5 loại cảm xúc
5 loại cảm xúc "tiêu cực lành mạnh" để vượt qua nỗi đau mất mát
Khi có một người thân yêu qua đời, thế giới bạn vẫn biết sẽ hoàn toàn ngưng hoạt động.
Cố TS. ElisabethKübler-Ross - một bác sĩ tâm thần người Mỹ gốc Thụy Sĩ và là người tiên phong trong các nghiên cứu về người sắp chết, tác giả cuốn "On Death and Dying" ra đời năm 1969, trong đó bà phát hiện ra con người phải vượt qua 5 giai đoạn trải nghiệm sau khi mất người thân. Các giai đoạn đó là từ chối, giận dữ, thương lượng, suy nhược và chấp nhận. 

David Kessler - sáng lập grief.com, trang web giúp mọi người vơi bớt nỗi đau buồn vì mất mát người thân, đồng tác giả của cuốn sách “"On Grief and Grieving" với cố TS. Elisabeth Kübler-Ross, nói thêm:  “Trong cuốn sách, thực tế Kübler-Ross đã nói có hơn năm giai đoạn".

Dưới đây là năm giai đoạn của sự đau buồn, nhưng trình tự cảm xúc này có thể thay đổi đối với từng người, không phải ai vượt qua nỗi đau mất mát cũng tuần tự nếm trải các cảm xúc theo thứ tự này. 

 

1. Từ chối

 

Kessler nói rằng từ chối nỗi đau - cố gắng thuyết phục bản thân rằng người thân yêu của mình chưa chết - là cảm xúc thể hiện sự hoài nghi về nỗi mất mát của mình, sự từ chối này có thể xuất hiện trong một khoảnh khắc hay một vài ngày. Cú sốc này không phải ai cũng dễ dàng tiếp nhận, và việc không thể hiểu được sự mất mát trong một thời gian là điều lành mạnh, không cần phải "thoát ra". 

TS. Sherry Cormier - nhà tâm lý học, chuyên gia điều trị chấn thương tâm thần, cựu GS tại Trường ĐH Tennessee và ĐH West Virginia (Hoa Kỳ) - cũng đồng ý cho rằng nếu bạn đang đau khổ quá mức thì sự từ chối là cách bạn tạm quên đi thực tế mà bạn đang gặp phải.

27-8-22-CNN-3.jpg

 

2. Giận dữ

 

Kessler nói: Giận dữ là một phản ứng tự nhiên khác khi đứng trước sự mất mát, cho dù đó là sự tức giận đối với nguyên nhân cái chết, tức giận người đã khuất hay tức giận vị thần thuộc tôn giáo bạn theo, cũng có khi đó là nỗi tức giận bản thân bạn hay sự ngẫu nhiên của vũ trụ. Ông nhận định: "Giận dữ là một cách chúng ta thể hiện nỗi đau. Giai đoạn đó cho phép mọi người được tức giận theo những cách lành mạnh".

Theo trang web của Kessler, tức giận "có thể là một mỏ neo tạm thời cho nỗi hư vô của sự mất mát. Thoạt đầu, đau buồn khiến chúng ta có cảm giác như bị lạc trên biển, không liên quan đến bất cứ thứ gì. Rồi bạn giận ai đó, có thể là một người không đến dự đám tang, có thể là một người không ở bên cạnh bạn, có thể là một người khác có liên quan đến người thân của bạn đã qua đời...".

TS. Cormier phân tích bên dưới sự tức giận có thể là cảm giác vô vọng hoặc bất lực, đôi khi là cảm giác tội lỗi và cảm thấy việc đổ lỗi hoặc bày tỏ tức giận với ai đó có thể duy trì ảo tưởng mình đang kiểm soát tốt mọi việc.

Kessler nói: “Một cách để vượt qua sự tức giận, vượt qua cảm giác tội lỗi và tâm trạng muốn đổ lỗi là nhận ra trong tương lại rồi đây sự mất mát của bạn cũng sẽ khủng khiếp như thế nào với người ở lại, điều đó bạn sẽ không kiểm soát được. Thực tế là tỷ lệ tử vong trong các gia đình là 100%, cuối cùng thì ai cũng sẽ chết, nhưng tâm trí của chúng ta vẫn không chấp nhận điều đó".

Với kinh nghiệm của mình, Kessler khuyên bạn nên cho phép bản thân thể hiện sự tức giận theo những cách lành mạnh, đó là la hét trong xe hơi, sử dụng túi đấm, chạy hoặc các hình thức tập thể dục khác như yoga, gym, plank...

27-8-22-CNN-2.jpg

 

3. Thương lượng

 

Xuất phát từ cảm giác tội lỗi, việc thương lượng hay mặc cả sau khi mất người thân thường liên quan đến những tuyên bố "giá như", "nếu mà"... tập trung vào sự hối tiếc về những gì bạn đã làm hoặc không làm trước khi người đó qua đời, Kessler nói.

Ông nhận định: "Chúng ta thậm chí có thể mặc cả với nỗi đau. Chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì để không cảm thấy nỗi đau của sự mất mát". 

Hãy nhớ rằng trong nhiều trường hợp dù bạn có cố gắng hết sức, những điều tồi tệ vẫn xảy ra. 

 

4. Suy nhược

 

Nỗi buồn đau có thể khiến bạn suy nhược về thể chất và cả tinh thần, khi sự mất mát bắt đầu ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của bạn. Có thể cảm giác nỗi buồn sẽ kéo dài mãi mãi, giống như bạn đã rút lui khỏi cuộc sống hoặc đang tự hỏi liệu những ngày còn lại có đáng sống hay không?

Cormier tư vấn: "Sự suy nhược ập đến với mọi người vào những thời điểm khác nhau, có người dường như vẫn bình thường trong năm đầu tiên sau mất mát, nhưng đến năm thứ ba thì lại chìm trong nỗi buồn và suy nhược trầm trọng. Tại sao? Bởi vì trong thời gian đầu, một số người có thể duy trì ảo tưởng rằng người thân yêu của họ đang đi nghỉ và có thể sẽ trở lại. Khi toàn bộ cơ thể và tâm trí suy nhược, tức là bạn đã nhận ra "người thân yêu của tôi đã ra đi và sẽ không trở lại". 

Nhưng sự suy nhược thể chất và tinh thần đó không phải lúc nào cũng được coi là trầm cảm, Kessler nhận xét. Ông khuyên: "Nếu bạn nghĩ rằng bạn đang chán nản muốn chết, hãy đến gặp bác sĩ tâm lý để nhận được lời khuyên phải làm gì". 

TS. Cormier đề nghị: "Để đối phó với sự đau buồn, bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp từ gia đình, bằng hữu hoặc cộng đồng có chung nỗi đau mất mát người thân yêu. Ngoài ra, bạn phải thường xuyên thực hành tự chăm sóc bản thân".

27-8-22-CNN-5.jpg

 

5. Chấp nhận

 

Chấp nhận không có nghĩa là bạn ổn khi người thân yêu của bạn ra đi.  TS. Cormier bình luận: "Giai đoạn này chỉ có nghĩa là bây giờ tôi chấp nhận thực tế mới của cuộc sống: Tôi là một góa phụ, tôi sống một mình; Tôi không có anh chị em để gọi nữa; Tôi không còn cha mẹ để gọi nữa".

Lời tư vấn của TS. Cormier chính là kinh nghiệm sống của bà. Cuốn sách ""Sweet Sorrow: Finding Enduring Wholeness After Grief and Loss" do bà viết là cách bà chia sẻ với mọi người sau khi mất chồng, cha mẹ và anh chị em. 

Chấp nhận cũng không phải là kết thúc của đau buồn. Theo thời gian, các khoảnh khắc chấp nhận sẽ đến từ từ, từng chút một, Kessler cho hay. Ông cũng chia sẻ: "Một trong những câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất là: "Khi nào thì nỗi đau này sẽ kết thúc?". Rất nhẹ nhàng, tôi sẽ hỏi "Người thân của bạn đã chết trong bao lâu?". Nếu người đó chết đã lâu, có nghĩa bạn đã đau buồn trong một thời gian dài, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ luôn đau buồn. Với tôi, việc làm điều gì đó có ý nghĩa để sống tiếp là cách tôi tưởng nhớ người đó với tình yêu nhiều hơn là nỗi đau".

Cormier khuyên: Bắt đầu chấp nhận nghĩa là bạn đang tự chữa lành cho chính mình, nhưng nếu bạn không thể đi đến giai đoạn “chấp nhận”, bạn cần phải tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia.

Theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (American Psychiatric Association - APA), cảm xúc đau buồn dữ dội và dai dẳng gây ra nhiều vấn đề và cản trở hoạt động hằng ngày được gọi là rối loạn đau buồn kéo dài (prolonged grief disorder). Rối loạn này là căn bệnh mới nhất được thêm vào phần sửa đổi của Sổ tay Thống kê và Chẩn đoán về Rối loạn Tâm thần (The Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders - DSM) phát hành hồi tháng 3/2022.

Theo DSM, người bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn đau buồn kéo dài là khi họ mất người thân trước đó ít nhất một năm - đối với người lớn và ít nhất 6 tháng trước - đối với trẻ em và thanh thiếu niên. Một triệu chứng khác là họ rất khó tái hòa nhập vào cộng đồng, chẳng hạn như ngừng tất cả sở thích trước đó hoặc tránh tương tác với bạn bè.

Cormier không nghĩ rằng chúng ta đã từng "vượt qua" đau buồn. Nhiệm vụ của chúng ta không phải là tiếp tục đau buồn hay từ bỏ nỗi buồn mà là học cách chấp nhận mất mát để chúng ta có thể tiến về phía trước với một thực tế mới. Bà nói thêm: "Thật xúc phạm khi ai đó nói với bạn: Ồ, bạn đã quên và đã bước tiếp. Không phải như vậy, chúng ta không quên nhưng đừng để nỗi đau tiếp diễn cản trở cuộc sống, mà hãy tiếp tục sống đời của mình với một tâm thế mới".

 

6. Giai đoạn thứ sáu mới: Tìm công việc có ý nghĩa từ sự mất mát

 

Đó là cách Kessler đã làm. Sau khi con trai của Kessler qua đời ở tuổi 21 gần 5 năm trước, Kessler muốn làm một thứ gì đó có ý nghĩa ngoài sự chấp nhận. Ông đã học hỏi với TS. Viktor Frankl - một nhà thần kinh học, bác sĩ tâm thần và triết học, và bắt đầu tìm kiếm công việc có ý nghĩa liên quan đến nỗi đau mất mát của chính mình. Điều này đã truyền cảm hứng cho ông viết cuốn sách "Finding Meaning: The Sixth Stage of Grief" (tạm dịch "Tìm kiếm công việc có ý nghĩa: Giai đoạn thứ sáu của đau buồn").

Công việc có ý nghĩa không loại bỏ nỗi đau của Kessler, nhưng đã nâng đỡ tinh thần của ông rất nhiều. Kessler giải thích: "Nỗi đau mất mát giúp bạn nhận ra sự mong manh của cuộc sống và tùy theo khả năng và hoàn cảnh của mỗi người, công việc có ý nghĩa có thể là cố gắng thay đổi luật hoặc quyên góp tiền nghiên cứu để không ai phải chết oan như người thân của bạn; hoặc thay đổi cuộc sống của bạn bằng cách kết nối cộng đồng có chung nỗi đau để chia sẻ, nâng đỡ, giúp nhau cùng đứng dậy để bước tiếp".

(*) Theo Kristen Rogers/ CNN | Bản dịch của Doanh Nhân Sài Gòn

Tags: