Câu chuyện về cuộc đua phát triển vắc-xin chống COVID-19 của các nhà khoa học Oxford
Câu chuyện về cuộc đua phát triển vắc-xin chống COVID-19 của các nhà khoa học Oxford
Duy nhất tại Trạm Đọc, trích dẫn chương 1 cuốn sách AstraZeneca: Câu chuyện về cuộc đua phát triển vắc-xin chống COVID-19 của các nhà khoa học Oxford
AstraZeneca: Câu chuyện về việc phát triển vắc-xin chống Covid-19 của các nhà khoa học Oxford
(21 lượt)

Chúng tôi tạo ra một loại vắc-xin

Ngày 23 tháng 11 năm 2020

Đây là câu chuyện về một cuộc chạy đua. Nhưng không phải là cuộc đua với các nhà khoa học khác cũng đang nghiên cứu vắc- xin như người ta vẫn miêu tả. Với hàng tỉ người cần được bảo vệ, chúng ta sẽ luôn cần tất cả những loại vắc-xin có thể có: Lý tưởng nhất là được sản xuất bằng các công nghệ khác nhau, để nếu một loại thất bại thì sẽ có loại khác thay thế; với các vật liệu thô khác nhau, để giảm thiểu khả năng thiếu hụt toàn cầu; và ở các quốc gia khác nhau, để chống lại sự đầu cơ và chủ nghĩa dân tộc thái quá. Thay vào đó, đây là cuộc đua chống lại loại virus khủng khiếp đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, hủy hoại sinh kế, khiến học sinh không thể đến trường, đẩy chúng ta xa cách với những người thân yêu và đóng cửa toàn bộ xã hội. Đó là một cuộc đua mà ngay cả khi thế giới đã thực hiện giãn cách trong những tháng đầu năm 2020, chúng ta đã thua trên nhiều phương diện. Đó là một cuộc chạy đua mà chúng ta vẫn chưa thể dừng lại, vì các biến thể đột biến đe dọa “thoát khỏi” những loại vắc-xin và phương pháp điều trị đã được phát triển để kiểm soát đại dịch. Và kể cả khi chúng ta có thể chạm tới vạch đích, thật đáng buồn là sẽ không có nhiều thời gian để ăn mừng. Chúng tôi sẽ phải ngay lập tức chuẩn bị cho lần tiếp theo.

 Tôi và người đồng nghiệp Cath quyết định viết cuốn sách này vào mùa hè năm 2020. Đến giờ, chúng tôi đã thiết kế xong vắc-xin của mình – được gọi là vắc-xin Oxford AstraZeneca – sản xuất và bắt đầu thử nghiệm nó. Chúng tôi khá tự tin rằng nó sẽ có tác dụng, nhưng chúng tôi chưa có dữ liệu để chứng minh điều đó. Đất nước Anh đang bắt đầu mở cửa trở lại, và mặc cho những cảnh báo rằng vẫn còn “làn sóng thứ hai”, cuộc sống của mọi người dường như đang quay trở lại bình thường. Cuộc sống của chúng tôi cũng dần bình thường hơn. Chúng tôi thỉnh thoảng có một ngày nghỉ vào cuối tuần và tôi ép mình tập thể dục. Chúng tôi nhận ra rằng cần phải làm điều gì đó để xóa bỏ mối lo ngại của mọi người về vắc-xin và cho họ thấy mình tập trung và cẩn trọng để đảm bảo rằng chúng an toàn. Chúng tôi muốn xóa tan những lầm tưởng về vắc-xin, khoa học và các nhà khoa học. Và chúng tôi muốn nhân cơ hội này kể câu chuyện thực sự, ít nhất là phần của chúng tôi, về cách vắc-xin Oxford được tạo ra.

Khám phá khoa học ở quy mô này hiếm khi là khoảnh khắc bất chợt đến với một thiên tài đơn độc. Đó hiển nhiên không phải điều đã xảy ra trong trường hợp này, và chúng tôi hi vọng rằng những điều mình nói không khiến người khác nghĩ rằng chúng tôi đã tự mình làm mọi thứ. Đây là một nỗ lực của một mạng lưới quốc tế gồm hàng nghìn người hùng – không chỉ những nhà khoa học tận tụy ở Oxford và trên khắp các châu lục, mà còn là cả các bác sĩ lâm sàng, cơ quan quản lý, các nhà sản xuất và những công dân tình nguyện dũng cảm, những người đã giúp đỡ chúng tôi, chấp nhận bị chọc bông xuống cổ họng mình hết tuần này qua tuần khác. Và mặc dù rất nhiều chuyện kịch tính xảy ra, nhưng chẳng có một khoảnh khắc đột phá hoành tráng nào – trong bồn tắm, dưới gốc táo, hay lúc nửa đêm trong phòng thí nghiệm vắng vẻ, mà bao gồm rất, rất nhiều khoảnh khắc nhỏ. Từng chi tiết nhỏ chúng tôi phải làm thật chính xác, từng mục trong danh sách cần thực hiện, từng vấn đề phải được giải quyết. Một vài trong số đó là những vấn đề khoa học: Làm thế nào để giữ vật chất di truyền được ổn định? Tiêm vắc-xin với liều lượng nào để được bảo vệ tốt nhất? Cần tiêm bao nhiêu liều và khoảng cách giữa chúng là bao lâu? Và còn cả vấn đề kinh tế, chính trị, hậu cần: Làm thế nào chúng tôi có thể kiểm tra thân nhiệt của các tình nguyện viên khi đến nhiệt kế cũng không có? Làm thế nào chúng tôi có thể đưa vắc-xin sản xuất tại Ý đến tiêm cho các tình nguyện viên ở Anh khi các hãng hàng không dừng hoạt động? Tiền cho tất cả những việc này đến từ đâu? Và vô số những bước nhỏ khác.

Một số khoảnh khắc quan trọng nhất thực tế đã xảy ra trước khi bất kỳ ai từng nghe nói về Covid-19. Bởi vì khi làm việc trong một lĩnh vực khoa học tiên tiến, bạn cũng đang đóng góp công sức cho nỗ lực được xây dựng trên hàng thập niên làm việc cần mẫn và tỉ mỉ. Hiển nhiên, mặt trái của điều đó là, nếu được chuẩn bị tốt hơn, chúng ta thậm chí có thể tiến nhanh hơn nữa. Những người làm việc trong lĩnh vực này như chúng tôi đã đoán trước sự xảy ra của điều tương tự từ nhiều năm trước. Khi mọi chuyện mới bắt đầu, nhiều người đã hỏi: “Tại sao chúng ta không thấy trước điều này sẽ xảy ra?” Câu trả lời là chúng tôi đã đoán trước và bắt đầu chuẩn bị, nhưng lại không thể thuyết phục được bất kỳ ai bỏ ra số tiền cần thiết để thực hiện những việc cần làm. Nếu vậy, chúng ta phải làm gì để chuẩn bị sẵn sàng cho những chuyện rồi sẽ xảy ra? Bài học gì cần được rút ra để chuyện tương tự không xảy ra một lần nữa?

