Bộ sách “Đủ duyên ta lại tương phùng”  - Tìm bình yên trong từng ý niệm
Bộ sách “Đủ duyên ta lại tương phùng” - Tìm bình yên trong từng ý niệm
Những câu chữ trong bộ sách Đủ duyên ta lại tương phùng sẽ giúp độc giả có những phút dừng lại, chiêm nghiệm, từ đó, nhen lên trong lòng một chút ấm áp, thắp lên một chút bình an.
Bộ 3 cuốn sách Đủ duyên ta lại tương phùng
(0 lượt)
Cuộc đời mỗi người ví như một bản nhạc, hay dở là do chính mình. Trong bản nhạc ấy có nốt thăng nốt trầm. Đời mỗi người có lên có xuống, có bình an hạnh phúc, song cũng có đau khổ chia xa. Ở đây, mỗi người đều có khả năng tự điều chỉnh bản nhạc của chính mình, ai cũng nỗ lực không ngừng trên hành trình đi tìm hạnh phúc, mong sẽ viết lên giai điệu vui tươi, êm ái dẫu ngoài kia mưa gió bão giông. Nguồn minh triết phương Đông, mà cụ thể là tuệ giác của Đức Phật, từ lâu đã có câu trả lời cho vấn đề ấy. Ba cuốn sách “Đủ duyên ta lại tương phùng”, “Sát-na này là thiên thu”, “Tịch tịnh” của Đại đức Thích Đồng Tâm đã ứng dụng giáo lý nhà Phật soi chiếu từng khía cạnh của cuộc sống thường ngày, giúp mọi người xóa bỏ sân hận, tuyệt vọng, cô đơn và hướng đến sự an lành trong tâm hồn.

Đại đức Thích Đồng Tâm tốt nghiệp cử nhân Phật học chuyên ngành Anh văn Phật pháp, Học viện Phật giáo Việt Nam, tốt nghiệp thạc sĩ Phật học tại trường MCU Thái Lan, thạc sĩ Phật học tại Đại học Phật giáo quốc tế Sri Lanka – SIBA Campus. Đại đức là một Tăng sĩ trẻ được nhiều Phật tử kính mến, theo dõi trên mạng xã hội, là tác giả của các đầu sách nổi tiếng “Thương một áng mây bay” (2014); “365 ngày Hiểu và thương” (2016). Hầu hết độc giả của Đại đức Đồng Tâm đều có nhận định “Thầy đã cho ra đời các sách thể loại chuyển hóa tâm hồn, ý nghĩa tuyệt vời cuộc sống trên tinh thần Giáo lý của đạo Phật”.

Bộ sách “Đủ duyên ta lại tương phùng” là tập hợp những bài viết ngắn, đôi khi rất ngắn của Đại đức trong suốt quá trình tu học và giảng dạy Phật pháp. Mỗi cuốn sách được viết trong một giai đoạn khác nhau, mang phong cách khác nhau, nhưng tựu chung là “hướng nguyện điều tốt đẹp này đến tất cả mọi người, mọi loài, nguyện tất cả sớm thấy ra sự thật, sống trong an lạc, tự tại, an nhiên!”

 

Vạn vật hữu duyên

 

Duyên vốn là một giáo lý quan trọng của nhà Phật và thuận theo nhân duyên là một loại trí tuệ. Trong tương giao của muôn vật, muôn người đều tồn tại chữ “duyên” mà nếu không đủ trong sáng và từ bi, người đời dễ dàng vướng mắc và khổ lụy. Ấy vậy mà con người ta trong vòng xoay luân hồi, khi “đã trót mê say điều gì thì lòng tự dưng sinh ràng buộc, tay níu chặt, tâm lo sợ quẩn quanh, nghĩ đến ngày rời xa lòng bỗng khổ đau, tiếc nuối muôn trùng. Chung quy cũng vì bản ngã sâu dày, tập khí nhiều đời thích thâu nhận vào chứ chưa từng nghĩ đến xả ly, lìa bỏ”. Sai lầm lớn nhất của chúng ta là níu giữ quá nhiều ký ức khổ đau và nhớ những thứ sai lầm thuộc về quá khứ. Ai đi ngang qua cuộc đời này cũng chất lên mình bao buồn thương khổ hận. Đọc những câu văn nhuốm màu thiền ý, âm điệu dịu nhẹ như thơ, ngấm dần như lá trà ủ lâu trong bình ấm, giúp độc giả về lại gần hơn với bản ngã của chính mình, nhận ra rằng tất cả những mối nhân duyên trên đời này - hết thảy đều tuân theo quy luật không thể đổi dời. 

“Dày như đất, cao như trời, sâu như biển cả, dài tựa chân mây, ngày qua đêm lại, đông đến thu sang, vạn vật chuyển dời theo quy luật vô thường của vũ trụ. Có những thứ vô thường mà ta dễ nhận ra nhưng cũng có những thứ cần thời gian lâu xa ta mới nhìn ra sự biến đổi. Nhưng lòng người, không có cái gì có thể so đo với cái vô thường của lòng người yêu nhau nơi trần thế. Lúc thương thì thề non hẹn biển cùng tuế nguyệt trăng sao, nguyện ngàn kiếp yêu thương dù cách chia sinh tử, nhưng rốt cuộc khi rượu nhạt hoa tàn, nghĩ tới nhau thôi, tiếng thở xem chừng cũng nặng nhọc. Người ta hay gọi đó là “hết nợ hết duyên”. - Trích “Đủ duyên ta lại tương phùng”

Văn phong giản dị mà sâu sắc, tác giả chưa yêu mà như đã từng, cùng độc giả trải qua hết thảy những cung bậc cảm xúc trong tình yêu đôi lứa, trả lời những câu hỏi và từng bước khiến chúng ta thừa nhận một điều rõ ràng rằng tình yêu dù ở trong hình hài nào đi nữa thì “có tương phùng ắt có ly biệt, có hạnh phúc sum vầy ắt có khổ đau chia xa vạn kiếp”. Chỉ có quay về với bản thân, thương yêu lấy chính mình mới khiến con người thoát khỏi những đau thương. Trong đời sống hiện đại, chúng ta thường vội vã lao vào dòng người đông đúc ngược xuôi, để rồi đôi lúc quên đi chính bản thân. Điều đáng sợ không phải là đánh mất ai đó mà là đánh mất chính mình để giữ lại mối nhân duyên vốn không nằm trong tầm tay với. 

 

Hạnh phúc trong thực tại 

 

Theo sư thầy Thích Đồng Tâm, “mỗi thời khắc trôi qua là chúng ta đã bước sang một hiện tại mới. Cảnh vật liên tục biến chuyển, không ngừng đổi thay, và có lẽ suy nghĩ, tình cảm con người cũng vậy. Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông và cũng chẳng ai hội ngộ được hai lần trong cùng một khoảnh khắc”. Một trong những nguồn cơn của đau khổ của con người cũng bắt nguồn từ việc nặng lòng với quá khứ, ước vọng tới tương lai mà quên đi mình cần sống trong hiện tại. Tác giả đã có những chia sẻ sâu sắc với cái nhìn hiện đại về phong cách sống trong thời đại khoa học công nghệ - nơi phần lớn chúng ta đều đang tập trung tô vẽ một cuộc sống ảo mà đôi khi lãng quên thực tại.

“Facebook có tính năng “backup dữ liệu, truy lục lại những kỷ niệm của quá khứ, xóa bỏ các bình luận, chỉnh sửa lại những bài viết, hình ảnh của mình nhưng cuộc đời thì không có những chức năng đó. Chúng ta không thể quay ngược lại thời gian, không xóa được những lỗi lầm và chỉnh sửa quá khứ. Chúng ta còn nhiều điều phải làm hơn là cứ khư khư ôm chiếc điện thoại thông minh để “lướt Facebook” từ sáng tới tối. Thời gian qua nhanh không lấy lại được”. -  Trích “Sát-na này là thiên thu”

Bởi theo triết lý Phật giáo, thực tại biến đổi vô thường qua đơn vị thời gian rất nhỏ được gọi là Sá -na - ước tính một Sát-na bằng 0,013 giây. Qua đây mọi thứ thay đổi, biến chuyển liên tục, không ngừng, một sát-na trôi qua đã có muôn vàn sự đổi thay sinh diệt. Điều này có nghĩa là không có gì tồn tại mãi mãi và chúng ta chỉ có một thời khắc để sống trọn vẹn - đó là giây phút hiện tại. Bởi thế mà quá khứ và tương lai đều không quan trọng bằng hiện tại. Hiện tại là nhất thời mà cũng là thiên thu nếu ta sống trọn từng khoảnh khắc. Đừng tìm kiếm hạnh phúc trong quá khứ, cũng đừng mong nụ cười ở thời khắc chưa đến. Với trái tim trong sáng trong chánh niệm và tỉnh thức, chúng ta sẽ nhận ra rằng hạnh phúc ở ngay đây - trong giây phút này, chẳng xa xôi. Tác giả viết: “Đôi khi, tôi thấy hạnh phúc của tôi quá nhiều. Chỉ cần ngắm đóa hoa dại bên đường cũng có thể làm tôi mỉm cười, cảm nhận cơn gió thổi qua cũng có thể khiến tôi hạnh phúc! Đó là thứ hạnh phúc dễ chịu và giản dị mà ai cũng dễ dàng có được”. Chúng ta chỉ cần bớt một chút mong muốn, đời sẽ hóa nhẹ tênh, bớt một chút hờn ghen, đường đời sẽ thênh thang rộng lớn. Vậy nên, muốn hạnh phúc nhiều thì ta phải muốn ít đi! 

 

An yên - tĩnh tại - từng bước thoát khỏi khổ đau

 

“Người thương! Bạn có đang trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc đích thực? Không chỉ bạn, mình, mà cả nhân loại từ khởi thủy tới nay vẫn luôn nỗ lực không ngừng trên hành trình đi tìm hạnh phúc. Đức Phật chỉ ra rằng nguồn hạnh phúc vô biên ấy chẳng ở đâu xa, chẳng cần vất vả kiếm tìm, nó có sẵn trong mỗi người và chỉ cần quay về ta sẽ thấy ngay. Chúng ta đã rong ruổi tìm cầu bên ngoài quá nhiều đến nỗi quên rằng tự mình đã có khả năng sống cuộc đời hạnh phúc. Cái mầm hạnh phúc, bình an, trí tuệ sẵn có này đã bị bỏ quên lâu ngày, bị vùi lấp dưới những ảo tưởng sai lầm về bản thân và thực tại. Điều này khiến chúng ta trở nên yếu đuối và lệ thuộc vào đối tượng bên ngoài. Bước chân đầu tiên đã sai thì tất cả bước chân khác đều không đúng. Sai lầm khiến ta đau khổ, rồi lại đau khổ. Vòng lặp khổ đau này sẽ kéo dài và tiếp diễn cho đến khi nào ta chịu dừng lại và thấy ra nguồn trí tuệ, hạnh phúc, bình an có sẵn nơi mình”.  - Trích “Tịch tịnh”

Theo Đại đức Thích Đồng Tâm, cảnh giới giải thoát cao nhất của Phật giáo là xa lìa khổ đau, yên lặng thường trụ, không sinh không diệt. Tuy chúng ta không phải người tu hành nhưng vẫn hoàn toàn có thể áp dụng triết lý anh minh này của nhà Phật để sống an yên, hạnh phúc trong nhân gian xô bồ nhiều cay đắng. Chúng ta không phải là những gì chúng ta chịu trách nhiệm, bỏ ngoài những chức vị ở cơ quan, bỏ ngoài những trách nhiệm với các mối quan hệ, ta thực sự chẳng có gì, chỉ là những con người bình thường đến thế gian này. Có mấy lần ta nhìn sâu vào bản thân trước gương để thấy thân xác ta rệu rã mệt nhoài, cần biết bao một chốn bình yên nơi ta gửi gắm hết thảy tâm tư, ôm ấp vỗ về những tổn thương đau khổ? Chốn ấy chỉ có thể là chính chúng ta - chẳng thể nhân đôi mình ra để tự ôm lấy chính mình, vậy hãy để bản thân được ôm ấp trong chánh niệm, trong thiền định. 

Khi đã chịu quay về với chính bản thân mình, lắng nghe tiếng nói từ sâu bên trong, tìm ra những vết thương chưa lành, ta mới thấy rõ con đường thoát khỏi khổ đau. Khi người đi qua giông bão, an hay bất an, chấp nhận hay không chấp nhận, hạnh phúc hay khổ đau cũng chỉ là sự mong cầu của mình với cơn bão ấy. Cũng như tâm bão là nơi bình yên nhất, tận cùng của khổ đau là hạnh phúc. Đừng cố gắng quên đi những điều mình không mong muốn, những ký ức buồn, những đau khổ bi lụy. “Ai cũng có nhiều thứ muốn quên nhưng duy chỉ có quên mình để sống trọn lòng với thực tại thì chẳng mấy ai chịu học”. Mọi hạnh phúc, khổ đau đều do ta chọn lấy - chấp nhận hay không chấp nhận mà thôi. Tác giả đề cập một khái niệm trong Phật ngữ, ấy là “Tịch tịnh” - nghĩa là sự an lành, tĩnh tại, vắng lặng, giải thoát khỏi sự trói buộc của vô minh và phiền não. Đây cũng chính là cảnh giới Niết Bàn. Tịch tịnh không nằm ở sự ghét hay thương mà là sự vắng lặng của tâm khi không còn kẹt vào hai bờ thương ghét. 

Có thể nói, qua nhiều năm tu học và giảng dạy Phật pháp, Đại đức Thích Đồng Tâm đã không ngừng dùng ngòi bút tự sự của mình kết nối và chia sẻ với những người hữu duyên nhằm chuyển hóa những giáo lý lớn lao của đạo Phật vào cuộc đời trần thế, sao cho mọi người đều có thể hiểu được, cảm được và thực hành được. Những câu văn nhuốm đầy thiền ý của Thích Đồng Tâm sẽ giống như một người bạn tâm giao giúp độc giả chữa lành những vết thương, hoàn thiện bản thân và tiến bước đến khoảng sân bình yên trong tâm hồn.

Bộ ba cuốn sách “Đủ duyên ta lại tương phùng”, “Sát-na này là thiên thu”, “Tịch tịnh” với văn phong mộc mạc nhưng sâu lắng và nhuốm đầy thiền ý sẽ là món quà dành cho những ai đang đi tìm sự bình yên trong đời sống hỗn độn những lo toan. Tin rằng những câu chữ trong sách sẽ giúp độc giả có những phút dừng lại, chiêm nghiệm, từ đó, nhen lên trong lòng  một chút ấm áp, thắp lên một chút bình an. Bất kể lúc nào, dẫu khi nắng đẹp hay mưa giông, chỉ cần lật giở những trang sách của Thích Đồng Tâm, ta sẽ nhìn thấy những vẻ đẹp khác nhau của đời sống, từ nhành hoa, ngọn cỏ,… Thậm chí, đến cả nỗi buồn cũng mang vẻ đẹp riêng, chỉ là đôi khi chúng ta chưa đủ thấu tỏ để nhận ra. Vì lẽ đó mà đọc sách của Thích Đồng Tâm không thể nào vội vã được. Ta không cần ngấu nghiến một mạch cho đến hết mà mỗi ngày chỉ cần lật giở từng trang, nhẩn nha từng chữ, chậm rãi mà suy ngẫm để lòng nhẹ đi, để tâm tịnh lại. Có như thế, ta mới thấm nhuần từng con chữ, nếm được từng ý vị sâu xa mà tác giả muốn truyền tải.

Như Thích Đồng Tâm đã viết: “Cuối cùng, sinh mạng và tâm thức chúng ta cũng chỉ là những đốm sáng li ti lơ lửng, trôi nổi vô định trong khoảng không vô tận. Có lúc va chạm vào nhau, có lúc rời nhau ra. Những va chạm này không phải để dập tắt ánh sáng của nhau bằng khổ đau, nghi kỵ. Mỗi tương ngộ là để giúp chúng ta học ra bài học giác ngộ của đời mình, mỗi va chạm làm cho nhau trở nên sáng bừng và lấp lánh”. Hãy cùng Trạm Đọc trở thành những ‘tu sĩ đời thường’, gieo mầm yêu thương để gặt quả hạnh phúc ngọt lành, bạn nhé!

Lan Phương

Tags: