Chuyện cũ bên dòng sông Tô: cuốn sách giúp tìm hiểu về văn hóa và lịch sử Hà Nội từ góc nhìn đầy chất dân gian
Chuyện cũ bên dòng sông Tô: cuốn sách giúp tìm hiểu về văn hóa và lịch sử Hà Nội từ góc nhìn đầy chất dân gian
Chuyện cũ bên dòng sông Tô mở đầu bằng câu chuyện mang màu sắc huyền bí mà cảm động về một gia đình mẹ góa con côi sống bằng nghề bán trầu nước, bánh trái bên đường cái quan ở bến Tắm, xã Hạ Thái, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng xưa.

Một đêm người mẹ góa nằm mộng, được chỉ cho một huyệt mộ; bà liền một tay mua chiếc nồi đất lớn, đồ cúng đơn sơ rồi sang cát cho người nằm dưới mộ dưới sự chỉ dạy của một người như bậc thánh nhân hiển linh giữa ban ngày với lời dự báo: nhà này có phúc, từ nay họ này không còn lo độc đinh, nghèo hèn nữa!

Từ đây cuốn sách dày gần 600 trang là câu chuyện kể về sự thăng trầm của dòng họ Nguyễn Đình kể từ những năm 1690 đến những năm 1920. Nhưng nếu chỉ là những câu chuyện về một dòng họ, cuốn sách có lẽ không được nhiều người tìm đọc và được tái bản đến nay là lần thứ ba như thế.

Thực tế, Chuyện cũ bên dòng sông Tô là một cuốn truyện dã sử về một dòng họ đặt trong dòng chảy lịch sử hơn 200 năm của đất Kinh Kỳ - Kẻ Chợ - Thăng Long tứ trấn, từ thời Hậu Lê đầu thế kỷ 18 đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 của tác giả Viên Mai Nguyễn Công Chí. Không chỉ thu thập được gần như đầy đủ các văn kiện mà dòng họ Nguyễn Đình lưu giữ lại được, tác giả cuốn sách còn dày công tìm hiểu các sự kiện liên quan do các bậc cao niên trong họ, trong làng, trong phố kể lại; để viết nên một cuốn truyện dã sử hấp dẫn về chín thế hệ dòng họ Nguyễn Đình, đồng thời cung cấp cho độc giả rất nhiều những hiểu biết thú vị về cảnh quan, truyền thống, văn hóa của Hà Nội xưa.    

Sông Tô Lịch - còn gọi là sông Tô - trong quá khứ không xa, đã từng là một dòng sông trong xanh, thuyền bè tấp nập đôi bờ, là một trong những đường giao thương chính của đất Kinh Kỳ. Đến thời Pháp thuộc, sông bị lấp kín đoạn đầu, bị thu hẹp dần và trở thành mương thoát nước của thành phố cho đến tận bây giờ. 

Không chỉ sông Tô, Kẻ Chợ cũng khác lắm so với bây giờ, với với chằng chịt hệ thống mương ngòi,  hồ đầm liên thông với sông Tô Lịch, giúp việc giao thương đường thuỷ vô cùng thuận lợi; không khác gì Venice xứ trời Nam. 

Những năm đầu thế kỷ 18, phía Đông kinh thành là băm sáu phố phường, nhà cửa san sát, buôn bán sầm uất, ngược lại phía Tây lại là mấy vòng La Thành, đồi núi hoang sơ, vua chúa thường chọn nơi này để ngao du, săn bắn...

Ven theo dải đồi phía Bắc gần sát La Thành cũ thuộc vùng Thập Tam Trại, là những sơn thôn hẻo lánh chuyên trồng hoa quả, cây cảnh, rau củ cung cấp cho Thăng Long Kẻ Chợ. Dải đồi phía nam, từ núi Bò đến đền thánh Linh Lang, hoàn toàn hoang vu, tục gọi là rừng cấm, được dành riêng cho vua chúa săn bắt cầm thú, chim muông”.

Nguồn gốc các địa danh Chợ Hôm, chợ Mơ, các con phố hàng, phố chợ cũ mà sau này đã đổi tên hoặc sáp nhập như Hàng Lam, Hàng Bát, Hàng Thuốc Nam, Hàng Áo Cũ, Hàng Chè, Hàng Tiện, Hàng Kèn… đều được kể lại tỉ mỉ, chi tiết trong tác phẩm

Những nét truyền thống, văn hóa của đất Kinh Kỳ - Kẻ Chợ xưa được miêu tả trong các trang sách cũng thú vị không kém, từ tục khao làng,  nghi lễ cúng tổ tiên ngày Tết nguyên đán, tổ chức Tết trung thu, đến sự cầu kỳ của mâm cỗ cưới, thanh nhã của bữa ăn khuya, tinh tế của bữa quà điểm tâm...

Thậm chí trong cuốn sách, độc giả còn có thể tìm được nhiều tư liệu hiếm có như truyền thống ăn Tết cổ truyền của cư dân kinh thành Thăng Long từ thời Lê trở về, vốn ít được đề cập trong các tài liệu văn bản xưa, và được rất ít người biết tới. 

Bên cạnh đó là truyền thống gia đình, tình làng nghĩa xóm, lòng trung quân ái quốc... của một dòng họ như một đại diện tiêu biểu cho nhiều dòng họ ở đất Kinh Kỳ trong một giai đoạn lịch sử nhiều thăng trầm. 

Nhiều biến cố trọng đại đã diễn ra trên đất nước ta trong gần trăm năm, từ nửa cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Sự sụp đổ của Nho học đã làm thay đổi rất lớn hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội cũng như đời sống, nét sinh hoạt của nhiều tầng lớp dân. Những thay đổi, biến cố đó cũng được phản ánh khá chi tiết trong từng chương sách.

Chuyện cũ bên dòng sông Tô của tác giả Viên Mai Nguyễn Công Chí vì vậy đã vượt qua được khuôn khổ một tập truyện dã sử về một dòng họ, trở thành một tài liệu tham khảo hấp dẫn và hữu ích, giúp thế hệ sau thêm hiểu và trân quý các giá trị truyền thống của dân tộc và tự hào về mảnh đất kinh đô ngàn năm văn hiến.

Đặc biệt với giọng văn thanh thoát, mạch lạc, lối viết truyện dã sử sinh động, bố cục chặt chẽ với thời gian, sự kiện đan xen (đầu chương viết ra kết cục, tiếp sau mới tiết lộ tiến trình)... Chuyện cũ bên dòng sông Tô không chỉ chứng tỏ sự có nghề của người viết, mà còn là điểm thu hút độc giả, nhất là các độc giả trẻ lâu nay vốn có ít kiên nhẫn với các cuốn sách nghiên cứu về truyền thống, văn hóa được viết theo phong cách nghiên cứu, khảo cứu thường thấy.

Trong bối cảnh nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là các nhà nghiên cứu, nhà xuất bản, công ty sách đang cố gắng tìm kiếm và xuất bản lại những tài liệu, cuốn sách nhằm lấp đầy vào những khoảng trống, đứt gãy trong kiến thức về lịch sử dân tộc nói chung và đất Thăng Long nói riêng, Chuyện cũ bên dòng sông Tô lại càng là cuốn sách có ý nghĩa.

Trạm đọc tặng bạn mã giảm giá GIEOTRAM10 giảm giá thêm 10% khi mua cuốn sách tại link sau trên Tiki:

Mã giảm giá có hiệu lực đến ngày 31/10/2020, nếu yêu thích cuốn sách hãy nhanh tay đặt mua nhé bạn!

Nguyễn Cường - Trạm đọc

Tags: