Nếu muốn tìm hiểu về phong tục, lối sống ở miền Bắc nước ta đầu thế kỷ XX, thì ngoài các nghiên cứu của các tác giả Việt Nam, cuốn “Tiểu luận về dân Bắc kỳ” của Gustave Dumoutier là một tài liệu giá trị.
Nhiều phong tục nghe lạ lẫm
Trong 100 năm qua, lịch sử nước ta đã có những biến động mạnh mẽ, khiến đời sống xã hội cũng đã thay đổi sâu sắc. Do đó, đọc về những phong tục, nghi lễ diễn ra ở miền Bắc nước ta đầu thế kỷ XX mà Gustave Dumoutier đề cập trong “Tiểu luận về dân Bắc kỳ”, chắc chắn chúng ta sẽ thấy lạ lẫm, vì trải qua thời gian, rất nhiều điều đã không còn nữa.
Do chế độ phong kiến đã chấm dứt ở Việt Nam sau cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, nên những nhiều phong tục, lề thói đi cùng với nó như lệ khao làng, việc xét xử ở làng, các hình phạt đều không còn nữa. Tác giả mô tả khá kỹ càng năm hình phạt (ngũ hình) theo hình luật nước ta thời Nguyễn, gồm xuy (đánh roi), trượng (đánh gậy), đồ (khổ sai), lưu (đày đi xa), tử (tử hình).
Rất nhiều phong tục lạc hậu đã bị bãi bỏ, như trong việc tang ma, xây cất, thậm chí cả trong việc sinh đẻ, như tác giả mô tả: “Tại vùng quê ngoại thành Hà Nội, khi sinh đẻ khó khăn, ông chồng phải trút hết quần áo, chỉ đóng khố, trèo lên mái ngói và tụt xuống bên kia”.
Những niềm tin bí ẩn, các trò mê tín dị đoan như phù thủy, đồng cốt, bói toán mà tác giả mô tả hầu hết đã cũng đã không còn. Tuy nhiên, những ghi chép của ông về cách xem tướng số, phong thủy cũng đáng để tham khảo.
Nhà nghiên cứu người Pháp cũng cảm thấy lạ với tục ăn đất ở một số địa phương trù phú nhất ở miền Bắc là Nam Định, Thái Bình, Hải Dương và Sơn Tây, ở mỗi tỉnh có một vài làng ăn đất sét nướng hiếm hoi.
Bên cạnh đó, nhờ Gustave Dumoutier, chúng ta cũng được biết những đồ ăn, thức uống của người Việt hơn 100 năm trước. Riêng về bánh, ông liệt kê tới 30 loại bánh khác nhau, trong đó có những loại bánh mà ngày nay chúng ta ít nghe tên, như bánh mảnh cộng, bánh bẻ (bánh tui)…
Tác giả đi sâu mô tả kỹ những nghề thủ công ở miền Bắc nước ta, như may tay, làm quạt, thuộc da, đóng giày, làm nón, kim hoàn, khảm, làm đồ gốm, thêu… Bên cạnh dùng lời văn miêu tả, Dumoutier còn có những hình vẽ minh họa sinh động, cho thấy những hành động thường nhật của người nông dân, từ cày, bừa, cấy lúa, tát nước, đến đập lúa, xay lúa, sảy gạo, giã gạo… cũng như cách sinh hoạt của nhiều tầng lớp nhân dân khác trong xã hội, kể cả ăn mày, người hủi.
Các hình minh họa này đã được hai học giả Pierre Huard và Maurice Durand sử dụng lại trong Connaissance du Vietnam. Henri Oger cũng thừa nhận có kế thừa của Dumoutier trong cuốn sách nổi tiếng Kỹ thuật của người An Nam...
Khá nhiều tranh minh họa trong cuốn Việt Nam văn hóa sử cương của học giả Đào Duy Anh cũng lấy từ công trình này.
Các biện pháp chữa bệnh cũng người Việt cũng được lần lượt mô tả, bên cạnh danh sách chi tiết 300 vị thuốc thông dụng. Phần cuối sách, Dumoutier kể lại một số cổ tích, truyền thuyết dân gian của nước ta để độc giả Pháp tham khảo, cùng với minh họa về bói chân gà và các cách giải quẻ, giải điềm…
Nghiên cứu của một nhà Việt Nam học thế hệ đầu
Gustave Dumoutier (1850-1904) là nhà Việt Nam học người Pháp thuộc thế hệ đầu. Ông đến Hà Nội vào đầu năm 1886 theo lời đề nghị của Tổng trú sứ Paul Bert, và chịu trách nhiệm thanh tra các trường Pháp – Việt, sau đó trở thành Giám đốc Học chính Trung – Bắc kỳ.
Ngoài công việc trong ngành giáo dục, ông cũng tập trung nghiên cứu về khảo cổ, dân tộc học, tôn giáo, dân gian, văn hóa Việt Nam. Đầu thế kỷ XX, ông là học giả tiên phong thực hiện các nghiên cứu về văn hóa dân gian Việt Nam. Sự nghiệp trước tác của ông rất đồ sộ, một trong những tác phẩm nổi tiếng và quan trọng nhất chính là Tiểu luận về dân Bắc kỳ (Essais sur les Tonkinois).
Essais sur les Tonkinois đăng lần đầu trên Revue Indo-Chinoise (Tạp chí Đông Dương) từ ngày 15/3/1907 đến ngày 15/2/1908 dưới dạng các bài viết/tiểu luận. Vào những ngày trước khi từ giã cõi đời, trong nỗi cô đơn buồn tẻ tại Đồ Sơn (Hải Phòng), Dumoutier tự tay tập hợp và sắp xếp các bài viết của mình, bố cục các nội dung thành tập di cảo. Năm 1908, Essais sur les Tonkinois lần đầu được ấn hành tại Imprimerie d’Extrême-Orient (Nhà in Viễn Đông).
Sách vừa được NXB Hà Nội và Omega Plus ra mắt độc giả tháng 3/2020, với bản dịch của Vũ Xuân Lưu.
Tác giả chia nội dung của cuốn sách thành sáu chủ đề lớn, bao gồm: Xã hội (tổ chức làng xã An Nam, việc xét xử, việc quân); gia đình (sinh con, cưới hỏi, tang ma); trò giải trí và nghề nghiệp (ca kỹ và đào kép, các nghề, chơi bài lá, đưa đò, sơn và dầu sơn, phu trạm); thực phẩm (tục ăn đất, cỗ cúng, cỗ làng, đám ma, mừng thọ, tín ngưỡng dân gian liên quan đến bữa ăn); y học dân gian (thầy lang, hiệu thuốc); các trò mê tín (phù thủy và bói toán, hậu vận, cốt tướng, diện tướng).
Những chủ đề này được trình bày chi tiết và cụ thể theo quan sát, ghi chép và diễn giải của tác giả. Qua đó, độc giả phần nào hình dung được những nét văn hóa, phong tục tập quán, lối sống của người dân Bắc kỳ cuối thế kỷ XIX.
Do tính bao trùm và cũng chi tiết, Essais sur les Tonkinois đã trở thành tài liệu tham khảo của cho các học giả hàng đầu Việt Nam như Nguyễn Văn Huyên và Đào Duy Anh.
Hơn 110 năm kể từ lần xuất bản đầu tiên bằng tiếng Pháp, công trình nghiên cứu quan trọng của Gustave Dumoutier mới có dịp tái ngộ độc giả Việt Nam bằng tiếng Việt. Những nội dung cơ bản của nghiên cứu này được viết dưới góc nhìn của tác giả - một người Pháp có niềm đam mê nghiên cứu văn hóa - lịch sử An Nam, trong đó có sự đối sánh với văn hóa Trung Hoa và các nước khác.
Đọc cuốn sách, chúng ta có thể nhận thấy đời sống dân cư Bắc Việt thời xưa thật phong phú nhưng cũng có đầy rẫy những hủ tục và mê tín. Qua miêu tả sinh động Dumoutier, ta cũng có thể hiểu hoặc hình dung chi tiết từ nếp sinh hoạt thường ngày đến niềm tin, cách sống, cư xử trong cộng đồng, làng xóm của cha ông.
Đọc thêm: Sự mê tín của người dân Bắc Kỳ đầu thế kỷ XX (Trích đoạn sách "Tiểu luận về dân Bắc Kỳ")
Lê Tiên Long - Trạm đọc