Cống hiến của văn, nghệ sĩ trong đại dịch
Cống hiến của văn, nghệ sĩ trong đại dịch
Tổ chức bếp ăn từ thiện, hỗ trợ vận chuyển lương thực, đóng góp lời thơ, tiếng hát là những điều mà nhiều văn, nghệ sĩ đã làm trong mùa dịch.

TP.HCM vừa trải qua những ngày tháng chống chọi dịch bệnh Covid-19 khốc liệt. Trong cuộc chiến ấy, không ít văn, nghệ sĩ đã nhập cuộc cùng chính quyền và nhân dân thành phố ngay từ những ngày đầu.

 Nhiều người hẳn không quên hình ảnh giữa sân bệnh viện dã chiến với hàng nghìn bệnh nhân F0 đang điều trị cùng các y, bác sĩ nỗ lực giành giật sự sống. Tiếng kèn và giọng ca của các nghệ sĩ sau lớp khẩu trang đã truyền yêu thương, tinh thần động viên. Âm thanh ấy làm lay động lòng người, thôi thúc ý chí vượt qua nghịch cảnh.

Để khẳng định cống hiến của họ, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM phối hợp Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM thực hiện tổ chức, biên soạn cuốn sách Cây kèn và chiếc khẩu trang.

Cuốn sách Cây kèn và chiếc khẩu trang. Ảnh: Quỳnh My.

Văn, nghệ sĩ cũng là chiến sĩ

Ấn phẩm Cây kèn và chiếc khẩu trang tập hợp những sáng tác của văn, nghệ sĩ TP.HCM trong những ngày chiến đấu với dịch bệnh vừa qua.

Cuốn sách gồm 194 tác phẩm thuộc 5 loại hình: Văn học, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật và nhiếp ảnh của 138 tác giả là nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, đạo diễn, nhạc công…

Trong cuộc chiến ấy, nhiều nghệ sĩ đã quên mình, lăn xả bất chấp hiểm nguy để đem hàng hóa lương thực, bình oxy đến với những khu cách ly. Giữa hàng trăm bếp ăn từ thiện ở khắp thành phố, nhiều căn bếp được dựng lên bởi các nghệ sĩ.

Ở góc độ sáng tác, họ cũng phát huy tối đa năng lượng sáng tạo và trách nhiệm “văn, nghệ sĩ là chiến sĩ” của mình.

Ngay từ đầu tháng 6/2021, khi toàn dân hưởng ứng thông điệp “5K” của thành phố, nhiều tác phẩm nghệ thuật đa thể loại đã được sáng tác, len lỏi qua từng khu phố. Có thể kể đến ca khúc Sài Gòn mùa thương của đạo diễn Xuân Phước, phim tài liệu Ranh giới của VTV…

Những ca khúc, bộ phim, vần thơ, truyện ngắn như một liều thuốc động viên tinh thần lớn tới người dân TP.HCM, góp phần không nhỏ gây dựng niềm tin chiến thắng đại dịch.

Ấn phẩm đặc biệt này cũng là lòng tri ân của giới văn, nghệ sĩ TP.HCM đối với những người đã tham gia vào công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Một bức ảnh của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong chụp chiến sĩ đi chợ giúp các gia đình trong những ngày TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16. Bức ảnh này được đưa vào cuốn sách Cây kèn và chiếc khẩu trang. Ảnh chụp sách: Quỳnh My

Bài ca về tình người trong đại dịch

Kêu gọi và thực hiện chỉ trong vài tháng nhưng Cây kèn và chiếc khẩu trang lột tả được phẩm chất cao đẹp của người Việt trong gian khó. Họ đã biết đoàn kết, bảo ban và tự dặn nhau, dặn lòng cùng cố gắng. Mỗi người đóng góp chút ít tâm sức với mong muốn tạo nên “vùng xanh” cho thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

Được viết bởi nhiều tác giả, ấn phẩm này cũng thể hiện tình cảm yêu thương, ngợi ca vẻ đẹp về tình người và lòng nhân ái đã tỏa sáng trong những tháng ngày đùm bọc nhau giữa cơn đại dịch.

