Dặm dài đã qua: Hồi ức của một chiến binh trẻ em
Dặm dài đã qua: Hồi ức của một chiến binh trẻ em
Thiên nhiên là một thứ rất đặc biệt trong cuộc hành trình phi thường của Beah, đặc biệt là trăng. Cậu thường ngắm nhìn trăng và nhớ lại những ký ức về cuộc sống yên bình khi xưa. Thế nhưng đến ngày cậu bắt đầu cầm súng giết người, cậu cũng nhận ra trăng không xuất hiện trên bầu trời như trước nữa.
Dặm dài đã qua là cuốn hồi ký kể về cuộc đời của Ishmael Beah, từng là một chiến binh trẻ em trong cuộc nội chiến ở Sierra Leone vào những năm 1990. Khi 12 tuổi, làng của cậu bị tấn công, từ đó cậu bị lạc mất gia đình và phải cùng với các bạn chạy trốn khỏi bọn quân phiến loạn đang truy đuổi từng đêm để tìm nơi trú ẩn và miếng ăn để sinh tồn. Trong suốt cuộc hành trình đó, có trộm cắp vì cái đói hoành hành, có nước mắt khi chứng kiến cảnh bạn bè ngã xuống dưới nòng súng của quân địch, có nỗi nhớ nhà, có sự đau đớn khi bị dân làng xua đuổi, nghi ngờ...

 

Và rồi một ngày, nhân vật chính - Beah được chọn và huấn luyện để trở thành những chiến binh tay cầm súng giết người, đó là khoảng thời gian kinh hoàng nhất trong cuộc đời cậu. Từ 1 cậu bé ngây thơ thích nghe nhạc rap, ngắm sao, giờ trong đầu bọn trẻ chỉ có duy nhất một ý nghĩ: trả thù. Cậu và các bạn trở thành những cỗ máy giết người không có cảm xúc, không còn sợ khi thấy máu và thi thể và lấy việc giết người làm thành quả để ganh đua với nhau. Hằng đêm, cậu đều gặp ác mộng, và cứ trước mỗi trận chiến, bọn trẻ lại được cho dùng ma túy để kích thích con quỷ trong các em. Quân đội tẩy não các em, khiến các em tin rằng cái chết của quân phiến loạn sẽ bù đắp cho cái chết của gia đình mình. Các em coi đây là nhà, cho đến khi được gửi đến trại cải tạo của UNICEF.

Ishmael Beah là một trong những người may mắn vượt qua bi kịch thời thơ ấu

Ở nơi điều trị phục hồi, các em giống như những con quỷ mất hết tính người. Các em phá phách, nổi loạn, đánh đập các nhân viên y tế... May mắn là sự quan tâm và tình yêu thương của các bác sĩ, y tá nơi đây đã giúp các em trở lại làm những đứa trẻ đúng nghĩa. Một người y tá không coi Beah như một con quỷ mất nhân tính đã giúp cậu vượt qua được những năm tháng đó để trở lại làm người bình thường. Dù những ký ức kinh hoàng về bàn tay nhuốm máu không bao giờ phai mờ trong tâm trí non nớt, ngây dại của Beah.

Dù Ishmael Beah không phải nhà văn, nhưng cuốn hồi kí mà anh viết mang lại cho tôi cảm giác không kém gì khi đọc một tác phẩm văn học. Cuốn hồi ký khiến người đọc không khỏi trăn trở, đau đớn về số phận của những chiến binh trẻ thơ ấy. Các em đều đã từng được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, đã từng là trẻ em đúng nghĩa với tuổi thơ êm đềm. Nhưng rồi chiến tranh đã cướp đi của các em tất cả. Tác giả là người may mắn khi đã phục hồi và sau này trở thành chuyên gia quốc tế về ảnh hưởng của chiến trận đối với trẻ em. Nhưng còn biết bao nhiêu chiến binh trẻ em từ các cuộc chiến, liệu các em có còn trở về như xưa, có hòa nhập được với cộng đồng, có lấy lại được nhân tính? Tuổi thơ của các em, bởi chiến tranh, đã mất đi mãi mãi.

 

Xuyên suốt cuộc hành trình chạy trốn và kiếm cái ăn, tác giả vì thích nghe rap nên luôn mang theo cuộn băng bên mình. Cậu không ngờ được rằng chính cuộn băng ấy đã hết lần này đến lần khác giúp cậu và các bạn thoát chết ,thoát khỏi sự nghi ngờ của dân làng vì bị tưởng là quân đội chính phủ máu lạnh. Khi mất đi cuộn băng thì một thời gian không lâu sau, cậu cũng trở thành chính những con người mà dân làng e sợ. Tôi cảm nhận rằng cuốn băng như một biểu tượng cho tuổi thơ, cho quá khứ tươi sáng, vô lo vô nghĩ của bọn trẻ. Cuốn băng đã bị thiêu đốt, để rồi chỉ còn là mảnh ký ức vụn vặt trong Beah.
Thiên nhiên là một thứ rất đặc biệt trong cuộc hành trình phi thường của Beah, đặc biệt là trăng. Cậu thường ngắm nhìn trăng và nhớ lại những ký ức về cuộc sống yên bình khi xưa. Thế nhưng đến ngày cậu bắt đầu cầm súng giết người, cậu cũng nhận ra trăng không xuất hiện trên bầu trời như trước nữa.

 

As if the soil had refused to absorb anymore blood for that day.
(Ngay cả mảnh đất này cũng không còn muốn nhuốm thêm một giọt máu nào nữa)

 

Tưởng như đã trở thành kẻ máu lạnh, nhưng thẳm sâu trong trái tim Beah vẫn luôn là 1 tâm hồn nhạy cảm và thơ mộng, một cậu bé vẫn luôn dừng lại trong chuyến đi của mình để ngắm bầu trời đêm. Nhưng may thay, cậu dù đã lạc mất trăng, nhưng trăng đã không biết mất mãi mãi ,trăng đã soi sáng xuống hành trình của của một lần nữa. Đó là khi cậu trở về với cộng đồng, là khi cậu có thể viết nên một cuốn hồi ký dù đau thương, nhưng cũng đẹp đến thế.

Quỳnh Mai

Tags: