Cuộc cách mạng Siêu trí tuệ: Phát minh cuối cùng của loài người
Cuộc cách mạng Siêu trí tuệ: Phát minh cuối cùng của loài người
Chúng ta đang gần chạm tới cột mốc thay đổi có tầm vóc sánh ngang với sự kiện loài người xuất hiện trên Trái Đất – Vernor Vinge

Cảm giác khi đứng ở vị trí này ra sao nhỉ?

Có lẽ sẽ ghê phết đấy – nhưng lúc này bạn hãy nhớ lại một chút – đứng trên đồ thị thời gian nghĩa là sao: bạn sẽ chẳng thể nhìn thấy phía bên phải mình như thế nào. Nên thực ra cảm giác thật sự là thế này kia:

Nên có lẽ bạn cảm thấy cũng khá là thường thôi…

Một tương lai xa vời – Đang ở ngay trước mắt

Hãy tưởng tượng: nếu như bây giờ bạn ngồi lên cỗ máy thời gian đi ngược trở lại năm 1750 – thời kì mà thế giới chẳng có mấy ý niệm về việc sử dụng năng lượng, còn liên lạc đường dài có nghĩa là bạn phải hét lên thật lớn hoặc bắn đại bác lên trời, và tất cả các phương tiện vận tải đều chạy bằng năng lượng cỏ khô. Khi bạn đã tới nơi, bạn tóm bừa lấy một anh chàng, kéo anh ta tới năm 2015, rồi dẫn anh ta đi dạo một vòng và quan sát phản ứng của anh ta với xung quanh.

Có lẽ chúng ta chẳng thể tưởng tượng nổi anh ta xử lý hình ảnh của thế giới này ra sao, với những cái hộp bóng loáng lướt trên xa lộ, việc nói chuyện với những người vừa mới ở phía bên kia của đại dương trong ngày hôm nay thôi, hay xem những trận đấu thể thao đang diễn ra cách đây cả nghìn dặm, hay nghe một bản hòa tấu được trình diễn cách đây 50 năm, hay táy máy chiếc hộp ảo thuật mà anh ta có thể dùng để ghi lại một khoảnh khắc sống động hay ghi lại những chuyển động của cuộc sống, tạo ra một bản đồ với một cái chấm xanh kì dị di chuyển theo mỗi bước ta đi, nhìn thấy mặt một người và chuyện phiếm với họ dù họ ở đầu kia đất nước và cả tỉ thứ chuyện ma thuật quái đản nữa. Đấy là thậm chí còn chưa đến lúc bạn cho anh ta xem Internet hay giải thích về Trạm Vũ trụ Quốc tế, máy gia tốc hạt lớn, vũ khí hạt nhân, hay là thuyết tương đối rộng.

Trải nghiệm này, với anh ta mà nói, chẳng phải là đáng ngạc nhiên, hay là đáng kinh ngạc, thậm chí chẳng phải là sững sờ tê dại nữa – những từ đó chẳng đủ để diễn tả đâu. Anh ta có khả năng chết cứng ngay ở đó ấy chứ.

Để cho ai đó bị mang tới tương lai và chết vì mức độ kinh ngạc mà người đó trải qua, người đó phải được mang tới trước đủ số năm mà “tiến bộ phát triển đạt ngưỡng chết”, hay là một Đơn vị Phát triển Đủ chết (Die Progress Unit – DPU) đã được tích tụ đủ. Như đã thấy, một DPU mất khoảng 100 000 năm trong thời săn bắt hái lượm, nhưng sau cách mạng nông nghiệp thì tốc độ này tăng lên, chỉ mất khoảng 12 000 năm. Thời hậu cách mạng công nghiệp thì tiến trình này nhanh hơn nhiều, đến mức một người ở năm 1750 chỉ cần đi tới khoảng vài trăm năm là đã đạt tới DPU rồi.

 

Hình mẫu này – khi tiến bộ của loài người tăng tốc dần cùng với thời gian tiến về phía trước – là điều mà nhà tương lai học Ray Kurzweil gọi là Quy luật Tăng tốc theo cấp số nhân (Law of Accelerating Returns). Điều này xảy ra do những xã hội tiến bộ ở cấp cao hơn sở hữu khả năng tiến bộ ở tốc độ lớn hơn những xã hội ở cấp thấp hơn – chính bởi vì chúng tiến bộ hơn. Loài người ở thế kỉ 19 biết nhiều hơn và có những công nghệ tốt hơn là ở thế kỉ 15, vậy nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên là loài người tạo ra nhiều tiến bộ trong thế kỷ 19 hơn là thế kỷ 15 – xã hội loài người ở thế kỉ 15 chẳng đáng để so với xã hội loài người ở thế kỷ 19.

Kurzweil chỉ ra rằng bước tiến của toàn thế kỷ 20 chỉ mất có 20 năm để hoàn thành với tốc độ phát triển ở năm 2000 – tức là, cho tới năm 2000, tốc độ phát triển đã nhanh hơn gấp 5 lần so với tốc độ phát triển trung bình của toàn thế kỷ 20.

 Ông tin rằng một khối lượng phát triển tương đương với khối lượng của toàn thế kỉ 20 đã diễn ra trong khoảng thời gian từ năm 2000 tới năm 2014 và rằng một khối lượng tương đương sẽ chạm mốc vào năm 2021, trong vòng vỏn vẹn 7 năm. Một vài thập niên nữa, ông cho rằng khối lượng đó sẽ được lặp lại tới vài lần trong một năm, và sau đó thì có lẽ chỉ còn vài lần trong một tháng. Tựu chung lại, do Luật Tăng tốc theo cấp số nhân, Kurzweil tin rằng thế kỷ 21 sẽ đạt được khối lượng tiến bộ gấp 1000 lần khối lượng của thế kỷ 20.

Nếu như Kurzweil và những người ủng hộ ông đoán đúng, thì có lẽ chúng ta sẽ kinh ngạc với hình ảnh của năm 2030 y hệt như anh chàng 1750 đi tới năm 2015 vậy – tức nghĩa là mốc DPU tiếp theo sẽ chỉ tốn khoảng vài thập kỷ – và thế giới ở năm 2050 sẽ khác biệt kinh khủng so với thế giới hiện nay đến mức ta chẳng thể nhận ra nổi.

Đó không phải là khoa học viễn tưởng. Đó là điều mà nhiều nhà khoa học thông minh và hiểu biết hơn tôi và bạn rất nhiều tin tưởng chắc chắn – và nếu như nhìn lại lịch sử, đó là điều mà chúng ta có thể dự đoán được bằng logic.

Vậy thì tại sao, khi bạn nghe tôi nhắc tới câu “35 năm nữa thế giới sẽ trở nên chẳng thể nhận ra nổi,” có phải bạn thoáng nghĩ rằng “Ngầu thiệt, nhưng chắc là không đâu”? Ba lý do chúng ta hết sức hoài nghi về những dự đoán lạ thường về tương lai là:

1, Khi bàn về lịch sử, chúng ta có xu hướng nghĩ theo tuyến tính.

Khi chúng ta tưởng tượng về những phát triển trong 30 năm nữa, chúng ta liên tưởng tới mức độ phát triển của 30 năm trước để hình dung ra điều đó. Khi chúng ta nghĩ về mức độ thay đổi của thế giới trong thế kỷ 21, chúng ta gán cho năm 2000 cái mốc bắt đầu và cộng dồn vào mức phát triển của thế kỉ 20. Đây chính là lỗi mà anh chàng năm 1750 đã mắc phải khi túm lấy một người từ năm 1500 và hy vọng sẽ làm anh này kinh ngạc ở mức anh ta đã bị khi tiến lên trước cùng một khoảng thời gian. Chúng ta thường cảm tính suy nghĩ theo tuyến tính, trong khi đáng lẽ phải nghĩ theo cấp số nhân.

Nếu có ai đó thông minh hơn, họ hẳn sẽ không đoán định tiến trình trong 30 năm sau bằng cách nhìn lại 30 năm trước, mà sẽ nhìn vào tốc độ phát triển hiện tại và dựa vào đó mà suy đoán. Họ sẽ chính xác hơn một chút, nhưng vẫn còn cách khá xa sự thật. Để dự đoán chính xác, bạn cần phải tưởng tượng mọi thứ ở tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ hiện thời.

2, Quỹ đạo của thời kỳ ngay sát hiện tại đem lại một cái nhìn lệch lạc.

Đầu tiên là, ngay cả một đường hàm mũ rất dốc cũng có vẻ tuyến tính nếu như bạn chỉ nhìn vào một đoạn rất nhỏ của nó, giống như khi bạn nhìn vào một đoạn nhỏ trong một đường tròn khổng lồ, đường này sẽ giống như một đoạn thẳng vậy. Hai là, tăng trưởng theo hàm mũ không hẳn lúc nào cũng láng mượt và đồng nhất. Kurzweil giải thích rằng tăng trưởng diễn ra theo các “đường chữ S”:

Một đoạn S được tạo ra bởi những làn sóng tiến bộ khi một thức dạng mới trỗi dậy trên toàn cầu. Đường cong này trải qua ba thời kỳ:
  1. Tăng trưởng chậm (giai đoạn đầu của tăng trưởng hàm mũ)

  2. Tăng trưởng nhanh (giai đoạn sau, giai đoạn bùng nổ của tăng trưởng hàm mũ)

  3. Giảm tốc dần khi thức dạng đạt tới mức trưởng thành.

Nếu như bạn chỉ nhìn vào thời kì ngay sát trước, phần chữ S mà bạn nhìn vào sẽ làm cho bạn có một nhận thức lệch lạc về tốc độ phát triển. Mẩu thời gian giữa năm 1995 và 2007 đã chứng kiến sự bùng nổ của internet, sự xuất hiện của Microsoft, Google, và Facebook trong nhận thức của công chúng, khai sinh cho mạng xã hội, và sự xuất hiện của điện thoại di động và sau đó là điện thoại thông minh. Đó là thời kỳ 2: thời kì bùng nổ của đường S.

Nhưng từ 2008 tới 2015 thì lại yên ắng hơn, ít nhất là trong mặt trận công nghệ. Một người khi nghĩ tới tương lai trong hiện tại sẽ có thể xem xét những năm gần nhất đó và đánh giá thấp tốc độ tăng trưởng hiện tại, nhưng như thế là thiếu cái nhìn toàn cảnh. Thực chất, một thời kỳ 2 bùng nổ khác có thể đang được thai nghén ngay từ lúc này.

3, Kinh nghiệm của chính chúng ta biến chúng ta thành những lão già cứng đầu khi nói tới tương lai.

Chúng ta hình thành những ý niệm về thế giới bằng những trải nghiệm cá nhân, và những trải nghiệm đó đã khắc sâu rằng tốc độ phát triển trong thời kỳ gần đây chính là cái cách mà “mọi thứ diễn ra”. Chúng ta đồng thời cũng bị giới hạn bởi sức tưởng tượng của bản thân, dựa vào kinh nghiệm cá nhân để vẽ ra những dự đoán về tương lai – nhưng thường thì, những điều chúng ta biết không hẳn cho chúng ta những thước đo chính xác về tương lai.

Vậy là khi khônggggg có thể sẽ là cảm giác theo bạn trong suốt quá trình đọc bài viết này, nó rất có thể sẽ sai. Sự thật là, nếu như chúng ta đi theo đúng logic và chờ đợi các khuôn mẫu lịch sử được lặp lại, chúng ta phải kết luận rằng rất nhiều, cực kì, vô cùng nhiều điều sẽ thay đổi trong những thập kỷ tới đây, nhiều hơn những gì bản năng mách bảo chúng ta.

Logic chỉ ra rằng nếu như một loài tiến bộ nhất trên một hành tinh cứ tiếp tục tạo ra những bước nhảy vọt ngày càng lớn hơn với tốc độ ngày càng cao hơn, ở một thời điểm nào đó, loài này sẽ nhảy một bước lớn tới mức sẽ làm thay đổi toàn bộ cuộc sống như họ từng biết và nhận thức họ có về thế nào là một con người – giống như là tiến hóa đã nhảy vọt những bước lớn hướng về trí tuệ cho đến khi nó nhảy một bước khổng lồ và tạo ra con người và thay đổi hoàn toàn cái gọi là sự sống của bất kỳ loài nào trên hành tinh này.

Và nếu như bạn dành thời gian theo dõi những điều đang diễn ra trong khoa học và công nghệ, bạn sẽ nhận ra kha khá những dấu hiệu lặng lẽ ám chỉ rằng cuộc sống mà chúng ta từng biết sẽ không thể nào thoát khỏi ảnh hưởng của bước nhảy tiếp theo:

 

Con đường tới Siêu trí tuệ

 


AI là gì?

Nếu như bạn giống như tôi, tức là bạn đã từng nghĩ rằng trí tuệ nhân tạo (AI) là một khái niệm khoa học viễn tưởng ngốc nghếch, nhưng dạo gần đây bắt đầu nghe nó được nhắc tới một cách rất nghiêm túc bởi những người đáng tin cậy, và bạn chẳng hiểu gì mấy về chuyện này.

Có ba lý do khiến mọi người khá bối rối khi nghe về AI:

  • Chúng ta liên tưởng AI tới các bộ phim. Chiến tranh giữa các vì sao, Kẻ hủy diệt, 2001: Bản Odyssey Vũ trụ. Nhà Jetsons. Và tất cả đều là tưởng tượng, kể cả cáh nhân vật robot. Nên chúng ta cảm thấy AI có vẻ chỉ là viễn tượng thôi.

  • AI là một chủ đề rất rộng. Nó bao gồm từ máy tính trong điện thoại của bạn tới xe tự lái hay điều gì đó trong tương lai sẽ làm thay đổi thế giới một cách khủng khiếp. AI bao trùm tất cả những thứ đó, vậy nên khá dễ gây nhầm lẫn.

  • Chúng ta thường xuyên sử dụng AI trong cuộc sống hàng ngày nhưng thường không biết đó chính là AI. John McCarthy, cha đẻ của thuật ngữ “Trí tuệ nhân tạo” (AI) vào năm 1956, kêu ca rằng “cứ đến lúc nó hoạt động được thì chẳng ai gọi nó là AI nữa.” Do hiệu ứng này, AI nghe giống như là một dự đoán huyền bí về tương lai hơn là một thực tế. Cùng lúc đó, nghe nó như thể là một khái niệm huyễn hoặc trong quá khứ chưa bao giờ tạo ra được thành quả vậy.

    Ray Kurzweil nói rằng nhiều người kết luận rằng AI đã thất bại từ những năm 80, và so sánh điều này như thể “khăng khăng rằng Internet đã chết trong cái thời bùng nổ tên miền vào đầu những năm 2000.”

Giờ chúng ta cần làm rõ vấn đề một chút. Đầu tiên là, hãy ngừng nghĩ tới robot. Robot chỉ là cái vỏ chứa cho AI, đôi khi có dạng mô phỏng con người, đôi khi không – nhưng AI chính là bộ máy chứa bên trong robot. AI là bộ não, còn robot là thân thể của nó – nếu như nó có thân thể. Ví dụ như, phần mềm và dữ liệu của Siri chính là AI, giọng phụ nữ mà chúng ta nghe thấy là dạng nhân cách hóa của AI đó, và ở đây chẳng có robot nào cả.

Cuối cùng là, trong khi có rất nhiều loại hay dạng của AI vì AI là một khái niệm rất rộng, cách phân loại sâu sắc nhất mà chúng ta cần quan tâm là dựa vào năng lực của AI. Có ba loại năng lực AI chính:

Năng lực AI 1) Trí tuệ nhân tạo hẹp (Artificial Narrow Intelligence – ANI): Đôi khi được gọi với cái tên AI yếu, ANI là loại AI chỉ tập trung vào một lĩnh vực. Có AI đánh thắng nhà vô địch thế giới về cờ vua, nhưng đó là điều duy nhất nó có thể làm được. Nếu như bạn đặt câu hỏi cho nó về việc làm thế nào để dự trữ dữ liệu trong ổ cứng tốt hơn, nó sẽ chẳng thể đáp lại được.

Năng lực AI 2) Trí tuệ nhân tạo rộng (Artificial General Intelligence – AGI): Đôi khi được gọi là AI mạnh, hay AI cấp độ người, AGI là một bộ máy thông minh ở cấp trung bình của con người – một cỗ máy có thể thực hiện bất kỳ nhiệm vụ trí tuệ nào mà con người có thể xử lý được. Tạo ra AGI là một nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều so với ANI, và chúng ta vẫn chưa thể làm được điều này. Giáo sư Linda Gottfredson mô tả trí tuệ là “một năng lực tinh thần rất chung bao gồm nhưng không hạn chế trong khả năng lý luận, lập kế hoạch, giải quyết vấn đề, tư duy trừu tượng, hiểu được những ý tưởng phức tạp, học hỏi nhanh và học hỏi từ kinh nghiệm.” AGI sẽ có thể làm được tất cả những điều này một cách dễ dàng y hệt như bạn vậy.

Năng lực AI 3) Siêu trí tuệ nhân tạo (Artificial Superintelligence – ASI): Nhà triết học và trí tuệ nhân tạo học Oxford hàng đầu, Nick Bostrom, định nghĩa siêu trí tuệ là “một trí tuệ thông minh hơn tất cả những bộ não uyên bác nhất trên tất cả mọi lĩnh vực, bao gồm cả sáng tạo khoa học, trí khôn thông thường và năng lực xã hội.” ASI dao động từ một cỗ máy chỉ thông minh hơn con người một chút cho tới một cỗ máy thông minh gấp hàng triệu tỷ lần một người bình thường. ASI là lý do cho sự cuốn hút của chủ đề về AI và cũng là lý do những cụm từ “bất tử” và “tuyệt chủng” sẽ cùng xuất hiện khá nhiều lần trong bài viết này.

Hiện nay, con người đã chinh phục được cấp độ thấp nhất của năng lực AI – ANI – theo rất nhiều cách khác nhau, và chúng phổ biến ở khắp nơi. Cuộc cách mạng AI là con đường đi từ ANI, cho tới AGI, rồi tới ASI – một lộ trình mà chúng ta có thể sống sót hoặc không, nhưng dù là thế nào đi nữa, cũng sẽ thay đổi tất cả mọi thứ.

Điều mà chúng ta biết là sự thống trị toàn diện của loài người trên thế giới gợi ra một luật lệ: trí tuệ sẽ mang lại quyền lực. Tức là một ASI, khi chúng ta đã tạo ra nó, sẽ trở thành thứ có quyền lực nhất trong lịch sử sự sống trên Trái đất, và tất cả những sinh vật sống, bao gồm cả loài người, đều nằm trong lòng bàn tay nó – và điều này có thể xảy ra chỉ sau một vài thập kỷ nữa.

 Nếu như bộ não thô ráp của chúng ta có thể tạo ra wifi, vậy thì một thứ thông minh gấp 100 hay 1000 hay 1 tỷ lần chúng ta hẳn sẽ chẳng gặp vấn đề gì với việc điều khiển vị trí của từng nguyên tử một trên thế giới theo mọi cách mà nó muốn, vào bất kỳ lúc nào – tất cả những điều mà chúng ta cho là phép thuật, tất cả những quyền lực của một vị Chúa vạn năng đều sẽ chỉ là một hành vi tầm thường như là bật một cái công tắc đèn đối với chúng ta.

Tạo ra công nghệ để đảo ngược tiến trình lão hóa, chữa các loại bệnh dịch, đẩy lùi nạn đói và thậm chí là tiến tới bất tử, thiết lập thời tiết để bảo vệ sự sống tương lai trên Trái Đất – tất cả bỗng dưng đều trở nên có thể. Một khả năng khác là nó sẽ chấm dứt toàn bộ sự sống trên hành tinh này. Như vậy, nếu như một ASI trở thành sự thật, và giờ có một vị Chúa toàn năng trên Trái đất – thì câu hỏi quan trọng bậc nhất đối với chúng ta sẽ là:

 

Liệu nó có phải là một vị Chúa tốt không?

 

Nguồn: Waitbutwhy
Dịch: Cậu bé bán diêm

Tags: