Hành trình viết sách: Từ ý tưởng đến hiện thực
Hành trình viết sách: Từ ý tưởng đến hiện thực
Chiều ngày 14/1, Trung tâm tư vấn và hợp tác xuất bản trực thuộc Alpha Books đã tổ chức talkshow “Hành trình viết sách - Từ ý tưởng tới hiện thực” với nhiều chia sẻ thú vị và thiết thực.

Ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT Alpha Books cho biết: “Trong giới làm sách hiện nay nổi lên phong trào tự xuất bản sách để phục vụ nhu cầu riêng. Xu hướng này tạo cơ hội cho các cá nhân không chuyên được làm sách. Tuy nhiên, các tác giả tự thân sẽ gặp nhiều khó khăn, đó cũng là lý do mà trung tâm tư vấn và hợp tác xuất bản của chúng tôi ra đời”.

Nhiều tác giả sách bán chạy hiện nay không phải là các tác giả chuyên nghiệp theo quan niệm truyền thống mà còn là những chuyên gia kinh tế, doanh nhân, bác sĩ, nhân viên văn phòng, sinh viên… Gia nhập ngành công nghiệp xuất bản chưa bao giờ là một điều dễ dàng khi thị trường ngày càng có tính cạnh tranh cao, một trong số đó là sự lựa chọn giữa sách dịch từ nước ngoài với các tác phẩm của tác giả Việt. 

Những khó khăn “không ai giống ai” của các tác giả viết sách

Trong buổi talkshow, một số tác giả đã chia sẻ về những khó khăn riêng của mỗi người khi viết sách. Những chia sẻ đó cho thấy quá trình nung nấu ý tưởng, viết sách và xuất bản là một quá trình lao động, nỗ lực lớn của mỗi tác giả, và mỗi người đối mặt với một khó khăn riêng, không ai giống ai.

Anh Phùng Thái Học, tác giả cuốn "Hơi thở con sen" cho biết khi bắt tay viết một cuốn sách, dù bạn viết cuốn sách đó về một vấn đề gì hay về cảm xúc, về một câu chuyện, cuộc đời, nghĩa là về bất kỳ chủ đề nào, thì cuốn sách cũng giúp bạn nhiều thứ bổ ích.

“Đôi khi việc viết sách giúp bạn sống chậm lại, bởi vì khi viết sách, bạn sẽ phải đọc nhiều hơn, nghiên cứu, tìm hiểu nhiều hơn, và tất cả sẽ giúp bạn hiểu biết kiến thức và hoàn thiện chính mình hơn”, anh Học nói.

Anh Phùng Thái Học - Tác giả cuốn "Hơi thở con sen" chia sẻ về hành trình viết sách

Anh Andreas Stoffersm, tác giả "Refresh-20 ngày làm mới bản thân" cho biết khó khăn lớn nhất trong hành trình viết sách của anh chính là tìm kiếm ý tưởng - viết về cái gì, viết về vấn đề gì? Tiếp theo là quyết tâm bắt đầu viết, bởi vì nếu đã có ý tưởng nhưng người viết trì hoãn, nghĩ rằng tuần sau, tháng sau mình sẽ viết thì đôi khi sẽ bị nhụt chí và cuối cùng là rất lâu, thậm chí là không thực hiện kế hoạch viết sách nữa.

Ngoài ra, tác giả cũng phải tìm kiếm một nhà xuất bản (NXB) phù hợp, am hiểu các công việc như marketing, thiết kế cho cuốn sách bởi vì “đối với tôi, tôi chỉ biết viết sách thôi, và nhiều khi không giỏi những vấn đề như marketing hay thiết kế cho sách”.

Trong khi đó, tác giả cuốn "Quản trị nhân sự thời gen Z", chị Hồng Duyên cho biết quá trình lên ý tưởng và viết sách đã được chị tập trung toàn thời gian để thực hiện, và khó khăn lớn nhất của chị nằm ở khâu cuối, nghĩa là khâu xuất bản sách.

Theo chị chia sẻ, sau khi hoàn thiện phần viết sách, đây là lúc tác giả cần đến sự hỗ trợ rất lớn của nhà xuất bản, từ việc biên tập cuốn sách đến việc in và phát hành sách.

Hành trình viết và xuất bản cuốn “Hơi thở con sen” của anh Phùng Thái Học lại gặp khó khăn lớn nhất ở khâu lập dàn ý cho cuốn sách. Anh cho biết có ý tưởng viết cho cuốn sách rồi, và toàn bộ thời gian anh viết cuốn sách đó chỉ mất khoảng 40 ngày, nhưng thời gian lên dàn ý phải mất đến 2 năm. 

Internet ảnh hưởng lớn đến quá trình viết và phát hành sách

Theo Andreas Stoffers, công nghệ và Internet có những ảnh hưởng nhất định đến các tác giả, người viết sách. Chẳng hạn, ngay từ khi đang viết, tác giả có thể trao đổi vấn đề ngay trên mạng xã hội và nhận ra nhu cầu cũng như vấn đề hấp dẫn độc giả, vấn đề mà độc giả muốn tìm hiểu kỹ.

Internet cũng mang lại nhiều lợi ích cho tác giả và NXB. Nhờ Internet, nhờ các phương tiện truyền thông xã hội, thương hiệu của tác giả và NXB có thể được xây dựng và lan truyền nhanh, được nhiều người biết đến hơn so với khoảng 20-30 năm trước. Như vậy, rõ ràng Internet mang lại nhiều lợi thế cho việc viết sách cũng như cho NXB.

Bày tỏ quan điểm về tác động của Internet đối với quá trình viết sách, anh Phùng Thái Học cho rằng công nghệ và  Internet có thể ảnh hưởng đến cuốn sách ở hai vấn đề: tìm kiếm ý tưởng và marketing cuốn sách. Đó là giúp cuốn sách được giới thiệu, lan tỏa trong không gian số, từ đó giúp nhiều người biết đến cuốn sách hơn. 

Trong khi đó, ở phần tìm kiếm ý tưởng, sự phong phú, đa dạng và đóng góp của cộng đồng mạng, cũng mang lại những ý tưởng cho tác giả, giúp tác giả nhận biết được những vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của công chúng, cũng như những mong muốn hiểu biết về các mảng kiến thức của cộng đồng. Từ đó, tác giả có thể giúp cuốn sách của mình trở nên đa góc nhìn hơn, có chiều sâu hơn và tác động đến nhiều độc giả hơn./.

Theo ICTvietnam

Tags: