Cách để trả lời câu hỏi đáng sợ:
Cách để trả lời câu hỏi đáng sợ: "Bạn làm nghề gì?" trong các bữa tiệc
Chúng ta đều từng trải qua tình huống như thế này: Bạn đang đứng trong một buổi tiệc và nhâm nhi ly đồ uống thì một người lạ xuất hiện, tự giới thiệu bản thân và hỏi một câu đáng sợ: “Bạn làm nghề gì?” Nếu làm những nghề như bác sĩ, giáo viên, luật sư hay thợ sửa ống nước thì bạn có thể trả lời mà không cần cảnh giác.
Nghệ thuật PR bản thân
(8 lượt)
Với một số ngành nghề khác, chúng ta sẽ cần phải luyện trước những câu trả lời. Nhất là các nghệ sĩ. Chẳng hạn nếu bạn trả lời mình là nhà văn, rất nhiều khả năng câu hỏi tiếp theo sẽ là “Ôi, thế bạn đã xuất bản cuốn nào chưa?” và thực chất đó là một cách bóng gió để hỏi, “Bạn có kiếm được đồng nào từ việc đó không?” 

Cách để vượt qua sự bất tiện trong những tình huống đó là đừng coi chúng như một câu chất vấn, mà là cơ hội để kết nối với ai đó, bằng cách khiêm tốn và chân thành giải thích về công việc của mình. Bạn phải giải thích làm sao để tất cả mọi người đều hiểu. Tất nhiên, trong đầu bạn luôn phải nhớ đến khán giả: Bạn giải thích công việc của mình cho bạn bè theo kiểu này, nhưng phải giải thích cho mẹ bạn theo kiểu khác.

Kể một câu chuyện hay về bản thân không có nghĩa là bạn phải bịa ra một cuốn tiểu thuyết. Hãy bám vào thể loại người thật việc thật. Kể cho họ sự thật, với thái độ đường hoàng và tự trọng. Nếu là sinh viên, hãy cứ nói mình là sinh viên. Nếu làm công việc văn phòng, hãy nói bạn làm văn phòng. (Trong nhiều năm liền, tôi vẫn thường nói, “Ban ngày tôi thiết kế web, buổi tối tôi làm thơ.”) Nếu bạn có một công việc lai tạp hơi kỳ lạ, hãy nói đại loại như, “Tôi là một nhà văn biết vẽ.” (Tôi “ăn cắp” câu tự thuật đó từ họa sĩ hoạt hình Saul Steinberg.) Nếu thất nghiệp thì cũng đừng ngại ngần nói điều đó, sau đó bày tỏ việc bạn đang tìm kiếm một công việc như thế nào. Nếu bạn đang làm việc nhưng cảm thấy không hài lòng với nó, hãy tự hỏi tại sao. Có thể bạn đang làm không đúng ngành, hoặc không làm việc mà lẽ ra bạn nên làm. (Trong nhiều năm, tôi luôn cảm thấy có gì đó không đúng khi  trả lời “Tôi là người viết sách,” vì thực sự tôi chẳng viết gì cả. Nhà văn George Orwell từng viết: “Tự truyện chỉ đáng tin cậy khi nó tiết lộ chi tiết nào đó đáng hổ thẹn. Hãy cảm thông với khán giả của mình. Hãy lường trước những cái nhìn khó hiểu. Sẵn sàng trả lời thêm câu hỏi một cách kiên nhẫn và lịch sự.” Những nguyên lý đó cũng được dùng khi viết tiểu sử. Tiểu sử không phải là nơi thực hành khả năng sáng tạo. Chúng ta đều tưởng mình phải giải thích nhiều về bản thân, nhưng một câu giải thích hai dòng lại là tất cả những gì thế giới muốn biết về chúng ta. Hãy viết thật ngắn gọn và duyên dáng dễ chịu. Hãy gạch hết mọi tính từ trong lý lịch. Nếu làm nghề chụp ảnh, bạn không cần là một nhiếp ảnh gia “đầy tham vọng,” cũng không cần là một nhiếp ảnh gia “tuyệt vời”. Bạn chỉ là nhiếp ảnh gia. Đừng cố tỏ ra khôn ngoan. Đừng khoe mẽ. Tất cả những gì bạn cần là nói lên sự thật.

Một điều nữa: Nếu không phải là một ninja, một chuyên gia có tầm ảnh hưởng lớn hoặc một ngôi sao nhạc rock thì đừng bao giờ dùng những khái niệm đó trong lý lịch của mình. Đừng bao giờ.

- Trích dẫn từ cuốn sách: "Nghệ thuật PR bản thân" - 

Tags: