Cuốn hồi ký ngược dòng thế kỷ: Chuyện những người An Nam ở Paris hay sự thật về Đông Dương
Cuốn hồi ký ngược dòng thế kỷ: Chuyện những người An Nam ở Paris hay sự thật về Đông Dương
Con người Phan Văn Trường qua lời tự thuật trong những năm sôi động tại Pháp đã hiện lên rất rõ - một con người 'Đông Tây hòa hợp', học vấn Tây học cao siêu, song luôn đau đáu nỗi niềm vì quê hương, vì dân tộc khi đó còn lầm than trong xích xiềng nô lệ; một cốt cách bình thản, tự tin vào phẩm giá, uy vũ bất năng khuất, cao thượng và chính trực.

Bối cảnh cuốn hồi ký này là nước Pháp, những thập niên đầu thế kỷ XX - tức cách nay tròn trăm năm.

Tác giả là ông Phan Văn Trường (1876-1933), người Từ Liêm, Hà Nội, một người Tây học - sang Pháp du học ngành luật năm 1908, ở Pháp 16 năm kể từ đó, lãnh bằng tiến sĩ luật, làm luật sư tại Tòa thượng thẩm Paris và vô luôn quốc tịch Pháp. Mười sáu năm sống và làm việc tại Pháp cũng chính là nội dung chính cuốn hồi ký này, được tác giả viết khi sắp về nước vào đầu năm 1924, sau đó cho đăng báo tại Việt Nam năm 1925-26 và in thành sách năm 1928. Hồi ký của một người Việt, song viết bằng tiếng Pháp và (dường như) lần đầu được dịch và xuất bản trọn vẹn bằng tiếng Việt, năm nay 2020!

Sau khi phong trào Cần Vương thất bại, đầu thế kỷ XX cha ông ta tiếp tục tìm kiếm những con đường khác nhau để giành lại độc lập cho Việt Nam từ ách đô hộ của thực dân Pháp. Trong số đó, có những người đã quyết tìm kiếm lối ra ngay tại chính quốc - 'nước mẹ' Phú Lang Sa. Họ là những trí thức Tây học, lĩnh hội học vấn và văn minh Pháp, từ đó càng thấu hiểu sự vô lý, dã man và đểu giả của chủ nghĩa thực dân Pháp: một dân tộc tự nhận mình là văn minh, sang trọng, thánh thiện và có trách nhiệm khai hóa những dân tộc khác, trong đó có An Nam, song thực tế thì nói không đi đôi với làm, thậm chí lời nói và hành động tại thuộc địa luôn trái ngược nhau. Những trí thức đầu tiên đó gồm Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh - những người từng được mệnh danh là 'Ngũ Long'...

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp (12-1920)

Hồi ký của luật sư Phan Văn Trường - tiến sĩ luật đầu tiên của Việt Nam - tập trung kể lại những hoạt động của ông trong phong trào yêu nước tại Pháp (tổ chức Hội đồng bào thân ái 1912-16 cùng Phan Châu Trinh, sau đó cả hai bị chính quyền bắt ngay trước thềm Thế chiến I với những lý do vu vơ, và một năm sau chính quyền - dưới sức ép của nhiều người - đành phải thả họ ra mà không có một án phạt nào!), những nhận xét phê phán gay gắt chế độ thực dân trên nhiều phương diện, những quan điểm so sánh quan hệ Trung-Việt trong quá khứ và quan hệ Pháp-Việt gần thời gian đó (đây thực sự là phần khá thú vị song có nhiều điều cần bàn lại, khi tác giả đứng trên lập trường Nho học, đề cao Trung Hoa hơi quá đáng, thậm chí phủ nhận cả việc Tàu từng xâm lăng và đô hộ nước ta!). Những trò theo dõi, vu khống, bắt bớ, dọa nạt v.v... của chính quyền thực dân, cụ thể là chính quyền thuộc địa tại Việt Nam và Bộ Thuộc địa tại Pháp, đối với cá nhân tác giả và những người yêu nước khác, cũng được kể lại chi tiết, theo đúng lối viết chặt chẽ của 'con nhà luật', cộng thêm những nét dí dỏm, trào lộng chua cay rất 'Tây' của một người Tây học. Tiếc là không thấy tác giả viết gì về vai trò của ông trong việc soạn thảo bản 'Thỉnh nguyện thư của dân tộc An Nam' năm 1919, mà 'Hội những người An Nam yêu nước', dưới cái tên chung là Nguyễn Ái Quốc, đã gởi tới Hội nghị Versailles năm 1919... 

Con người Phan Văn Trường qua lời tự thuật trong những năm sôi động tại Pháp đã hiện lên rất rõ - một con người 'Đông Tây hòa hợp', học vấn Tây học cao siêu, song luôn đau đáu nỗi niềm vì quê hương, vì dân tộc khi đó còn lầm than trong xích xiềng nô lệ. Hiểu rõ pháp luật Pháp, ông dùng chính nó làm vũ khí lên án chế độ thực dân trong cuộc đấu tranh bền bỉ với kẻ thù, dù ở trong lao tù, trong quân đội (là công dân Pháp, Phan Văn Trường phải đăng lính và phục vụ quân đội trong thời gian Thế chiến I) hay ngoài xã hội. Ông luôn thể hiện một cốt cách bình thản, tự tin vào phẩm giá, uy vũ bất năng khuất, cao thượng và chính trực. Cuốn hồi ký khép lại với chuyến đi trở lại Việt Nam cuối 1923 đầu 1924, và tác giả mạnh mẽ kết luận sau 16 năm sống tại mẫu quốc:

 

 

Công cuộc thực dân là một công cuộc bạo lực. Theo đó, nó loại bỏ những gì liên quan đến đạo đức và công lý.

 

 

Quả là một nhận xét vô cùng đanh thép và dũng cảm, xét tới việc nó được công khai viết ra vào những năm 20 của thế kỷ trước. Tất nhiên, cuốn hồi ký này không thể nói về giai đoạn 10 năm cuối đời của tác giả (ông mất năm 1933 tại quê nhà Hà Nội), song đó cũng là một thập niên vô cùng sôi nổi của Phan Văn Trường, khi ông tiếp tục hoạt động trên mặt trận báo chí cùng Nguyễn An Ninh ở Saigon (vào giai đoạn này, Phan Châu Trinh đã mất, còn người trẻ nhất trong 'Ngũ Long' là Nguyễn Ái Quốc đã ngả hẳn sang con đường cộng sản và từ Pháp tiếp tục di chuyển khắp nơi để làm Cách mạng - phần còn lại thì như mọi người đều biết, đã là Lịch Sử!) 

Một cuốn sách không dày, hơn 250 trang, song đọc không dễ, vì văn phong của tác giả rất 'Tây', nhứt là những khi ông thể hiện sự châm biếm, bôi bác thực dân. Tuy nhiên, tác phẩm này giúp ta quay trở về một thế kỷ trước, khi An Nam còn là nước nô lệ, để trân trọng thêm những nỗ lực - theo rất nhiều hướng - của tiền nhân, những người dù có đủ điều kiện để 'vinh thân, phì gia' với học vấn và địa vị trong xã hội thuộc địa song vẫn kiên quyết dấn thân, tìm tòi đường đi cho dân tộc. Học ở Tây mà nhìn ra những cái dở của Tây, dân thuộc địa mà dám gan góc chửi bọn thực dân ở cả Việt Nam và Pháp, những tinh thần thép đó quả là nguồn cảm hứng lớn cho con cháu Việt mai sau...

Nguyen Duong Hieu.