"Cúng tiền giải oan là vô minh, bổn phận nhà sư không phải gọi hồn"
Nếu tin vào luật nhân - quả tiền kiếp, thì mỗi người đều phải tự làm việc thiện để trả nghiệp của mình, không thể nhờ ai trả giúp, càng không thể cúng tiền để giải oan.
Hoàng Anh Sướng là một nhà báo, một Phật tử, tác giả của các cuốn sách như Nhân quả và Phật pháp nhiệm màu, Hạnh phúc đích thực... Anh có những chia sẻ về vấn đề "thỉnh oan gia trái chủ", "gọi vong" đang được dư luận quan tâm hiện nay.
 

 

 

Cúng tiền không thể trả được oan nghiệp

 

 

-Tại chùa Ba Vàng truyền bá chuyện “oan gia trái chủ”. Như anh tìm hiểu, trong đạo Phật, giáo lý nhà Phật đề cập đến chuyện vong báo oán ra sao?

- Tôi nghiên cứu đạo Phật nguyên thủy, trong đó, Đức phật không nói nhiều tới linh hồn, cõi âm. Đức Phật luôn nhắc chúng ta đừng tìm hạnh phúc, khổ đau trong quá khứ, mà cũng không thể tìm hạnh phúc trong tương lai, chỉ giải quyết nó trong hiện tại thôi. Khi đức Phật còn sống, Ngài hướng dẫn mọi người tu tập làm sao để có thể chế tác hạnh phúc ngay trong hiện tại.

Đạo Phật cho rằng con người ta có nhiều kiếp, kiếp ta đang sống chỉ là một kiếp trong hiện tại. Chúng ta tu tập làm sao để hàng ngày nói lời nói đúng, hành động đúng, suy nghĩ đúng.

Nhà báo Hoàng Anh Sướng (phải) trong một lần được diện kiến, trò chuyện với thiền sư Thích Nhất Hạnh. 

- Anh đánh giá thế nào về việc giải oan bằng cách dùng tiền cúng “oan gia trái chủ”?

- Bổn phận nhà sư không phải đi gọi hồn, giải oan. Không có chuyện người ta phải trả oán, trả nghiệp bằng tiền, càng không quy ra với nghiệp này anh phải trả bao nhiêu tiền, không có tiền thì phải làm công quả ở chùa nào đó.

Một trong những cách giải nghiệp tốt nhất là, nếu ta gieo “nhân” xấu, thì ta phải đón nhận “quả” đó. Ta trả nghiệp bằng cách vui vẻ đón nhận quả đó, chịu khó làm việc thiện, tu tâm tích đức. Không có chuyện phải đến chùa nào đó để trả, mà có thể làm điều tốt tại nhà, thấy ai khó khăn thì giúp.

Quá trình này phải được chiếu rọi từ trí tuệ và lòng từ bi. Ở đây, sự hiểu biết là rất quan trọng.

 

 

"Hãy để người thân yên nghỉ"

 

 

- Các hoạt động thỉnh vong, gọi hồn giải oan với lý lẽ kiếp trước ta làm điều oan trái, để thoát nạn ở kiếp này cần phải trả nợ cho vong. Anh nghĩ sao về lý lẽ ấy?

- Bản thân tôi nghiên cứu tâm linh nhiều năm nay. Tôi cũng có nhiều năm gặp, chứng kiến các nhà ngoại cảm nói chuyện với vong linh.

Tôi là người tu tập, và luôn khuyên mọi người không nên gọi vong linh lên. Kể cả khi đó là vong linh người thân mình. Khi ông bà cha mẹ mình mất đi, họ đã về cảnh giới khác rồi, ta cứ níu kéo linh hồn ấy về cõi này để luyến tiếc, khóc thương điều ấy cũng không tốt.

- Anh đề cập thế nào về chuyện nhân - quả trong sách của mình?

- Trong cuộc sống có nhiều quả báo khác nhau, sách của tôi viết về những câu chuyện ấy với người thật, việc thật. Ví dụ nghiệp báo sát sinh xảy ra với các nhân vật từng làm chủ lò giết mổ, số phận những làng nghề chuyên giết mổ, sau này họ gặp những điều không may mắn.

Hoặc tôi viết về nghiệp báo nạo phá thai. Việt Nam có tỉ lệ nạo phá thai nhiều trên thế giới. Rất nhiều người tuổi trẻ vô minh, sau này cuộc sống họ gặp nhiều khổ đau, trắc trở. Sách của tôi cũng đi sâu vào những người làm nghề nạo phá thai, đó hoàn toàn là câu chuyện có thật. Một phần sách đi vào nghiệp báo phá đền chùa, mồ mả. Những người ấy đều phải trả nghiệp nặng.

Tôi viết những chuyện ấy không để hù dọa ai, mà để thấy nhân - quả là có thật. Khi tin vào nhân - quả, hàng ngày ta sẽ cố gắng gieo trồng những nhân tốt để gặp quả tốt. Tôi nhấn mạnh trong cuốn sách: thành công hay thất bai không phải do ai ban phát hoặc ai đó hại ta, mà đều do ta tạo nên. Tất cả đều bắt nguồn từ thân, khẩu, ý.

Chúng ta tin, hiểu đạo Phật theo nhân - quả thì hãy thực hành chánh niệm trong mỗi lời nói, việc làm, suy nghĩ, để luôn luôn mang lại điều tốt cho mình và mọi người.

Một buổi thuyết pháp ở chùa Ba Vàng. Ảnh: Ngọc Tân.

- Ngày càng nhiều người tới chùa dâng sao giải hạn, cúng giải oan, anh nghĩ sao về hiện tượng này?

- Chuyện này bắt nguồn từ việc hiểu sai thuyết nhân - quả. Cần phải hiểu, nếu gieo nhân xấu, không ai hóa giải được cho mình bằng chính mình. Đức Phật không phải thần linh, mà cũng là người bình thường, là một người từ bi, tuệ giác. Ngài cũng không thể hóa giải được cho chúng ta. Chúng ta phải trở về nương tựa vào tự thân, không nương tựa vào thế giới huyền bí, xa xôi được.

Việc cúng giải oan, dâng sao giải hạn là thiếu hiểu biết, Phật giáo gọi là vô minh. Những người như vậy họ đáng thương hơn đáng trách.

Tu đúng là tu để an lạc nhiều hơn, nhiều tình thương, trí tuệ sáng suốt. Tu đúng là khi tâm ta bình an hơn, tim ta nhiều tình thương hơn, trí ta sáng suốt hơn. Đi tu mà mặt mũi vẫn cứ nhăn nhúm đau khổ, thì như vậy là tu sai. Tu mà vẫn trách móc, oán giận là tu sai, phải thấy mình từ bi hơn mới đúng.

 

Theo News.zing.vn

 

Tags: