Giọng văn của tác giả Russ Harris làm tôi nghĩ tới M. – nhà trị liệu tâm lý đầu tiên của tôi từ mười năm trước, người đã chỉ cho tôi thấy trị liệu tâm lý không chỉ dành cho “những kẻ điên” và sức khỏe tâm thần quan trọng như thế nào trong sự phát triển của con người. Và cũng như M., Russ Harris diễn giải các khái niệm và bài tập tâm lý (theo ACT: Acceptance Commitment Therapy - Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết) một cách đơn giản, dễ hiểu, tập trung vào tính rõ ràng của thông điệp, hơn là văn chương hoa mỹ. Bởi vậy, Bẫy hạnh phúc không phải là một cuốn sách văn học được viết với ngôn từ lôi cuốn hay một cuốn sách giải trí hấp dẫn khiến bạn có thể đọc liền một mạch không thể dứt ra. Cuốn sách này gần hơn với một giáo trình trị liệu tâm lý, bao gồm nội dung đọc, bài tập thực hành và cả khoảng trống để bạn tự suy ngẫm và áp dụng vào hoàn cảnh riêng của mình. Và cũng tương tự như trị liệu tâm lý, bạn cần thời gian và thực hành mới thấy được rõ nhất hiệu quả của phương pháp tác giả đã trình bày.
Cuốn sách có nhiều điểm thú vị nhưng ba bài học sau đây có ý nghĩa sâu sắc nhất với tôi:
Cội nguồn của “bẫy hạnh phúc”
Tác giả phân tích, khi gặp tình huống khó khăn, chúng ta thường bị mắc vào hai khuynh hướng: TUÂN THỦ (phục tùng cảm xúc tiêu cực của mình, để nó chi phối cuộc sống, bỏ cuộc, buông xuôi, vô vọng...) và ĐẤU TRANH (làm mọi cách để tránh né, thoát khỏi, hay đàn áp cảm xúc, bao gồm cả những hành vi mang ảnh hưởng tiêu cực như dùng chất kích thích, ăn rồi uống vô độ, trì hoãn, thu mình...). Cả hai khuynh hướng đều khiến chúng ta mắc kẹt với vấn đề của mình mà không thoát ra được. Càng vùng vẫy, càng cố hô hào: “Hãy quên cần đi sự đau khổ đó!”, “Cứ sống vui lên!”, “Xóa bỏ suy nghĩ đó ra khỏi đầu!”... ta lại càng khiến bản thân thêm thất vọng, dẫn đến vòng lặp tự chỉ trích và nhấn bản thân chìm sâu hơn ấy vào cảm giác đau khổ. Tác giả khẳng định: Não bộ không căn có chức năng xóa (loại bỏ đi những ký ức hay cảm xúc tiêu cực) mà não chỉ có thể thiết lập các kết nối mới (thêm vào những hành động, thay đổi tích cực). Bởi vậy, cách tốt hơn để đối diện với nỗi đau là chấp nhận nó – dũng cảm gọi tên, tương tác, chủ động cho nỗi đau thời gian và không gian để vơi dần và chuyển biến thành điều tích cực. Đây chính là tính cách bạn “tháo móc” (theo ngôn từ của tác giả) để thoát ra khỏi bẫy hạnh phúc.
Hành vi tích cực hay tiêu cực tùy thuộc vào mục đích phía sau nó
Có những hành vi nhìn qua tưởng là tích cực, nhưng nếu mục đích làm điều đó là một cách đối phó gián tiếp với nỗi đau của mình (thay vì chấp nhận và đối diện với nỗi đau) thì hành vi đó có thể trở thành tiêu cực. Cuốn sách đưa ra ví dụ về Michelle, một phụ nữ tưởng như có tất cả nhưng vẫn không hạnh phúc, ngày đêm trăn trở với suy nghĩ: “Không ai thích tôi”, “Tôi không xứng đáng”... Tác giả phân tích, do Michelle chịu ảnh hưởng từ quá khứ bị bố mẹ bạo hành, dẫn đến cảm giác luôn phải “làm hài lòng mọi người” khi đã ở tuổi trưởng thành. Những hành vi hằng ngày của Michelle như thường xuyên làm việc muộn để giúp đỡ đồng nghiệp, luôn chiều theo mọi ý thích của 3 chồng con, không bao giờ nói “không”.... tưởng như rất tích cực nhưng lại hủy hoại con người cô ấy từ bên trong. Bởi vậy, mục đích đằng sau mỗi việc chúng ta làm rất quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp tới cách ta định nghĩa, thực hiện và cảm nhận hạnh phúc.
Sự khác biệt quan trọng giữa giá trị và mục tiêu
Giá trị là những mong muốn sâu thẳm trong trái tim về cuộc sống ta hằng mong ước và những phẩm chất tốt đẹp mà ta muốn thể hiện qua lời nói và việc làm của mình tới những người xung quanh và cả thế giới. Mặt khác, mục tiêu là những thứ ta muốn có, muốn được sở hữu, muốn hoàn thành hay thực hiện trong tương lai. Điểm mấu chốt là: Bạn không cần đạt được mục tiêu để sống với giá trị của mình. Ví dụ: Bạn mong muốn được yêu thương (giá trị) nhưng không nhất thiết phải chờ tới lúc kết hôn (mục tiêu) mới có thể sống trong yêu thương. Bạn có thể yêu chính bản thân mình, yêu gia đình hiện có, yêu thú cưng... trong quá trình thực hiện mục tiêu kết hôn của mình. Tác giả nhấn mạnh rằng hiểu được sự khác biệt quan trọng này sẽ giúp con người hạnh phúc ngay cả khi cuộc sống hiện tại chưa đạt được tới kỳ vọng ban đầu của họ. Nói cách khác, sống với giá trị là cách sống để hạnh phúc lâu dài, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.
Bên cạnh lý thuyết và dẫn chứng khoa học, tác giả Russ Harris còn cung cấp rất nhiều bài tập thú vị (kèm theo tài liệu thực hành có thể tải miễn phí trên website) với những kỹ thuật tháo móc cảm xúc hiệu quả. Ví dụ như: gọi tên cảm xúc theo cách tách rời khỏi bản thể – thay vì “tôi tức giận” hãy nói “tôi nhận thấy sự tức giận”; bình thường hóa cảm xúc bằng cách tưởng tượng những ký ức buồn, lời nói đau khổ, niềm day dứt như một thước phim thông thường chiếu trên ti vi; chạm vào cơ thể để thiết lập lại sự kiểm soát và đưa bản thân về với hiện tại khi bị cảm xúc chi phối...
Khi đọc xong Bẫy hạnh phúc, tôi đã có một buổi trao đổi rất sâu với nhà trị liệu tâm lý hiện tại của mình và chúng tôi cùng đi đến một kết luận: Tôi đã có thể bắt đầu hành trình riêng của mình mà không cần đến sự đồng hành của người tư vấn tâm lý. Đừng hiểu lầm, tôi không có ý rằng cuốn sách này có thể thay thế hoàn toàn trị liệu tâm lý chuyên nghiệp; trong nhiều trường hợp, giống như tôi trước đây, bạn sẽ vẫn cần tìm đến chuyên gia để được tư vấn 1:1. Nhưng ở vị trí hiện tại của mình, với lịch sử mười năm tham gia trị liệu và những kiến thức, kỹ năng, giải pháp học được từ trị liệu trực tiếp cũng như cuốn sách này, tôi tự tin mình đã có thể tự bước đi. Bẫy hạnh phúc chắc chắn là một trong những cuốn sách tôi sẽ đọc đi đọc lại nhiều lần trên hành trình tiếp theo của mình.
Cuốn sách này dường như đã “chọn” tôi – sách đến đúng vào thời điểm tôi cần nhất và giúp tôi đưa ra một quyết định mang tính bước ngoặt trong cuộc đời. Tôi mong rằng, với việc cầm lên cuốn sách này, bạn đã chọn cho mình một hành trình tích cực hơn để hướng tới hạnh phúc.
Chi Nguyên, Ph.D. (The Present Writer)
Tucson, Arizona, tháng 7 năm 2023
Có thể bạn quan tâm: Bertrand Russell bàn về Hạnh phúc