Cuốn sách gồm 5 phần. Phần 1 - Văn học - tập hợp những bài thơ, truyện ngắn, bút ký của các tác giả như: Bài thơ Sài Gòn những ngày chậm (Hồ Thi Ca), truyện ngắn Và chiến thắng vì tình yêu cuộc sống (Hoài Hương), Viết từ tâm dịch (Trịnh Bích Ngân), bút ký Những nhà văn phía sau mạng xã hội (Trầm Hương).

Ở phần 2 - Âm nhạc - độc giả có thể nhìn lại những ca khúc được sáng tác trong thời điểm TP.HCM bùng dịch như: Đứng dậy đi em (Vũ Hải Long), Sài Gòn mùa thương (Xuân Phước), Ấm áp cây gạo nghĩa tình (Đặng Quang Vinh), Những thiên thần áo trắng (Ngọc Sáng), Đồng đội ơi lên đường (Huy Tập).

Những bức tranh sơn dầu Thắp tin yêu (Trần Văn Mạnh), tranh màu nước Sài Gòn 5K (Đỗ Đình Miền), gốm Trốn Covid (Vũ Dung)… nằm ở phần 3 - Mỹ thuật.

Đến phần 4 - Sân khấu - người đọc có cơ hội tiếp cận những tác phẩm kịch nói Cuộc chiến không cân sức (Lê Thu Hạnh), kịch bản sân khấu Blouse trắng (Miên Thảo) hay kịch Niềm tin chiến thắng (Nguyễn Thanh Bình).

Nhiều bức ảnh chân thật về cuộc chiến chống dịch cũng được ghi lại, nằm ở phần 5 - Nhiếp ảnh. Có thể kể đến bộ ba ảnh Đi chợ giúp các gia đình trong những ngày tháng thực hiện Chỉ thị 16Tiếp nhận tro cốt của các nạn nhân tử vong vì Covid-19Vận chuyển lương thực - thực phẩm đến các gia đình khó khăn (Thế Phong); bộ ba ảnh Những đóa hoa mùa dịchVaccine đến mọi nhàVì dân phục vụ (Võ Quốc Thanh)…

Nhà thơ Lê Tú Lệ - Phó chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP.HCM - cho biết chỉ sau hơn ba tuần kêu gọi, tổ chức này đã nhận được gần 300 tác phẩm. Có tác giả gửi về hơn 10 tác phẩm với mong muốn được chọn lọc để đưa vào tập sách ý nghĩa này.

“Bằng ấn phẩm đặc biệt này, chúng tôi xin gửi gắm lòng tri ân vô hạn của giới văn nghệ sĩ TP.HCM đến y, bác sĩ, tình nguyện viên, công an, quân đội, những người tuyến đầu chống dịch đã hy sinh quên mình vì tính mạng, sức khỏe của người dân thành phố”, nhà thơ Lê Tú Lệ chia sẻ.

Cây viết gạo cội này cũng đóng góp những vần thơ trong Cây kèn và chiếc khẩu trang để kể câu chuyện đẹp về người nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn đem tiếng kèn đến bệnh viện dã chiến lúc đêm khuya.

Bà viết: “Giữa cây kèn saxophone và chiếc khẩu trang / Bầy virus đánh đu trên từng nốt nhạc… Sân bệnh viện dã chiến bỗng chốc hóa khán phòng / Muốn ô cửa sáng đèn nghẹn ngào dự khán / Tựa ngàn lá phổi thương đau / Người nghệ sĩ rút hơi mình thổi vào hy vọng / Thổi vào khát vọng sống / Tiếng kèn vút lên kích hoạt tình người”.

Theo Zing News

Tags: