Tôi vẫn nhớ khi học về bài toán dân số tăng theo cấp số nhân, cô giáo tôi có nói vui rằng vì có người đã cho Hitler xem bài toán này nên mới xảy ra cuộc thảm sát người Do Thái trong Thế Chiến II. Bạn tôi buột miệng bảo, “Hitler ngây thơ nhỉ.” Câu nói đó khiến tôi ngạc nhiên đến mức vẫn nhớ đến tận hôm nay. Vì chưa bao giờ có ai dùng từ “ngây thơ” để nói về trùm Đức quốc xã Adolf Hitler, kẻ sát nhân lớn nhất thế kỷ XX.
Nhưng nếu ngẫm kỹ, thì Hitler cũng đã từng là một cậu bé ngây thơ, với những tình cảm và ước mơ như bao người khác. Đó chính là điểm thu hút tôi về cuốn tiểu sử Adolf Hitler của John Toland, một cuốn sách kể từng chi tiết về cuộc đời Hitler, để người đọc có thể nhìn thấy Hitler với mọi mặt của một con người thực, và hiểu được nguồn cơn của bộ mặt phát xít này, chứ không chỉ thấy đơn giản một “kẻ ác” phẳng phiu trên giấy như tuýp nhân vật phản diện trong truyện cổ tích.
Chắc chẳng ai nghĩ đến Adolf Hitler như một cậu bé ốm yếu, được mẹ yêu chiều chăm bẵm hay từng là một thiếu niên ham chơi bị cha đánh đòn. Hitler nhìn nhận cha mình như một kẻ độc tài quản lý con cái bằng đòn roi hà khắc, một khuynh hướng chắc chắn đã ăn sâu vào chính Hitler để tạo ra kẻ thống trị nước Đức. Ảnh hưởng của người mẹ dịu dàng lên cậu bé Adolf nhạy cảm khó thấy rõ hơn ở tên phát xít Hitler, nhưng cái chết của bà dưới tay một bác sĩ người Do Thái không tránh khỏi để lại những mầm mống đầu tiên của ác cảm đối với người Do Thái trong tiềm thức Hitler.
Không chỉ bị ám ảnh bởi cái chết của mẹ mình, Hitler luôn có những bóng ma chết chóc lởn vởn quanh những người phụ nữ trong đời. Cô cháu gái kiêm người tình bí mật Geli tự sát, người tình Eva Braun cũng tự sát bất thành, những biến cố này giày vò tinh thần Hitler, khiến hắn không thiết làm chính trị.
Nhưng giai đoạn sau những biến cố tang thương này luôn là những thành công của Hitler. Sau cái chết của Geli, Đảng Quốc xã được tổ chức lại để tăng tối đa sự kiểm soát của Hitler và dần dần nhận được nhiều sự ủng hộ hơn. Sau cái chết hụt của Eva, Hitler đẩy mạnh chính sách bài Do Thái, với dự thảo luận cấm kết hôn giữa người Do Thái và công dân Đức. Dường như những mất mát quanh mình khiến Hitler trở nên điên cuồng hơn trong những ước mơ chính trị, cũng giống như ngọn lửa đốt toà nhà Quốc hội Đức đã kích thích Hitler lao vào cuộc chạy đua công khai giành quyền lực.
Nhưng trước khi chính trị trở thành ước mơ của Hitler, cậu thanh niên Adolf mang trong mình ước mơ cháy bỏng của nghề hoạ sĩ. Cháy bỏng và kiên định đến mức khi vừa thi trượt Học viện Mỹ thuật vừa phải trải qua nỗi đau mất mẹ, Adolf vẫn bám trụ ở thành Viên đắt đỏ để nộp đơn xin học năm sau. Không may, cậu lại trượt lần nữa. Sống trong cảnh nghèo túng, đôi khi còn đói ăn, Adolf vất vả kiếm sống bằng nghề vẽ tranh, vẽ bưu thiếp. Và đây cũng chính là khởi nguồn của nỗi căm ghét người Do Thái ra mặt, khi Hitler chuyển sang đổ trách nhiệm về thất bại trong hội hoạ của mình lên đầu những người Do Thái, bởi họ khống chế hầu hết ngành buôn bán tranh ở Viên.
Không bước nổi qua ngưỡng cửa Học viện Mỹ thuật để được đào tạo thành một kiến trúc sư, Hitler tìm cách khác để tu sửa nước Đức. Không chỉ bơm vào nước Đức những giá trị phát xít, Hitler còn ra sức mở rộng lãnh thổ. Tranh của Hitler có thể chưa từng phủ kín cả thành Viên, nhưng Đế chế thứ ba thì kéo dài khắp cả Áo, Séc, rồi Ba Lan, và tất nhiên Hitler không muốn dừng lại ở đó. Những thắng lợi liên tiếp trên mặt trận châu Âu khiến Hitler tin vào sức mạnh thượng đẳng của mình. Nếu đem so với Hitler của những ngày u sầu tự ti vì thất bại trong nghệ thuật thì quả là một trời một vực, khi mà giờ đây Hitler đã coi mình gần như một vị thần. Với tư cách người đứng đầu nước Đức, đương nhiên Hitler vẫn có thể can dự vào nền mỹ thuật, đủ thẩm quyền gắn mác “nghệ thuật suy đồi” lên những tác phẩm hiện đại được giới chuyên môn đánh giá cao, chỉ vì các tác phẩm ấy phản ánh những mặt trái của cuộc sống. Con đường chính trị đã giúp Hitler lấy lại mọi thứ đã đánh mất ở con đường nghệ thuật, trước khi cướp hết và đẩy hắn xuống hố sâu của thất bại.
Cách tiếp cận chỉ tập trung vào chi tiết cuộc đời Hitler mà bỏ qua toàn cảnh nước Đức và thế giới của cuốn tiểu sử dày hơn nghìn trang này hẳn vẫn đưa đến thiếu sót. Và dù “ngây thơ” chắc chắn không phải một từ thích hợp để nói về Hitler, thì cách nhìn nhận Hitler như một con người, với đầy đủ những ước mơ, những tình cảm phức tạp của một con người, chứ không phải một con quỷ, mới là cách nhìn nhận lịch sử đúng đắn và cho ta hiểu được ngọn nguồn của cái ác đã biến chuyển cả thế giới trong thế kỷ XX. Dù sao thì thế giới cũng chưa bao giờ đơn giản đến mức chỉ có quỷ dữ mới gây ra những điều tồi tệ.
Thanh Huệ/Trạm Đọc