9 tuổi, Emma bước vào Hollywood hoa lệ với vai diễn điện ảnh đầu đời, cũng là nhân vật gắn bó với cô trong suốt thời niên thiếu và tuổi trẻ của mình: phù thủy nhỏ Hermione trong loạt phim “Harry Potter”. Tập phim đầu tiên, mái tóc xù mì to hơn cả thân thể, điệu bộ mọt sách biết tuốt, Hermione chưa có vẻ gì liên quan đến từ “xinh đẹp”. Cô bé chỉ dễ thương mà thôi.
Cũng 9 tuổi, Emma ngoài đời bắt đầu lên thảm đỏ và trả lời phỏng vấn. Cô bé nói mình hâm mộ Brad Pitt. Mãi sau này, vào năm ngoái, cô mới thú nhận đó là một lời nói dối. Ở tuổi đó, cô chưa từng xem một phim nào của Brad Pitt và cũng chẳng nhớ mặt tài tử hơn mình mấy thế hệ này. Cô chỉ nghe nói đó là người đàn ông quyến rũ nhất thế giới. Câu trả lời như vậy có vẻ an toàn, và... đáng yêu. Cô mới gia nhập giới giải trí, có nhu cầu rất lớn trong việc tỏ ra đáng yêu.
Nhưng chính vai diễn Hermione đã đồng hành cùng Emma trong quá trình tìm kiếm chính mình. Cô lớn dần lên, dần hiểu nhân vật hơn và hiểu chính con người mình hơn. Nếu cho chọn lại, cô bé Emma ngày ấy sẽ chẳng nói hâm mộ Brad Pitt. Cô sẽ nói, cô có thiện cảm với bất cứ người đàn ông nào trân trọng phụ nữ và tôn trọng bình đẳng giới.
Cô sẽ không nói bất cứ điều gì chỉ để tỏ ra đáng yêu mà không phải là suy nghĩ chân thực từ đáy lòng.
Cô sẽ không ngần ngại nói rằng, mình khao khát và ủng hộ bình đẳng giới bằng cả trí óc và trái tim.
Cô thông minh và cô sẽ thể hiện điều đó, chẳng cần kìm giữ dù điều đó có thể khiến đàn ông xung quanh chùn bước.
Câu lạc bộ Our Shared Shelf được lập ra với đường hướng hoạt động rất rõ ràng: nâng cao nhận thức cộng đồng về bình đẳng giới và các vấn đề xã hội khác thông qua sách. Câu lạc bộ không hoạt động trên nền tảng Facebook mà là Goodreads, một nơi chốn bình yên hơn cho những người yêu sách. Tính đến tháng 11 này, Our Shared Shelf có 150.340 thành viên.
Trong bức ảnh chân dung ở mục ban quản trị, Emma trông đẹp tuyệt vời. Một hình ảnh trái ngược so với hình tượng “phụ nữ thông minh” truyền thống (thực chất là hình tượng mà họ bị định kiến gán cho): xấu xí, thô kệch và không duyên dáng. Đàn ông, hãy cảnh giác, những cô gái thông minh ngày nay rất đẹp! Hoặc biết làm mình đẹp hơn!
Được coi là biểu tượng của vẻ đẹp trí tuệ cho thế kỷ 21 này, Emma vừa say mê sách vừa say mê bình đẳng giới. Cô là nhà hoạt động của Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (một trong những thủ lĩnh của phong trào HeForShe - Nam giới hành động vì bình đẳng giới), vừa là độc giả trung thành của sách trong hơn 20 năm qua. Chi tiết thêm về bài phát biểu này sẽ được đề cập đến trong phần cuối của bài viết.
Và tháng 2 vừa qua, Emma thông báo rằng sẽ nghỉ diễn một năm, ngay sau khi cô hoàn thành vai diễn Belle trong bộ phim “Người đẹp và ác thú” - một bom tấn rất đươc mong đợi chuyển thể từ phim hoạt hình kiệt tác cùng tên.
“Do yêu cầu của công việc ở Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ trên toàn thế giới, tôi bắt đầu đọc thêm nhiều sách và bài luận để tôi có thể học thêm nhiều kiến thức về Quyền bình đẳng. Có rất nhiều điều thú vị!” - Emma nói trên Goodreads.
“Sách có lúc vui vẻ, truyền cảm hứng, lúc lại buồn, day dứt nhưng đều khiến tôi phải suy nghĩ từng câu chữ và cho tôi cảm giác được trao quyền! Những nhiều điều thú vị trong trang sách khiến não tôi đôi khi như muốn nổ tung... Tôi quyết định thành lập một câu lạc bộ sách dành cho những người cùng bảo vệ, chung quan điểm về bình đẳng giới, vì tôi muốn chia sẻ những gì mình đang học được và được lắng nghe chia sẻ từ những người khác”.
Một câu lạc bộ sách của Emma Watson sẽ như thế nào? Có điều gì khác biệt so những một câu lạc bộ không có Emma Watson?
Chúng ta đều biết rằng, phụ nữ đọc sách nhiều hơn đàn ông. Phụ nữ có xu hướng thể hiện bản thân, cùng bàn luận và hợp tác nhiều hơn đàn ông. Việc đọc sách rồi bàn luận về nó có vẻ được cho là nữ tính, nhưng ngày nay, rất rất nhiều đàn ông cũng làm điều này.
Thực tế là, có một số lượng đáng kế thành viên của Our Shared Shelf là nam. Và cộng đồng này hoàn toàn không phải một nơi toàn phụ nữ đang gào thét bộc lộ quan điểm của mình về những bất công xã hội. Có tương tác, giao tiếp, bàn luận rõ ràng giữa các thành viên, cả nam lẫn nữ. Họ đến từ Mỹ, Anh (quê hương của Emma), Canada, các nước phương Tây được cho là hiện đại, các nươc Nam Mỹ, Ấn Độ, Iran, Pakistan, Ghana, Singapore… và Việt Nam.
Trong số thành viên, nổi lên cái tên Karlie Kloss, siêu mẫu đồ lót của hãng Victoria’s Secret.
Lựa chọn đầu tiên của câu lạc bộ là cuốn sách “My Life on the Road” (Hành trình đời tôi) của Gloria Steinem, một nhà nữ quyền thế hệ trước, người từng là tấm bia hứng chịu nhiều định kiến xã hội, một xã hội còn rất ác cảm với 2 chữ “nữ quyền”. Emma kính trọng Steinem. Cô đã và trò chuyện với nữ tác giả này. Cũng như Mark Zuckerberg, lôi kéo chính tác giả vào các cuộc bàn luận về cuốn sách của họ và mở rộng chủ đề ra xa hơn, hướng đến các vấn đề trong cuộc sống.
Chủ đề chính là của câu lạc bộ “bình đẳng giới”. Bên cạnh đó, Những chủ đề nhỏ hơn cũng được quan tâm: từ bạo hành tình dục, bình đẳng nói chung trong xã hội, cho đến bất công giàu nghèo. Những cuốn sách là xuất phát điểm để bàn luận, nhưng các cuộc thảo luận sẽ đi rất xa, không chỉ gắn chặt vào sách. Our Shared Shelf mang đến cho mỗi cuốn sách một cuộc sống thực sự.
Hơn thế, sự vắng mặt (chứ không phải có mặt) của người sáng lập sẽ khiến người ta ngạc nhiên và thích thú. Emma chính là cái tên thu hút tất cả những người tham gia vào câu lạc bộ, nhưng bản thân cô lại không xuất hiện nhiều. Chính xác là sau khi giới thiệu một vài cuốn sách đầu tiên, cô hoàn toàn biến mất, để lại cuộc chơi cho những thành viên khác.
Hành động hoàn toàn đúng đắn. Một cộng đồng thuộc về chính cộng đồng đó. Một cộng đồng nuôi dưỡng chính nó và cần tự biết lớn mạnh.
Trong hoàn cảnh xã hội vẫn còn định kiến với nữ quyền (kể cả ở phương Tây, đừng ngạc nhiên!), nữ giới không chỉ cần thông minh, mà còn cần khôn khéo. Emma thông minh và khôn khéo. Điều này cô học hỏi được từ một kinh nghiệm xương máu.
Năm 2014, cô lần đầu tiên diễn thuyết tại Liên Hợp Quốc với tư cách một nhà nữ quyền, kêu gọi nam giới hành động vì bình đẳng giới. “Bất bình đẳng giới cũng gây hại cho nam giới” và “Nữ quyền không phải là chống lại đàn ông” - cô đưa ra hai luận điểm nổi tiếng, tưởng như vô cùng thuyết phục.
Thế nhưng, ngay sau bài phát biểu này, cô trở thành nạn nhân của một nhóm người phản đối nữ quyền. Qua một trang web, một cư dân mạng vô danh đã tung tin đe dọa phát tán ảnh khỏa thân của Emma lên mạng để “trừng phạt” cô. Vụ khủng bố cá nhân này được dập tắt ngay sau đó, bởi thực tế đơn giản rằng Emma không có cái ảnh khỏa thân nào bị rò rỉ cả.
Nhưng vụ việc cũng cho Emma một kinh nghiệm thấm thía: không phải ai cũng sẵn sàng ủng hộ nữ quyền, kể cả khi nhà nữ quyền có xinh đẹp đến đâu. Như mọi khi, người ta (đàn ông?) cho rằng người đẹp thì nên tỏ ra ngu một chút.
Nhưng với Emma thì đừng hòng. Cô vẫn tiếp tục đọc những cuốn sách.
Mi Ly
Trạm Đọc đăng tải quan điểm của độc giả về một cuốn sách nhưng không nhất thiết đồng tình với quan điểm đó. Hi vọng các bạn đọc bài với tinh thần khai phóng.