Đất nước Việt Nam qua các đời: Cuốn sách không thể bỏ qua của những người yêu sử
Đất nước Việt Nam qua các đời: Cuốn sách không thể bỏ qua của những người yêu sử
Cuốn sách "Đất nước Việt Nam qua các đời" tính đến nay được coi là có 4 phiên bản, bản đầu tiên do NXB Khoa học xuất bản năm 1964, Omega+ tái bản dựa trên bản in đầu, có hiệu chỉnh những chỗ tồn nghi của bản gốc. Bản này có thể coi là bản đầy đủ nhất, tái bản có bổ sung sửa.

Biên giới Việt Nam qua các đời như thế nào?

Câu hỏi này được nhà sử học Đào Duy Anh giải thích chi tiết trong cuốn sách “Đất nước Việt Nam qua các đời” (xuất bản lần đầu năm 1964 và được tái bản có chỉnh lý 4 lần). Vào thời tác giả, nguồn tư liệu còn thiếu thốn, nhưng đây thực sự là một công trình nghiên cứu Địa lý học lịch sử Việt Nam đầy đủ nhất và hệ thống nhất tính tới thời điểm hiện tại. Cuốn sách hữu ích cho những ai muốn có cái nhìn toàn cảnh cơ bản nhất về lịch sử phát triển địa chính trị ở Việt Nam kể từ khởi thủy của đất nước.

 

“Lịch sử chẳng thể hiểu được nếu không có địa lý”

 

Đó là câu nói nổi tiếng của nhà sử học H.B. George. Vậy địa lý học lịch sử (trong đó địa chính trị là một phần) là gì?
Nếu như sử học là khoa học nghiên cứu mọi thực thể, mọi sự kiện từng xảy ra trong quá khứ trên cả hai bình diện không gian và thời gian (cả đồng đại và lịch đại), thì địa lý học lịch sử lấy không gian địa lý làm đối tượng chính yếu để phóng chiếu về hoạt động của con người trong dòng thời gian. Địa lý học lịch sử cho phép con người phân biệt các sự kiện lịch sử, các dạng thức văn hóa, các hệ hình văn minh khác nhau trong những không gian địa lý khác nhau. Nhà sử học quan tâm đến con người trong dòng lịch sử, còn nhà địa lý học lịch sử chú ý đến các không gian trong dòng lịch sử - nơi con người sinh trú và tương tác với tự nhiên và xã hội. 

Công trình nghiên cứu của học giả Đào Duy Anh bao gồm 15 chương khảo cứu chính về địa lý hành chính của các quốc gia cổ của người Việt, từ Văn Lang, Âu Lạc, qua các triều đại Hán – Tam Quốc – Lưỡng Tấn – Nam Bắc Triều – Tùy Đường, đến các triều đại tự chủ: Đinh – Tiền Lê – Lý – Trần – Hồ - Lê – Nguyễn. Nội dung chính đề cập tới “phần địa lý hành chính để nhận định cương vực của nhà nước và vị trí các khu vực hành chính trải qua các đời, rồi đến quá trình mở mang lãnh thổ và ổn định biên giới”.

“Đất nước Việt Nam qua các đời” cũng nghiên cứu địa lý học chính trị thông qua các cuộc chiến chống giặc ngoại xâm thời Lê Hoàn, Quang Trung… cùng những vấn đề liên quan tới bảo toàn lãnh thổ dân tộc. Chúng ta có thể nhận thấy lịch sử hình thành của đất nước Việt Nam cũng gắn liền với sự thay đổi địa lý đất nước – thông qua các hoạt động xây thành mở cõi, chiến đấu chống ngoại xâm, di dân lập ấp, khai khẩn đất đai, đào kênh mở đường…

Địa lý Việt Nam có lợi cho sự phát triển đất nước hay không?

Lãnh thổ nước ta ngày nay giăng dài trên gần 2000 km từ Lạng Sơn tới mũi Cà Mau, đã được xây dựng trong một quá trình hơn hai nghìn năm, nếu kể từ nhà nước Âu Lạc là nhà nước đầu tiên xuất hiện trên lịch sử.

Nhà Lý ổn định biên giới nước Đại Việt về phía đông bắc, đồng thời mở rộng cõi vào miền Nam tới sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị ngày nay. Nhà Trần tiếp tục mở lên phía tây bắc và miền tây Thanh Hóa Nghệ An, đồng thời mở bờ cõi phía nam vào đến đèo Hải Vân và nhà Hồ tiếp tục phát triển đến Quảng Ngãi.

Nhà Lê vào thời hưng thịnh ổn định biên giới miền tây và mở mang thêm bờ cõi vào tới Bình Định. Nhà Nguyễn tiếp tục sự nghiệp của nhà Lê và phát triển lãnh thổ vào đến Hà Tiên và Cà Mau, sát vịnh Thái Lan, sau khi chiếm cứ hết cả nước Chiêm Thành và một nửa nước Chân Lạp.

Sự khác biệt về văn hóa giữa hai miền có lẽ bắt nguồn từ cuộc Nam tiến này. Văn hóa Nho giáo ở phía Nam không phát triển nhiều, do chịu ảnh hưởng phần nào của văn hóa Champa, văn hóa Khmer. Tổ chức hành chính cũng khác biệt. Cách tổ chức chính quyền tỉ mỉ ở miền Bắc đã được đơn giản hóa ở miền Nam.

Lịch sử mở nước và dựng nước hàng nghìn năm đã tạo nên một Việt Nam như hiện nay, với một địa hình địa lý khá đặc biệt. Nước ta nằm dài theo bờ đông của bán đảo Đông Dương và bị chia cắt thành nhiều khu vực khác nhau, mỗi khu vực lại là một khối địa lý hoàn chỉnh nhỏ với một dải đồng bằng, một dải núi cao liên tiếp với một dải trung du, do đó mỗi vùng có thể làm thành một khu vực kinh tế tương đối hoàn chỉnh. Khởi đầu từ khu đồng bằng sông Hồng, đất nước phát triển dần xuống phía Nam với những khu vực địa lý nhỏ được thêm vào như khu Thanh – Nghệ, Bình Trị Thiên …Mỗi lần phát triển chỉ có tác dụng mở rộng và củng cố lãnh thổ chứ không làm ảnh hưởng tới sự ổn định sẵn có.
Nhìn từ góc độ phát triển kinh tế, sự ngăn cách này không ngăn trở giao thông và thương mại mà lại là điều kiện thuận lợi cho sự ổn định tương đối sớm của lãnh thổ nhà nước và cho sự phát triển đều đặn theo từng giai đoạn của lãnh thổ ấy.

Tags: