Còn nếu bạn là người đã tiếp xúc với trường phái Osho không dưới một lần, sẽ phải công nhận với tôi rằng, trường phái Osho, trước khi thuyết phục chúng ta, đều mang vẻ kỳ lạ, đầy thách thức, căng thẳng và lẫn lộn những mâu thuẫn. Nhưng tin tốt là cơ chế cảm xúc này sẽ dần được giải tỏa, nhường chỗ cho những an ổn và hiền minh trong tâm, nhờ những câu chuyện, những triết lý, những ngụ ngôn ông gửi gắm, giống như một thứ nước cất mát lành, tinh lọc, trong trẻo tồn tại trên hành trình sống của mỗi người.
Những kiến giải “ngược lối” của Osho về hạnh phúc, đưa chúng ta tới tận cùng chất vấn những câu hỏi tưởng chừng đã cũ: “Sau cùng thì, hạnh phúc là gì?” và “Hạnh phúc mang dáng vẻ như thế nào?”. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuốn sách này là cái nhìn chứa đựng sự bao dung và thông thái của Osho. Có lần, ông từng nói rằng sứ mạng của ông là đặt nền tảng cho sự ra đời của một thế giới những người ưu tú - những con người mà có thể vui sống giữa trần gian và an lạc như Đức Phật vĩ đại. Đó là một trong những lí do khiến ông được tôn sùng như một “nhân vật ngoại hạng”.
Có lần, ông từng nói rằng sứ mạng của ông là đặt nền tảng cho sự ra đời của một thế giới những người ưu tú - những con người mà có thể vui sống giữa trần gian và an lạc như Đức Phật vĩ đại.
Cuốn sách đi từ những vấn đề ban sơ nhất về hạnh phúc, về khổ đau, về niềm an lạc, và nguồn gốc của mọi sự truy tìm trên hành trình sống của mỗi người. Tôi không chắc sau khi bạn đọc cuốn sách này, bạn có thể tìm thấy một định nghĩa rành mạch và có hệ thống về hạnh phúc hay không, nhưng tôi chắc chắn rằng bạn sẽ tiếp thu được những kiến giải rất khác. Osho sẽ khiến bạn bình tâm hay khó hiểu, sẽ khiến bạn bị thuyết phục hay lập tức muốn tranh cãi, hãy bình tâm cảm nhận.
Hành trình thấu hiểu bài thuyết giảng này chắc chắn bạn sẽ gặp những khúc chông chênh. Tôi tin chắc, nếu bạn đủ tĩnh tâm tập trung hoàn toàn vào những gì Osho đang muốn truyền tải. Như có một màn tranh đấu ngầm trong tâm trí bạn, giữa những thiên kiến xác nhận trước giờ và tia sáng giác ngộ mới. Bạn nhận ra rằng trước giờ bạn cứ phải kiếm tìm hạnh phúc ở đâu xa, bạn khư khư ôm lấy những niềm đau lẽ ra đã lùi dần vào quá khứ, bạn lắng lo cho những hoạch định tương lai mà quên mất rằng hạnh phúc đang-ở-thì-hiện-tại. Hạnh phúc khi bạn là chính mình chứ không phải mải mê truy cầu phải trở thành ai đó.
Tôi thật sự ấn tượng với quan điểm về hạnh phúc của Osho rằng:
“Hạnh phúc không liên quan gì đến thành công. Hạnh phúc không liên quan gì đến tham vọng, hạnh phúc không liên quan gì đến tiền bạc, quyền lực và danh vọng. Đó là một chiều không gian hoàn toàn khác. Hạnh phúc có một cái gì đó liên quan đến ý thức của bạn, không phải với tính cách của bạn”.
Vậy mà chúng ta cứ phải kiếm tìm ở đâu xa. Khi hạnh phúc đích thực là biết hài lòng với chính mình hiện tại, là hạnh phúc từ nội tại, không phải nhờ ai khác ban phát, là việc bạn không cần gồng mình lên để đạt được.
Triết lý của Osho giống như những giọt sương trong ban xuống từ thiên đường. Ông mang đến cho chúng ta những trải nghiệm hết sức nhẹ nhàng nhưng tiềm ẩn tư duy rất cấp tiến, một chất văn rất Osho đủ để không bị nhầm lẫn với một vị hiền triết khác. Đôi khi ông khuyên răn, đôi khi ông vạch trần bằng một trí tuệ tinh luyện tiết lộ những lớp nhìn vô cùng sâu sắc.
Cách đặt vấn đề của Osho cũng rất khách quan. Osho so sánh nhiều tư tưởng khác nhau, nhiều cách diễn dịch khác nhau của nhiều tôn giáo khác nhau: đạo Thiên Chúa, đạo Phật, đạo Hindu... cụ thể là những lời dạy của Đức Jesus và Đức Phật.
Cách ông lí giải về nỗi khổ đau ở mỗi người cũng rất minh triết rằng: “Nếu bạn sống toàn tâm toàn ý trong từng khoảnh khắc thì sẽ không có bất kỳ một sự hối hận nào… Nếu một ngày kia, người bạn yêu bỏ đi, thì đơn giản là con đường hai người từng đi chung giờ chia thành hai ngã rẽ. Chúng ta biết ơn vì đã chia sẻ với nhau thật nhiều, đã yêu thật nhiều và làm phong phú cuộc đời của nhau – vậy thì sao còn phải khóc và phải đau khổ vì điều đó”.
Bạn có hiểu quy luật đó không?
Gấp cuốn sách lại thật chậm, tôi hiểu một điều, hành trình suốt 35 năm, tư tưởng của ông bay khắp mọi ngóc ngách nhận thức của chúng ta, bằng con đường truyền bá của những môn đệ thầm lặng, bất chấp những đánh giá khắt khe và đầy “hoang mang” về tinh thần triết học mãnh liệt của ông, thật đáng giá. Sau vỏn vẹn 250 trang sách đủ để được khai mở một ý niệm mới về hạnh phúc, tôi vững thêm niềm tin và mỉm cười với chính mình rằng: Quả thật, sau cùng, hạnh phúc tại tâm!
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Hạnh phúc thực sự là gì? Bản chất hai mặt của hạnh phúc
Tuổi trẻ chỉ đến một lần và nếu được sống trọn vẹn thì một lần là đủ