Đến với Café’ Sách số thứ 10, Trạm Đọc trân trọng giới thiệu tới bạn đọc cuộc trò chuyện giữa Trạm và CEO Công ty Tiếp thị số Isobar Việt Nam – Thi Anh Đào (Denise Thi).
Là một trong những lãnh đạo nữ được biết đến nhiều nhất trong ngành tiếp thị, chị có thể chia sẻ về những cuốn sách có ảnh hưởng nhất đến quá trình hình thành một "Thi Anh Đào - liều lĩnh và lãng mạn" của ngày hôm nay?
Tôi nghĩ hầu hết phụ nữ đều lãng mạn, vì khi sinh ra đã như vậy rồi. Nhưng không nhiều người có sự liều lĩnh và lãng mạn kết hợp với nhau. Đối với bản thân tôi, bởi vì tôi làm những công việc về quản lý, khởi nghiệp từ khi còn rất trẻ nên liều là điều sẵn có. Qua những câu chuyện mà bạn đọc về tôi, bạn sẽ thấy, ở lứa tuổi đó và làm những công việc đó thì ngay cả cho dù mình là nữ, mình cũng phải đối diện với rất nhiều thứ. Một vài thứ trong số đó xuất phát từ nội tại. Trong hoàn cảnh đó, những cuốn sách mà tôi đọc giúp tôi quan sát và nhìn nhận lại chính bản thân mình nhiều hơn.
Chị thích đọc những dòng sách nào?
Tôi đọc khá nhiều và đọc từ khi còn nhỏ, khoảng từ lớp 3 đã bắt đầu đọc sách rồi. Vì vậy để đưa ra gu đọc sách mà tôi thích nhất thì không dễ. Từng giai đoạn tôi lựa chọn những dòng sách khác nhau để đọc. Ngày nhỏ tôi đọc sách văn học, đọc theo sở thích, nhưng khi lớn lên thì có lẽ dòng sách ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất là dòng sách về nghiên cứu xã hội học và tâm lý. Bạn biết series của Malcolm Gladwell không? Tôi đã đọc hết những cuốn ông ấy viết. Đặc biệt, cuốn “Blink” (Trong chớp mắt) tôi đọc ngấu nghiến trong hai ngày. Tôi cũng đã đọc “Outliers” (Những kẻ xuất chúng) hay “Những chú chó nhìn thấy gì”
Ngoài ra, có một cuốn sách đã gợi mở rất nhiều thứ cho tôi, một cuốn sách mỏng và đơn giản - “Kẻ thành công phải biết lắng nghe”. Khi đọc cuốn sách này tôi nhận ra: "Đọc sách không phải để nhìn người khác mà để nhìn lại chính mình". Tôi đọc cuốn này năm tôi 25 tuổi. Tác giả của cuốn sách - Mark Goulston là bác sĩ giải phẫu tâm thần học nên cách mà ông ấy chọn tiếp cận và viết cuốn sách này rất hay. Mọi thứ ông ấy viết, từ tư duy, thái độ, hành vi của mình đều dựa trên nền tảng sinh học của não người. Ông ấy viết về não người cấu tạo như thế nào, nó ảnh hưởng đến hành vi, tư duy của bạn ra sao và tất cả những thứ tương tự như vậy. Trong những cuốn sách viết về tư duy, cuốn này là một trong những cuốn hay nhất. Chúng ta đọc để hiểu được muốn thay đổi thì phải thay đổi từ cái gốc.
Ngay sau cuốn này, tôi đọc Three laws of Performance của tác giả Steve Zaffron, cuốn sách giúp chúng ta hiểu hơn về cách mà chúng ta suy nghĩ, giao tiếp và những điều đó ảnh hưởng đến tính cách và năng lực thành công của mỗi người như thế nào. Nhìn chung, tôi rất hứng thú với phân tâm học, não người, tâm lý và nghiên cứu xã hội học và đọc về nó rất nhiều. Khi tìm hiểu về những thứ đó, chúng ta hiểu được mọi chuyện đều có quá trình: khi mình suy nghĩ, tư duy đến một mức độ thì mới có thể thay đổi hành vi và từ đó thay đổi cuộc sống của chính mình.
Đặc biệt với công việc chuyên môn của tôi, tôi là người làm kế hoạch chiến lược, tôi nhận thấy không chỉ đối với ngành tiếp thị mà ngay cả với kinh doanh, việc hiểu được con người, hiểu được tâm lý rất quan trọng. Bởi vì ngoài những việc như giao tiếp, đàm phán, hiểu về con người sẽ giúp hiểu văn hóa (Tâm lý mang dấu ấn của văn hóa) và điều đó sẽ giúp mang lại khả năng thành công cao hơn.
Ngày nay, dường như phụ nữ dành nhiều thời gian cho những cuộc thảo luận trên mạng xã hội thay vì... đọc sách. Chị nghĩ sao về điều này?
Tôi thấy điều đầu tiên, đó là tích cực. Phụ nữ Việt Nam, những thế hệ lớn hơn tôi khoảng tầm 7 tuổi có góc nhìn cuộc sống rất khép kín và họ ngại thể hiện quan điểm của mình. Vì vậy việc phụ nữ bây giờ nói nhiều hơn, cho dù chỉ qua máy tính, theo tôi đó là một điều tích cực. Nhìn chung là vậy, nhưng vấn đề đáng nói ở đây là "Họ thảo luận những điều gì?". Ví dụ họ bàn luận về "Ngọc Trinh hôm nay mặc đồ gì?", "Thanh Hằng hôm nay đi xe gì?",… thì thực sự mất thời gian và không có ý nghĩa. Nhưng có rất nhiều phụ nữ trong network của tôi lên Facebook để thảo luận những vấn đề như nuôi dạy con, vấn đề chuyên môn, xã hội, v.v. Điều đó tốt đấy chứ. Tôi thấy trong số họ, có những người đọc ít, có người đọc nhiều, nhưng để đưa ra một quan điểm được mọi người xem xét thì người đó phải có những kinh nghiệm sống và vốn kiến thức nhất định. Kinh nghiệm sống có hai cách để có được: Một là Sống, sống lâu năm thì sẽ biết. Hai là Đọc, có nghĩa là lấy kinh nghiệm của người khác biến thành kiến thức của mình. Mỗi người sẽ chọn những chiến lược khác nhau. Vì vậy, vấn đề là họ lên mạng, lên Facebook để họ đọc cái gì, như trang của các bạn (Trạm Đọc) cũng có rất nhiều bài hay để đọc và để họ bình luận. Chúng ta không nên chỉ phán xét trên hiện tượng bên ngoài.
Tiếp thị là một trong những ngành có tốc độ cập nhật và thay đổi nhanh nhất, những cuốn sách nào về tiếp thị mà chị cho rằng những kiến thức trong đó luôn đúng trong một khoảng thời gian dài?
Ngày xưa tôi đi học thạc sĩ ở Anh nên danh sách những cuốn sách phải đọc rất nhiều và tôi cũng không thể nhớ hết được những cuốn đó. Nhưng tôi thấy ở Việt Nam, mọi người thường hay nóng vội và đọc những cuốn sách mang tính định hướng về mặt hành động và muốn nó như kiểu bách khoa toàn thư. Trước đây, có một khoảng thời gian tôi thấy mọi người điên cuồng lên vì những cuốn như “Quảng cáo thoái vị, PR lên ngôi” hay “Marketing từ A tới Z”,.. Nhưng khi tôi học thạc sĩ, tôi nhận ra nhiều điều rất thú vị. Để có những những giá trị đúng trong thời gian dài, cách duy nhất là bạn phải hiểu được bản chất của vấn đề. Đặc biệt, đối với Việt Nam là một thị trường phát triển sau, khi bạn nhìn vào lịch sử ngành truyền thông quảng cáo của những nước đã đi trước, bạn sẽ thấy được những điểm giống và khác của Việt Nam. Việt Nam không đào tạo bài bản về truyền thông và tiếp thị, nếu có đi chăng nữa thì người ta cũng ít nhắc đến những chuyện như lịch sử truyền thông và giá trị của nó đối với người làm. Khi tôi học Thạc sĩ Truyền thông tại Anh, tôi được học về lịch sử về truyền thông và các trường phái truyền thông khác nhau. Nhờ vậy khi có một sự kiện nào đó diễn ra, tôi có thể phân tích được bản chất, để phán đoán được những điều sẽ xảy ra tiếp theo.
Đọc sách có thể giúp người làm tiếp thị như thế nào trên con đường sự nghiệp?
Trước đây, tôi cho rằng nên đọc những gì mình đang làm; nhưng ở khía cạnh nào đó thì tôi thấy mọi người bây giờ ít đọc quá. Ngay cả như nhân viên của tôi, các bạn ấy đọc không nhiều, hầu hết chỉ đọc truyện. Tôi không phản đối điều này, và tôi nghĩ là những người làm marketing, cho dù đọc truyện hay đọc sách chuyên môn thì cũng nên chọn những cuốn sách mà ngôn ngữ được dùng một cách chỉn chu. Cũng có thể đây là cảm nhận cá nhân tôi, do ngày bé tôi thường đọc những tác phẩm văn học của những tác giả lớn, nên bây giờ đọc những sách của các cây viết trẻ tôi thấy không thực sự thích thú. Thứ nhất là về mặt ngôn ngữ được sử dụng. Các bạn viết những thứ ngôn ngữ đao to búa lớn nhưng không có giá trị cho người đọc. Đôi khi, một vài bạn trẻ khi viết không phân biệt được văn viết và văn nói. Trong khi đó, là những người làm truyền thông và tiếp thị, bạn phải hiểu rất rõ về chuyện giao tiếp, bối cảnh và người đọc. Vì mình giao tiếp để thuyết phục khách hàng, thuyết phục người tiêu dùng. Đó là quan điểm của tôi, còn mỗi người sẽ có cách đọc khác nhau, vì kiến thức thì rất khó để nói tốt hay không tốt. Tôi hay nói là: “Cứ đọc đi, không bổ ngang cũng bổ dọc”. Thực tế là vậy, có những cuốn sách ngày xưa tôi đọc và nghĩ là nó không có giúp ích gì cho mình, nhưng trong cuộc sống sau này tôi đã có lúc sử dụng nó.
Chúng ta đang sống trong cuộc cách mạng lần thứ 4, theo chị, độc giả cần đọc gì và đọc như thế nào giữa kỷ nguyên thông tin này?
Bạn cần biết rõ, mình đọc để làm gì? Hầu hết hiện nay mọi người đọc giải trí là nhiều. Mỗi chúng ta cần biết mục tiêu cuộc đời của mình, bạn muốn trở thành người như thế nào và định hướng sự nghiệp ra sao. Hai điều này khi đã xác định được thì không những chúng ta biết mình phải đọc cái gì, mà còn biết mình nên nhặt những điều gì trong cuộc sống. Có thể cùng một cuốn sách nhưng mỗi người tiếp cận theo một cách khác nhau. Tôi lấy ví dụ như cuốn Tam Quốc Chí hay Hán Sở tranh hùng, có người đọc chỉ để giải trí nhưng khi tôi đọc, tôi sẽ có một phản xạ về cách những ông tướng, những người anh hùng này cầm quân như thế nào, tư duy của họ ra sao, tại sao họ chọn chiến lược này,.. Điều này góp phần giúp tôi có những kiến thức về cách dùng người, nhìn người và quản lý một đội hình như thế nào. Nhìn chung đọc sách là tốt, nhưng bạn đọc có mục đích rõ ràng thì càng tốt.
Khi tôi chọn sách thì tôi tra cứu theo hai thứ. Thứ nhất, chủ đề của cuốn sách này có phải là chủ đề tôi quan tâm không. Điều này sẽ trở nên dễ dàng khi bạn biết được mục tiêu cuộc đời của mình và bạn có thể tự khoanh vùng được những thứ bạn quan tâm. Thứ hai, tôi rất quan tâm đến ngôn ngữ sử dụng: cuốn sách đó viết như thế nào, cách người ta xây dựng cuốn sách như thế nào. Bởi tôi nhận ra có những tác giả viết để khoe tài năng, chữ nghĩa của chính mình, đọc thì rất mệt nhưng kiến thức nhận được thì không có bao nhiêu. Một cuốn sách, một đoạn văn cần được viết đúng trước khi viết hay.
Trạm Đọc chân thành cảm ơn những chia sẻ của chị. Chúc chị luôn có được những niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống.
Thực hiện: Hải Quỳnh/Trạm Đọc