Bitcoin: Tiền ảo trong thế giới thực nơi niềm tin là một thứ thật rẻ mạt
Bitcoin: Tiền ảo trong thế giới thực nơi niềm tin là một thứ thật rẻ mạt
Từ xưa đến nay, tiền là một loại phương tiện giao dịch hoàn toàn dựa vào niềm tin. Bạn có thể mất trắng toàn bộ số tiền cũng như niềm tin của mình bất cứ lúc nào. Và Bitcoin ra đời như một cứu cánh trong cuộc khủng hoảng niềm tin.
Hãy tưởng tượng bạn sở hữu một cửa hàng và ai đó giao cho bạn mẩu giấy có viết “Tôi nợ anh 100 nghìn” kèm theo chữ kí của họ. Họ nói với bạn rằng nếu bạn mang mẩu giấy đó tới cửa hàng khác, bạn có thể dùng để mua sản phẩm giá 100 nghìn tại đó.


Bạn có tin không?

Đáp án có lẽ là không, nhưng đó chính là điều chúng ta đang làm mỗi ngày với tiền giấy. Một tờ tiền 100 nghìn chỉ là một tờ giấy với dòng “Tôi nợ anh 100 nghìn": kèm xác nhận từ chính phủ. Bạn chấp nhận và sử dụng tiền giấy gần như hàng ngày và tin tưởng rằng các cửa hàng sẽ chấp nhận, rồi họ lại tin tưởng những người bán khác cũng chấp nhận và cứ thế tiếp diễn.

Tiền đã và đang là một phần của nhân loại trong gần 3000 năm nay. Vào thời điểm bình minh của loài người, thay vì dùng tiền người ta chỉ thương lượng và đổi chác với nhau bằng hàng hóa như gia súc, cừu cũng như rau quả và lương thực. Bầy người săn bắt hái lượm không có tiền. Mỗi đoàn tự săn bắt, hái lượm và chế tác mọi thứ cần thiết, từ thịt thà cho tới thuốc thang, từ quần áo cho tới phép ma thuật…

Tiền, bản chất nó chẳng có gì cả. Nó có thể là vỏ sò, một đồng xu bằng kim loại hay một mảnh giấy in hình các di tích lịch sử, nhưng người ta đã biết đặt giá trị của nó vượt lên trên giá trị vật lí. Tiền là một thứ phương tiện trao đổi, một đơn vị đo lường và một thứ để tích lũy của cải vật chất.

Thực tế là, ngay cả những đồng tiền kim loại và giấy bạc ngày nay cũng là một dạng hiếm của tiền. Năm 2005, tổng lượng tiền trên thế giới ước chừng khoảng 473 nghìn tỉ đô-la, nhưng lượng tiền kim loại và giấy bạc chỉ chưa đến 47 nghìn tỉ đô-la. Hơn 90% lượng tiền - hơn 400 nghìn tỉ đô-la chỉ tồn tại trong các máy chủ máy vi tính. Theo đó, hầu hết những dữ liệu giao dịch kinh doanh đều được tiến hành bằng việc chuyển dữ liệu điện tử từ một file máy tính này sang một file máy tính khác, mà không cần bất kì sự trao đổi tiền mặt vật lí nào. Chừng nào mà con người sẵn lòng trao đổi giao dịch hàng hóa và dịch vụ bằng dữ liệu điện tử, chừng đó hình thức này sẽ tốt hơn rất nhiều so với những đồng tiền kim loại bóng loáng và những tờ giấy bạc mới cứng - nhẹ hơn, bớt cồng kềnh và dễ theo dõi hơn.

Thế nhưng người ta vẫn không thể tin vào ngân hàng và các tổ chức tài chính. Ngay cả ở Mỹ, nơi hệ thống tài chính ổn định và phát triển nhất thế giới, nhiều tổ chức tài chính to lớn cũng phá sản trong cuộc Đại khủng hoảng Tài chính. Các công ty tài chính hàng trăm năm tuổi sụp đổ gần như trong một đêm kéo theo tiền gửi cả đời của nhiều người bị mất trắng.

Có lựa chọn nào dành cho người gửi tiền ngoài các công ty và ngân hàng đáng tin cậy mà họ đang đặt lòng tin? Giấu toàn bộ tiền mặt dưới đệm gối? Nếu ai đó phát hiện ra khoản tiết kiệm giấu trong nhà, bạn sẽ có nguy cơ bị trộm mất; nếu nhà bạn bị cháy, bạn có nguy cơ mất toàn bộ tiền vì vụ hỏa hoạn. Nếu ngân hàng có thể bị phá sản và chính phủ có thể đóng băng các khoản rút tiền từ ngân hàng tại Mỹ hay thậm chí là Thụy Sĩ, vậy làm sao những người sống ở các quốc gia kém phát triển, kém ổn định hơn để họ có thể tin tưởng và ngân hàng và chính phủ?

Đáp án đơn giản là họ sẽ không bao giờ tin.

Nếu người ta gửi tiền vào ngân hàng, họ phải đối mặt với nguy cơ bị ngân hàng hoặc chính phủ đánh cắp. Đối với những khoản mua sắm lớn như nhà cửa, họ buộc phải tiết kiệm bằng tiền mặt, vàng hoặc ngoại tệ và chấp nhận rủi ro rằng tiền có thể bị đánh cắp hoặc hủy hoại do một vụ cháy.

Sau tất cả rủi ro này, nếu ai đó tiết kiệm đủ tiền cho các khoản mua sắm lớn như mua nhà cửa, họ vẫn phải đối mặt với rủi ro rằng người bán sẽ lừa trộm tiền của họ và không giao cho họ quyền sở hữu ngôi nhà, Hệ thống pháp luật không phải lúc nào cũng đủ vững chức để đòi lại quyền sử dụng hoặc tố cáo hành vi trộm cắp. Nếu giao dịch mua sắm thanh toán bằng tiền mặt hoặc vàng chứ không phải giao dịch điện tử, sẽ không có bằng chứng chứng minh giao dịch đã diễn ra.

Còn Blockchain và Bitcoin mang đến tiềm năng to lớn tại những quốc gia mà người ta không tin vào ngân hàng, tổ chức tài chính hay chính phủ. Trong cuốn “Blockchain: Bản chất của Blockchain, Bitcoin, tiền điện tử, hợp đồng thông minh và tương lai của tiền tệ có giải thích rằng một cơ sở dữ liệu trung tâm được xây dựng trên Blockchain, loại bỏ sự cần thiết của các cơ sở dữ liệu và tổ chức trung tâm. Mọi cá nhân trong Blockchain đều có thể quan sát và kiểm tra giao dịch, giúp đảm bảo tính minh bạch và độ tin cậy,

Công nghệ Blockchain được coi là phát minh vĩ đại nhất kể từ khi nó xuất hiện trên mạng Internet.

Người ta thường nhầm lẫn rằng Blockchain là công nghệ duy nhất trong Bitcoin, tuy nhiên Bitcoin được tạo nên bằng cách sử dụng một chuỗi các công nghệ mật mã khác kết hợp với Blockchain. Nói ngắn gọn, Blockchain là một dữ liệu, một cách lưu trữ những hồ sơ giao dịch và giá trị và nó có ưu điểm là loại bỏ sự cần thiết của một đơn vị trung gian, cho phép mọi người giao dịch trực tiếp với nhau thông qua ví điện tử nhờ các khóa cá nhân.

Bây giờ hãy thử tưởng tượng một thư viện chung nơi bạn có thể đóng góp sách cho người khác mượn. Bạn có thể có nhiều sách mà người khác muốn mượn ngược lại, người khác có nhiều sách mà bạn muốn mượn.

Bạn sẽ lưu trữ hồ sơ những người mượn sách, cuốn nào của họ và ai là chủ sở hữu của cuốn sách như thế nào? Hồ sơ bạn cần lưu trữ không chỉ là sách của bạn mà còn là sách của những người khác trong thư viện chung. Bạn cần ghi một hồ sơ hiện có của mọi người trong thư viện, chủ sở hữu, sách đang cho mượn và ai đang mượn. Bạn có thể phân công một người trong nhóm ghi chép hồ sơ, nếu không bạn có thể áp dụng mô hình cơ sở dữ liệu trung tâm và thư viện thông thường. Đây là lúc mà những lợi thế của công nghệ Blockchain tỏa sáng.

Blockchain có thể cung cấp một cơ sở dữ liệu phân tán, phi tập trung toàn bộ sách trong thư viện. Với cơ sở dữ liệu phi tập trung, mọi người trong thư viện có thể truy cập hồ sơ. Họ sẽ thấy tất cả sách trong thư viện, chủ sở hữu ban đầu, người đang cho mượn sách, họ còn biết liệu họ có tiếp tục cho mượn cuốn sách đó hay không.

Mỗi lần một cuốn sách trong thư viện chung được ai đó cho mượn, tất cả hồ sơ sách trong cơ sở dữ liệu mà mọi người truy cập đều được cập nhật. Không cần đến tổ chức hoặc cơ sở dữ liệu trung tam để thực hiện hoạt động này, mọi người đều tự ghi chép dữ liệu.

Với Blockchain và Bitcoin, nhân loại đã tạo ra một hệ thống giao dịch diện tử không phụ thuộc vào niềm tin. Chúng ta đã bắt đầu từ khung tiền tệ thông thường tạo ra chữ kí kĩ thuật số, loại công nghệ cho phép quản lí sát sao quyền sở hữu, nhưng còn thiếu cách ngăn chặn tình trạng gian lận. Blockchain trong đời sống thường nhật mặc dù không phải một cuộc cách mạng như dự đoán, nó vẫn có thể trở thành một phần trong cuộc sống thông qua các giải pháp hay phương thức thanh toán mới.


Tham khảo:

Sapiens: Lược sử loài người

Blockchain: Bản chất của Blockchain, Bitcoin, tiền điện tử, hợp đồng thông minh và tương lai của tiền tệ (1980Books)

Trạm Đọc

Tags: