Ánh sáng vô hình: Khi niềm tin lung lạc bởi những lời đồn thổi
Ánh sáng vô hình: Khi niềm tin lung lạc bởi những lời đồn thổi
Chúng ta nên tin vào đâu đây? Thứ ta mắt thấy tai nghe hay thứ được truyền lại từ người khác?

Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh về chiến tranh Thế giới thứ II kể về số phận một cô gái mù người Pháp và cậu bé mồ côi người Đức, nhưng lại khiến chúng ta phải nhìn nhận lại thời đại thông tin ngày nay.

Hiếm người biết rằng trong số những vật báu Đức Quốc xã săn lùng trong Thế Chiến thứ hai có cả một viên kim cương nguyên chất với sức mạnh làm cho người giữ nó bất tử nhưng lại đem đến xui rủi cho những người xung quanh. Giống như tất cả những lời đồn xoay quanh Đức Quốc xã, đây là một câu chuyện có màu sắc hư ảo, nhưng những chi tiết nghe qua càng phi lý thì người ta lại càng thấy đáng tin. Ai chứ quân Đức Quốc xã đi tìm kiếm sự bất tử thì có gì lạ?

Câu chuyện về viên kim cương Lửa Biển, tuy chỉ là chuyện trong cuốn tiểu thuyết Ánh sáng vô hình của Anthony Doerr, đủ cho ta thấy sức mạnh của những lời đồn đại. Trong một thời kỳ không biết nên tin vào ai hay vào cái gì, những luồng thông tin như thế có thể điều khiển người ta mù quáng đến mức quên mình, như những câu chuyện xảy ra xung quanh Werner Pfennig, một binh nhì Đức, trong Ánh sáng vô hình.

Giữa một thời đại mù mờ tin tức liên lạc như Chiến tranh Thế giới II, không có gì ngạc nhiên khi những nguồn tin chính xác trở thành tài nguyên quý giá. Werner được chiêu mộ vào quân đội chính bởi cậu là một thiên tài khoa học kỹ thuật, có thể lắp ráp sửa chữa mọi loại điện đài và dựa vào sóng điện đài để tính toán vị trí quân địch. Werner nắm trong tay sức mạnh của thông tin, và với sức mạnh ấy cậu đã gây ra nhiều cái chết. Khỏi phải nói những điều khủng khiếp nào có thể xảy ra bởi một sai lầm đơn giản trong tin tức của cậu.

Nhưng những tin tức bên ngoài thì không thiếu sai lạc. Những lời đồn thổi phồng về quân Đức Quốc xã đủ lan truyền sự sợ hãi từ khi chưa một bóng lính nào xuất hiện.

Quân Đức - người thợ làm vườn khẳng định - có sáu mươi nghìn máy bay chiến đấu; quân Đức có thể hành quân trong nhiều ngày mà không cần ăn; quân Đức giao cấu với bất cứ nữ sinh nào chúng gặp. Một phụ nữ đứng sau quầy bán vé nói rằng quân Đức mang lựu đạn khói và giắt súng chống tên lửa ở thắt lưng; quân phục của chúng, cô thì thào, được làm từ một chất liệu còn cứng hơn thép.

Và khi thành phố bị chiếm đóng, những lời đồn vẫn tiếp tục lan rộng, bóp nghẹt những cư dân trong sợ hãi.

Còn ở bên kia chiến tuyến, quân Đức theo đuổi cuộc chiến với niềm tin được củng cố bởi những lời đồn đại phần thực phần hư, những lời ca ngợi Lãnh tụ Hitler với khả năng vô song và những tin tức khẳng định thắng lợi ngay cả khi quân sĩ tử trận còn thường hơn cơm bữa.

Cùng lúc đó, việc trao đổi thông tin bị kiểm duyệt gắt gao. Những chiếc radio đúng tiêu chuẩn Đức không bắt được các kênh nước ngoài, trong khi sử dụng loại radio khác là bất hợp pháp. Những bức thư giữa Werner khi còn ở Học viện Chính trị Quốc gia và em gái cậu phải qua bộ phận kiểm duyệt của trường trước khi đến tay người nhận, và những thông tin không thích hợp sẽ bị bôi đen để không thể đọc được.

 

Quả là một sự mỉa mai khi không thể tiếp cận thông tin từ những người thân thuộc đáng tin mà chỉ được phép nghe những lời đồn không rõ căn cứ.

 

Rốt cuộc, giữa cuộc chiến đuổi bắt những bóng ma lời đồn, chỉ có sự thật bên trong là đáng để người ta tin vào. Những niềm tin mà Werner chia sẻ với em gái từ ngày còn bé, đó mới là ngọn đèn soi sáng cho cậu thoát khỏi cái bóng tăm tối của chiến tranh. Giữa những lời đồn, những thông tin sai lệch, lòng tin vào thiện tâm giữ cậu đi đúng hướng. Werner chọn tin vào cô gái mù người Pháp, chỉ từ một ngày quan sát cô, chỉ từ những lời của Jules Verne cô đã đọc để cậu bắt được trên điện đài, cậu đã quyết định giúp đỡ cô. Cậu thà đặt lòng tin vào một người gần như xa lạ còn hơn tiếp tục làm thuộc hạ của một đế chế giả dối.

Hình ảnh có liên quan

Đế chế tạo dựng trên nền tảng những lời đồn thổi, những thông tin bưng bít thì không thể đứng vững quá lâu. Werner đã từng tin vào những cơ hội mà Lãnh tụ có thể cho cậu và nước Đức. Werner đã từng tận tuỵ lần theo sóng điện đài để tìm những bóng ma quân Xô Viết, “những kẻ nổi dậy hết sức nguy hiểm, có kỷ luật; chúng làm theo mệnh lệnh của những chỉ huy tàn bạo, hung ác,” để đến lúc ra trận mới nhận ra rằng những kẻ chống đối mà cậu tiếp tay kết liễu chỉ là “những kẻ khố rách áo ôm, những kẻ cố cùng liều thân chẳng có gì để mất.”

Khoảng cách giữa những lời tuyên truyền bên tai cậu và hiện thực mà cậu biết càng ngày càng lớn, cho tới khi cậu không thể bỏ qua được nữa. Hệ thống tin tức phi nhân cuối cùng đã không chiến thắng được lòng tin của con người.

Câu chuyện từ Thế Chiến thứ hai, nhưng cũng không hiếm trong thời đại thừa mứa thông tin ngày nay. Internet có thể giúp thổi phồng những tin đồn không ai bận tâm xác minh, và khiến người ta lao vào sát phạt nhau mà không cần biết mình làm tổn thương những ai. Thông tin thời nào cũng là quý giá, và nó có thể xé nát hoặc hàn gắn thế giới, tuỳ vào cách ta sử dụng. Khi một lời nói ra vô danh, chẳng ai phải chịu trách nhiệm về nó, và người ta lao vào phân tích, đánh giá cũng chẳng mất gì. Nhưng bạn à, hãy dùng niềm tin, nỗ lực và lòng tốt của mình một cách tỉnh táo.

 

Thanh Huệ / Trạm Đọc