ khi Phạm Quỳnh vào Huế làm quan năm 1932, còn Đào Duy Anh thì ở Huế từ khi làm báo Tiếng dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng năm 1927.
Nhiều sách đến nỗi người trong thiên hạ biết tiếng về tủ sách gia đình như lời Đào Đăng Vỹ nói ở trên là thế, nhưng do thời cuộc, chiến tranh, loạn ly làm cho tủ sách của họ Đào tích lũy bao năm sau này bị tan tác cả.
Đào Đăng Vỹ tâm sự, năm 1954, lúc ấy Đào Duy Anh đã ra Bắc, sau có người quen vào Nam, ông đã nhờ nhắn gửi lời cho Đào Đăng Vỹ rằng: “Nhờ anh vào Huế có gặp anh Đào Đăng Vỹ thì nhờ nói giùm tôi nhắn cố mà giữ lấy các tủ sách mà dùng, kẻo bây giờ sách vở khó kiếm, khó mua lắm, mà không khéo dễ bị tàn phá như không”.
Trong thời gian ở Huế, ngoài việc làm báo Tiếng dân, Đào Duy Anh còn xây dựng tủ sách cho ban biên tập báo Tiếng dân làm tài liệu tham khảo, nghiên cứu với những sách thuộc nhiều lĩnh vực “chủ yếu là các môn sử học, triết học, xã hội học, kinh tế học, trong ấy có một số sách về chủ nghĩa Mác hợp pháp, như Duy vật sử quan, Kinh tế sử quan, Nhân loại tiến hóa sử”, Đào Duy Anh cho hay. Ngoài ra là những sách nghiên cứu triết học, văn hóa phương Đông, sách “Đông Phương văn khố” khoảng 100 cuốn nghiên cứu văn hóa Đông Tây.
Một trong những việc làm đáng kể của Đào Duy Anh thời gian 1928-1931 là xây dựng, xuất bản tủ sách Quan hải tùng thư. Tên gọi tủ sách Quan hải, ông cho biết được lấy từ câu “Quan hải nan vi thủy” của Mạnh Tử, với nghĩa xem biển thì biết rằng làm ra nước là khó. Trong hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm, Đào Duy Anh bày tỏ, việc xuất bản sách nhằm mục đích tuyên truyền chủ nghĩa Mác, kiến thức khoa học xã hội để phát triển đảng Tân Việt. Từ khi ra đời đến lúc Đào Duy Anh bị bắt tháng 7.1929 trong cuộc khủng bố phong trào cách mạng cả nước, Quan hải tùng thư xuất bản được 13 tập sách, một đầu sách khoảng 100 trang trở xuống (thực tế có những đầu sách dung lượng trang nhiều hơn 100).
Vậy 13 đầu sách đó là những sách nào? Theo tài liệu từ chính những sách thuộc Quan hải tùng thư chúng tôi tiếp cận được, thì những sách đó được xuất bản chủ yếu trong hai năm 1928-1929, gồm: Trí khôn (Trần Đình Nam soạn), Đông Tây văn hóa phê bình (Nghi Đạm dịch, hai quyển thượng hạ), Văn minh Âu Mỹ (Tình Tiên soạn), Thế giới cường quốc chánh thể khảo (Trần Mạnh Nhẫn soạn), Xã hội (Ngộ Nhân), Dân tộc (Ngộ Nhân), Lịch sử nhân loại (Ngộ Nhân biên), Phụ nữ vận động (Dã Lan nữ sĩ), Thực dân lịch sử (Vệ Thach, tức Đào Duy Anh), Sinh tồn cạnh tranh (Ngộ Nhân), Kinh tế học tiểu sử (Hoa Tung biên, hai quyển thượng hạ)…
Cơ quan in ấn sách Quan hải tùng thư, trên bìa 1 những sách này thể hiện rõ, đó là Nhà in Tiếng dân (của báo Tiếng dân), đường Đông Ba, Huế. Việc xuất bản sách Quan hải tùng thư có nhiều thuận lợi khi xây dựng được đội ngũ cộng tác viên viết, dịch, biên tập toàn những người giỏi, tâm huyết như Võ Liêm Sơn, Trần Đình Nam, Phan Đăng Lưu... Sách Quan hải tùng thư có tác dụng rõ rệt với độc giả mà như lời bà Như Mân (vợ Đào Duy Anh) tâm sự trong hồi ký Sống với tình thương: “sách của Quan hải tùng thư in ra chúng tôi đều đọc, mà nhờ đó đã mở ra cho chúng tôi hiểu biết thêm về cách mạng giải phóng dân tộc”.
Việc bán sách được bìa 2 của sách Đông Tây văn hóa phê bình, quyển Thượng quảng cáo: “Sách Quan hải tùng thư có bán ở sở báo Tiếng dân, ở nhà riêng ông Đào Duy Anh biên tập ở tòa báo Tiếng dân, lại cũng có gởi bán những hàng sách các tỉnh. Ai muốn buôn lại sách của Quan hải tùng thư xin tính bớt giá 20 phần trăm. Ai nhận sách bán lẻ giùm, xin tính hoa hồng 15 phần trăm. Ai ở xa muốn gởi tiền mua sách xin gởi thêm tiền cước”. Không chỉ thế, Quan hải tùng thư còn nhận đăng quảng cáo trên sách. Đến năm 1929, như thông tin trên bìa 4 cuốn Kinh tế học tiểu sử, Quan hải tùng thư đặt lệ mua năm với độc giả có nhu cầu.
Dẫu trong hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm Đào Duy Anh nhớ Quan hải tùng thư ra được 13 đầu sách, nhưng thực tế, đến năm 1931 Quan hải tùng thư vẫn còn tồn tại và xuất bản không chỉ chừng ấy, mà tới… 24 đầu sách đã được thống kê trên bìa 2 cuốn Thế giới sử (do Đào Duy Anh viết, xuất bản năm 1931), và có hệ thống đại lý bán sách Quan hải tùng thư khắp nơi từ Hà Nội, Hải Phòng cho tới Phan Thiết, Sài Gòn, Trà Vinh, thậm chí là ở cả Phnom Penh (Campuchia) và Vientiane (Lào).
Như vậy tức là sau khi người chủ trương tủ sách Quan hải tùng thư ra tù cuối năm 1930, tủ sách này được duy trì ít nhất là đến năm 1931. Trong hồi ký Sống với tình thương, bà Như Mân - vợ Đào Duy Anh cho biết khi ra tù hai người kết hôn, Đào Duy Anh và Như Mân có dạo làm đại lý bán sách báo ở Huế cho các nhà xuất bản ở Hà Nội và Sài Gòn với cửa hiệu Vân Hòa đã có từ trước của Như Mân: “Ở Huế lúc đó cửa hàng sách rất ít nên chúng tôi hầu như không có sự cạnh tranh”.
- Theo Thanh Niên -