Giáo sư Phong Lê viết về 90 tên tuổi lớn của làng văn nghệ
Giáo sư Phong Lê viết về 90 tên tuổi lớn của làng văn nghệ
Sách "90 chân dung văn hóa, văn chương Việt" của Phong Lê tôn vinh nhiều tên tuổi từ Nguyễn Du, Cao Bá Quát đến Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Nhật Ánh...

Trong sách dày hơn 800 trang, tác giả điểm lại những nhân vật ông nghiên cứu suốt hành trình nghề nghiệp gần 60 năm. 90 chân dung được xếp theo thứ tự năm sinh, từ những tên tuổi của văn học trung đại như Chu Văn An, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bát Quát... đến các gương mặt của văn hóa, văn chương Việt Nam thế kỷ 20. Tác giả kỳ vọng cuốn sách mang lại cái nhìn thấu suốt hành trình văn hóa của dân tộc.

Trong sách, hai danh nhân văn hóa thế giới - Nguyễn Du và Hồ Chí Minh - được tác giả dành riêng mỗi người hai bài, với dung lượng như một tiểu luận. Ông còn dồn tâm huyết với các nhân vật ông theo đuổi, nghiên cứu suốt một đời làm nghề như Nam Cao, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Quang Dũng, Đoàn Phú Tứ...

Bìa sách "90 chân dung văn hóa, văn chương Việt" của giáo sư Phong Lê. Ảnh: NXB Trẻ.

Chẳng hạn, đánh giá về cố thi sĩ Quang Dũng, ông viết: "Phải có buồn mới đúng là hồn thơ Quang Dũng. Chút buồn, sao thoát được, trong lận đận chuyện đời, trong nỗi sợ ngày qua, nhưng buồn không phải để mất đi lòng tin vào cuộc đời, đối với ông, đó là toàn bộ sự sống bình dị mà ấm áp giữa người thân và bè bạn, là tình cảm của biết bao người đọc ông và yêu mến ông, cả trong đời và trong thơ...". Ông viết về Nguyễn Nhật Ánh: "Giữa cái ác, cái giả đang bủa vây hôm nay, đọc Nguyễn Nhật Ánh, ta vẫn có lòng tin: cái thiện, cái tốt, cái đẹp vẫn có trong cuộc đời, và trong quan hệ giữa con người, khơi dậy lòng khao khát sống tử tế, sống vì người khác. Đó là giá trị tích cực nơi tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đem lại trước hết cho trẻ em, và không chỉ trẻ em mà còn là những bậc làm ông bà, cha mẹ".

Theo đại diện Nhà xuất bản Trẻ - đơn vị phát hành, Phong Lê có thể được xem là chân dung thứ 91, ẩn mình sau những trang viết với bút pháp uyển chuyển, giàu tính văn chương. Nhà văn Ma Văn Kháng đánh giá: "Tác giả chưa bao giờ lảng tránh việc thổ lộ chính kiến ngay thẳng, và ông đã hoàn thành xuất sắc việc đó bằng một tình yêu thật sự với các nhân vật của mình...".

Giáo sư Phong Lê là một nhà nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam hiện đại, nguyên Viện trưởng Viện Văn học thuộc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Ông được phong học hàm Phó giáo sư năm 1984 và Giáo sư năm 1991. Ông từng làm Tổng biên tập Tạp chí Văn học (1988-1995). Các tác phẩm gây chú ý của ông là Văn học Việt Nam hiện đại - Lịch sử và lý luận (1980 - 1987, bảy tập), Chủ tịch Hồ Chí Minh và văn học Việt Nam hiện đại (1986), Văn học và công cuộc đổi mới (1994), Nam Cao - Phác thảo sự nghiệp và chân dung (1997), Văn học trên hành trình của thế kỷ 20 (1997)...

 Theo VnExPress

Tags: