Ý tưởng về cậu bé phù thủy Harry Potter xuất hiện bất ngờ, khi J.K. Rowling - một bà mẹ đơn thân vô danh - đang mắc kẹt trên chuyến tàu hỏa đông đúc. Và Bloomsbury - nhà xuất bản nhỏ xứ sương mù khi ấy cũng không thể ngờ rằng họ đã khai phá ra một mỏ vàng, hoặc theo một cách nói bóng bẩy hơn: Một ông vua Midas trong văn học, có khả năng biến mọi thứ xung quanh trở thành hiện tượng chỉ với một cú chạm tay. Sau sự thành công của Harry Potter, hàng loạt các tác phẩm văn học dành cho thanh thiếu niên được chuyển thể điện ảnh, góp phần hình thành một trào lưu văn hóa mới trị giá tới hàng tỷ đô la. Nó cũng thay đổi hoàn toàn những quan niệm cố hữu về thị trường xuất bản trẻ và gieo vào độc giả một ý tưởng đột phá: Rằng bạn hoàn toàn có thể tương tác với những cốt truyện và nhân vật bạn yêu thích. Viết truyện, làm thơ, diễn xuất, thậm chí là kiếm (rất nhiều) tiền từ đó, tất cả đều nằm ở lựa chọn của bạn.
Những dấu mốc đầu tiên trên chặng đường xuất bản
Arthur Levine, biên tập viên đã thực hiện cuộc giao dịch lịch sử ấy, vốn được cho là người rất “mát tay” trong việc lựa chọn các tác phẩm tiềm năng đến từ xứ sương mù. Ông cũng chính là người đã đưa hai series cực kỳ thành công Redwall và His Dark Materials (với các tựa truyện Chiếc la bàn vàng, Ánh sáng phương Bắc..) đến với độc giả Mỹ. Nhưng ngay cả một người với con mắt tinh tường như ông cũng không thể tưởng tượng được thành công của Harry Potter lại vang dội đến thế. Chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn năm 2007, Levine cho biết quyết định của ông khi ấy hoàn toàn đến từ trực giác: “Tôi yêu tác phẩm này, và tôi biết mình phải xuất bản nó. Nếu phải đấu tranh dữ dội hơn để mang được nó về, tôi cũng sẵn lòng”.
Bản hợp đồng trị giá 105.000 USD đã mang lại cho Harry Potter hai điều: Sự chú ý mạnh mẽ của công luận và một ngân sách quảng bá khổng lồ.
Ngay sau khi Harry Potter được quyết định ấn hành, nó đã trở thành một mồi câu béo bở của giới truyền thông. Báo đài thi nhau chạy đua để cập nhật về một tác phẩm được mua với mức giá không tưởng. Các nhà phê bình thì háo hức mong chờ nó, để xem chất lượng liệu có tương đồng với số tiền bỏ ra không. Lúc ấy, chỉ riêng sự tò mò xoay quanh cuốn sách cũng đã trở thành một đề tài nóng hổi.
Vào thời điểm đó, nhiều người đánh giá Scholastic là dại dột vì đưa ra một cái giá quá liều lĩnh. Bởi lẽ trong xuất bản, mọi công đoạn đều có tính dây chuyền. Đầu tư để mua tác phẩm về đã là một chuyện, nó còn đòi hỏi việc nhà xuất bản phải bỏ ra một con số tương đồng cho việc in ấn, phát hành và quảng bá. Chi phí đội chồng chi phí, đội ngũ của Scholastic phải chịu một áp lực không hề nhỏ để mau chóng thu hồi vốn và sinh lời.
Và rồi, Harry Potter và hòn đá phù thủy ra đời, với một “lớp vỏ” minh họa dễ thương - mà sau này đã trở thành bìa sách thuộc hàng biểu tượng - với ấn bản bìa cứng (hardcover). Đây rõ ràng là một sự đột phá, khi từ trước đến nay các tác phẩm dành cho trẻ em đều được mặc định chỉ phát hành phiên bản bìa mềm (paperback) để tối đa hóa lợi nhuận. Ngân sách đầu tư “khủng” đã đưa Harry Potter lên những kệ sách nổi bật nhất ngoài cửa tiệm và xuất hiện tại những trang quảng cáo bắt mắt trên báo và tạp chí. Nói ngắn gọn, Harry Potter đã nhận được rất nhiều hậu thuẫn tại thị trường Hoa Kỳ nếu xét từ góc độ của một tác phẩm trung bình, đến từ một nhà văn vô danh.
Bất chấp tất cả những ưu thế trên, mọi nỗ lực của Scholastic cũng sẽ là vô nghĩa nếu tác phẩm không chiếm được cảm tình của độc giả. Và đó, cũng chính là lý do đưa Harry Potter vượt khỏi cái mác one-hit-wonder (thành công ăn may) và trở thành tuổi thơ của cả một thế hệ.
Phá bỏ định kiến sách-cho-trẻ-em
Đối với một số nhà phê bình, đó có thể là dấu hiệu đáng lo ngại khi độc giả trưởng thành đang dần trở nên ngốc nghếch tới nỗi không thể cảm thụ được những cuốn sách vốn được viết dành riêng cho họ. Nhưng thực tế, có rất nhiều lý do để nhiều người trưởng thành yêu thích series Harry Potter.
Hành trình của cậu bé phù thủy thu hút người đọc bằng sự kỳ bí, bằng những yếu tố kịch tính trong thể loại phiêu lưu giả tưởng và cả những diễn biến tâm lý phức tạp. Sự liên kết tài tình ấy khiến tác phẩm trở nên phù hợp với mọi lứa tuổi: Bí ẩn của câu chuyện thôi thúc người đọc lật giở qua từng trang sách; những thần thoại hấp dẫn ẩn hiện trong một thế giới nửa thực nửa ảo khiến cuốn sách trở nên thú vị; trong khi bối cảnh của một ngôi trường nội trú cổ điển khiến các nhân vật trong truyện thêm gần gũi và cuốn hút. Không chỉ là niềm vui, Harry Potter còn khiến người đọc đồng cảm với nỗi đau, sự mất mát và cả cái chết.
J.K. Rowling thường được đánh giá là cây bút khá đều tay và giàu kỹ năng. Nhưng nếu nhu cầu của bạn chỉ đơn thuần là thưởng thức những câu văn rành rọt và bóng bẩy, có lẽ các tác phẩm của bà không phải là lựa chọn lý tưởng. Còn nếu bạn tự nhận mình là một kẻ to đầu thích mơ mộng trong thế giới không thực, những cuốn sách Harry Potter hẳn sẽ có một sức hấp dẫn lạ thường.
Tranh cãi và tai tiếng
Một phần nguyên nhân khiến cho series về cậu bé phù thủy trở thành hiện tượng văn học đình đám chính là nhờ hiệu ứng “trái cấm”: Khi người ta càng ngăn cản con trẻ đọc Harry Potter, chúng lại càng tìm đọc nhiều hơn. Vì lý do nào mà người ta e ngại series này tới vậy? Chính là bởi đề tài thần bí của nó: thế giới của phù thủy và phép thuật. Lo sợ những cuốn sách sẽ cổ xúy cho những yếu tố mê tín tà ác, nhiều bậc phụ huynh đã đấu tranh khá quyết liệt để ngăn Harry Potter xuất hiện tại các hiệu sách hay thư viện trường. Tác phẩm giữ vị trí đầu bảng trong danh sách Những cuốn sách bị cấm nhiều nhất năm 1999, theo Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ và tiếp tục duy trì “ngôi vương” đó trong gần một thập kỷ tiếp theo.
Mọi chuyện càng căng thẳng khi tại một số bang của nước Mỹ, yêu cầu cấm Harry Potter còn được đưa ra tòa án. Điển hình là trường hợp của năm 2003, khi thẩm phán yêu cầu một học khu tại Arkansas loại bỏ toàn bộ số truyện về Harry Potter với lý do “truyền bá và khuyến khích tín ngưỡng về phù thủy”. Những nỗ lực tẩy chay khác cũng được thực hiện trong nhiều năm sau đó, hầu hết bởi các chức sắc tôn giáo theo phái bảo thủ.
Ma thuật không phải là yếu tố duy nhất làm dấy lên tranh cãi xung quanh Harry Potter. Năm 2007, sau khi tập cuối cùng của series ra mắt, J.K. Rowling tiếp tục gây xôn xao khi ám chỉ nhân vật phù thủy quyền lực Dumbledore là người đồng tính. Tuyên bố này đã bị các học giả Cơ đốc giáo chỉ trích là “vô nghĩa”, trong khi cộng đồng LGBTQ+ lại bức xúc vì trong quãng thời gian nhân vật này còn sống, Rowling hầu như không đưa ra tình tiết nào để làm rõ điều này. Trong vài năm gần đây, các tác phẩm của Rowling thường bị đưa ra để dư luận mổ xẻ vì thiếu sự đa dạng trong cốt truyện, phủ nhận xu hướng tính dục thiểu số của nhiều nhân vật và còn nhiều bàn tán khác.
Tất cả những lùm xùm này không chỉ làm người ta lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực đối với độc giả nhí, mà còn là cơn ác mộng đối với những người theo phái bảo thủ, khi nhiều trẻ em lớn lên cùng Harry Potter còn mang tư tưởng cởi mở hơn cả những gì được đề cập trong tác phẩm. Bằng chứng là tạp chí Chính trị học và Chính trị (Mỹ) đã từng đăng tải một nghiên cứu cho thấy: Những độc giả của cậu bé phù thủy thường có xu hướng chán ghét các ứng viên của Đảng Cộng hòa, đặc biệt là đương kim Tổng thống Donald Trump.
Từ làng xuất bản đến kinh đô điện ảnh Hollywood
Thứ nhất, nó khuyến khích và cổ vũ cho sự đầu tư công phu vào các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi. Trước khi Harry Potter ra đời, quan niệm “trẻ em không thể đọc sách dài” đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người. Các nhà xuất bản và phát hành cũng không dại gì mà đầu tư cầu kỳ vào một tác phẩm dành cho nhóm độc giả không thể tự bỏ tiền mua nó. Vì vậy mà truyện cho độc giả nhí thường có nội dung ngắn gọn, được in khổ nhỏ và ít đầu tư vào hình thức. Nhưng sự trung thành của các fan hâm mộ đối với series cậu bé phù thủy đã làm người ta phải có cái nhìn khác. Bốn tựa sách cuối cùng của loạt truyện đều sở hữu độ dài “khủng”: trên dưới 700 trang.
Thứ hai, nó biến văn học trẻ trở thành một phân khúc quyền lực trong làng xuất bản, và còn hơn thế nữa. Từ vị thế của một dòng sách phụ với doanh số tiêu thụ ảm đạm khi đứng trước sự lên ngôi của TV và Internet, Harry Potter đã đưa văn học trẻ bước vào thời kỳ hoàng kim. Quay ngược lại thời gian năm 2004, giữa làn sóng thành công mạnh mẽ của Harry Potter, tốc độ tiêu thụ xuất bản phẩm nói chung của độc giả trẻ khi đó đã tăng tới 2% mỗi năm. Sau gần 15 năm, thị trường tiềm năng này đã tăng trưởng từ 33 lên tới 52%, đánh dấu những tín hiệu tích cực trong văn hóa đọc của người trẻ. Nhiều thống kê đã chứng minh, thế hệ Milennials (những người sinh từ năm 1980 đến 1998) là những người chăm đọc sách hơn bất cứ thế hệ nào khác.
Điều đó đồng nghĩa với việc các tác phẩm dành cho độc giả trẻ hiện nay đang có sức ảnh hưởng hơn bao giờ hết, không chỉ gói gọn trong lĩnh vực văn học. Trước đây, chẳng mấy ai nghĩ đến việc chuyển thể các tác phẩm dành cho thanh thiếu niên thành phim sẽ có doanh thu khả quan. Nhưng cậu bé phù thủy cùng những người bạn đã trở thành những kẻ tiên phong xâm chiếm màn ảnh bạc và mang lại giá trị thương mại chưa từng có, với gần 8,3 tỷ USD sau 8 phần được ra rạp, trở thành loạt phim có doanh thu lớn nhất mọi thời đại.
Ngày nay, người ta có thể chứng kiến nhiều series được xếp vào hàng “bom tấn” như Đấu trường sinh tử, Chạng vạng, Vũ khí bóng đêm, Khi lỗi thuộc về những vì sao... Bạn thử đếm xem có bao nhiêu trong số chúng đã được Hollywood chuyển thể thành phim? Bao nhiêu sở hữu doanh thu hàng trăm triệu, thâm chí hàng tỷ đô? Và trước Harry Potter, liệu có mấy cái tên đạt được thành công như vậy?
Làn sóng fandom và sự lên ngôi của những kẻ dị biệt
Phải thẳng thắn mà nói, Harry đã lăng xê cho quan niệm mới: “Làm geek thật tuyệt!” đến với tất cả mọi người. Geek là những người thích mày mò, tìm tòi kỹ lưỡng về những thứ họ đặc biệt yêu thích (thường là truyện, phim hay công nghệ), có phần hơi kỳ quặc và lập dị. Ở thời điểm đầu những năm 2000, văn hóa geek vẫn còn là một ý niệm khá mới. Nó chỉ gói gọn trong một cộng đồng nhỏ và thường bị nhiều người coi là thú vui kiểu con nít. Năm 2003, nhà phê bình A.S. Byatt còn lên tiếng chỉ trích các độc giả của Harry Potter, cho rằng họ là những người lớn chỉ thích “đào tẩu” về tuổi thơ bằng văn học. Nhưng sau thành công không tưởng của Harry Potter cùng với Chúa tể của những chiếc nhẫn, thật khó để người ta coi nhẹ cộng đồng hùng hậu này.
Vào thời điểm Chạng vạng tiếp ngôi Harry Potter trở thành hiện tượng năm 2005, văn hóa geek đã lan rộng khắp và được công khai thừa nhận trên toàn cầu. Cộng đồng độc giả trung thành của Harry Potter là một điển hình tiêu biểu. Họ không bao giờ thưởng thức tác phẩm một mình. Họ thích trò chuyện, trao đổi, tranh cãi với bạn bè và các fan hâm mộ khác để cùng chia sẻ tình cảm về series. Cùng với sự hỗ trợ của Internet, cộng đồng người hâm mộ Harry Potter ngày càng trở nên lớn mạnh. Họ cũng mạnh dạn hơn khi chia sẻ những ý tưởng sáng tạo của bản thân.
Không chỉ là truyện và tranh vẽ, các fan hâm mộ còn thành lập cả ban nhạc - như Harry and the Potters hay biến cả trò chơi giả tưởng Quidditch trong truyện thành hiện thực. Nhiều người trong số họ đã gây dựng được tên tuổi nhờ Harry Potter, điển hình là nam diễn viên, ca sỹ Darren Criss. Nhờ thủ vai Harry trong một vở nhạc kịch đăng trên mạng mà Darren đã lọt vào mắt xanh của các ông bầu. Anh được trao vai diễn Blaine trong series truyền hình nổi tiếng Glee và còn có một sự nghiệp đầy tiềm năng tại sân khấu danh giá Broadway. Cùng với đó là cặp anh em John - Hank Green, hay còn được biết đến với cái tên Vlogbrothers. Ca khúc “Accio Deathly Hallows” của Hank đã gây sốt khi ra mắt ngay thời điểm phát hành tập cuối cùng Harry Potter và Bảo bối tử thần, đưa họ trở thành những ngôi sao Youtube và thu về con số catse khổng lồ. Còn người anh John Green hiện đang là nhà văn trẻ nhiều đột phá, sau thành công của tiểu thuyết Khi lỗi thuộc về những vì sao.
Và danh sách vẫn chưa kết thúc tại đây. Người ta còn nhắc đến Cassandra Clare, tác giả của series ăn khách Vũ khí bóng đêm. Bà vốn là cây viết trưởng thành từ cộng đồng fanfiction của Harry Potter với series bộ ba The Draco nổi tiếng. Bên cạnh đó còn có nhà hoạt động xã hội Andrew Slack và chuyên gia tổ chức sự kiện cho người hâm mộ Melissa Anelli, đều là những người xây dựng được sự nghiệp ngay khi đang hoạt động tại cộng đồng fan Harry Potter. Tựu chung lại, có thể nói sức ảnh hưởng của Harry Potter lớn đến độ nó có thể trở thành bệ phóng, biến sở thích cá nhân trở thành sự nghiệp chuyên môn của rất nhiều người.
Tạm kết
Theo Vox
Vân Anh (biên dịch)