Đừng tưởng đi hẹn hò là vui: Vì sao đi làm lại dễ hơn ở bên cạnh người yêu?
Đừng tưởng đi hẹn hò là vui: Vì sao đi làm lại dễ hơn ở bên cạnh người yêu?
Chỉ có đi làm, bạn mới có thể là phiên bản tốt nhất của chính mình.

Sẽ có một lúc nào đó bạn không háo hức cuối tuần mau đến để đi cafe tỉ tê tâm sự với "gấu" nữa, thay vào đó, bạn mong chờ thứ hai đến thật nhanh dù mới đang là ... thứ ba, để bạn lao vào guồng công việc với những người cộng sự với niềm phấn chấn kì lạ.

Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa đã quá quen với những tình yêu đẹp đẽ và cảm động; chúng ta biết về những phút huy hoàng của tình yêu và ca tụng sự mê hoặc của nó trên phim ảnh và trong âm nhạc. Nếu so sánh tình yêu với công việc, điều thứ hai nghe thật tẻ nhạt và chán ngắt - vì chúng ta chỉ làm việc để kiếm sống mà thôi.

Tuy vậy điều đáng ngạc nhiên chính là dù chẳng có gì hấp dẫn, nhưng thực tế làm việc lại dễ dàng, đáng hưởng thụ hơn và khiến ta thấy mình sống đúng như “một con người” hơn.

Và sau đây là lí do: 

 

Bạn cần phải là người chuyên nghiệp

 

 

Công việc đòi hỏi bất cứ ai bước qua cánh cửa văn phòng đều phải thể hiện bản thân một cách chuyên nghiệp. Điều đó có nghĩa là kể cả trong những tình huống mà sâu thẳm bên trong bạn chỉ muốn bùng nổ, công kích, chửi thề và khóc lóc, bạn vẫn phải kiềm chế và cư xử với thái độ bình tĩnh, kín kẽ.

Tại nơi làm việc, bạn không thể là chính mình và những người khác cũng vậy - nghe có chút giả tạo, lươn lẹo nhưng chính sự thiếu trung thực này lại là một sự phát triển bản thân rất nên đón nhận sau cả một quãng thời gian dài chúng ta sống trong một môi trường mà mọi người đều cảm thấy có trách nhiệm phải sống tuyệt đối ngay thẳng cho tương xứng với tâm trạng và mối băn khoăn bên trong.

 

Bạn được rèn luyện

 

Chúng ta mặc định rằng với hầu hết mọi công việc, những người mới đi làm thường chẳng biết gì về công việc đó sẽ như thế nào. Không ai mong đợi bạn sẽ biết được về bộ máy hay các quy tắc công việc chỉ qua trực giác. Vì vậy, bạn sẽ được sắp xếp vào các chương trình đào tạo và được đưa cho đọc vô số hướng dẫn. Có lẽ bạn sẽ mất khoảng hai năm để có thể hiểu được chút gì đó về công việc.

Nhưng những người yêu nhau thì làm gì có điều xa xỉ này, vì trong tình yêu, một người, theo bản năng, được mặc định là sẽ “cảm” đối phương ngay lập tức và cho rằng sự hiểu nhau chóng vánh này chính là bằng chứng của tình yêu chân thật. Đôi khi những người yêu nhau thậm chí còn nói rằng họ đơn giản biết rằng hai người là dành cho nhau bởi vì họ có thể giao tiếp mà không cần lời nói. Nhưng sau vài tuần đầu yêu nhau, những khát vọng lãng mạn như vậy thật đúng là một thảm họa, vì nó dẫn họ tới những thiên kiến về việc tự giải thích bản thân cũng như mong muốn của chính mình cho đối phương với sự kiên nhẫn và chu đáo đúng mực.

Tai hại thay cho cơ may có được hạnh phúc của chúng ta chính là: lý tưởng lãng mạn cho rằng tình yêu là đam mê cháy bỏng, và quên đi mất bản chất thật của nó: yêu là một kỹ năng cần phải học.

 

 Cách nhận xét tinh tế hơn

  

Không ai thích việc đánh giá khi đi làm, nhưng thật sự điều này giúp ta tốt lên nhiều nếu ta chỉ loanh quanh ở nhà. Đánh giá là cả một văn hóa về ứng xử. Một lời chê cần được bao bọc trong ít nhất bảy lời khen. Văn hóa công sở cho thấy con người sẽ không tiến bộ và tiếp thu những ý kiến mới nếu họ cảm thấy bị đe dọa hay bị bẽ mặt.

Trong khi đó, cuộc sống gia đình khiến chúng ta trở thành “những người thầy yếu năng lực”. Khi người khác không làm được điều chúng ta muốn (thậm chí là do ta còn chưa thực sự giải thích gì cho họ), chúng ta hoang mang và tức giận, bắt đầu “dạy dỗ” họ bằng cách đóng sầm cửa hay gọi họ là đồ ngu hoặc tệ hơn thế. Buồn thay, chẳng ai rút ra bài học gì từ những trường hợp kích động như vậy.

Thêm vào đó, chúng ta có xu hướng thấy rằng việc bị người yêu “dạy dỗ” mâu thuẫn với những nguyên tắc của tình yêu: vì chúng ta cho rằng mình cần được yêu thương vì chính con người của mình. Mặc dù tất nhiên là không ai hoàn hảo, chúng ta vẫn cho rằng tình yêu chẳng liên quan gì tới việc dạy dỗ cả, và người muốn chỉ ra điều gì đó cho chúng ta thật ra chỉ đang tỏ ra khó chịu thay vì phải làm những điều tất cả những người yêu nhau nên làm, chính là cố gắng làm người mà ta quan tâm trở nên tốt đẹp hơn qua những bài học được giảng giải một cách đầy yêu mến. 

 

Bạn ít phụ thuộc vào công việc hơn người yêu

 

Tất nhiên chúng ta phải dựa vào công việc (để kiếm sống), nhưng dù bỏ việc, chúng ta vẫn sống được. Nhưng với tình yêu thì không phải vậy, đặc biệt là khi hai bên đã có một vài đứa con và một tài sản thế chấp.

Chúng ta càng phụ thuộc vào ai đó, chúng ta càng thấy lo lắng khi thất vọng bởi bất cứ điều gì về họ. Về bản chất, chúng ta chẳng phải ích kỷ gì lắm mà chỉ đơn thuần phụ thuộc vào đối phương nhiều hơn - và vì vậy khi đó “ích kỷ” và “phụ thuộc gần như không có gì khác biệt.

 

 Làm việc đơn giản dễ dàng hơn nhiều

 

Điều hành một nhà máy điện hạt nhân hay lái những chiếc phi cơ lớn hạ cánh thì không đơn giản, nhưng vẫn phải nhấn mạnh rằng điều này còn dễ dàng hơn nhiều việc cố gắng tỏ ra hạnh phúc trong một mối quan hệ với ai đó trong vài chục năm.

Chẳng có gì khó hơn trên thế giới này bằng việc cố gắng nâng cao mức độ kiên nhẫn, thấu hiểu, hay chất lượng của những lần nhận xét và cố gắng “làm tốt” đối phương, nếu căn cứ vào sự phức tạp của chúng ta, với những kỳ vọng cao nhất và sự lãng mạn nghèo nàn cho tình yêu.

Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên nếu chúng ta đều thấy hạnh phúc mỗi sáng thứ hai đến. Khi đó ta có thể rời nhà và làm một việc gì đó đơn giản và vừa phải với cuộc sống của mình thêm lần nữa.

 

Trạm Đọc 

Theo The Book of Life