Chúng ta luôn biết rằng mặc dù vắc-xin có thể đã cứu sống nhiều người hơn bất kỳ khám phá khoa học nào khác, chúng cũng khiến mọi người lo lắng hơn hầu hết những lĩnh vực khác của y học. Có thể điều đó gắn liền với những mũi kim. Có lẽ là vậy, bởi trong khi hầu hết các loại thuốc là để tiêm cho những người đã bị bệnh và giúp họ khỏe hơn, thì vắc-xin được tiêm cho những người khỏe mạnh, để ngăn ngừa một điều gì đó có thể không bao giờ xảy ra. Chắc chắn, nỗi sợ hãi và nghi ngờ thường là thứ nhanh chóng tràn vào lấp đầy khoảng trống trong kiến thức của mọi người. Vì vậy, chúng tôi muốn tự mình lấp đầy những khoảng trống đó. Vắc-xin là gì và tại sao chúng ta cần chúng? Chúng hoạt động như thế nào? Làm sao có thể sản xuất vắc-xin nhanh đến vậy? Vắc-xin có chứa những gì? Làm thế nào chúng ta biết được chúng an toàn?

Vào năm 2020, một loại coronavirus gây ra căn bệnh có tên là Covid-19 đã càn quét khắp thế giới, tàn phá các hệ thống y tế, nền kinh tế và cuộc sống của tất cả chúng ta. Vào cuối năm đó, số mạng sống nó cướp đi trong vòng một năm đã vượt xa bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào khác trong hơn một thế kỷ trở lại đây. Cuốn sách này là câu chuyện về cách hai nhà khoa học đã ở đúng nơi vào đúng thời điểm để chống lại nó. Chúng tôi không phải là “những đế chế dược phẩm” hay “họ”. Chúng tôi là hai người bình thường, cùng với một đội ngũ những con người chăm chỉ và tận tụy, đã làm nên điều phi thường. Chúng tôi không có người giúp việc, tài xế riêng hay bảo mẫu, và như những người khác, chúng tôi có cuộc sống riêng với những vấn đề riêng. Đã có những ngày chúng tôi chửi thề hoặc khóc lóc vì thất vọng và kiệt sức. Chúng tôi mất ngủ và tăng cân. Có những ngày chúng tôi được gặp những lãnh đạo quốc gia, và những ngày khác phải vừa cứu thế giới vừa sửa hệ thống điều hòa trung tâm. Có những ngày chúng tôi được uống sâm-banh, và có những ngày phải vất vả để có đồ ăn trưa. Có những ngày chúng tôi không chỉ chiến đấu với virus mà còn cả với cấp trên, giới truyền thông, hay thậm chí bầy ong vò vẽ. Phần lớn thời gian, đây là cơ hội lớn để chúng tôi tạo ra tác động tích cực đến sức khỏe toàn cầu. Đôi khi, nó cũng trở thành một gánh nặng trên vai mỗi người. Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục, cũng như nhiều người khác đã từng chung vai sát cánh, trong những ngày dài, qua những cuối tuần và những ngày nghỉ lễ, cho đến khi mục tiêu của chúng tôi về một loại vắc-xin cho thế giới cuối cùng đã thành hiện thực.

Trong suốt phần đời còn lại của mình, mọi người sẽ hỏi tôi cảm thấy thế nào khi nghe tin về kết quả thử nghiệm vắc-xin mình tạo ra. Câu trả lời là tôi không có bất kỳ cảm xúc mạnh mẽ nào. Chắc chắn là nhẹ nhõm vì vắc-xin đã có hiệu quả. Ngạc nhiên rằng đó là một kết quả đáng khen ngợi như vậy: Ba con số thay vì một – hãy tin tưởng vào các học giả đã chỉ ra điều đó. Lo lắng về những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Và tôi quyết định đi ngủ, trước khi bất kỳ ai có cơ hội bắt chuyện: Tôi không được phép thảo luận điều này với bất kỳ ai.

Hôm đó là vào tối muộn thứ Bảy ngày 21 tháng 11. Từ sáng, Giáo sư Andy Pollard, đồng nghiệp đang điều hành các thử nghiệm lâm sàng, đã gọi cho tôi để nói rằng việc phân tích dữ liệu thử nghiệm sẽ diễn ra vào cuối tuần đó. Giống như phần còn lại của thế giới, chúng tôi đã nóng lòng chờ đợi khoảnh khắc này trong nhiều tuần.

Chúng tôi đã thiết kế vắc-xin trong vài ngày vào tháng 1 (tại thời điểm đó, trên cơ sở dự phòng chuyện gì đó có thể xảy ra); đã sản xuất các lô đầu tiên trong thời gian kỷ lục – chỉ 65 ngày, vì rõ ràng cần phải có vắc-xin; thử nghiệm nó trên những người tình nguyện ở bốn lục địa khi virus hoành hành khắp hành tinh; và sản xuất được hàng triệu liều. Chúng tôi đã biết nó rất an toàn. Đến thời điểm này, chúng tôi rất tin tưởng rằng nó có tác dụng. Nhưng chúng tôi vẫn không có dữ liệu để chứng minh điều đó. Phân tích mà chúng tôi chờ đợi sẽ thu thập hàng chục nghìn điểm dữ liệu từ hàng nghìn tình nguyện viên tham gia vào các thử nghiệm, để cho thấy mức độ hiệu quả của vắc-xin chúng tôi tạo ra trong việc bảo vệ chống lại Covid-19. Chỉ cần trên 50% sẽ được coi là thành công. Khi phân tích được hoàn thành – theo Andy có thể là vào Chủ nhật – điều đó sẽ khởi động quy trình thông báo đến những người chủ chốt và điền vào chỗ trống trên thông cáo báo chí mà chúng tôi đã chuẩn bị. Andy bảo tôi “ngủ một giấc thật ngon, uống một ly rượu vang” và chờ tin tức từ anh ấy.

Lần đầu tiên tôi nói chuyện với Andy về việc anh ấy trở thành nghiên cứu viên chính cho các thử nghiệm lâm sàng là vào tháng 2. Công việc của tôi nằm ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển vắc-xin, trong khi Andy chịu trách nhiệm cho một số thử nghiệm vắc-xin quy mô rất lớn và có nhiều kinh nghiệm về chính sách vắc-xin – cách vắc-xin được sử dụng trong thế giới thực. Vào thời điểm đó, Andy không hề biết đến khối lượng công việc phi thường đang chờ đợi mình.

Với một tuần bận rộn sắp tới, tôi biết mình cần phải làm gì: giặt giũ. Tôi cũng đã đặt vài chiếc áo sơ mi mới cho những dịp thế này, nhưng khi mặc thử, rõ ràng một chiếc không hợp với tôi chút nào và cần được trả lại. Mặc dù đây không phải là một việc khẩn cấp, nhưng tôi cảm thấy rằng hoàn thành một nhiệm vụ, dù nhỏ, vẫn sẽ tốt cho sức khỏe tinh thần của bản thân. Điểm trả hàng cách quầy bán báo khoảng một dặm và việc đi bộ vào một ngày tháng 11 hanh khô đó cũng sẽ hữu ích.

Khi đi bộ, tôi thấy đã có khá nhiều đồ trang trí Giáng sinh – khi mới chỉ là ngày 21 tháng 11! Sau một năm tồi tệ, có vẻ như mọi người đều muốn chăng đèn thật sớm để cố gắng vui lên. Nó khiến tôi nghĩ về những năm đầu tiên các con tôi đi học, khi việc chuẩn bị cho Giáng sinh sẽ bắt đầu từ cuối tháng 10, với một vở kịch Giáng sinh, đồng nghĩa với những buổi tối ở lại sau giờ học, và những câu chuyện không ngừng về Giáng sinh cho đến khi học kỳ kết thúc, chúng có những ngày ở nhà mệt mỏi và không biết phải làm gì, mà Giáng sinh thậm chí vẫn còn chưa đến! Năm nay, những cây thông Noel sớm dường như lại mang ý nghĩa rằng thời điểm cuối năm đã cận kề mà chúng tôi vẫn không biết liệu vắc-xin của mình có hiệu quả hay không.

Tôi tiếp tục bận rộn với những nhiệm vụ nhỏ. Tôi thậm chí không thể nói chuyện với gia đình mình về những gì đang xảy ra. Nhưng trong suốt năm qua, họ đã quen với việc tôi không chịu giao tiếp khi mọi thứ trở nên khó khăn trong công việc. Họ biết rằng chúng tôi đã phải chịu áp lực khủng khiếp trong suốt hai tuần qua, với mẫu máu từ 24.000 tình nguyện viên được chuyển đến phòng thí nghiệm và cần được xử lý. Một lô mẫu từ Brazil dự kiến sẽ đến lúc 6 rưỡi tối thứ Ba đó, nhưng thực tế đến 9 rưỡi vẫn chưa xuất hiện, vì vậy mọi người đã ở lại phòng thí nghiệm để kiểm tra, rã đông, phân chia, dán nhãn, đóng gói lại và vận chuyển cho đến sáng sớm ngày thứ Tư. Cuối ngày hôm đó, tôi đã đưa ra quyết định không được nhiều người đồng tình là cho bất kỳ ai không làm việc với mẫu máu về nhà: Với số ca bệnh tăng cao, có những quy định nghiêm ngặt về số người được phép ở trong phòng thí nghiệm. Vào thứ Sáu, tủ đông bắt đầu không còn chỗ, vì vậy tôi đã dành cả buổi chiều để năn nỉ các đồng nghiệp ở các tòa nhà khác xin nhờ không gian trong những tủ đông có khóa. Vào sáng thứ Bảy, tôi đã dành một khoảng thời gian yên tĩnh trong văn phòng của mình để dán nhãn lên các ống nghiệm, sẵn sàng cho lô mẫu tiếp theo từ Nam Phi. Rất nhiều người đã cảm thấy căng thẳng trong suốt tuần đó, và gia đình tôi có lẽ đã lấy điều đó để lý giải cho việc tôi thu mình lại.

Tối hôm đó, tôi cố gắng đọc sách nhưng thực tế lại ngủ gục, cho đến khi tiếng điện thoại khiến tôi thức giấc với tin nhắn từ Andy yêu cầu một cuộc gọi video. Thật là kỳ quặc. Tôi không nghĩ sẽ nhận tin tức gì từ anh cho đến ngày hôm sau và còn cho rằng sau đó anh ấy sẽ chỉ cho tôi một con số: hiệu quả của vắc-xin là x%. Tôi hỏi: Một cuộc gọi bình thường không phải là đủ rồi à? Nhưng không: Anh ấy cần cho tôi xem một vài trang trình chiếu.

Dù vẫn chưa hoàn toàn tỉnh ngủ, tim tôi vẫn đập loạn nhịp. Tại sao điều này lại xảy ra sớm một ngày? Tại sao lại cần phải trình chiếu?

Khi tôi mở máy tính xách tay, Andy trình bày sơ qua phần trình chiếu của anh ấy. Anh nhanh chóng và bình tĩnh đi vào vấn đề. Hiệu lực tổng thể là 70%. Con số này không cao như 90% của Pfizer hay 95% của Moderna, được công bố vào đầu tháng đó. Nhưng nó tốt hơn mức 50%, được coi là mức tối thiểu để vắc-xin hữu dụng và tốt hơn nhiều so với mức 30% mà một số nhà bình luận đã cảnh báo chỉ vài tuần trước đó. Vắc-xin của chúng tôi có hiệu quả.

Nhưng mọi chuyện phức tạp hơn thế.

Trong các thử nghiệm, chúng tôi đã thử nghiệm một số kiểu liều lượng khác nhau. Trong khi phân tích cho thấy hiệu lực tổng thể là 70%, một điểm thú vị là ở nhóm tình nguyện viên được tiêm một nửa liều sau đó là liều tiêu chuẩn, hiệu lực là 90%. Ở nhóm được tiêm hai liều tiêu chuẩn, hiệu lực là 62%.

Bất cứ khi nào các nhà khoa học nhận được những dữ liệu ngoài dự kiến, chúng tôi tự hỏi liệu đó có phải là một phát hiện may rủi hay không – một giá trị bất thường. Nhưng xem xét chi tiết hơn, điều này dường như không đúng.a Các đồng nghiệp tại AstraZeneca giờ đây sẽ dành ngày Chủ nhật để lặp lại phân tích mà các nhà thống kê tại Đại học Oxford chúng tôi đã thực hiện để có hai phân tích độc lập về dữ liệu. Bởi vì AstraZeneca là một công ty niêm yết công khai, kết quả phải được công bố bằng thông cáo báo chí trước khi thị trường tài chính mở cửa vào sáng thứ Hai.

Tôi đã dành hầu hết ngày Chủ nhật ở văn phòng, trong các cuộc họp Zoom với nhiều nhóm đồng nghiệp khác nhau đang làm việc về phân tích và kế hoạch truyền thông, và thỉnh thoảng ghé vào phòng thí nghiệm để kiểm tra xem mọi thứ ở đó có ổn hay không. Nhưng tôi không thể trò chuyện lâu vì không thể để bất cứ ai trong phòng thí nghiệm biết rằng tôi biết kết quả hiệu lực, chứ đừng nói đến kết quả ra sao. Tất cả những người nghiên cứu loại vắc-xin này đã được cảnh báo rằng họ có thể sẽ nghe được kết quả trên thời sự. Tự kiếm cho mình một việc để làm, tôi đi bộ đến các cửa hàng và chọn một ít trái cây cho nhóm trong phòng thí nghiệm. Họ chỉ ăn pizza và bánh ngọt trong suốt vài ngày rồi.

Đến 11 giờ tối, thông cáo báo chí – thứ mà tôi cần phê duyệt – vẫn chưa được hoàn thiện. Tôi từ bỏ việc chờ đợi và đi ngủ, ngủ một giấc thật say và bị đánh thức lúc 3 giờ sáng khi nó được gửi đến hộp thư của tôi. Tôi gửi xác nhận thông qua và cố gắng ngủ lại. Thông cáo báo chí sẽ phát hành lúc 7 giờ và tôi biết rằng một ngày phỏng vấn của giới truyền thông đang chờ mình.

Sáng thứ Hai lạnh giá. Lúc 6 giờ, biết chắc rằng những vũng nước trên con đường đạp xe không có ánh sáng sẽ đóng băng, tôi quyết định bỏ xe đạp, cạo lớp băng trên xe ô tô và lái đi. Trong khu vực giếng trời vắng lặng của tòa nhà có hai người đang dọn dẹp, với khẩu trang được kéo xuống dưới mũi, khiến việc mang nó trở nên hoàn toàn vô dụng. Tôi lịch sự nói với họ rằng khẩu trang phải che cả mũi.

