Gợi ý 8 cuốn sách cho những bạn trẻ yêu văn hóa nước nhà
Gợi ý 8 cuốn sách cho những bạn trẻ yêu văn hóa nước nhà
Tình yêu văn hóa nước nhà của giới trẻ không chỉ dừng lại ở việc trân trọng quá khứ, mà còn là sự sáng tạo, đưa văn hóa dân tộc vào đời sống hiện đại một cách tự nhiên.

Điều này thể hiện qua nhiều khía cạnh:

  • Âm nhạc & nghệ thuật truyền thống: Nhiều bạn trẻ bắt đầu quan tâm hơn đến cải lương, chèo, hát xẩm hay các nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn bầu. Ngay cả trong âm nhạc hiện đại, nhiều nghệ sĩ trẻ cũng đang lồng ghép chất liệu dân gian vào tác phẩm của mình (VD: Hoàng Thùy Linh, Mỹ Anh, và nhiều nhóm nhạc khác...).
  • Trang phục truyền thống: Áo dài, áo tứ thân, khăn rằn… không còn chỉ xuất hiện trong những dịp lễ Tết mà được giới trẻ diện trong đời thường, chụp ảnh nghệ thuật, thậm chí mặc đi chơi. Xu hướng thiết kế thời trang cũng đang dần quay về với hoa văn và kiểu dáng truyền thống.
  • Sự quan tâm đến lịch sử & văn học dân tộc: Nhiều bạn trẻ đọc lại sử Việt, tìm hiểu các nhân vật lịch sử như Hai Bà Trưng, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, và say mê những cuốn sách về lịch sử, văn hóa nước nhà. Các nhóm nghiên cứu lịch sử trên mạng xã hội ngày càng đông thành viên.
  • Ẩm thực truyền thống: Không ít bạn trẻ yêu thích món ăn Việt, không chỉ trong nước mà còn muốn quảng bá ẩm thực Việt ra thế giới. Những món ăn như phở, bún bò, bánh mì… ngày càng được tôn vinh.
  • Tinh thần bảo tồn & sáng tạo: Ngày càng nhiều bạn trẻ quan tâm đến việc gìn giữ những nét đẹp truyền thống. Những dự án như phục dựng trang phục cổ, bảo tồn chữ Nôm, sáng tạo tranh dân gian… đều có sự tham gia của những người trẻ đầy nhiệt huyết.

Dưới đây là danh sách 8 cuốn sách về văn hóa Việt Nam giúp các bạn trẻ yêu văn hóa hiểu sâu hơn về bản sắc Việt qua nhiều góc nhìn khác nhau. 

1/ "Sử Ta – Chuyện Xưa Kể Lại" (Nhiều tác giả)

Cuốn sách tái hiện những câu chuyện lịch sử Việt Nam theo cách kể gần gũi, sinh động và dễ hiểu. Những sự kiện, nhân vật nổi tiếng trong lịch sử được viết lại với văn phong trẻ trung, giúp người đọc dễ dàng tiếp cận và yêu thích sử Việt hơn.

 

2/ "Việt Nam Danh Tác" (Nhiều tác giả)

Bộ sách tập hợp những tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam như “Vang Bóng Một Thời” (Nguyễn Tuân), “Số Đỏ” (Vũ Trọng Phụng), “Tắt Đèn” (Ngô Tất Tố)... Những tác phẩm này không chỉ có giá trị văn chương mà còn phản ánh sâu sắc đời sống, văn hóa, xã hội của Việt Nam trong những giai đoạn lịch sử khác nhau.

 

3/ "Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam" (Trần Ngọc Thêm)

Đây là một cuốn sách nghiên cứu sâu về văn hóa Việt, phân tích từ tư duy, phong tục, tập quán đến ngôn ngữ và nghệ thuật. Dù mang tính học thuật, nhưng sách được trình bày mạch lạc, dễ hiểu, phù hợp với những ai thực sự muốn tìm hiểu sâu về cội nguồn văn hóa dân tộc.

 

 

4/ "Ngàn Năm Áo Mũ" (Trần Quang Đức)

Cuốn sách hiếm hoi nghiên cứu chuyên sâu về trang phục và nghi lễ cung đình Việt Nam qua các thời kỳ. Nếu bạn yêu thích thời trang truyền thống và muốn tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, sự thay đổi của áo dài, áo giao lĩnh, mão, khố… thì đây là một cuốn sách không thể bỏ qua.

 

5/ "Khám Phá Ẩm Thực Truyền Thống Việt Nam" (GS. TS. Ngô Đức Thịnh)

Câu chuyện khám phá ẩm thực truyền thống luôn tạo nên sự tò mò cho mọi người bởi nền văn hóa ẩm thực nước ta đã có từ lâu đời. Dù là ẩm thực đường phố hay bữa cơm gia đình thì nó đều có những giá trị riêng nổi bật. Thông qua cuốn sách, bạn đọc như hiểu được quá trình ông cha ta đã khai sinh ra những món ăn dân dã, bình dị dựa trên đặc thù địa lý, điều kiện sống của từng vùng miền.

 

6/ “Việt Nam Phong Tục" (Phan Kế Bính)

Với 47 mục thuộc 3 thiên, tác giả đã diễn giải tỉ mỉ các phong tục tập quán đã hình thành, trở thành lễ nghi, thói quen, quy ước và điều chỉnh hành vi mỗi người dân trong gia đình, họ hàng làng xóm và đời sống cộng đồng. Từ những chuyện gần gũi thiết thân như ăn mặc, kiêng khem… đến những chuyện tôn giáo, chính trị… Những nếp xưa, thói cũ theo từng trang sách mà hiển hiện mang đến cho người đọc những xúc cảm thật trong lành và dung dị. Những hội hè, lễ Tết, giỗ chạp, ma chay, cưới xin… cũng theo đó mà được tái hiện, phục dựng, như đang bày ra trước mắt người đọc, dẫu khoảng cách về thời gian đã gần một thế kỉ.

 

7/ “Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam” (Vũ Ngọc Phan)

Tục Ngữ - Ca Dao - Dân Ca Việt Nam là một trong những cuốn sách quan trọng nhất trong sự nghiệp trước tác của nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan. Bên cạnh phần tuyển chọn công phu về tục ngữ, ca dao, dân ca vô cùng đa dạng và phong phú của dân tộc Việt Nam ta (trong đó có cả của một số dân tộc ít người), cuốn sách còn có phần nghiên cứu đầy tâm huyết của tác giả về loại hình văn học dân gian này. Đặc biệt, phần biên khảo về dân ca với các loại hình như hát trống quân, hát xẩm, quan họ, hát ghẹo Phú Thọ, hát ví, giặm Nghệ Tĩnh, hò Huế, dân ca Nam Bộ... rất có giá trị.

 

8/ “Văn Hóa Tín Ngưỡng Việt Nam” (Nguyễn Hạnh) 

Tác phẩm Văn Hóa Tín Ngưỡng Việt Nam của tác giả Nguyễn Hạnh là tác phẩm biên khảo về tín ngưỡng của người Việt khởi từ thời dựng nước với khái niệm thờ: Trời, đất,  tổ tiên. Những niềm tin dân gian của ông bà ta xưa vẫn còn lưu truyền đến ngày nay thông qua kho tàng ca dao.Tiếp đến là sự giao thoa văn hóa với 4 tôn giáo lớn ở Việt Nam là Nho, Phật, Lão, Công Giáo.

- Trạm Đọc tổng hợp