Bài học từ nước Nhật: Chấn hưng trở lại sau khủng hoảng
Bài học từ nước Nhật: Chấn hưng trở lại sau khủng hoảng
Điểm khác biệt giữa các quốc gia thành công với phần còn lại là họ tìm được cách để không chỉ “sống sót” qua khủng hoảng.
Không quốc gia nào trên thế giới, dù là những quốc gia thành công nhất, lại không trải qua những khủng hoảng nghiêm trọng. Điểm khác biệt giữa các quốc gia thành công với phần còn lại là họ tìm được cách để không chỉ “sống sót” qua khủng hoảng, mà còn biến khủng hoảng thành cơ hội để “sống tốt hơn”.Nhật Bản là một trường hợp như vậy. Quốc gia này từng trải qua hai lần thách thức nghiêm trọng, để rồi sau mỗi thử thách, đất nước mặt trời mọc lại tự chấn hưng còn tốt hơn trước.

Thách thức thứ nhất là sự kiện Matthew C. Perry chỉ huy hải đoàn của mình đe dọa buộc Mạc phủ Tokugawa phải mở cửa nước Nhật năm 1853, dẫn tới cuộc Minh Trị Duy tân thần kỳ đưa Nhật Bản lên hàng ngũ cường quốc thế giới từ năm 1905, sau khi họ đánh bại người Nga. 

Sau hơn 250 năm hòa bình ngủ quên trong kỷ nguyên Edo, nước Nhật phải lựa chọn hoặc rơi vào tình thế chịu quan hệ bất bình đẳng với phương Tây, hoặc thay đổi và giữ được thế tự cường. Người Nhật đã chọn thay đổi, từ bỏ những gì thuộc về truyền thống nhưng đã lỗi thời. Tinh thần này thể hiện qua quan điểm của các nhà tư tưởng Nhật khi đó, như Fukuzawa Yukichi trong bài “Thoát Á luận” nổi tiếng. Cuộc Minh Trị Duy Tân cải cách nước Nhật toàn diện từ nền tảng tư tưởng tới các định chế xã hội, hệ thống giáo dục, tạo đà cho xã hội công nghiệp hiện đại và xã hội dân sự theo kiểu phương Tây định hình, đồng thời vẫn duy trì được giá trị truyền thống, lòng tự tôn dân tộc của người Nhật. Chính sự hòa nhập nhưng không hòa tan đó đã giúp Nhật Bản đi ngược được dòng thoái trào của các quốc gia châu Á vào nửa sau thế kỷ 19 để trở thành một nhân vật có sức nặng trên vũ đài chính trị toàn cầu.

Tuy nhiên, sau đó, Nhật Bản phải trả giá đắt, kinh tế lại suy sụp khi trở thành thủ phạm gây nên Thế chiến thứ hai. Xu thế quân phiệt hóa hệ thống chính trị, kèm theo sự bất lực của các chính khách dân sự trong việc tranh giành cho Nhật Bản lợi ích như mong muốn trong cuộc cạnh tranh kinh tế - chính trị toàn cầu, nhất là khi chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc cực đoan lên ngôi sau cuộc Đại Suy Thoái, đã đẩy nước Nhật tới sai lầm này.

Bước ngoặt thứ hai của Nhật Bản bắt đầu với sự kiện Trân Châu Cảng ngày 7/12/1941, dẫn tới cuộc đối đầu khốc liệt Nhật – Mỹ trên Thái Bình Dương trong Thế chiến Thứ hai. Xa hơn thế, sự kiện đã đặt dấu chấm hết cho nước Nhật quân phiệt và mở ra một giai đoạn phát triển thần kỳ từ cuối những năm 1950 của một nước Nhật Bản mới theo chủ nghĩa hòa bình bắt đầu từ giai đoạn người Mỹ làm nhiệm vụ quân quản trên lãnh thổ Nhật. Một lần nữa, người Nhật biết rút ra bài học từ thực tế cay đắng để làm lại, tạo dựng cho đất nước họ chỗ đứng mới trong thế giới hậu chiến. Đoạn tuyệt với chủ nghĩa quân phiệt, nước Nhật thông qua hiến pháp hòa bình, tạo nên một bước chuyển biến sâu sắc nữa trong xã hội Nhật Bản. Chính quyền dân sự kể từ đây bám rễ vững chắc trong nền chính trị và xã hội Nhật.

Thêm một lần nữa, người Nhật lại học những gì cần học một cách khiêm tốn, cần mẫn từ chính đối thủ đã đánh bại họ - người Mỹ, về mọi thứ họ cần. Từ cách thức tổ chức, quản trị doanh nghiệp cho tới công nghệ, kỹ thuật. Để rồi phép màu Nhật Bản thần kỳ bắt đầu trở thành hiện thực vào những năm 1960, và kéo dài mãi tới những năm 1980. 

Điều người Mỹ không ngờ tới khi dành chiến thắng bằng quân sự năm 1945 đã xảy ra: nước Nhật hòa bình đã tấn công mạnh mẽ lên nước Mỹ một cách hoàn toàn hợp pháp nhờ những doanh nghiệp mà tên gọi đồng nghĩa với sự mẫu mực về chất lượng, hiệu quả và độ tin cậy như Sony, Toyota…Đến mức vào đầu thập niên 1980 có lúc người Mỹ đã phải lo lắng nguy cơ “người Nhật sẽ mua hết nước Mỹ”. Một sự hồi sinh trong hòa bình thật ngoạn mục.

Nhưng không gì là mãi mãi, giờ đây Nhật Bản đang chìm vào một giai đoạn suy thoái kéo dài đã bắt đầu từ những năm 1990 chưa có hồi kết, với những nguy cơ hiển hiện phía trước: sự già hóa, suy giảm dân số, cạnh tranh kinh tế từ Hàn Quốc, Trung Quốc và nguy cơ xung đột tiềm tàng với các quốc gia láng giềng trên lục địa châu Á... Liệu rằng Nhật Bản có thể một lần nữa tìm thấy động lực để chấn hưng” hay không?

Một kịch bản để câu trả lời “có” trở thành hiện thực đã được Clyde Prestowitz đề xuất trong cuốn sách Chấn hưng Nhật Bản: Làm cách nào Nhật Bản có thể tự tái thiết và tại sao điều này lại quan trọng với Hoa Kỳ và thế giới.

Từng là cố vấn cho Bộ trưởng Thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống R. Reagan và tham gia vào các cuộc đàm phán thương mại bất tận Nhật – Mỹ, 

Prestowitz là người thấu hiểu nội tình nền kinh tế Nhật Bản cũng như các đặc trưng và văn hóa vận hành của nó. Vốn hiểu biết của tác giả đã giúp ông đi thẳng vào phân tích những vấn đề cơ bản Nhật Bản đang phải đối đầu và nhất thiết phải giải quyết thành công nếu muốn chấn hưng trong tương lai:

Con người: Nhật Bản cần phải đảo ngược được xu thế già hóa dân số chóng mặt, không làm được điều này thì bản thân sự tồn tại của Nhật Bản trong vai trò một quốc gia, dân tộc cũng sẽ bị đe dọa chứ không nói đến chấn hưng. Bên cạnh đó, Nhật Bản cần có giải pháp để huy động phụ nữ tham gia tích cực hơn vào phát triển kinh tế, mở cửa xã hội theo hai chiều để trở nên thoải mái hơn với nhập cư, đồng thời trang bị tốt hơn cho người Nhật trong hòa nhập với thế giới.

Phương thức vận hành kinh tế, văn hóa doanh nghiệp: Nhật Bản chính là quê hương của nhiều khái niệm mang tính tiên phong trong quản lý, vận hành doanh nghiệp sau này được thừa nhận và có ảnh hưởng rộng khắp trên toàn thế giới. Song những yếu điểm quan trọng như sự cứng nhắc, thiếu sáng tạo của doanh nghiệp Nhật đã dẫn tới sự tụt hậu của họ trong giai đoạn đầu thế kỷ 21. Nhật Bản cần tạo ra một nền kinh tế linh hoạt, thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, chấp nhận mạo hiểm và sự đào thải thay vì thu mình trong sự an toàn.

An ninh: Thời kỳ phát triển thứ hai của Nhật Bản gắn liền với “Chiếc ô an ninh” của Mỹ suốt từ sau Thế chiến thứ Hai. Tuy nhiên, bước sang thập niên thứ ba của thế kỷ 21, người Nhật ngày càng có xu thế phải “tự lo thân” trong vấn đề an ninh. Thách thức này đòi hỏi họ phải có những chính sách, nhất là về ngoại giao và tăng cường nội lực để thích ứng với giai đoạn mới, nhằm duy trì được quan hệ hài hòa với các nước láng giềng châu Á, hóa giải các nguy cơ an ninh tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.

Năng lượng: Sự phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung dầu mỏ chính là nguyên nhân đẩy nước Nhật vào Thế chiến thứ Hai và là gót chân Achilles khiến quốc gia này rất dễ bị tổn thương khi xảy ra các biến cố về nguồn cung dầu mỏ. Thay đổi cơ cấu năng lượng theo hướng tự chủ hơn, hiệu quả và ổn định hơn là vấn đề tất yếu Nhật Bản phải tìm ra câu trả lời để nến kinh tế của họ trở nên tự chủ hơn, có thể chủ động hoạch định hướng đi cho mình mà không chịu tác động quá lớn từ nguồn cung năng lượng bên ngoài.

Nhà nước: Hệ thống quản lý hành chính trung ương hóa cao độ tập trung ở Tokyo đã khiến cho các địa phương khác ở Nhật Bản bị thiếu động lực phát triển, bị hút mất nguồn nhân sự chất lượng cao cùng các nguồn lực cần thiết khác để trở thành những trung tâm phát triển mới. Thay đổi trong hệ thống chính quyền theo hướng phân quyền cho địa phương, cho các địa phương sự tự chủ, linh hoạt lớn hơn sẽ giúp Nhật Bản thoát được sự trì trệ, tạo động lực mới cho kinh tế phát triển đồng đều hơn trên toàn quốc.

Một trong những điểm thú vị của “Chấn hưng Nhật Bản” nằm ở cách Prestowitz trình bày cuốn sách. Sau khi tóm lược thách thức trong hiện tại của Nhật Bản, tác giả đã khởi đầu việc phân tích mỗi khía cạnh cần giải quyết trong cách thức đó bằng một phần “tiến cứu” tới một tương lai giả định (2050) và thông qua mô tả Nhật Bản “tương lai” đó chỉ ra những mục tiêu quốc gia này cần hướng tới cho cuộc chấn hưng lần thứ ba này (nếu nó được hiện thực hóa). Sau đó là quá trình “hồi cứu” quá khứ gần để chỉ ra nguyên nhân đưa Nhật Bản tới tình trạng hiện tại, nêu ra giải pháp cho từng lĩnh vực cụ thể cùng kịch bản dự kiến tác động các giải pháp đó tạo nên để cuối cùng có được “Nhật Bản 2050”.

Sau cùng, nhưng không phải ít quan trọng nhất, Prestowitz chỉ ra nguyên do một người đã từng nhiều năm đàm phán thương mại nảy lửa với Nhật Bản như ông đưa ra một đề xuất cho sự chấn hưng của quốc gia này. Đó là một Nhật Bản phồn vinh trong tương lai, cởi mở và hòa nhập hơn với thế giới, sẽ là một điều tốt cho tất cả, người Nhật nói riêng, cũng như thế giới nói chung, trong đó có nước Mỹ.

Dịch giả Lê Đình Chi

Theo Vietnamnet.vn

Tags: