Trên thực tế, hầu hết các phát minh của thời đại kỹ thuật số đều được tạo ra qua con đường hợp tác của rất nhiều nhân vật thú vị, trong đó có những thiên tài, tin tặc, nhà phát minh và doanh nhân. Câu chuyện hợp tác của họ rất quan trọng, vì chúng ta thường không chú trọng tới vai trò có tính quyết định của kỹ năng làm việc nhóm trong quá trình sáng tạo.
Cuốn sách « The Innovators – Những người tiên phong” của Walter Issacson – chắc chắn là cuốn sách cho ta cái nhìn toàn cảnh và đầy đủ nhất về lịch sử của cuộc « cách mạng kỹ thuật số » từ hơn một thế kỷ nay.
Trạm Đọc giới thiệu một vài điểm rất thú vị trong cuốn sách tới bạn đọc.
Ban đầu, mạng Internet được tạo ra nhằm giúp cho việc làm việc nhóm thêm thuận lợi. Thế rồi với sự phổ biến của máy tính cá nhân và mạng web – công việc và máy tính tại gia có thể kết nối với nhau. Sự kết hợp này tạo ra một cuộc cách mạng kỹ thuật số, cho phép bất cứ ai cũng có thể sáng tạo, truyền bá và truy cập bất cứ thông tin nào ở bất cứ đâu.
Các giao thức của internet được tạo ra từ sự hợp tác ngang hàng và hệ thống mà sự hợp tác này tạo ra dường như đã chứa sẵn trong mã gen của nó một thiên hướng ủng hộ cho sự hợp tác như vậy. Sự hợp tác này không chỉ giữa những người đương thời mà còn mang tính xuyên thế hệ. Các ý tưởng được trao truyền từ nhóm các nhà sáng tạo này tới nhóm các nhà sáng tạo khác. Thực tế cho thấy người sử dụng thường xuyên tận dụng các sáng tạo kỹ thuật số để tạo nên những công cụ liên lạc và mạng xã hội.
Google đã đại diện cho bước nhảy vọt trong sự hợp tác này. Không chỉ là sự hợp tác giữa hàng ngàn kỹ sư phần mềm, mà còn là mối quan hệ giữa người và máy móc : Mối cộng sinh Con người + Máy vi tính. Mới nhìn, có vẻ như họ loại bỏ bàn tay con người ra khỏi sự tìm kiếm bằng cách sử dụng các thuật toán.
Thế nhưng, quan sát kỹ thì ta có thể nhận thấy Google vẫn là sự phối hợp giữa máy móc và con người. Thuật toán của họ dựa trên hàng tỉ đánh giá được thực hiện bởi con người khi họ tạo ra những liên kết từ chính trang của họ. Nó là một cách thức tự động trích rút trí thông minh của con người một cách tự động hóa. Hệ thống của Google chính là biểu hiện của sự hợp tác toàn cầu để xây dựng nên một kho dữ liệu có thể nói là vô tận.
Bạn có biết người tiên phong trong cuộc cách mạng kỹ thuật số là ai không ? Thật thú vị, đó là một người phụ nữ - Ada Lovelace, con gái thi hào Anh vĩ đại Byron. Bà đam mê toán học và khoa học từ khi còn trẻ. Bản « Ghi chú » nổi tiếng của bà đã đề cập tới 4 khái niệm - đã biến bà thành nhân vật biểu tượng trong lịch sử tin học. Bà là người đầu tiên hình dung và mô tả về chiếc máy vi tính hiện đại, từ chức năng tới các vận hành thông qua các thuật toán (mà nay ta gọi là chương trình máy vi tính).
Nhận thức của bà sau này trở thành tư tưởng cốt lõi của thời đại kỹ thuật số: bất cứ nội dung, dữ liệu hoặc thông tin dạng nào – âm nhạc, văn bản, hình ảnh, số liệu, ký hiệu … - đều có thể được biểu hiện dưới dạng kỹ thuật số và được thao tác bởi máy móc.
Đi xa hơn nữa, Ada đã đặt câu hỏi mà cho tới tận ngày nay vẫn là một chủ đề hấp dẫn nhất liên quan tới máy tính và trí tuệ nhân tạo: Liệu máy móc có thể tư duy?
Mối lo ngại trí thông minh nhân tạo sẽ kiểm soát loài người đang là điều nhiều người đặt câu hỏi – nhất là những người xem quá nhiều phim khoa học giả tưởng.
Hơn một thế kỷ trước, Ada khẳng định : « Máy móc không thay thế con người mà sẽ trở thành cộng sự của con người ». Điều này không được lòng các fan của công nghệ. Hàng chục năm nay, các nhà khoa học đã nỗ lực hết sức trong việc nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo và robot.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu của mình, John von Neumann (nhà nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo) đã cho thấy sự khác biệt giữa cấu trúc của não bộ và cấu trúc của máy vi tính KTS. Máy tính xử lý theo các đơn vị cụ thể, trong khi đó não bộ xử lý các chuỗi khả năng liên tục. Nói cách khác, quy trình xử lý não bộ của con người bao gồm nhiều dao động tín hiệu và sóng kỹ thuật tương tự từ các dây thần kinh khác nhau nhưng chuyển động cùng nhau để tạo nên không chỉ dữ liệu nhị phân có – không, mà còn đưa ra các câu trả lời như có lẽ, có thể và vô vàn những sắc thái khác nhau, bao gồm cả những cảm xúc bối rối bất chợt.
Ví dụ về việc Watson, chiếc máy hỏi đáp bằng ngôn ngữ tự nhiên của IBM, đã chiến thắng trò chơi truyền hình Jeopardy (nhờ khả năng tính toán vô cùng lớn : nó có tới 200 triệu trang thông tin trong 4 terabyte bộ nhớ, trong đó toàn bộ Wikipedia chỉ chiếm 0,2% - và có thể kiếm số dữ liệu tương đương với 1 triệu cuốn sách trong 1 giây). Thế nhưng với các chuyên gia thì « Watson không hiểu các câu hỏi hay câu trả lời của nó, không hiểu nó đang chơi một trò chơi hoặc nó giành chiến thắng. Nó không được thiết kế để hiểu mà được thiết kế để mô phỏng sự hiểu biết, để hành động như thể là nó đã hiểu ».
Thật vậy. Hãy hỏi Google : « Độ sâu của biển Đỏ là bao nhiêu » và nó sẽ lập tức trả lời : 3040 mét. Điều này ngay cả những người thông minh cũng chưa chắc biết. Còn nếu hỏi nó : « Con cá sấu có thể chơi bóng rổ không ? », thì nó sẽ không có thông tin nào cả, dù rằng một đứa trẻ con cũng có thể cho bạn biết, sau một tràng cười.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận sức mạnh của máy tính. Vì thế, theo các nhà nghiên cứu, tương lai sẽ thuộc về những ai có thể hợp tác tốt nhất với máy vi tính.
Kết
The Innovators là cuốn sách vĩ đại về những con người vĩ đại đã thay đổi toàn bộ thế giới trong vài thập kỷ qua. Phần lớn các nhà phát minh và doanh nhân thành đạt trong thế giới KTS là những người chính tay mình làm ra sản phẩm. Họ cũng là những người nhận thức sâu sắc rằng, sản phẩm họ làm ra chính là để phục vụ cộng đồng, kết nối con người với nhau.