Cuốn sách của tác giả Sarah Thornton được xem là chiếc chìa khóa mở cánh cửa thế giới nghệ thuật đương đại.
Cuốn sách "Bảy ngày trong thế giới nghệ thuật" - tác phẩm từng được New York Times bình chọn nằm trong những cuốn sách nghệ thuật hay nhất - sẽ ra mắt bạn đọc từ ngày 7/1. Cuốn sách được xem là chiếc chìa khóa mở cánh cửa thế giới nghệ thuật đương đại. Tác phẩm được dịch giả Nguyễn Như Huy chuyển ngữ sang tiếng Việt và được Đông A Books phát hành, hiện đã ra mắt tại nhiều nhà sách trên toàn quốc.
Sách là một cuộc du hành vào thế giới nghệ thuật đương đại toàn cầu. Qua bảy chương, Sarah Thornton cung cấp những trải nghiệm kiểu "thực tế ảo", giúp người đọc có cảm giác được đi vào thế giới nghệ thuật cùng tác giả. Đó là một buổi bán đấu giá nghệ thuật, buổi phê bình nhóm, hội chợ nghệ thuật, giải thưởng nghệ thuật, tạp chí nghệ thuật, thăm xưởng nghệ sĩ, triển lãm... Người đọc cùng tác giả đối thoại, phỏng vấn, trải nghiệm các sự kiện và nhân vật.
"Cuốn sách này, không nghi ngờ gì nữa, chính là một hướng dẫn tốt nhất cho đến nay về giới nghệ thuật đương đại toàn cầu. Một trải nghiệm đọc tuyệt vời", nhà văn người Mỹ Annalyn Swan nhận xét.
Sarah Thornton sinh năm 1965, là nhà nghiên cứu nhân học - văn hóa - xã hội người Canada. Bà là tác giả của ba cuốn sách và nhiều bài báo về nghệ thuật, âm nhạc, văn hóa, xã hội... Năm 2007, bà bắt tay vào nghiên cứu về thế giới nghệ thuật đương đại - niềm đam mê lớn nhất của bà. Một năm sau, cuốn Bảy ngày trong thế giới nghệ thuật ra đời. Tác phẩm trở thành một trong những cuốn sách nghệ thuật hay nhất năm do New York Times bình chọn. Hiện sách đã được dịch sang 15 ngôn ngữ.
Dưới đây Trạm Đọc xin trích đoạn Lời nói đầu của cuốn sách, do dịch giả Nguyễn Như Huy biên soạn.
Có lẽ một trong những hiểu lầm thường thấy của nhiều nghệ sĩ và công chúng ở Việt Nam khi tiếp cận với nghệ thuật đương đại là cho rằng, cũng giống nghệ thuật hiện đại, các mối quan hệ giúp tạo giá trị cho tác phẩm nghệ thuật đương đại chỉ xoay quanh ba thành phần chính là nghệ sĩ, tác phẩm nghệ thuật và nhà phê bình. Tại sao điều này lại là hiểu lầm? Lý do là bởi các mối quan hệ thiên về nghê thuật thuần tuý này trong thời điểm toàn cầu hoá hiện nay hầu như đã hoàn toàn lép vế trước các mối quan hệ tạo giá trị kiểu khác, không còn thuần tuý như thời hiện đại nữa, mà đã pha trộn các màu sắc xã hôị, kinh tế và truyền thông.
Nói cụ thể như sau. Nếu vào thời của Van Gogh, hay thậm chí Matisse , Picasso, một hoạ sĩ có thể là một người có trình độ văn hoá cấp 2, nhầm lẫn Trung Hoa với…Maroque, và các quan hệ nghề nghiệp của anh/chị ta chỉ xoay quanh giới bạn bè nghệ sĩ, phê bình gia, và nhà sưu tập quen thuộc, cũng như anh/chị ta hiếm khi viết một cái gì nghiêm túc hơn vài bài thơ siêu thực hay các lá thư tình thì vào thời điểm hiện tại, sẽ là một việc không qúa đặc biệt lắm khi một nghệ sĩ có bằng thạc sĩ nghệ thuật, am hiểu triết học, chu du khắp toàn cầu, phân biệt được sự khác nhau giữa…bún và phở (nếu đó là nghệ sĩ phương Tây, hoặc, nếu là nghệ sĩ châu Á thì) giữa mì ống và Raviolli, từng tham dự một trong các triển lãm lưỡng niên (biennale) hay tam niên (trienale) lớn của thế giới, cũng như đủ trình độ viết các bài tiểu luận nghệ thuật văn hoá sâu sắc với các trích dẫn kín mít và phần thư mục tham khảo dày đặc.
Sự chuyển đổi sâu sắc cả về lượng và về chất này nơi thế giới nghệ thuật-thể hiện qua nhân vật nghệ sĩ/trí thức/nhà du lịch - không hề là điều gì tự nhiên. Đây là một tiến trình thay đổi, bắt đầu từ nhận thức, tiếp đến là cơ sở hạ tầng, và cuối cùng thể hiện trong giá trị và giá tiền nghệ thuật. Có lẽ, vào lúc tự sát trong tận cùng tuyệt vọng giữa cánh đồng lúa mì, Van Gogh không thể tưởng tượng rằng sẽ có một ngày, một nghệ sĩ được vinh danh trên một kênh truyền hình trực tiếp theo cách một ngôi sao Hollywood được vinh danh trong lễ trao giải Oscar, hay có một ngày, một nghệ sĩ được sắm vai trò đại diện cho nghệ thuật cho cả một quốc gia để triển lãm trong một sự kiện nghệ thuật thu hút sự quan tâm của hàng triệu người trên khắp thế giới.
Cùng với sự thay đổi cấu trúc kinh tế chính trị xã hội thế giới, (sự chấm dứt chiến tranh lạnh, sự thống nhất của châu Âu về chính trị và kinh tế, sự nổi lên của 1 thế lực mới về văn hoá , như Trung Hoa, hay Trung Đông, v.v.) cùng với sự thay đổi trong công nghệ truyền thông đại chúng phổ cập và sẵn dụng hơn (Facebook, Google, Vimeo, Youtube v.v.), và cùng với sự thay đổi trong phương tiện và, theo đó, khả năng du lịch toàn cầu, rộng khắp và dễ dàng hơn cho bất kì ai, - nghệ thuật, cả ở khía cạnh sáng tạo và khía cạnh tiếp nhận, theo đó đã trở nên một thực hành lai ghép phức tạp và khó nắm bắt hơn bao giờ hết.
Nói nó trở nên lai ghép là bởi giờ đây, nhân vật nghệ sĩ không còn là một kẻ đơn thuần săn tìm cái đẹp theo lối thô sơ, mà là một hợp thể của một nhà kĩ thuật, công nghệ, một chuyên gia truyền thông hiểu rõ mối quan hệ của việc xây dựng hình ảnh bản thân với sự thành công về nghề nghiệp, một nhà kinh doanh, một chủ doanh nghiệp biết tận dụng các nguồn lực về nhân sự và tài chính để tạo ra hiệu quả kinh tế tốt nhất.
Nói nó trở nên lai ghép là bởi giờ đây tác phẩm nghệ thuật không còn là một vật thể thị giác đơn thuần mà đã trở nên, về mặt nội dung một dạng “bùng binh” của các mối quan tâm thậm chí trái nghịch về xã hội, văn hoá, chính trị, còn về mặt kĩ thuật, là tập hợp của mọi khả năng kĩ thuật từ công nghệ truyền thông ảo đến công nghệ chính xác chi tiết của, thậm chí, ngành công nghiệp vũ trụ. Có nghĩa là, giờ đây công nghệ thực hiện tác phẩm có thể thoả mãn những trí tưởng tương phi thường nhất của nghệ sĩ.
Nói nó trở nên lai ghép còn là bởi không gian trình bày của nó giờ đây đã không chỉ còn mang tính khái niệm và nghệ thuật học, tức không chỉ giới hạn trong các gallery, các salon phòng khách phạm vi hẹp, hay các triển lãm bảo tàng địa phương hoặc các tạp chí chuyên ngành, mà còn đã được số hoá cho đại chúng khắp thế giới cùng thưởng lãm , được giải trí hoá thành các sự kiện thu hút tò mò đại chúng, và thậm chí được tiếp cận như thể một không gian đời sống kiểu dòm lỗ khoá của giới nổi tiếng ( tạp chí nghiêm túc nhất về nghệ thuật Diễn đàn nghệ thuật (art forum) đã mở thêm một phiên bản online trên đó có mục giới thiệu về đời sống các nghệ sĩ theo kiểu các tin bài phóng sự về đời sống showbiz hay người nổi tiếng).
vv., và v.v.
Kể ra tất cả các yếu tố nói trên, để thấy rằng, nếu vẫn giữ nguyên một thái độ thơ ngây khi tiếp cận với nghệ thuật đương đại, cả ở góc độ sáng tác lẫn tiếp nhận, tức thái độ vẫn coi nghệ thuật đương đại là một thực hành chuyên biệt và vị nghệ thuật, thì với công chúng Việt nam, họ sẽ khó mà tham dự được vào cuộc đối thoại lý thú với nghệ thuật đương đại, giờ đây đã trở thành một thực hành phổ biến hơn bao giờ hết trong đời sống họ, còn với nghệ sĩ Việt Nam, đặc biệt nghệ sĩ trẻ và ở địa phương, thì họ sẽ khó có thể hoà nhập một cách chủ động và rồi đạt tới thành công trong không gian nghệ thuật đương đại mà giờ đây, đã trở nên toàn cầu hơn bao giờ hết.
Cuốn sách Bảy ngày trong thế giới nghệ thuậtcủa Sarah Thornton chính là một nỗ lực giúp người đọc- trong đó có các nghệ sĩ hiểu rõ về nghê thuật đương đại, - không như một thực hành chuyên biệt và đơn tuyến mà như một “bùng binh” của các mối quan hệ phức tạp, mà tác giả gọi là “thế giới nghệ thuật”. Với Sarah, “thế giới nghệ thuật” không phải là một hệ thống nhịp nhàng hoat động mà là một tập hợp của các nhóm văn hoá đặc thù với các định nghĩa khác nhau về nghệ thuật, luôn xung đột với nhau, tuy nhiên không thể tồn tại thiếu nhau.
Cuốn sách này, như bà nói, chính là một nghiên cứu nhân học thực địa, tức một ghi chép/khảo sát và nghiên cứu tại thực địa của thế giới nghệ thuật đương đại toàn cầu, đi từ Anh sang Mỹ tới Venice. Qua sự trình bày nghiên cứu này theo một bố cục bảy chương/bảy ngày (ẩn dụ bảy ngày làm nên thế giới của Chúa Trời trong Kinh Cựu Ước?), nghiên cứu ấy đã cung cấp một trải nghiệm kiểu “thực tế ảo” giúp người đọc dù ở bất kì đâu trên thế giới - đều cảm thấy như thể tự mình đang đi dạo vào thế giới nghệ thuật cùng tác giả. Suôt dọc bảy chương sách, mỗi chương khảo sát một định chế thuộc thế giới nghệ thuật, nhà bán đấu giá, trường nghê thuật, tạp chí nghệ thuật, xưởng nghệ sĩ, triển lãm lưỡng niên, hội chợ nghệ thuật, và giải thưởng nghệ thuật, người đọc sẽ như thể được cùng tác giả đối thoại, phỏng vấn, trải nghiệm các sự kiện và nhân vật ở thượng tầng kiến trúc của thế giới nghệ thuật, tức những nhân vật và sự kiện mà nếu không có trung gian của Sarah Thornton, chúng ta sẽ tuyệt đối không bao giờ có cơ hội được biết tới, chứ đừng nói, được tham dự chung với họ trong các thời điểm quan trọng trong sự nghiệp nghệ thuật của họ.
Nhìn từ góc độ này, cuốn sách còn là một nỗ lực giải thiêng, khi qua việc giúp người đọc len lỏi vào các ngóc ngách sâu nhất, các không gian riêng tư nhất, các thực hành bí mật của những nhân vật hay định chế lâu nay vẫn được truyền thông dựng nên như các huyền thoại xa cách nhất, nó đã cho chúng ta thấy cơ cấu bên dưới của các hình ảnh và thực hành sáng loà đó - sự thương mại hoá. Thật vậy, nghệ thuật đương đại - được gọi là ngành công nghiệp không khói, mà lợi nhuận của nó tạo ra cả trực tiếp (mua bán tác phẩm) và gián tiếp (du lịch và truyền thông) ở một mặt nào đó còn đã vượt xa các ngành công nghiệp truyền thống, - đã trở nên một công cụ kiếm tiền tập thể quan trọng trong thế giới toàn cầu.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, như một câu hỏi phỏng vấn ở phần hậu từ đặt ra cho tác giả. Liệu sau khi làm xong nghiên cứu này, bà có còn tin vào nghệ thuật nữa không? Tác gỉa đã trả lời rằng “có”. Việc hiểu rõ cơ chế vận hành của thế giới nghệ thuật, cũng như hiểu rõ động lực phần nào của các thành phần tồn tại trong thế giới ấy không hề bác bỏ đi niềm tin vào tác phẩm nghệ thuật, tức niềm tin vào điều gì, trong trường hợp tốt nhất, có khả năng “tạo thần khải” (chữ của tác giả), thúc đẩy tư duy, gợi tưởng và mở ra đối thoại. Nói chính xác hơn, việc hiểu rõ cơ chế bên trong của thế giới nghệ thuật chỉ giúp chúng ta tin hơn vào bản năng và tri thức của chúng ta, trong vai trò các người xem, thậm chí, trong vai trò các nghê sĩ – để qua đó, phân biệt được đâu là các tác phẩm xuất sắc, dù mới đầu trông hiền lành và lặng lẽ song lại có sức mạnh tạo ra sự đổi thay nhận thức của người xem, và đâu là các tác phẩm cóp nhặt và buồn chán, dù trông bề ngoài hào nhoáng và cấp tiến đến đâu, song thực chất, chỉ là các sản phẩm được tạo chế nhất thời cho các nhu cầu thương mại.
Nói cách khác, sự giải thiêng không làm cho chúng ta bớt đi nềm tin vào sức mạnh của nghệ thuật, mà chỉ làm chúng ta sáng suốt hơn, đặt niềm tin đúng chỗ hơn, và bởi thế, có thêm sức mạnh trong vai trò là các nghệ sĩ - người thực hành văn hoá, - một sức mạnh minh triết của kẻ đã tỉnh mộng,, và do đó, đã biết cười, chứ không phải là một sức mạnh hùng hổ của một kẻ mộng du mù quáng và anh hùng rơm.
Vì các lý do này, tôi đã chọn đây là cuốn sách thứ hai về nghệ thuật đương đai mà tôi muốn dịch sang tiếng Việt, như một đóng góp nhỏ bé của mình trong vai trò một nghệ sĩ, một trí thức địa phương, vào không gian nhận thức nghệ thuật và văn hoá địa phương. Trái với cuốn sách đầu tiên tôi dịch, có tên là Thế mà là nghệ thuật ư?(dịch từ cuốn But is it art cua Cynthia Freeland, do NXB Tri Thức xuất bản năm 2009) - thiên về lý thuyết nghệ thuật, cuốn sách này, như đã đề cập ở phần trên, là một công trình nghiên cứu có tính xã hội. Nói một cách hình tượng, nếu coi cuốn sách dịch trước của tôi là bàn đạp bên trái trong chiếc xe đạp (cọc cạch thôi, dĩ nhiên) giúp đến được các đàm thoại lý thuyết về văn hóa nghệ thuật đương đại bằng từ vựng toàn cầu, thì cuốn sách này sẽ là chiếc bàn đạp bên phải giúp thấu hiểu cơ chế kinh tế xã hội-cũng ở tầm toàn cầu- đỡ nâng bên dưới cho các đàm thoại lý thuyết nơi cuốn sách trước. Tôi thực sự hy vọng rằng cả hai bàn đạp-hai cuốn sách dịch, sẽ giúp chiếc-xe-đạp-khát-khao-hiểu-biết của người đọc di chuyển thăng bằng hơn về phía trước, để rồi mang họ tới các công cụ tri thức về văn hoá và nghệ thuật tốt và hoàn hảo hơn.
Cũng phải nói thêm, cả hai cuốn sách, dù khác nhau về lối tiếp cận, song đều đều được viết theo một lối viết phổ cập tri thức, mà theo tôi là khá dễ đọc cho mọi dạng độc gỉa khác nhau, từ chuyên sâu, với mục đích đọc để làm tiền đề nghiên cứu, cho tới giải trí, như một nỗ lực để thu thập thêm tri thức mới. Được như vậy bởi theo tôi cả hai tác giả đã am hiểu điều họ viết đến mức có thể đơn giản hoá chúng theo một cách giúp người đọc dễ đọc mà không cùng lúc giảm thiểu hàm lượng tri thức của chúng. Đây cũng là một lý do nữa cho việc tôi chọn hai cuốn sách này để dịch. Rõ ràng là trong một thời đại cuộc sống bị chi phối bởi nhiều sở thích nghe nhìn, các cuốn sách cô đọng, thông minh và dễ gần, là cách duy nhất đến được với người đọc. Đại chúng - luôn là khán giả tiềm tàng cho mọi thực hành văn hoá nghệ thuật.
Về mặt dịch thuật, cũng phải nói rằng, cuốn sách này tuy ngắn, song bởi là một nghiên cứu có tính ghi chép trung thực từ thực địa về bảy phân khu khác nhau của thế giới nghệ thuật, trong một không gian địa lý và nhận thức tầm châu lục, thế nên nó đã dồn nén bên trong một lượng tri thức, và kèm theo đó là từ vựng của rất nhiều ngành nghề khác nhau, từ kinh doanh, đến lý thuyết nghệ thuật, từ giải trí truyền thông đến kỹ thuật vẽ tranh làm tượng. Chính vì lý do này, dù đã cố gắng hết sức, tôi không chắc mình đã vượt qua thấu đáo mọi thử thách về ngôn ngữ mà cuốn sách đặt ra. Sự khó khăn ở đây không phải chỉ ở góc độ đọc- hiểu, mà thậm chí ở góc độ diễn đạt, bởi có những thực hành rõ ràng là ở Việt nam chưa hề hiện hữu, ví dụ thực hành giám tuyển hay thực hành đấu giá tác phẩm nghệ thuật, v.v., và vì thế, chúng ta chưa có được hệ từ vựng thống nhất cho chúng. Tôi rất mong sẽ nhận được đóng góp của người đọc để giúp cho các lần tái bản sau (nếu cuốn sách may mắn) có thể tốt hơn. Xin đa tạ trước.
Xin được nói vài lời về mặt làm chú thích cho cuốn sách này. Dẫu tác giả đã có một số chú thích riêng cho người đọc phương Tây, song như tôi thấy, trong cuốn sách vẫn có những sự kiện, thuật ngữ, hay tên người mà, dù quá quen thuộc với người đọc phương Tây, lại vẫn lạ lẫm với người đọc Việt Nam. Sự lạ lẫm này đôi khi làm cho người đọc như thể bị chặn lại trong quá trình tiếp nhận tri thức vậy Do đó, ở đây, tôi xin sắm vai trò một người đọc dò dẫm trước, - đi tìm các chú thích, ví dụ, mà theo tôi sẽ giúp ngay người đọc băng băng sau hiểu luôn điều tác giả muốn nói mà không phải tự buông sách xuống tra cứu để làm mất nhịp đọc. Cũng chính vì lý do này, đôi khi, với các chú thích ngắn, tôi sẽ mở ngoặc đóng ngoặc ngay cạnh chữ cần chú thích trên trang, còn với các chú thích dài cần diễn giải một chút, tôi sẽ đánh dấu và để ở cuối chân trang. Một ý nữa về chú thích là, ở đây, các chú thích do tôi dẫn không có tham vọng bàn thảo kĩ lưỡng về điều mà nó cần chú thích. Chúng chỉ gắng làm sao đưa ra một ý giải thích nhanh nhất giúp người đọc nắm bắt câu văn chung nhất thời và nhanh gọn. Các tìm tòi sâu xa thêm về các chú thích là quyền và nghĩa vụ của người đọc. Tôi cũng xin lưu ý người đọc bản dịch về việc nên đọc cuốn này cùng với cuốn Thế mà là nghệ thuật ư? đã nhắc tới ở trên. Trong vai trò cuốn sách dịch đầu tiên về nghệ thuật đương đại sang tiếng Việt, cuốn sách kia có rất nhiều chú thích theo tôi có thể được dùng làm liên chú thích cho cuốn sách dịch này.
[...]
Còn bây giờ, mời các bạn bắt đầu chuyến chu du vào thế giới nghệ thật đương đại của Sarah Thornton.