“Đạo Đức Kinh” và “Nam Hoa Kinh”: Hai tác phẩm quan trọng của Đạo giáo
“Đạo Đức Kinh” và “Nam Hoa Kinh”: Hai tác phẩm quan trọng của Đạo giáo
Đạo Đức Kinh và Nam Hoa Kinh là hai tác phẩm kinh điển của Đạo giáo, mang đậm tư tưởng triết học sâu sắc và tinh thần siêu việt, đã ảnh hưởng lớn đến nền văn hóa và triết học Trung Quốc, cũng như các nước Đông Á.
Nam Hoa kinh
(2 lượt)
Đạo Đức Kinh (bản Omega+)
(0 lượt)

 

1/ Đạo Đức Kinh

 

“Đạo Đức Kinh” là quyển sách tương truyền do Lão Tử biên soạn dưới thời Xuân thu - Chiến quốc. Quyển sách bao gồm 81 chương được chia thành hai phần chính là: Đạo kinh và Đức kinh. Nội dung cuốn sách xoay quanh cách vấn đề triết học phương Đông như "Đạo", "Đức", "Vô vi" và "Phản phục". 

  • “Đạo”: Khái niệm trung tâm, đại diện cho nguyên lý tối cao của vũ trụ, một thứ không thể nắm bắt, nhưng lại là cội nguồn của mọi sự vật hiện tượng. Lão Tử mô tả "Đạo" là vô hình, vô thanh, không thể đặt tên, nhưng lại là nền tảng của sự tồn tại.
  • “Đức”: Sự thể hiện của "Đạo" trong cuộc sống hàng ngày của con người. "Đức" bao hàm những phẩm chất tốt đẹp mà con người cần có để sống hòa hợp với "Đạo", bao gồm sự khiêm tốn, từ bi, giản dị, và vị tha. Lão Tử khuyên rằng con người nên sống giản dị, biết đủ, không đuổi theo danh lợi và vật chất. "Đức" là con đường giúp con người đạt được sự hài hòa với vũ trụ, đồng thời mang lại cuộc sống bình yên và hạnh phúc thực sự.
  • “Vô vi”: Một trong những khái niệm nổi bật và thường được nhắc đến trong "Đạo Đức Kinh". "Vô vi" có thể được hiểu là "không hành động" hoặc "hành động mà không can thiệp". Tuy nhiên, đây không phải là sự thụ động hay không làm gì, mà là hành động một cách tự nhiên, không ép buộc, không can thiệp vào dòng chảy tự nhiên của sự vật. Lão Tử đề xuất rằng con người nên "vô vi", tức là hành động một cách khéo léo, biết khi nào nên lùi bước, khi nào nên hành động. "Vô vi" còn có nghĩa là không làm tổn hại đến tự nhiên, không làm rối loạn trật tự tự nhiên của vũ trụ.
  • “Phản phục”: Khái niệm nói về sự trở về, quay trở lại với nguồn cội, với cái nguyên bản. Lão Tử cho rằng mọi sự vật đều có xu hướng quay trở lại trạng thái ban đầu sau khi đã phát triển đến cực điểm. Đây là sự biểu hiện của quy luật tự nhiên trong vũ trụ. "Phản phục" cũng có thể được hiểu là con đường để con người tìm lại chính mình, trở về với bản chất tự nhiên và thuần khiết nhất. Lão Tử tin rằng, chỉ khi con người quay về với cái đơn giản, thuần khiết, và nguyên bản, họ mới có thể đạt được sự hòa hợp và bình an thực sự.

Dịch giả Vũ Thế Ngọc của cuốn sách đã có nhận xét rằng: “Tác giả viết Đạo đức kinh chủ yếu để dành cho giới ưu tú đọc (vương hầu, quân tử, thánh nhân). Đạo đức kinh là sách dạy lối sống cao thượng và thuật quản trị cho tầng lớp lãnh đạo ngày xưa. Đạo đức kinh muốn giúp người lãnh đạo trở thành một kiến trúc sư tài năng, một người lãnh đạo đúng nghĩa. Thay vì phải chạy theo hoàn cảnh và làm việc theo quán tính, cần phải có thị kiến sâu xa để xây dựng được các kiến trúc phản ánh được chiều kích tâm linh, hài hòa với không gian và vạn vật, phù hợp với nhu cầu con người và xã hội trong hiện tại và cả trong tương lai”.

 

 2/ Nam Hoa Kinh

 

Cuốn sách được viết bởi Trang Chu, cũng được gọi là Trang Tử, là người đất Mông nước Tống, sống vào thời Chiến Quốc, cùng thời với Huệ vương nước Lương, Tuyên vương nước Tề, từng làm chức lại, coi “vườn sơn” ở Mông. Ông là tư tưởng gia, tác gia nổi tiếng của Đạo giáo. 

Là một bậc thầy ngôn từ, Trang Chu nhiều khi sa vào luận lý và biện luận nhưng sau đó lại đột ngột đảo ngược luận điểm hoặc đưa ra những lý lẽ hết sức phi lý nhằm chứng minh những điểm hạn chế của tri thức con người cũng như thế giới duy lý.

Bố cục cuốn sách có 33 thiên, được chia làm 3 phần: 

  • Nội thiên (7 thiên): Tiêu dao du, Tề vật luận, Dưỡng sinh chủ, Nhân gian thế, Đức sung phù, Đại tông sư, Ứng đế vương.
  • Ngoại thiên (15 thiên): Ngón chân liền, Con ngựa, Mở níp, Phòng giữ, Trời, đất, Đạo trời, Trời vận, Khắc ý, Sửa tính, Nước thu, Rất vui, Hiểu sống, Cây núi, Điền Tử Phương, Trí sang Bắc.
  • Tạp thiên (11 thiên): Canh Tang Sở, Từ Vô Quỷ, Tắc Dương, Vật ngoài, Ngụ ngôn, Nhường ngôi vua, Đạo Chích, Thuyết gươm, Lão đánh cá, Liệt Ngữ Khấu, Thiên hạ.

Nam Hoa Kinh mang đến một cái nhìn phóng khoáng, tự do về cuộc sống. Trang Tử chủ trương rằng mọi sự phân biệt về đúng sai, thiện ác đều là tương đối và con người cần vượt qua các giới hạn xã hội, tập quán để đạt đến tự do tuyệt đối. Ông sử dụng nhiều câu chuyện ngụ ngôn, ẩn dụ để diễn đạt triết lý của mình, với phong cách viết vừa sâu sắc vừa hài hước.

Ví dụ, bạn có thể tìm thấy những giai thoại như vua Nam Hải tên là "Mau Lẹ" và vua Bắc Hải tên là "Thình Lình" đục bảy lỗ lên người vua Trung Ương là "Hỗn Độn" (thiên 7), hay câu chuyện Trang Chu ngồi xoạc chân gõ nhịp vào một cái vò và hát khi vợ ông mất (thiên 18). 

Những câu chuyện hóm hỉnh, giàu cảm xúc và không bị giới hạn bởi những thứ trần tục, thực tế.

Cả “Đạo Đức Kinh”“Nam Hoa Kinh” đều là những viên ngọc quý trong kho tàng văn hóa triết học của nhân loại, mang đến những triết lý sâu sắc về cuộc sống và bản ngã. Bộ sách phù hợp với bạn độc giả yêu thích sách kinh điển, muốn tìm hiểu về Đạo giáo, về tư tưởng Trung Quốc.

 - Trạm Đọc

Tags: