Chính André Gide cũng từng khẳng định, Bọn làm bạc giả là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông, dù trước đó ông đã có một sự nghiệp đồ sộ. Khi viết tác phẩm này, André Gide đã gần đến ngưỡng 60 tuổi, nhưng ông vẫn say sưa với cái mới, tiểu thuyết của ông vẫn tràn trề sức trẻ, với sự hăng say, bởi giọng điệu nổi loạn, bởi lòng hăng hái tiến lên phía trước. Vẫn gắn bó với truyền thống, ông đồng thời dám chấp nhận các cuộc phiêu lưu, tìm đến những vùng đất mới.
Bọn làm bạc giả đã phá bỏ lối kể truyện thông thường, cùng lúc đặt ra nhiều lớp chủ đề chồng chéo lên nhau, xoay quanh đời sống của nhiều nhân vật, với những cám dỗ, sa ngã, sáng tạo, tuyệt vọng,... bằng một kết cấu truyện đặc sắc, táo bạo. André Gide đưa chúng ta vào những ngóc ngách tâm lý sâu kín quyết định bằng hành động của nhân vật. Ở đây ta nhận ra khả năng phân tích tâm lý nhân vật hết sức tài tình, sắc bén của Gide. Vì thế, khi đọc những đoạn mô tả tâm lý trong tác phẩm, người đọc có cảm giác như đang được theo dõi một thước phim đặc tả, rất chậm rãi, rất chân thật, đến độ đôi khi khiến độc giả nghẹt thở.
Mỗi nhân vật trong Bọn làm bạc giả đều được miêu tả bằng những nét cá tính quyết liệt, đày đặn. Từ Bernard, Olivier, đến Vincent, Edouard... đều để lại nhiều ấn tượng và trăn trở. Một trong những nhân vật quan trọng trong tác phẩm của Gide là nhà văn Édouard. Ông là người kể chuyện, người quan sát, ghi chép, và sáng tạo. Edouard đang ấp ủ viết một cuốn tiểu thuyết có nhan đề Bọn làm bạc giả. Andre Gide sử dụng cấu trúc truyện lồng trong truyện, để phản chiếu những trúc trắc hành động, tâm lý của các nhân vật trong tiểu thuyết, cũng là điểm hấp dẫn khiến độc giả tò mò tìm hiểu.
Trong lý thuyết sau này, các nhà nghiên cứu ghi nhận André Gide là cha đẻ của kỹ thuật viết truyện trong truyện (mise en abyme) - trước Bọn làm bạc giả đến 30 năm Gide đã viết thuật ngữ này vào sổ tay và thể hiện là mình say mê cách viết đó.
Bọn làm bạc giả cũng được xem là một tác phẩm thẳng thắn vạch trần thói đạo đức giả của xã hội lúc bấy giờ. Với lối viết phóng túng, cuốn sách cũng bị những người phản đối Gide đả kích kịch liệt và gọi ông là kẻ phi đạo đức. Nhiều tranh cãi về cuốn sách đã diễn ra trong suốt một khoảng thời gian dài.
Tuy vậy, trong diễn từ trao giải Nobel Văn học năm 1947, ông Anders Osterling, Thư ký thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển cho rằng những người công kích đã nhầm lẫn về khái niệm phi đạo đức. Rằng thực ra, “thuyết Phi đạo đức chỉ đề cập tới những hành động tự do, là sự giải phóng khỏi những dồn nén lương tâm”, vì thế Gide không phải người cổ xúy cho những thói buông tuồng sa đọa.
Bọn làm bạc giả là một dấu mốc thành công trong sự nghiệp của riêng Andre Gide và trong lộ trình phát triển chung của tiểu thuyết phương Tây hiện đại. Ông xứng đáng với những lời ngợi ca của những người cùng nghiệp cầm bút như ông.
Như Albert Camus từng thừa nhận: “Gide ngự trị trong thời thanh niên của tôi… Gide đối với tôi như một kiểu mẫu nghệ sĩ, người bảo vệ, con của vua chúa, người canh giữ ở các cánh cửa của khu vườn nơi tôi muốn sống ở đó”.
Với sự nghiệp sáng tác rất đồ sộ với trên sáu mươi đầu sách gồm nhiều thể loại, Gide được đánh giá là một trong những tiểu thuyết gia vĩ đại của Pháp thế kỷ XX. Một số tác phẩm quen thuộc của ông như: Những ghi chép của André Walter (1891), Dưỡng chất trần gian (1897), Kẻ vô luân (1902), Khung cửa hẹp (1909), Những gian hầm của Vatican (1914), Khúc giao hưởng đồng quê (1919)...
Bộ Nhật ký trên 1.300 trang giai đoạn 1889 - 1939, sau lại bổ sung thêm hai cuốn nữa các giai đoạn 1939 - 1942 và 1942 - 1949 là những tài liệu quý giá làm phong phú thêm sự nghiệp văn chương của ông.
André Gide được bầu làm Giáo sư Danh dự trường Đại học Oxford và được tặng giải Nobel năm 1947. Ông mất năm 1951 ở Paris.
Trạm Đọc
Theo Zing