Hơn mười năm với một đời người có thể chưa dài, nhưng với những người viết thì đó là quãng thời gian đáng kể để làm nên một lối đi riêng biệt. Vũ Gia Hà không xuất hiện quá nhiều với tư cách tác giả thơ, nhưng anh là người nghiêm túc với thơ và không ngừng nuôi dưỡng cõi thơ riêng. Không ồn ào vồn vã, Vũ Gia Hà chầm chậm viết, bởi thế mà câu chữ trong thơ anh như được chắt chiu từ tâm hồn giàu xúc cảm và nhiều ngẫm nghĩ: “Ngày cứ trôi trên những phím chữ/ Chúng ta cũng trôi theo những tin vịt/ Chúng ta ít nhớ về quá khứ để vươn lên...”. Điều đáng quý là trong 88 bài thơ in trong tập đầu tay này ta không thấy ở Vũ Gia Hà sự điệu đàng làm dáng cho chữ như nhiều người trẻ mắc phải. Anh thiên về nghĩa của chữ bằng sự chín chắn và chiêm nghiệm.
Thơ Vũ Gia Hà hé mở thế giới tâm hồn anh, những điều mà anh quan sát, cảm nhận bằng đôi mắt thơ của mình. Những vẻ đẹp đã có đã hiện diện và chúng ta đã thấy dường như không nằm trong phạm trù của thơ anh. Thơ là phía khuất lấp, phía ẩn sâu, phía hư ảo mà người viết thơ không hề cố công đi tìm để trưng bày những gì mình tìm được. Ở góc nhìn này, cái đẹp tồn tại không như một hằng số mà giới hạn và giá trị của nó phụ thuộc vào giới hạn tâm hồn của người viết. “Tôi không phải đi tìm gì cả/ Bởi mọi thứ quanh tôi/ Tồn tại trước khi tôi đi tìm”. Như vậy, vẻ đẹp phụ thuộc vào cách nhìn của chúng ta mà thôi.
"Hoa nở trong trăng" mang đậm dấu ấn tuổi trẻ của Vũ Gia Hà. Đó là những nỗi buồn của thời tưởng như mình là kẻ cô đơn nhất thế gian: “Xanh mất tôi/ Trong mất tôi/ Tôi ra biển/ Vô định như chiếc lá/ Trôi giữa giấc mơ/ Dấu chân tôi/ Hoàng hôn/ Không thèm rủ xuống”. Nỗi cô đơn của tuổi trẻ đan xen, rủ bóng lên nỗi cô đơn của người viết để sự cô đơn như được nhân lên bội lần, trong sự gấp bội ấy lại là sự gặp gỡ của nhiều nỗi cô đơn khác để làm nên sự không cùng của thơ. Thơ chính là mở ra sự không cùng, giới hạn của thơ đồng nhất với chiều kích tâm hồn người viết. Ở nơi mà những câu thơ khiến chúng ta chỉ có thể cảm nhận nhưng không thể chạm tới là nơi thơ thực sự thăng hoa, chinh phục những tâm hồn đồng điệu.
Những câu thơ lay động nhất là những câu thơ Vũ Gia Hà thổn thức về gia đình, quê hương. “Mẹ đã dậy từ lúc sao phai/ Chong đèn sáng ở ngoài lối cửa/ Mẹ xuống bếp quẹt diêm nhóm lửa/ Hong xôi bán sửa soạn đời con”. Vượt qua câu chuyện của người viết, dường như sự thổn thức chạm tới nhân gian khiến mỗi chúng ta nghĩ về người mẹ của chính mình. “Ra nghĩa địa thăm bố/ Bóng núi đè tôi nghẹt thở/ Bóng hoa làm tôi run sợ/ Tôi thiếp ngủ/ Bóng bố khổng lồ/ Ôm tôi bay vào không gian”. Đề tài là cớ để Vũ Gia Hà bày biện thế giới thơ của mình, một thế giới vừa hiện thực lại vừa siêu thực. Ở giữa ranh giới ấy, anh đã sẻ chia với người đọc quan điểm, thế giới mà thơ tạo ra mới là thế giới thực mà chúng ta sống với nó, còn thế giới mà chúng ta vốn thấy chỉ là cơn cớ mà thôi.
Cõi tình yêu là một phần không thể thiếu để bồi đắp, làm đầy cho cá tính thơ Vũ Gia Hà. “Chẳng có gì ghê gớm và quan trọng bằng tình yêu/ Chỉ có tình yêu mới sinh ra thế giới này/ Vì yêu mà tôi nói lại những lời yêu cũ”. Thơ tình Vũ Gia Hà đã tạo nên một vệt lấp lánh những ý niệm, ở đó có sự tôn vinh tình yêu, nhưng sâu xa hơn, ở đó ta thấy được sự nguyên bản của tình yêu. Vũ Gia Hà mượn tình yêu để tôn vinh sự nguyên bản thuần túy, điều mà cuộc sống hiện đại, con người hiện đại đã đánh mất đi rất nhiều, ngay cả tình yêu cũng vậy. Cõi siêu tưởng trong thơ Vũ Gia Hà làm nên chất thơ rõ rệt nhất trong thi tập này. Ở đó anh mặc sức bay, biến hóa, bung trổ tận cùng: “Khoảnh khắc cũ đã qua/ Tôi đi vào vô tận/ Bằng bóng hoa đã tàn”.
Theo báo Hà Nội mới