Có một sự đối ứng lạ lùng giữa Donald Trump và Tom Buchanan trong Đại gia Gatsby, cứ như thể nhân vật phản diện trong cuốn tiểu thuyết viết năm 1925 của F. Scott Fitzgerald đã được bưng nguyên xi vào đời thực, dưới một lớp vỏ có phần ồn ào, hoa mĩ hơn của thế kỉ 21. Nét tương đồng này không chỉ hiện diện ở sự bê tha khét tiếng của hai nhân vật, mà việc sẵn lòng hủy diệt bất cứ cái gì hay kẻ nào ngáng đường để đem lại mối lợi cho bản thân của Tom, với nhiều người, cũng chẳng khác nào thứ quyền lực nực cười đằng sau mọi quyết định và chính sách nhân sự của Trump.
Hai người đàn ông, một hiện thực một hư cấu, soi chiếu lẫn nhau từ dáng vẻ bề ngoài đến những phương diện sâu xa, dữ dội nhất. Tom đi đứng hệt như Trump, hung hăng bồn chồn, nói năng hệt như Trump, huênh hoang tự mãn. Y hăng máu lao vào những cuộc đối đầu một-một giữa nơi công cộng, “như thể… được dự phần vào những xúc cảm của y là một đặc ân dành cho đám đông.” Tom khiến các vị thực khách được mời tới dùng bữa tối tại nhà y sửng sốt vì những bài diễn văn chính trị rời rạc không đầu đũa, đay đi đay lại lời cảnh báo rằng “nền văn minh đang đến hồi sụp đổ.” Thói cầu kì kiểu cách quý tộc của y che đậy chất chồng những nỗi bất an, “như thể tính tự mãn của y, dù giờ đã trở nên khó chữa hơn ngày trước, chẳng còn đủ cho y nữa.”
Tom – cựu sinh viên trường Yale, ngôi sao bóng bầu dục, kẻ thoải mái vung vãi số của cải thừa kế khổng lồ, kẻ nối dõi thuần chủng của cái dòng giống mà như y tự nhận là chủng tộc Bắc Âu – là hiện thân cho đỉnh cao địa vị xã hội trong thế kỉ y sống. Trump – nhân vật từng xuất hiện trên trang bìa tạp chí Playboy, một tỉ phú danh tiếng, người đàn ông quyền lực nhất Hoa Kỳ - không thể khác, cũng là hiện thân cho đỉnh cao địa vị trong thời của ông ta. Và những đặc điểm tính cách chung ở hai con người này, đương nhiên, chính là sản phẩm từ sự tương đồng trong quan hệ của họ với quyền lực – nguồn lực ngầm bền vững do quyền thừa kế mang lại trao cho chủ nhân của nó thứ đặc quyền lộ liễu của kẻ được trang bị cả giáo lẫn khiên. Thứ quyền lực kiểu này có logic của riêng nó: nó không hưởng ứng những nguyên tắc xã hội hay luân lý, ngược lại, nhìn chúng như thể những mối nguy hại. Đó là nguyên nhân vì sao đến năm 2018, Đại gia Gatsby lại có thể được đọc như một lời cảnh báo. Dù trong mắt nhiều người, đây vẫn là câu chuyện về Giấc mơ Mỹ, nhưng Đại gia Gatsby còn là câu chuyện về nỗi đe dọa của quyền lực, cũng như cách thứ quyền lực ấy có thể ngông cuồng áp đặt một chân lý phi luân.
Với những độc giả đã lâu ngày chưa mở lại những trang tiểu thuyết, đây là bảng phân vai các nhân vật trong Đại gia Gatsby:
Nick Carraway, người kể chuyện, một cậu chàng xuất thân từ vùng Trung Tây Hoa Kì ngây thơ, tự nhận mình là “một trong số những người trung thực ít ỏi mà tôi từng biết.” Anh kiếm một công việc trên phố Wall hòng thoát khỏi những ràng buộc viển vông và nhàm chán của tỉnh lẻ, thuê một căn nhà ở phía kém phần xa hoa hơn thuộc đôi vùng ngoại ô Long Island, tán tỉnh vu vơ Jordan Baker, một cô nàng chơi thể thao có tài giao thiệp rộng nhưng đầy tinh thần hoài nghi. Hàng xóm của Nick là Gatsby, một người đàn ông tự gây dựng gia tài từ cả vận may và phẩm tính; còn phía bên kia bờ vịnh là Daisy Buchanan, đẹp lộng lẫy và sang giàu, em gái họ của Nick và tình yêu suốt đời của Gatsby. Daisy kết hôn với Tom, hắn lại có một cô nhân tình lén lút là Myrtle Wilson. Và Myrtle, đến lượt mình, lại kết hôn với một thợ cơ khí nghèo túng chật vật mà tính cách yếu nhược chỉ đủ để sót lại trong hắn duy nhất sức mạnh của ngọn lửa báo thù.
Ngay từ những trang đầu của cuốn tiểu thuyết, Fitzgerald đã chiêm nghiệm về sự gắn kết giữa giai tầng và tính cách, danh dự và sự trung thực được đánh giá như một “lợi thế” từ điểm nhìn một người thuộc tầng lớp trung lưu khá giả như Nick. Tuy nhiên, rõ ràng, thứ lợi thế do sự giàu có mang lại hiếm khi nào có thiên hướng ngả về lòng trung thực một cách tự nhiên. Ngược lại, nó giành đặc quyền bẻ cong thế giới để phục vụ lợi ích cá nhân. Chiều hướng này của quyền lực được Nick tổng kết bằng những câu văn:
Họ là những kẻ vô tâm, Tom và Daisy – ngông cuồng đập phá bất cứ thứ gì và hủy hoại bất cứ ai rồi rút êm về trong đống tiền của của mình, trong sự bất cần vô biên của mình, hay vào bất cứ thứ gì giữ họ lại với nhau, và mặc cho những kẻ khác dọn dẹp mớ hỗn độn họ vừa gây ra.
Nhà báo của kênh CNN (bìa trái) đã bị đuổi ra khỏi nhà trắng sau khi tranh luận với Trump ngày 8/11. Ảnh: CNN.
Dù vậy, Tom hoàn toàn không phải là nhân vật duy nhất lợi dụng sự giàu có và địa vị của mình như một phương tiện dối trá. Jordan, cũng nắm trong tay những đặc quyền ấy, là một nhân vật “bất tín hết thuốc chữa,” biết cách khéo léo dựa dẫm vào những nguyên tắc được thừa nhận của một xã hội có học thức để bảo vệ danh tiếng của chính mình, hệt như cách mỗi khi lên xe, cô nàng dựa dẫm vào những tay lái điêu luyện cẩn trọng hơn hòng tránh xa mọi rắc rối.
Gatsby sắm được cho mình một lý lịch mới ngay khi vận may mỉm cười với anh, và sự thừa mứa quá độ của mọi thứ anh sở hữu - những áo những sách những trái cam những mớ hoa ngồn ngộn – tất cả thực chất cũng chỉ là sự phô diễn sao cho ăn khớp với sự tạo dựng không ngừng những câu chuyện mới về nguồn gốc của chính anh. Nick, một cách tinh tế hơn, cũng khao khát có thể làm những điều tương tự: Anh bỏ tiền mua cả bộ sách tài chính với niềm tin chắc thông thường rằng “cuộc sống khởi sinh lại từ đầu vào mỗi mùa hè,” cố công tìm kiếm giữa bao nhiêu “bí mật chói sáng” của những con người kia một lối thoát cho cuộc sống cũ nhàm của mình cùng “quan hệ rối rắm” với người phụ nữ bị dư luận đồn ầm lên rằng đang cố tình tán tỉnh anh.
Ngay cả Daisy, dù được xây dựng đầy lí tưởng, cũng là minh chứng cho thấy sự liên minh giữa tiền bạc cùng quyền lực nó nắm giữ có thể chà đạp lên chân lý như thế nào. Là vợ của Tom, cô chính là hiện thân của kiểu tài sản y sở hữu và được những người đàn ông khác khao khát theo đuổi: nói theo lời Gatsby, “Tiếng cô cất lên vang âm thanh tiền bạc.” Nó làm nên sức cám dỗ của cô, cực kì khó nắm bắt, nhưng đủ quyền buộc người nghe phải tin tưởng vô điều kiện, dù rất hiếm khi cô nàng thực sự nói lên được những gì mình muốn. Rất nhiều khi, chính Nick cũng không thể nhận ra sự thiếu thành thực cho tới khi cô ngừng nói. Chỉ tới lúc ấy, cậu mới có thể bình tĩnh diễn giải nụ cười tự mãn trên gương mặt cô em họ, “cứ như thể cô nàng vừa xác quyết tư cách thành viên của mình trong nhóm xã hội bí ẩn và tách biệt mà cô và Tom thuộc về” – một cách tỏ rõ vị thế tinh hoa của cặp đôi này qua việc không ngần ngại phô trương rằng chân lý, với họ, chẳng phải là thứ gì đáng bận tâm.
Trump cũng phô diễn một vẻ bất cần hệt như thế. Giữa sự mù mờ của những tuyên bố dễ dàng bác bỏ của ông về chính quyền của mình, rõ ràng, ông cũng dùng sự dối trá để định nghĩa chính mình và chính phủ nội các – những đòi hỏi điên cuồng của ông về việc phải có một lượng công chúng đông đảo chưa từng thấy trong buổi lễ nhậm chức, và một chiến thắng long trời lở đất tại lễ bầu cử với số phiếu bầu kỉ lục được in trên trang bìa của tuần báo Times; tất cả đã trở thành một tiểu sử đậm chất thần thoại về một cá nhân quyền lực bậc nhất.
Trump gần như không dành chút bận tâm nào tới những nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực, và có lẽ đây chính là điểm mấu chốt: Nếu như một kẻ bỏ công sức leo lên những bậc thang xã hội như Gatsby kĩ lưỡng tới từng tiểu tiết trong việc tạo dựng lí lịch cá nhân, chất đầy thư viện của mình bằng hàng chồng sách thực dù những vị khách của anh sẽ chẳng lấy gì làm ngạc nhiên nếu trong thư viện chỉ toàn bìa carton đi chăng nữa; Trump biết rằng bí mật của quyền lực nằm ở sự không nỗ lực. Trong thế giới của Trump, cũng như trong thế giới của Tom và Daisy Buchanan, sự giàu có sẽ trở thành vô nghĩa nếu anh phải lao động để có được nó. Ngài tổng thống khơi dậy niềm tin tưởng bằng vẻ huênh hoang tuyệt đối, nói cứ như thật dù chẳng có lấy một hàm lượng nhỏ nhoi sự thật, biến mọi lời mình thốt ta thành chân lí: nó là như thế, bởi tôi nói như thế.
Nhưng điều gì có thể biến thói tự mãn vô biên này thành hành động? Có lẽ, đó chỉ là khi cái mà Nick gọi là “một nhóm xã hội bí ẩn và tách biệt” của những kẻ mang quyền lực phải đối mặt với nguy cơ bị đe dọa. Tom bày tỏ nỗi âu lo này ngay trong phần đầu của Đại gia Gatsby, khi y lên tiếng cảnh báo mở màn bữa ăn tối xa xỉ, rằng: “chủng tộc da trắng,” “đã làm ra mọi thứ để tạo nên nền văn minh,” phải “coi chừng nếu không muốn quyền kiểm soát những thứ ấy rơi vào tay những chủng tộc khác.” Trên tất cả, y muốn duy trì sự dễ dàng mà với nó, y đặt ra những nguyên tắc cho thế giới của mình – “để đảm bảo rằng,” như Ta-Nehsisi Coates từng viết, “tất cả những gì kẻ khác muốn có được đều phải đổi lại bằng sự nỗ lực tối đa, người da trắng (đặc biệt là đàn ông da trắng) dễ dàng có được chỉ nhờ một trình độ tối thiểu” (Những di sản kinh hoàng dưới nhiệm kì tổng thống của Trump1). Động lực thúc đẩy Tom, như Coates chỉ ra, cũng là một chủ nghĩa phản động hệt như thế, thứ chủ nghĩa đã trao cho Trump vương miện huy hoàng trở thành người kế vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mĩ.
Dù vậy, mối lo ngại của Tom không trở thành hiện thực cho tới khi y chạm mặt Gatsby – người đàn ông “thoát thai từ lý tưởng thuần khiết kiểu Platon của chính anh ta,” thường trực trên gương mặt một nụ cười “sẽ thành thật tin tưởng bạn nếu bạn đặt đủ niềm tin vào chính mình,” như một lời đáp lễ nghĩa với tất cả những ai ngắm nhìn anh, coi anh như sự hiện thực hóa những giấc mơ của chính họ. Không khó đưa ra những bằng chứng thuyết phục cho thấy Fitzgerald đã xây dựng hình tượng Gatsby – với “làn da rám nắng,” mái tóc hớt sát da đầu, và lối nói năng cẩn trọng suy xét – như một người đàn ông da màu có nước da sáng đã dám vượt mặt dân da trắng, và điều này thực sự là một sự xúc phạm cực độ với Tom, kẻ chủ trương đặc quyền da trắng. Chỉ như thế thôi đã là quá đủ để khiến mọi hành động của Gatsby, cùng tất cả những gì Daisy làm theo anh, trong mắt Tom là không thể chấp nhận được – đó cũng là khi Tom thấy vợ mình, với tất cả sự sang giàu và quyền lực mà cô nắm giữ, “trượt không phanh khỏi vòng kiểm soát của y.”
Những chiều hướng xấu xí của quyền lực
Tấn thảm kịch mở ra từ đó, và điều đáng nói là, nó ứng chiếu lạ lùng với sự thăng tiến của Trump. Tom tấn công nguồn gốc xuất thân của Gatsby đúng theo cách Trump đòi xem giấy khai sinh của Barack Obama, y tố giác Gatsby là “một Quý ngài Không ai đến từ Không đâu” (Mr. Nobody from Nowhere). Xin được nhắc lại cảnh Daisy, cuối cùng, không thể trở thành hiện thân cho lí tưởng lãng mạn của Gatsby, đầm đìa nước mắt lái xe về nhà, tông phải Myrtle bằng ô tô của Gatsby. Và Tom (sau khi mưu đồ bàn bạc với Daisy, như cuốn tiểu thuyết ngầm tiết lộ) đã xúi giục trong Wilson một ham muốn trả thù thực chất chỉ để phục vụ cho mục đích vụ lợi của chính y – hành động đầy mưu toan này thực chẳng khác mấy cách Trump, với luận điệu chống nhập cư của ông ta, khơi dậy nỗi sợ hãi câm nín vốn đã có cơ hội được quên đi trong cộng đồng những người buộc phải rời bỏ quê hương xứ sở. Tom gọi Gatsby là cội nguồn của mọi nỗi thống khổ của Wilson – vừa là tình nhân của vợ anh ta, vừa là kẻ giết chết cô ta – kết cục, Wilson giết chết cả Gatsby lẫn chính mình, trong khi tình nhân đích thực của Myrtle (Tom) và kẻ sát nhân đích thực (Daisy) rút lui êm đẹp. Chính ở đây, Nick thốt lên lời kết án trứ danh – “Họ là những kẻ vô tâm, Tom và Daisy”. Sự chỉ trích gay gắt này hội tụ trong nó tất cả nỗi ghê tởm trước sự vô đạo đức trong từng tội ác đê tiện cùng mọi thói phù phiếm xa hoa của nhà Buchanans: Sự vô tâm, chưa bao giờ sát với định nghĩa hơn bây giờ, là không chút để ý tới những kẻ mình gây thương tổn.
Hệt như Trump, vị thổng thống đang ráo riết thực thi lệnh cấm đoán người Hồi giáo và trục xuất người Mexico, Tom buộc tội bất cứ kẻ nào đứng bên ngoài cộng đồng của y, cho họ là mối đe dọa với những giá trị chung. Tom ấn định một căn tính cho những nỗi sợ hãi và bất bình vốn hết sức mơ hồ và phi định hình; hệt như cách Trump tuyên bố về một cuộc khủng hoảng quốc gia mà chỉ mình ông mới đủ tài cứu vãn. Ngài tổng thống tồn tại yên ổn giữa một nhóm không ngừng mở rộng những trợ lí và cố vấn thất sủng lần lượt bị giáng chức nhục nhã; cũng thế, Tom bỏ lại sau lưng thi thể của những người đã tiếp tay cho, hay bị đổ lỗi vì những hành động bẩn thỉu của y. Và cũng giống như Trump, kẻ đã phát ngôn hàng loạt những tuyên bố vô căn cứ tự xưng mình là nạn nhân, Tom giữ trong y sự cố chấp không thể lay chuyển về điều gì là đúng, là sai, hay là thực.
Chính điều này, tới hôm nay, có lẽ đã trở thành lời cảnh báo dữ dội nhất mà cuốn tiểu thuyết của Frizgerald đưa lại. Bởi khi Tom và Daisy hủy hoại tất cả những ai và những gì xung quanh họ, cả hai đã không chỉ dừng ở việc phô bày thói vô tâm bất cần trước sự thực và những hệ quả mình có thể gây ra. Hơn thế nữa, họ bóc trần những nhận thức lầm lạc của những người xung quanh mình, phơi lộ rằng Gatsby thực chất cũng là một người bị những mơ mộng hão huyền làm cho mù quáng; rằng Jordan quá ngây thơ khi đặt niềm tin vào lòng trung thực của kẻ khác; và Nick, như chính anh từng thú nhận với Jordan, đã tự lừa dối chính mình và coi đó là vinh hạnh. Cũng thế, Trump vạch trần những lỗ hổng trong lý tưởng của nước Mĩ về chính nó – những chiều hướng xấu xí của thứ quyền lực mà nó nắm giữ, những hạn chế và bất khả của nó. Chính Trump, bởi thế, cũng đã khơi dậy mối trăn trở về việc làm thế nào để kéo những mộng tưởng của nước Mĩ về sát gần hơn với thực tế.
Dẫu vậy, giờ đây thực khó để biết được một ý thức về thực tại rồi sẽ có thể đưa lại được những điều tốt đẹp gì, khi sự cách biệt giữa chân lý và chân lý của quyền lực đã trở nên gần như tuyệt đối. Trong cảnh gần cuối của Đại gia Gatsby, khi nghe Nick đối chất với Tom về những lời đối trá y từng đặt điều để khích động Wilson, Tom đáp lại bằng sự đoan chắc nghiễm nhiên rằng công lý có trong mọi hành động của y, tới mức điều duy nhất Nick có thể đáp lại lúc ấy là im lặng bắt tay y. “Tôi không biết phải nói gì thêm nữa,” Nick trầm ngâm, “tôi chỉ biết duy một sự thực không thể cất thành lời là điều hắn nói không đúng.”□
Đặng Hà tổng hợp
Nguồn:
http://www.jstor.org/stable/27546588.
https://www.newyorker.com/culture/richard-brody/the-great-gatsby-try-again-old-sport
Chú thích:
Theo Tạp Chí Tia Sáng: http://tiasang.com.vn/-van-hoa/Dai-gia-Gatsby-giup-chung-ta-giai-nghia-Trump-nhu-the-nao-14019