Ngồi xuống trong văn phòng như cả triệu lần khác trong năm đó, tôi bật máy tính và nhấp vào liên kết đến bảng tính của nhóm báo chí để xem mình phải nói chuyện với nhà báo nào đầu tiên. Tôi không thể mở được bảng tính. Sau nhiều lần nhấp chuột, tôi bỏ cuộc, đi đến phòng vệ sinh với lược và túi trang điểm, và phát hiện ra thứ trông giống một vết côn trùng đốt trên má trái, đỏ và sưng tấy. Vào lúc Tess đến văn phòng của tôi, khoảng 7 giờ 45 phút, tôi bắt đầu cảm thấy mắt mình ngấn lệ. Tess – Giáo sư Teresa Lambe – là một nhà nghiên cứu miễn dịch học, đồng nghiệp và là người bạn lâu năm của tôi. Cô ấy đã cùng tôi thiết kế vắc-xin vào những ngày đầu tiên của tháng 1 và đã làm việc chăm chỉ như tôi kể từ đó. Khi cô ấy tìm thấy tôi trong văn phòng vào sáng hôm đó, cô ấy nghĩ rằng tôi đang tràn đầy cảm xúc trước sự lớn lao của những gì chúng tôi đã đạt được. Cô ấy trấn an tôi rằng đó là điều dễ hiểu. Ngược lại, tôi nói với cô ấy, đó là sự thất vọng tuyệt đối. Tôi đã ngủ rất ít và bây giờ phải đối mặt với một ngày phỏng vấn báo chí. Hóa ra cuộc phỏng vấn đầu tiên của tôi là lúc 8 rưỡi, vì vậy đáng ra tôi không cần phải rời nhà sớm như vậy, hay phải cọ tay lên kính chắn gió đóng băng của chiếc ô tô. Tôi cũng chưa ăn sáng. Tôi pha cho mình một cốc cà phê, và khi caffeine bắt đầu có tác dụng, tôi hít thở sâu vài hơi và cố gắng bình tĩnh lại

Sau đó, ngày làm việc bắt đầu một cách nghiêm túc. Tôi có một cuộc gọi video với Hoàng tử William, người đã truyền cho nhóm một động lực rất lớn khi đến thăm vào đầu năm. Sau đó là một cuộc họp báo trực tuyến, nơi hầu hết các nhà báo tập trung vào việc cố gắng tìm hiểu về sự phức tạp của việc sử dụng nửa liều-liều tiêu chuẩn (mà bản thân chúng tôi cũng chưa hiểu hết khi mới chỉ biết về nó trong vòng chưa đầy 48 giờ). Tiếp đến là nhiều cuộc phỏng vấn trực tiếp với các nhà báo và đội quay phim trong phòng hội thảo ở tầng hầm, rồi một loạt các cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Nhà báo thứ hai phỏng vấn tôi đã hỏi tôi chán buổi họp báo đến mức nào, và câu trả lời là: “Khá mệt mỏi.” Anh ấy nói anh thông cảm khi nhận ra rằng những người như tôi đang phải tiếp chuyện báo chí trong khi vẫn phải làm công việc hằng ngày của mình. Tôi không nghĩ mình cần giải thích rằng vắc-xin Covid không nằm trong công việc thường ngày của tôi – nghiên cứu về nó đã nằm ngoài danh sách việc tôi phải làm, đó là phát triển vắc-xin chống lại năm căn bệnh khác.

Một lúc nào đó vào buổi chiều, ai đó đã ló đầu vào văn phòng của tôi để đề nghị mua sâm-banh cho các thành viên trong nhóm. Tôi đã quá mệt mỏi và thực sự hi vọng có thể dời việc ăn mừng sang một ngày khác, nhưng những người còn lại lại muốn được cụng ly theo kiểu giãn cách xã hội. Kế hoạch là để mỗi người lấy một ly từ một chiếc bàn ở hành lang, mang nó trở lại bàn làm việc và tham gia cuộc gọi video. Vì thế, vào khoảng 5 giờ chiều, tôi đã tự rót cho mình một chút sâm-banh. Nhấm nháp chỗ rượu trong cốc pha cà phê (vì chúng tôi không có đủ ly), tôi bắt đầu thư giãn. Tôi tận hưởng cảm giác thư thái cuối tuần đó trong một thoáng, trước khi nhận ra hôm nay vẫn là thứ Hai. Tuần đó tưởng như đã kéo dài vài tháng rồi.

Một số nhà báo đã hỏi tôi cảm thấy như thế nào khi kể cho gia đình mình, và tôi phải thú nhận rằng tôi vẫn chưa kịp kể. Tôi mới chỉ gửi cho họ một tin nhắn WhatsApp vào khoảng 7 giờ sáng với nội dung “một ngày quan trọng”. Khi về đến nhà, họ ôm và kéo tôi ra khỏi bếp, nơi một bữa ăn mừng đang được chuẩn bị. Chúng tôi đã ăn cùng nhau, nâng ly chúc mừng, và cuối cùng tôi đã có thể đi ngủ.

Đó là thứ Hai ngày 23 tháng 11, bảy tháng kể từ ngày chúng tôi tiêm cho tình nguyện viên đầu tiên trong lần thử nghiệm vắc-xin đầu tiên của mình, và chưa đầy một năm kể từ khi mọi người bắt đầu nghe nói về một loại coronavirus mới gây ra bệnh viêm phổi ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Có một số tiêu đề thu hút, được làm nóng bởi mối quan tâm ngày càng cao về số ca bệnh gia tăng mỗi ngày.1 Rất nhiều trong số đó dựa trên thực tế là vắc-xin của chúng tôi, không giống như những loại khác, không cần phải giữ trong tủ đông siêu lạnh mà có thể được vận chuyển và bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh bình thường. Điều này sẽ làm cho việc phân phối và sử dụng ở Vương quốc Anh và trên toàn thế giới dễ dàng hơn rất nhiều. Nhiều bài báo khác nói về việc vắc-xin này sẽ rẻ hơn, và được cam kết cung cấp vĩnh viễn với giá rẻ cho các nước có thu nhập thấp và trung bình. Có một sự phấn khích vì chúng tôi có 100 triệu liều đã được đặt hàng ở Vương quốc Anh, đủ để tiêm chủng cho mọi người trưởng thành và hàng tỉ liều đang được sản xuất trên khắp thế giới cho năm 2021.

Nhưng nhanh chóng, những tin báo chí tiêu cực bắt đầu xuất hiện.2 Các nhà bình luận và nhà phân tích thị trường chứng khoán ở Mỹ công kích kết quả của chúng tôi: Chúng tôi đã không công bố đủ thông tin; chúng tôi cần phải minh bạch hơn; chúng tôi chỉ chọn những dữ liệu tích cực; kết quả thử nghiệm nửa liều của chúng tôi dựa trên một sai lầm và do đó đáng nghi ngờ; chúng tôi đã không có đủ người lớn tuổi trong thử nghiệm của mình. Anthony Fauci, từ năm 1984 là Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ, và là một trong những nhà khoa học được đánh giá cao nhất trong lĩnh vực này, đã so sánh một cách bất lợi hiệu lực vắc-xin của chúng tôi với Pfizer và Moderna, và hỏi tại sao mọi người lại muốn được tiêm vắc-xin của chúng tôi.3 Truyền thông Vương quốc Anh bắt đầu thu thập và lặp lại những gì đang được nói ở Mỹ.4

Tất cả những điều này thật sự rất không công bằng, chưa nói đến là chẳng giúp được gì: Điều quan trọng là chúng tôi đã có một loại vắc-xin rất an toàn và hiệu quả cao chống lại một căn bệnh vô cùng khủng khiếp. Nhưng điểm đó đã bị bỏ quên. Chúng tôi không chọn công bố kết quả của mình bằng thông cáo báo chí. Với tư cách là học giả, chúng tôi thường công bố kết quả đầy đủ trong một bài báo được bình duyệt chi tiết, với phương pháp luận được trình bày rõ ràng và đầy đủ các biểu đồ và phân tích Kaplan-Meier, để cả cộng đồng khoa học cùng tham khảo.

Nhưng chúng tôi đang làm việc với một công ty niêm yết công khai, AstraZeneca. Và khi một công ty nhận được thông tin có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của mình, về mặt pháp lý, công ty đó phải công bố thông tin đó ngay lập tức, để ngăn chặn giao dịch nội gián. Vì vậy, thông cáo báo chí phải là thứ đầu tiên được đưa ra. Bài báo học thuật, được gửi để đánh giá một ngày sau khi thông cáo được phát hành, sẽ chứa các chi tiết để trả lời tất cả những chỉ trích hướng vào chúng tôi, nhưng cho đến khi nó có thể được bình duyệt, chỉnh sửa và xuất bản, khoảng trống thông tin vẫn đầy những suy đoán. Chúng tôi chỉ có thể biết ơn những nhà khoa học Anh, những người đã lên tiếng bảo vệ chúng tôi, và chờ đợi. Khi những món quà kỷ niệm được gửi đến văn phòng của tôi – rượu sâm-banh, thiệp, hoa, sô-cô-la, vodka và một tấm séc trị giá 10 bảng Anh từ một cụ hưu trí đáng mến “để mua bánh nướng thịt băm” – tôi tự hỏi liệu chúng đã được gửi trước khi những bài báo tiêu cực bắt đầu xuất hiện, hay bất chấp những bài báo đó. Bất kể thế nào, chúng tôi vẫn thực sự cảm thấy biết ơn những món quà đó.

Một tuần sau, khi đang đạp xe đi làm, tôi cảm thấy có lỗi với bản thân, một cảm xúc không hề tốt cho lắm, vì vậy với khoảng thời gian riêng tư trong 20 phút đạp xe, tôi đã tự hỏi mình tại sao. Tôi đã nhận được vô số yêu cầu phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông, điều sẽ chỉ tăng lên khi bài báo của chúng tôi được xuất bản. Tôi đã phải cố gắng giữ cho tất cả các dự án khác của mình vận hành bình thường. Tôi cảm thấy áp lực khi không được chia sẻ thông tin về kết quả hiệu lực với gia đình, điều khiến tôi cảm thấy mất đi kết nối với họ. Và tôi nhớ con trai tôi. Các con gái của tôi ở nhà, miễn cưỡng quyết định học từ xa trong năm đó, nhưng tôi đã không gặp con trai mình kể từ tháng 9. Gần 22 năm trước đó, tôi đã sinh ba, trở thành bà mẹ ba con chỉ trong vòng 16 giờ, và bây giờ việc một trong những đứa con xa nhà trong hoàn cảnh khó khăn như vậy khiến tôi có cảm giác căng thẳng. Tôi nhận ra mình đang kiểm tra số ca mắc Covid ở Bath, nơi con trai mình đang sống.

Trong một cuộc phỏng vấn, tôi được gửi trước một danh sách 16 câu hỏi cần chuẩn bị. Câu cuối cùng là: “Bạn đã phải tạm dừng điều gì trong năm 2020, và mong muốn làm ngay khi việc này hoàn thành?” Ngay cả khi nghĩ về điều đó trong lúc đọc email, mắt tôi đã ngấn lệ. Tôi nói với họ rằng nếu họ hỏi câu đó, tôi sẽ khóc. Bức tường giữa cái tôi nghề nghiệp và cái tôi cá nhân của tôi đã gần sụp đổ. Vì vậy, tôi đã chuẩn bị một câu trả lời mà tôi có thể đưa ra mà không bị xúc động: “Tôi muốn có một kỳ nghỉ tuyệt vời với gia đình.”

Và tất nhiên, sau khi làm việc vất vả trong một thời gian dài như vậy, thật chẳng vui vẻ gì khi trở thành tâm điểm của quá nhiều chỉ trích. Cách tốt nhất là phớt lờ nó, nhưng một số đồng nghiệp của tôi đón nhận chúng một cách không mấy vui vẻ. Họ muốn đáp trả từng điểm một với những nhà phê bình, và thường xuyên nói với tôi và Andy rằng, nếu không làm vậy, chúng tôi đang trở thành “những kẻ thua cuộc”. Tôi đã dành rất nhiều thời gian để giải thích rằng cách đó không hề có ích.

Hai tuần đằng đẵng và khó khăn sau thông cáo báo chí đầu tiên, vào ngày 8 tháng 12 năm 2020, Lancet đã xuất bản bài báo của chúng tôi.a Đó là bài báo đầu tiên công bố đầy đủ dữ liệu về hiệu lực của thử nghiệm giai đoạn III của một loại vắc-xin Covid. Nhưng mặc dù bài báo đã đáp lại toàn bộ những lời chỉ trích, điều đó cũng không khiến những người chỉ trích dừng lại. Báo
 chí công nghệ sinh học Mỹ coi việc phát triển vắc-xin là một cuộc thi đòi kẻ thắng và người thua, với Pfizer và Moderna là người chiến thắng và Oxford AstraZeneca là kẻ thua cuộc. Một bài báo đặc biệt gây nhức nhối nhắc đến “hiệu lực tầm thường” của vắc- xin của chúng tôi và “các thử nghiệm lâm sàng lóng ngóng”.5 Trên thực tế, cuộc đua duy nhất là giữa virus và sự khéo léo của con người. Cùng với các đồng nghiệp của mình, tôi đã nói với báo chí trong nhiều tháng rằng thế giới sẽ cần nhiều loại vắc-xin; đây không phải là vấn đề về người chiến thắng và kẻ thất bại, mà là về cứu sống con người.

Tôi đã cho rằng một khi kết quả hiệu lực được công bố, mọi thứ có thể sẽ lắng xuống. Thực tế là, những tuần tiếp theo – khi vắc-xin của chúng tôi được cấp phép bởi cơ quan quản lý Vương quốc Anh, và sau đó bắt đầu được triển khai khắp đất nước và trên toàn thế giới – thậm chí còn bận rộn hơn và trở nên giống một chuyến tàu lượn cảm xúc hơn bao giờ hết. Mặc dù hiệu lực tất nhiên là con số quan trọng, nhưng tác động thực sự của vắc- xin không chỉ phụ thuộc vào nó, mà còn phụ thuộc vào lượng vắc-xin bạn có thể làm ra (cung cấp); bạn có thể đưa nó đến cho bao nhiêu người (phân phối); và bao nhiêu người trong số đó sẽ tiêm nó (chấp nhận). Ngoài ra, điều quan trọng về lâu dài không phải là “hiệu lực”, như được đo trong thử nghiệm lâm sàng, mà là “hiệu quả bảo vệ”, nghĩa là điều gì sẽ xảy ra khi vắc-xin được sử dụng trên quy mô lớn trong thế giới thực. Trừ khi các vắc-xin được so sánh trực tiếp trong cùng một thử nghiệm lâm sàng, các số liệu về hiệu lực không thể được so sánh trực tiếp vì đôi khi có những khác biệt lớn, đôi khi rất nhỏ trong cách thiết lập và vận hành các thử nghiệm.

Vào ngày Lancet đăng tải bài báo của chúng tôi, Vương quốc Anh trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới bắt đầu triển khai vắc-xin Pfizer. Nhưng nguồn cung hạn chế và vắc-xin cần được xử lý rất cẩn thận, với bố trí đặc biệt để bảo quản ở nhiệt độ cực thấp. Việc triển khai ban đầu khá chậm, với 86.000 liều vắc-xin được sử dụng trong tuần đầu tiên và khoảng 600.000 liều trong những tuần tiếp theo.6 Đồng thời, số ca mắc ở Anh tăng nhanh chóng, ít nhất một phần do biến thể mới, dễ lây truyền hơn – được biết đến với những tên gọi khác nhau như biến thể Kent, biến thể Anh, hoặc B.1.1.7. Các chính sách hạn chế ngày càng siết chặt do chính phủ ban hành với tốc độ chóng mặt; nhân viên NHS, phải đối phó với số ca bệnh gia tăng và lo ngại về việc chính bản thân cũng có thể mắc bệnh, đã yêu cầu được ưu tiên hơn những người sống trong các nhà dưỡng lão do nguồn cung cấp vắc-xin hạn chế.7 Và rồi có một quyết định giờ chót rằng chúng tôi không thể thực hiện các kế hoạch nới lỏng hạn chế trong dịp Giáng sinh.

Nhưng giữa lúc đó, tin tốt đã đến. Ngày 30 tháng 12, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Vương quốc Anh (MHRA – Medicines and Healthcare products Regulatory Agency), đã công bố giấy phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp cho vắc-xin Oxford AstraZeneca. Đó là một ngày chiến thắng đối với nhóm chúng tôi: đỉnh cao của gần đúng một năm làm việc. Sáng hôm đó, tôi nghe sáu tiếng “bíp” quen thuộc báo hiệu giờ phát sóng của BBC và sau đó là tiêu điểm trên chương trình Today: “Chào buổi sáng. Các tiêu điểm hôm nay. Vắc-xin Oxford vừa được chấp thuận sử dụng. Các hạn chế cấp độ 4 sẽ được áp dụng đối với hàng triệu người nữa trên khắp nước Anh để chống lại tình trạng gia tăng lây nhiễm coronavirus. Các nghị sĩ dự kiến sẽ thông qua thỏa thuận thương mại hậu Brexit.” Nằm đó nghe thành tích của chúng tôi được tóm tắt ngắn gọn như vậy, tôi nhận ra đã nhiều tháng kể từ lần cuối tôi vẫn còn được nằm trên giường lúc 7 giờ sáng, và hi vọng đó là một dấu hiệu cho thấy sự bình thường có thể đang quay trở lại sau một năm đầy sóng gió và mệt mỏi. Một lần nữa nhưng tiêu đề nổi bật lại xuất hiện: đây là “một cột sáng rực rỡ”, “thay đổi tình thế”, “tin tốt nhất… trong thời điểm tồi tệ nhất”.8 Với rất nhiều liều đang sẵn có của một loại vắc-xin dễ sử dụng hơn rất nhiều, việc tiêm chủng có thể được đẩy nhanh đáng kể.

Thứ Hai tuần tiếp theo, ngày 4 tháng 1 năm 2021, sau khi thế giới đánh dấu một kỳ nghỉ năm mới lặng lẽ, việc triển khai vắc-xin Oxford AstraZeneca bắt đầu được thực hiện. Đóng vai trò bác sĩ y khoa tham gia vào thử nghiệm lâm sàng, Andy là một trong những người đầu tiên được tiêm. Vì tôi không phải là nhân viên y tế hay thuộc bất kỳ nhóm ưu tiên nào khác, tôi sẽ phải đợi đến lượt mình. Vào tối hôm đó, với số ca nhiễm và tử vong tiếp tục tăng cao, và NHS đang trên đà bị quá tải, Thủ tướng Boris Johnson đã quyết định phong tỏa toàn quốc trở lại. Trường học và cửa hàng bán lẻ không thiết yếu sẽ phải đóng một lần nữa, và việc gặp gỡ giữa các hộ gia đình bị cấm. Những người cực kỳ dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng một lần nữa được yêu cầu tự bảo vệ mình. Vắc-xin của chúng tôi được tung ra trong một tình huống nghiệt ngã và trong vài ngày, các phương tiện truyền thông dường như quyết tâm tìm kiếm những điều tiêu cực, thứ chỉ làm tăng thêm cảm giác tuyệt vọng.

Ví dụ, khoảng cách giữa các liều đã được thay đổi từ ba hoặc bốn tuần thành 12 tuần. Việc này là để cho nhiều người nhất có thể được tiêm liều vắc-xin đầu tiên, do tỉ lệ ca bệnh cao bất thường và tình hình nghiêm trọng tại các bệnh viện. Đó là một quyết định rất phức tạp: Chúng tôi có dữ liệu cho thấy đáp ứng miễn dịch cao hơn với vắc-xin của chúng tôi trong khoảng thời gian mười hai tuần giữa các mũi tiêm, nhưng không có dữ liệu tương đương cho vắc-xin Pfizer và nhiều người rất khó chịu về điều đó. Cũng có một loạt các báo cáo thông tin sai lệch về việc tiêm trộn vắc-xin. Tiếp theo là câu hỏi điều gì đã ngăn cản hơn hai triệu người được tiêm chủng mỗi tuần, với việc chính phủ cố gắng đổ lỗi cho nguồn cung vắc-xin, điều này không phù hợp với thông tin tôi nhận được từ AstraZeneca. Có những câu chuyện về một số khu vực trên cả nước không có trung tâm tiêm chủng. Và đã có những lo lắng về các biến thể mới – Kent, Brazil và Nam Phi – và liệu những loại vắc-xin được tung hô trong vài tuần qua có chứng minh được là có hiệu quả chống lại chúng hay không.

Sau vài ngày, trong khi những thông tin về đại dịch, áp lực lên bệnh viện, và số ca tử vong mỗi ngày vẫn vô cùng khủng khiếp, thông tin về việc triển khai vắc-xin trở nên tích cực hơn. Điện Buckingham thông báo rằng Nữ hoàng và Công tước xứ Edinburgh đã tiêm vắc-xin. Ngày càng nhiều trung tâm tiêm chủng được mở, bao gồm cả tại các nhà thờ Công giáo, và đặc biệt, để chống lại tin đồn rằng vắc-xin không phù hợp với người Hồi giáo, có cả một trung tâm tiêm chủng tại một nhà thờ Hồi giáo tại Birmingham. Viện Huyết thanh Ấn Độ bắt đầu cung cấp vắc-xin cho toàn bộ khu vực, bao gồm cả Myanmar, Bangladesh và Nepal.

Sau đó, câu chuyện tiến vào một giai đoạn đầy những bước ngoặt quanh co liên tiếp và khó lường. Chính trị, kinh doanh và khoa học được đẩy vào với nhau trong một tổ hợp hỗn độn đến mức mệt mỏi. Khi gần đến ngày để những nhà quản lý ở châu Âu đưa ra quyết định về vắc-xin của chúng tôi, cả Pfizer, Moderna và AstraZeneca đều đồng loạt thông báo các vấn đề tạm thời về việc cung cấp vắc-xin của họ cho toàn bộ châu lục này.

Chương trình tiêm chủng của EU diễn ra vô cùng chậm chạp. Bấy giờ có một cuộc nói chuyện có phần quái đản từ EU về lệnh cấm xuất khẩu để ngăn vắc-xin Pfizer dành cho Vương quốc Anh rời khỏi khối; các cuộc kiểm tra nhà máy AstraZeneca ở Bỉ để xác định xem liệu vắc-xin được sản xuất ở đó và dành cho EU có bị “rút ruột” sang Anh hay không; và có những yêu cầu rằng vắc-xin được sản xuất tại Anh và dành cho Vương quốc Anh phải được EU quản lý. Một tờ báo của Đức đã đăng một câu chuyện hoàn toàn không chính xác khi nói rằng vắc-xin AstraZeneca sẽ không được cấp phép ở EU dành cho những người trên 65 tuổi vì nó “chỉ có hiệu quả 8%” đối với nhóm này.a 9 Tổng thống Macron của Pháp cũng tham gia vào khi nói, một lần nữa hoàn toàn không chính xác, rằng vắc-xin AstraZeneca “dường như gần như không có hiệu quả đối với những người trên 65 tuổi”.10 Toàn bộ sự việc giống như một trò đùa về hai bà già láu cá trong một nhà hàng. Bà già lém lỉnh thứ nhất: “Đồ ăn ở đây thật khủng khiếp.” Bà già láu cá thứ hai: “Đúng vậy, và chưa kể đến khẩu phần ăn thật nhỏ.”b Ngoại trừ ở đây những lời phàn nàn là về vắc- xin của chúng tôi. “Loại vắc-xin này thật khủng khiếp.” “Đúng, và họ không cung cấp đủ cho chúng tôi.” Cơ quan quản lý châu Âu, cùng ngày hôm đó và đúng như dự kiến, đã phê duyệt việc sử dụng vắc-xin cho mọi người trưởng thành.c Đó là một ngày với đầy những tin tức quan trọng về vắc-xin, với hai loại vắc-xin khác, Novavax và vắc-xin đơn liều Janssen/Johnson & Johnson, công bố kết quả hiệu lực tuyệt vời tương tự như của chúng tôi.11

Trong suốt giai đoạn này, một số nhà phát triển vắc-xin lớn đã rời bỏ lĩnh vực này, hoặc thông báo họ sẽ theo đuổi một  kế
 hoạch mới, vì nhiều lý do khác nhau. Sau thành công đáng kinh ngạc của ba loại vắc-xin đầu tiên được báo cáo kết quả – Pfizer, Moderna và vắc-xin Oxford AstraZeneca của chúng tôi – đó là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng thành công này không phải là tất yếu. Thật đáng thất vọng khi biết rằng những chương trình vắc-xin khác của các nhà phát triển vắc-xin hàng đầu đều đã gặp phải vấn đề. Một loạt các vắc-xin khác nhau, sử dụng các công nghệ khác nhau và được sản xuất bởi các công ty khác nhau ở các quốc gia khác nhau, là cơ hội tốt nhất để chúng ta tiêm vắc-xin cho những người cần đến nó vào năm 2021. Tuy nhiên, đôi khi tôi cho phép bản thân cảm thấy buồn một chút khi tiếp tục nhận được những công kích từ báo chí về loại vắc-xin đã thành công của mình, trong khi những người khác nhận được sự thông cảm cho những nỗ lực không thành công của họ.

Sau một khởi đầu chậm chạp, chương trình vắc-xin của Vương quốc Anh hiện đã nhanh chóng được thúc đẩy. Vào ngày 3 tháng 1, một ngày trước khi bắt đầu triển khai AstraZeneca, và gần một tháng sau khi bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng, 1,4 triệu liều đã được tiêm. Tính đến cuối tháng 1, tức là chưa đầy một tháng sau, con số này là 9,79 triệu liều, với kỷ lục 609.010 liều được tiêm vào ngày 30 tháng 1. Đến ngày 15 tháng 2, chính phủ đã đạt được mục tiêu cung cấp liều vắc-xin đầu tiên cho gần 15 triệu người thuộc bốn nhóm ưu tiên hàng đầu – những người dễ bị tổn thương nhất và các nhân viên y tế-xã hội đang chăm sóc họ.

Trong khi đó, vắc-xin đã được cấp phép và phân phối trên khắp thế giới: Đến cuối tháng 1, vắc-xin đã được chấp thuận sử dụng ở nhiều quốc gia bao gồm Brazil, Chile, Ấn Độ và Nam Phi.a Vào ngày 15 tháng 2, nó đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp thuận sử dụng, điều cực kỳ quan trọng đối với việc triển khai toàn cầu và tiếp cận vắc-xin cho các quốc gia có thu nhập thấp. Trong vòng vài tuần, những chuyến hàng đầu tiên đã đến thêm 30 quốc gia bao gồm Ghana, Senegal, Rwanda, Cộng hòa Dân chủ Congo, Campuchia và Moldova. Vào ngày 23 tháng 4, một năm kể từ ngày liều đầu tiên được tiêm cho tình nguyện viên đầu tiên, vắc-xin đã đến được 172 trong số 195 quốc gia trên thế giới, từ Afghanistan đến Yemen.

Khi có nhiều dữ liệu hơn, chúng tôi đã có thể chứng minh rằng vắc-xin của chúng tôi thực sự hiệu quả hơn so với những phân tích ban đầu vào ngày 23 tháng 11. Và khoảng cách 12 tuần giữa các liều cung cấp sự bảo vệ tốt hơn so với khoảng thời gian ngắn hơn, minh chứng cho quyết định cần thiết đã được thực hiện dù chưa có bộ dữ liệu đầy đủ. Rõ ràng là vắc-xin của chúng tôi sẽ không chỉ bảo vệ những người được tiêm chủng khỏi bị bệnh mà còn làm giảm đáng kể việc truyền virus sang người khác. Vắc-xin của chúng tôi đã được chứng minh là cung cấp khả năng bảo vệ chống lại biến thể Kent và rất có thể sẽ ngăn ngừa ít nhất những triệu chứng nghiêm trọng do biến thể Brazil và Nam Phi gây ra. Tất cả những tin này là cực kỳ tốt.

Và sau đó vào thứ Hai ngày 22 tháng 2, “dữ liệu hiệu quả thực tế đầu tiên” đã được công bố cho hai loại vắc-xin đang được triển khai ở Vương quốc Anh là Pfizer và AstraZeneca. Ba tháng kể từ khi có kết quả thử nghiệm giai đoạn III của chúng tôi, đây là thời điểm tôi cho rằng bản thân sẽ không bao giờ được hỏi về
nó, nhưng là thời điểm tôi sẽ không bao giờ quên.

Một nghiên cứu trên toàn bộ dân số Scotland, bao gồm 1,1 triệu người đã tiêm vắc-xin, cho thấy vắc-xin Pfizer có hiệu quả 85% trong việc ngăn ngừa nhập viện ba tuần sau liều đầu tiên và vắc-xin Oxford AstraZeneca có hiệu quả 94%. Nó cũng báo cáo rằng ở những người trên 80 tuổi, hiệu quả của cả hai loại vắc-xin sau liều đầu tiên là 81%, đây là lần đầu tiên tôi thấy dữ liệu từ nhóm tuổi đó được báo cáo.

Tôi mở to mắt và thở gấp khi đọc những con số này. Dữ liệu về hiệu quả bảo vệ – nghĩa là dữ liệu về tác dụng của vắc-xin khi được sử dụng cho toàn bộ dân số trong thực tế – thường thấp hơn so với dữ liệu về hiệu lực được báo cáo trong các thử nghiệm lâm sàng. Để minh họa, trong thử nghiệm của chúng tôi, không có ai đã tiêm vắc-xin phải nhập viện, cho thấy hiệu lực với việc ngăn ngừa nhập viện là 100%. Trong thực tế, với việc vắc-xin được tiêm cho chủ yếu là những người rất cao tuổi, một số người trong số họ đang ở nhà dưỡng lão hoặc sức khỏe đã kém, con số hiệu quả sẽ không bao giờ là 100%. Nhưng điều đó để cho thấy hiệu quả 94% là không thể tin được. Đây là dữ liệu quan trọng đầu tiên về tác động của vắc-xin của chúng tôi đối với các trường hợp tử vong, nhập viện và bị bệnh trong thế giới thực, và điều đó thật ngoạn mục. Và trong lần so sánh trực tiếp đầu tiên giữa hai loại vắc-xin được cấp phép với một lượng lớn người được tiêm trong thế giới thực, vắc-xin của chúng tôi đã có tác dụng tốt như Pfizer, bất chấp sự khác biệt về dữ liệu hiệu lực được báo cáo từ các thử nghiệm lâm sàng.

Chúng tôi vẫn còn rất nhiều việc phải làm – chúng tôi vẫn đang rất bận rộn trong việc nghiên cứu vắc-xin chống lại các biến thể mới, và lo ngại rằng vắc-xin của chúng tôi vẫn chưa phổ biến và được tin tưởng ở châu Âu. Nhưng có cảm giác như chuyến tàu lượn của chúng tôi cuối cùng đã có thể dần chậm lại và cho phép chúng tôi bước xuống, một cách cẩn trọng, về với sự bình thường.

Chủ nhật cuối cùng của tháng 2 năm 2021 là một ngày đầy nắng, và cuối cùng tôi đã ngừng viện lý do rằng cánh đồng quá lầy lội, để ra ngoài chạy bộ. Trong khu vườn của tôi, những chú chim sẻ đang tha đồ về làm tổ và những bụi cây trơ trụi giờ được phủ những chồi non xanh tươi. Tâm trạng chung có vẻ đang dần tốt lên. Việc triển khai vắc-xin tiếp tục thành công rực rỡ và ngày càng có nhiều niềm tin rằng nó đang làm giảm ca bệnh, giảm bớt áp lực lên NHS và cứu nhiều mạng sống. Thủ tướng đã thông báo về lộ trình dỡ bỏ phong tỏa, bắt đầu bằng việc cho trẻ em đi học trở lại. Tương lai về mùa xuân, của việc bước ra từ bóng tối của mùa đông đại dịch, bắt đầu trở nên thật hơn.

Chúng tôi đã thư giãn quá sớm. Chuyến tàu lượn còn thêm ít nhất một vòng quay nữa. Một lần nữa địa điểm là châu Âu, và một lần nữa nó liên quan đến sự kết hợp không thể thay đổi của chính trị, kinh doanh, khoa học và cảm xúc.

Tuy nhiên, vào thứ Hai ngày 22 tháng 3, với việc sử dụng AstraZeneca vẫn bị đình chỉ ở một số quốc gia châu Âu do lo ngại về một số vấn đề sức khỏe hiếm gặp có thể có hoặc không phải do vắc-xin gây ra, cũng như mối đe dọa tiềm tàng về một cuộc chiến vắc-xin đe dọa đến nguồn cung toàn cầu; kết quả tạm thời, được chờ đợi từ lâu, từ cuộc thử nghiệm ở Mỹ đã được công bố. Họ nhận thấy rằng vắc-xin được dung nạp tốt mà không có lo ngại về an toàn;a rằng nó có hiệu quả 79% trong việc ngăn ngừa Covid có triệu chứng; và nó có hiệu quả 100% trong việc ngăn các ca bệnh nặng. Ở những người tham gia lớn tuổi, hiệu quả vẫn tốt, ở mức 80%.a AstraZeneca đã tiến hành thử nghiệm ở Mỹ vì các cơ quan quản lý của Mỹ không muốn dựa vào dữ liệu thu được bên ngoài đất nước họ. Nhưng trong khi đó, Mỹ đang triển khai rất tốt các loại vắc-xin của Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson. Mặc dù có quyết tâm theo đuổi cách tiếp cận “nước Mỹ là trên hết” dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ đã vô tình cung cấp một món quà cho phần còn lại của thế giới: Dữ liệu mà tôi hi vọng sẽ khôi phục lại niềm tin đã bị xói mòn bởi những lời nói bất cẩn và những cử chỉ mang tính chính trị.

Chắc chắn sẽ còn nhiều cú lượn cho chuyến tàu, cũng như ổ gà trên con đường. Khoa học không tồn tại độc lập. Khi chúng tôi bắt đầu làm việc, cả nhóm đã đúc kết từ nhiều năm kinh nghiệm trong việc thiết kế, sản xuất vắc-xin, thử nghiệm lâm sàng và các vấn đề về quản lý. Chúng tôi đã có kinh nghiệm chuyên sâu về rất nhiều khía cạnh của những việc cần phải làm, và ý chí để làm điều đó nhanh chóng, luôn lập kế hoạch trước nhiều bước, luôn lưu ý đến việc triển khai vắc-xin sớm và lợi ích sức khỏe cộng đồng. Chúng tôi muốn cứu người, không phải để kiếm tiền. Và chúng tôi muốn rút ra mọi thứ mình đã học được từ những nỗ lực trước đó để phát triển vắc-xin với tốc độ nhanh nhất, để không mất thời gian chờ đợi người khác làm phần việc của họ.

Điều mà không ai trong số chúng tôi đoán trước được là việc vắc-xin sẽ trở thành một thứ bóng đá chính trị như thế nào. Trong cả năm liên tục bị soi mói đến từng tiểu tiết, kết quả là một loại vắc-xin có khả năng cứu sống hàng triệu sinh mạng trên khắp thế giới hoàn toàn có thể bị gạt bỏ bởi một chính trị gia ác cảm. Những tuyên bố cẩn trọng trên phương tiện truyền thông, giải thích về cơ sở khoa học của vắc-xin, hoàn toàn có khả năng tan biến trong cơn bão thông tin sai lệch và thiên kiến trên Twitter, với những tuyên bố không chính xác liên tục được trích dẫn như là sự thật hiển nhiên. Liệu chúng tôi có sống quá lý tưởng? Hay quá ngây thơ? Chắc hẳn lần sau – và hãy yên tâm là còn có lần sau – chúng tôi nên bổ sung một vài nhà khoa học chính trị vào nhóm.

Quay lại với việc suy nghĩ, tôi sẽ tự nhắc mình rằng trong nhiều năm, mọi người đã nói với tôi rằng công nghệ vắc-xin của tôi quá chậm, quá đắt, hoặc không đủ tốt. Trước đó chưa đầy một năm, tôi đã đấu tranh để huy động được vài trăm nghìn bảng Anh cho việc nghiên cứu loại vắc-xin này. Chỉ một vài tháng trước đó, các nhà khoa học thực tế vẫn nói rằng chúng tôi có thể không bao giờ phát triển được một loại vắc-xin hiệu quả chống lại Covid-19. Chỉ một tuần trước khi Pfizer báo cáo kết quả hiệu lực 90%, chúng tôi đã dự đoán rằng 50% sẽ là một kết quả tốt, và 30% là có thể chấp nhận được.

Trên thực tế, trong vòng chưa đầy một năm, chúng tôi đã sản xuất được một loại vắc-xin rất an toàn, có hiệu quả cao kể cả ở người cao tuổi, ngăn ngừa tử vong hoặc nhập viện sau một liều, giảm khả năng lây nhiễm, có thể vận chuyển và bảo quản bằng tủ lạnh thay vì tủ đông, và có thể trở nên sẵn có trên toàn thế giới với số lượng lớn và chi phí thấp. Chúng tôi đã tạo ra một loại vắc-xin cho thế giới.

*Cuốn sách được chuyển ngữ và phát hành bởi MedInsight. Bạn đọc quan tâm có thể tìm đọc cuốn sách tại đây

Tags: