Đồng tiền lên ngôi- Lịch sử tài chính thế giới
Đồng tiền lên ngôi- Lịch sử tài chính thế giới
Khám phá cuốn sách kinh điển của Niall Ferguson - người được xem là một trong những sử gia kinh tế ảnh hưởng nhất ngày nay.

Niall Ferguson được xem là một trong những sử gia kinh tế ảnh hưởng nhất ngày nay. Trong cuốn sách mới nhất của ông Đồng tiền lên ngôi: Lịch sử tài chính thế giới, ông cho rằng tài chính đứng sau mọi sự kiện lớn trong lịch sử nhân loại. Nhưng nếu lịch sử tài chính là một trong những yếu tố chính để diễn giải lịch sử, thì chắc chắn nó đáng được chú ý hơn 350 trang sách. Phụ đề phù hợp của cuốn sách của ông nên là Một lược sử tài chính thế giới. Lý do tại sao cuốn sách này tương đối ngắn, nhất là khi tiêu đề quá tham vọng, là vì nó được viết dưới dạng kịch bản cho một chương trình truyền hình cùng tên, và tôi đoán rằng, Ferguson đã không nhận được một xu tài trợ nào cho hơn 4 tập kịch bản đó. 

Việc hiểu cuốn sách này như là một chương trình truyền hình là rất quan trọng trong việc hiểu cấu trúc lập luận của nó. Cuốn sách chứa đầy những ví dụ lịch sử, các phần tiểu sử của những người đã định hình nên ngành tài chính trong thời đại của họ, khiến cuốn sách này rất thú vị, đáng để đọc (và xem), nhưng dường như nó lại không đóng góp đáng kể cho người đọc một phân tích chặt chẽ hay củng cố những lập luận của nó. Trên thực tế, nhóm độc giả mục tiêu của cuốn sách này dường như là những người dân thường và những người không phải là các sử gia kinh tế hay chuyên gia tài chính.

Ngay cả khi cuốn sách này không phải là một chuẩn mực trong phân tích khoa học chặt chẽ, thì những kết luận của nó rõ ràng khiến cho nó trở thành một bộ phận của không gian tự do cho tư tưởng kinh tế. Có thể nói một trong những tuyên bố táo bạo nhất của cuốn sách này là cho rằng, ngành tài chính phát triển theo hướng đi lên, mặc cho cuộc khủng hoảng tài chính mới diễn gần đây [năm 2008]. Bất kể những thất bại hiện nay, các quỹ phòng hộ là một phương thức quản lý rủi ro vượt trội so với nhà nước phúc lợi, và Ferguson trích dẫn ví dụ về đất nước Chile thời Pinochet. Ở đây, Ferguson cho thấy ông không chỉ là một nhà kinh tế mà còn là một người theo chủ nghĩa tự do chính trị. Ông phân biệt rõ việc ông ủng hộ các chính sách kinh tế của Pinochet với việc ông không thích chế độ độc tài tàn bạo của ông ấy, và ông thậm chí còn đặt ra một nghi vấn, mà sau đó chính ông bác bỏ, rằng rất có thể đây là trường hợp mà cải cách thị trường cực đoan trong thời Pinochet chỉ có thể xảy ra dưới chế độ độc tài, ở đó các phong trào phản đối những cải cách này đều bị dập tắt bằng súng đạn. Một vấn đề mà Ferguson không đồng ý với những người đồng nghiệp theo chủ nghĩa tự do là ông phản đối nỗi ám ảnh về quyền sở hữu tài sản, nhất là sở hữu nhà ở. Lý do của ông là nên giảm thiểu những rủi ro trong tương lai bằng giải pháp đa dạng hóa hơn là tập trung tất cả những quả trứng vào chung một rổ là nhà ở. Mục tiêu chính của cuốn sách này là theo dõi lịch sử quá trình phát triển của thị trường tài chính và bằng cách nào mà quá trình phát triển của thị trường tài chính đã ảnh hưởng đến quá trình phát triển của nền văn minh nhân loại. Nội dung chính của cuốn sách này gồm có lời giới thiệu, 6 chương và lời kết.

Trong lời giới thiệu, Ferguson nhấn mạnh tầm quan trọng của lĩnh vực tài chính trong các nền kinh tế hiện đại. Chẳng hạn như nó chiếm 7,7% GDP ở Hoa Kỳ và 9,4% GDP ở vương quốc Anh, những con số này có thể sẽ tăng trong tương lai. Chương này kết thúc với ba bài học mà Ferguson đã học được về các thị trường tài chính trong khi viết sách này. Bài học đầu tiên là ngành tài chính và các ngân hàng có thể gây ra sự nghèo đói. Nhưng, trái với những gì ông có thể mong đợi, nhất là trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, Ferguson cho rằng các ngân hàng có thể tạo ra tình trạng nghèo đói không phải vì lòng tham mà là vì sự vắng mặt của họ, cùng với các tổ chức tài chính “chính thức” khác. Nói cách khác, sự tồn tại của các ngân hàng là điều kiện tiên quyết để xóa đói giảm nghèo. Thứ hai, hệ thống tài chính không hoàn hảo vì nó chỉ là “tấm gương của nhân loại” – nó phản ánh cả các đức tính lẫn những sai lầm của chúng ta. Thứ ba, rất khó để dự đoán cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo sẽ xảy ra khi nào bởi tương lai luôn chứa đựng một mức độ rủi ro nhất định và chẳng có điều gì là chắc chắn cả.

Chương một phác thảo một lược sử về giai đoạn đầu tiên trong quá trình lên ngôi của đồng tiền và đó là quá trình tạo ra các ngân hàng. Trước khi tìm hiểu các ngân hàng được sinh ra như thế nào, thì chúng ta cần phải khám phá ra bản chất thực của giá trị đồng tiền. Người Tây Ban Nha tin rằng giá trị của đồng tiền nằm trong xác kim loại của tiền xu. Vì thế, họ tin rằng tất cả những gì họ cần làm để giàu lên là mang thật nhiều vàng bạc từ các thuộc địa của họ ở châu Mỹ về Tây Ban Nha. Dòng vàng bạc không khiến cho Tây Ban Nha giàu lên; mà việc này chỉ khiến tăng giá đồng tiền của nó. Người Tây Ban Nha đã không nhận ra rằng đồng tiền chỉ có giá trị bằng những gì mà những người khác sẵn lòng bỏ ra cho nó. Về bản chất, giá trị của đồng tiền nằm ở niềm tin của chúng ta về giá trị của nó, hơn là nằm ở xác kim loại hay giấy mà từ đó nó được tạo ra. Giá trị đồng tiền tăng thêm không được tạo ra bằng cách in thêm tiền, mà thông qua hệ thống tài chính. Trên thực tế, “đồng tiền mạnh” chỉ là một yếu tố nhỏ của cung tiền hiện nay. Tuy nhiên, phải mất một thời gian dài để phát triển các tổ chức tài chính, ngay cả đối với những tổ chức đơn giản nhất như ngân hàng. Những hành vi cho vay tiền và yêu cầu trả lãi được xem là những hành vi vô đạo đức trong thế giới Kitô giáo. Theo sách Tin Mừng Luca (6:35), một người nên “cho người khác vay, [và] không được mong đợi điều gì khi người đó hoàn trả”. Dante thậm chí còn thiết lập một vị trí đặc biệt trong tầng địa ngục thứ 7 chỉ dành cho những kẻ cho vay nặng lãi. Bất chấp tầm quan trọng của ngành tài chính đối với sự vận hành thích hợp của nền kinh tế, những người cho vay tiền sớm bị coi thường. Gia đình đã thay đổi ngành tài chính là nhà Medici. Nhà Medici đã tìm ra được một cách để lách các đạo luật nghiêm ngặt chống hình thức cho vay nặng lãi của Ki-tô giáo. Thay vì gọi nó là tiền lãi, họ gọi nó là hoa hồng dành cho việc đổi tiền. Tuy nhiên, những đạo luật chống hình thức cho vay nặng lãi không phải là vấn đề duy nhất mà những người cho vay tiền phải đối mặt. Vấn đề quan trọng không kém là một phương thức thích hợp để bảo đảm an toàn [tài chính] trước nguy cơ vỡ nợ. Các thành viên trong nhà Medici là những người chủ ngân hàng thành công vì họ đã cố gắng đa dạng hóa các hình thức cho vay của mình. Rủi ro vỡ nợ có thể hủy hoại họ, nhưng bằng giải pháp cho nhiều người vay, rủi ro đó sẽ giảm đi. Vì thế, họ có thể tính lãi hoặc hoa hồng - như cách họ gọi - thấp hơn, việc này khiến họ trở thành những người chủ ngân hàng hàng đầu của thời Phục hưng.

Chương hai phác thảo giai đoạn hai trong quá trình lên ngôi của đồng tiền – liên quan đến thị trường trái phiếu. Loại hình trái phiếu đầu tiên được phát hành bởi các thành-quốc của nước Ý để tài trợ cho các cuộc chiến tranh của họ. Và từ thời điểm đó, các cuộc chiến đã được quyết định trên thị trường tài chính cũng nhiều như trên chiến trường. Có lẽ ví dụ rõ ràng nhất là các cuộc chiến với Napoleon, nơi chứng kiến ​​Anh quốc, quốc gia tài trợ cho các cuộc chiến này thông qua việc phát hành trái phiếu, cuối cùng đã đánh thắng Pháp, quốc gia có những nỗ lực tài trợ cho chiến tranh thông qua việc đánh thuế cao hơn. Tương tự, phe miền Bắc đánh bại phe miền Nam trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ vì không ai muốn mua trái phiếu của phe miền Nam. Các đế chế đã bị sụp đổ nếu họ không thể đảm bảo ngành tài chính của mình ổn định. Sau đó, một lần nữa, chương này kết thúc với một “bí ẩn”. Tại sao các thị trường không trừng phạt tổng thống George W. Bush yêu thích thâm hụt, thay vì thưởng cho ông ấy? Câu trả lời cho câu hỏi này nằm ở thị trường chứng khoán.

Giai đoạn ba trong quá trình lên ngôi của đồng tiền – liên quan đến thị trường chứng khoán, đây là chủ đề của Chương ba. Các thị trường chứng khoán mang lại lợi nhuận trung bình cao hơn so với các thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, các thị trường chứng khoán cũng dễ rơi vào chu kỳ bùng-nổ-và-suy-thoái hơn. Bong bóng thị trường đầu tiên được tạo ra bởi John Law, một tên tội phạm giết người đã trở thành bộ trưởng tài chính, kinh tế Pháp kiêm thống đốc ngân hàng trung ương Pháp. John Law là người đứng đầu một công ty độc quyền trong mọi hoạt động kinh tế ở vùng Mississippi [Hoa Kỳ]. Ngoài ra, ông còn kiểm soát một ngân hàng tư nhân có chức năng in tiền. Việc in tiền dẫn đến tình trạng giá cổ phiếu tăng đột biến vì sức mua tăng. Nhưng, nó cũng dẫn đến tình trạng lạm phát và cuối cùng bong bóng [tài chính] đã nổ tung, khiến nền kinh tế Pháp rơi vào suy thoái. Với Ferguson, một chính sách tiền tệ mở rộng quá mức là nguyên nhân chính của bong bóng tài chính trong những năm 1920 và trong cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay [năm 2018], giống như những gì xảy ra ở nước Pháp thời John Law. Tuy nhiên, ngay cả với chính sách tiền tệ vững mạnh, giá cổ phiếu luôn luôn biến động bởi chúng được xác định bởi thực tế hiện nay và những kỳ vọng trong tương lai không thể đoán trước. Vì tương lai không thể dự đoán trước, nên câu hỏi đặt ra là làm sao chúng ta có thể tự đảm bảo cho mình trước những rủi ro trong tương lai.

Chương bốn được dành để trả lời câu hỏi đó. Có hai cách chúng ta có thể đảm bảo cho mình trước thiên tai trong tương lai. Lựa chọn đầu tiên là phó mặc nó cho cá nhân và lựa chọn thứ hai là cho xã hội tự chịu rủi ro này thông qua nhà nước phúc lợi. Mặc dù nhà nước phúc lợi đã rất hấp dẫn trong những thập kỷ sau Thế chiến II, nhưng rõ ràng những sự đồng cảm của Ferguson nằm ở tính trách nhiệm cá nhân. Ferguson lập luận rằng nhà nước phúc lợi có những cơ chế nhất định mà qua đó nó làm suy yếu chính nó. Các cơ chế này là tâm lý không nản lòng với công việc và tình trạng già hóa dân số. Trong khi cơ chế trước chỉ diễn ra ở một số quốc gia nhất định (chẳng hạn như ở Vương quốc Anh quốc gia mang tính cá nhân hơn chứ không diễn ra ở Nhật Bản quốc gia có tính bình đẳng hơn), cơ chế sau này diễn ra ở mọi quốc gia trên thế giới. Tình trạng già hóa dân số làm gia tăng số người hưởng phúc lợi và giảm số người đóng góp cho nó. Vì thế, tương lai của ngành bảo hiểm chống lại rủi ro đối với Ferguson là nằm ở việc xóa bỏ nhà nước phúc lợi. Một vị trí đặc biệt nổi bật trong câu chuyện thành công xóa bỏ nhà nước phúc lợi dành cho các cơ chế bảo hiểm rủi ro khá mới mẻ – liên quan đến các quỹ phòng hộ. Ông đã viết sách này vào giữa năm 2008 và dường như các sự kiện diễn ra sau đó đã đặt ra một dấu hỏi lớn về lợi ích lâu dài của các công cụ [tài chính] phái sinh phức tạp, được các quỹ phòng hộ vận hành.

Chương năm đưa ra lời chỉ trích về niềm tin chung rằng nhà ở là khoản đầu tư tốt nhất và an toàn nhất. Bằng khẩu hiệu “an toàn như nhà ở”, Ferguson không chỉ muốn nói rằng mọi người nên tiết kiệm để sở hữu nhà ở cho riêng mình mà còn muốn nói rằng các ngân hàng nên cho các chủ nhà vay tiền. Trong trường hợp họ không thể trả nợ, ngân hàng có thể tịch thu nhà của họ. Đây là một ý tưởng chính của nền dân chủ sở hữu chủ nhà, mà trong đó tất cả các thành phần của xã hội đều trở thành những nhà tư bản nhỏ. Là một phần của động lực này, một số chính phủ, chủ yếu là phe cánh hữu, đã buộc nó tạo ra càng nhiều chủ nhà càng tốt. Tổng thống George W. Bush thậm chí còn ban hành một đạo luật yêu cầu các ngân hàng cho vay đối với những người có mức tín dụng thấp. Kết quả là ngay cả những người không có công ăn việc làm ổn định cũng được cho vay, các khoản vay này còn được biết đến với tên gọi là các khoản vay dưới chuẩn. Chính sách này trở nên không bền vững sau khi Fed tăng lãi suất từ ​​1% lên 5,25%, dẫn đến những vụ vỡ nợ rất lớn và cuối cùng khởi đầu cho cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.

Bài học của câu chuyện này là khẩu hiệu “an toàn như nhà ở” rốt cuộc cũng sai lầm và mọi người nên đa dạng hóa đầu tư, thay vì ném mọi thứ vào tài sản để ở.

Chủ đề xuyên suốt trong công trình này của Ferguson là chỉ ra các đế chế đã quản lý sai cách ngành tài chính, cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của mình. Chương sáu phác thảo đế chế hiện tại, mà ông gọi là Chimerica, tức là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, đây là một sự cộng sinh tuyệt vời – Hoa Kỳ quốc gia tiêu thụ và Trung Quốc quốc gia sản xuất. Để tăng công ăn việc làm, người Trung Quốc đã dựa vào việc xuất khẩu giá rẻ. Nhưng, để giữ cho hàng xuất khẩu giá rẻ, người Trung Quốc đã phải mua đô la Mỹ để giữ cho đồng đô la của Mỹ mạnh và đồng nhân dân tệ của họ yếu. Và sự sẵn lòng của người Trung Quốc để Hoa Kỳ vay nợ đã khiến việc theo đuổi giấc mơ Mỹ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Nhưng cách làm này có một nhược điểm. Bằng cách mua trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ, Trung Quốc đã bơm một lượng tiền khổng lồ vào nền kinh tế Mỹ và số tiền thừa ra này sau đó được sử dụng để cung cấp các khoản vay cho các khách hàng đáng tin cậy, cuối cùng dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính. Ông đã đặt ra một câu hỏi hay khi ông tự hỏi rằng sự cộng sinh này có thể duy trì trong bao lâu. Ông đề cập đến một tình huống tương tự liên quan đến thủ đô tài chính của thế giới lúc bấy giờ (Anh quốc) và nền kinh tế công nghiệp năng động nhất châu Âu (nước Đức). Sự sụp đổ của sự cộng sinh của họ và làn sóng toàn cầu hóa đầu tiên đã kết thúc trong cuộc chiến tranh quy mô lớn.

Trong lời kết, mang tên Đồng tiền mất ngôi, một lần nữa, Ferguson nhấn mạnh niềm tin của mình rằng bất chấp cuộc khủng hoảng hiện nay [năm 2018], quá trình lên ngồi của đồng tiền là một trong những động lực chính của quá trình tiến bộ của loài người, và sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nó sẽ không phải là một con đường khó đi. Những sự bùng nổ và sụp đổ thường xuyên [của thị trường chứng khoán] sẽ không thể tránh khỏi vì các lý do sau đây. Cho dù các công cụ của chúng ta có tinh vi đến đâu, thì tương lai sẽ luôn luôn không chắc chắn. Tiếp theo, hành vi của loài người có xu hướng thái quá, từ hưng phấn trong thời kì tốt cho đến trầm cảm trong thời kì xấu. Nói một cách đơn giản, con người không hoàn toàn duy lý, và mức độ phi lý này có thể được khai thác để tạo ra sự bùng nổ. Cuối cùng, Ferguson so sánh thị trường tài chính với quá trình tiến hóa. Phá hủy là một phần tự nhiên của bất kỳ thị trường nào, và thị trường tài chính cũng không ngoại lệ. Như Joseph Schumpeter đã nói, đặc điểm chính của chủ nghĩa tư bản là sự phá hủy sáng tạo. Chủ nghĩa tư bản không phải là một động lực thẳng tắp mà là một con đường rất khó đi, nhưng chúng ta vẫn lái xe về phía trước và không lùi bước.

Ấn tượng chung là nếu cuốn sách này được hiểu là bản hướng dẫn ngắn gọn về lĩnh vực tài chính dành cho những người không chuyên, thì cuốn sách này quả thật là một cuốn sách rất tuyệt vời. Nó là một cuốn sách rất dễ đọc với nhiều chủ đề bên ngoài lịch sử. Tuy nhiên, những điểm mạnh này cũng chính là những điểm yếu của nó. Trong sách có vô số tình tiết từ lịch sử và từ tiểu sử của những người định hình nên ngành tài chính, bất kể chúng thú vị đến đâu, nhưng chúng đều không đóng góp nhiều cho các lập luận của ông. Trên thực tế, cuốn sách thiếu sự phân tích khoa học chặt chẽ, mà chúng ta có thể nhìn thấy điều này qua việc thiếu sót các tài liệu tham khảo về nghiên cứu thực nghiệm lẫn thiên kiến ​​ý thức hệ. Nó không phải là một vấn đề, rằng Ferguson là một người theo chủ nghĩa tự do và rằng kết luận của cuốn sách này cho thấy rõ điều đó, nhưng nó dường như không phù hợp cho việc gần như hoàn toàn xem nhẹ các hệ tư tưởng đối lập. Trong cuộc khủng hoảng lớn nhất của chủ nghĩa tư bản trong suốt 80 năm qua, có vẻ kỳ lạ là các nhà phê bình vĩ đại nhất của chủ nghĩa tư bản – các nhà Mác-xít – hầu như không được đề cập đến. Nếu có một lĩnh vực kinh tế mà các nhà Mác-xít tiếp tục được xem là “các nhà khoa học nghiêm túc”, thì đó là lĩnh vực lịch sử kinh tế, mà đứng đầu là Eric Hobsbawm. Tôi không đề nghị Ferguson quay trở về với các nhà Mác-xít, nhưng một cuộc “thảo luận” học thuật với các sử gia kinh tế Mác-xít - những người thích nhấn mạnh lòng tham của nhà tư bản/chủ ngân hàng - sẽ đóng góp rất nhiều cho cuốn sách này, ngay cả khi những tuyên bố của các nhà Mác-xít bị bác bỏ. Theo góc nhìn này, cuốn sách này quá phiến diện và không đạt được mục tiêu của dòng phụ đề Một lịch sử tài chính thế giới đầy tham vọng của nó.

Ivan Grgurić

Bản review bạn vừa đọc thuộc về cuốn Đồng tiền lên ngôi xuất bản lần đầu. Nhân dịp 10 năm ra mắt sách, Omega+ mới đây đã xuất bản phiên bản mới, được chính tay tác giả bổ sung thêm 2 chương mới. Bạn đọc quan tâm có thể đặt sách ngay tại đây: https://omegaplus.vn/san-pham/dong-tien-len-ngoi-lich-su-tai-chinh-the-gioi-bia-mem

Nguyễn Việt Anh dịch - Trạm Đọc

 

Tags: