9 cuốn sách hay nhất viết về thầy cô
9 cuốn sách hay nhất viết về thầy cô
"Người thầy", "Những tấm lòng cao cả" hay "Totochan - Cô bé ngồi bên cửa sổ"... khắc họa thành công hình ảnh người giáo viên nhân hậu, luôn hết lòng vì sự nghiệp trồng người.
Người thầy
(82 lượt)
Totto-Chan Bên Cửa Sổ
(63 lượt)
Chiến binh cầu vồng
(64 lượt)

 

 

Totochan - Cô bé ngồi bên cửa sổ

 

Vừa vào lớp một được vài ngày, Totto-chan đã bị đuổi học!!!

Không còn cách nào khác, mẹ đành đưa Totto-chan đến một ngôi trường mới, trường Tomoe. Đấy là một ngôi trường kỳ lạ, lớp học thì ở trong toa xe điện cũ, học sinh thì được thoả thích thay đổi chỗ ngồi mỗi ngày, muốn học môn nào trước cũng được, chẳng những thế, khi đã học hết bài, các bạn còn được cô giáo cho đi dạo. Đặc biệt hơn ở đó còn có một thầy hiệu trưởng có thể chăm chú lắng nghe Totto-chan kể chuyện suốt bốn tiếng đồng hồ! Chính nhờ ngôi trường đó, một Totto-chan hiếu động, cá biệt đã thu nhận được những điều vô cùng quý giá để lớn lên thành một con người hoàn thiện, mạnh mẽ.

Totto-chan bên cửa sổ, là cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ trẻ em trên toàn thế giới suốt ba mươi năm nay. Sau khi xuất bản lần đầu vào năm 1981, cuốn sách đã gây được tiếng vang lớn không chỉ ở Nhật Bản mà còn trên toàn thế giới. Tính đến năm 2001, tổng số bản sách bán ra ở Nhật đã lên đến 9,3 triệu bản, trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất trong lịch sử ngành xuất bản nước này. Cuốn sách đã được dịch ra 33 thứ tiếng khác nhau, như Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc…Khi bản tiếng Anh của Totto-chan được xuất bản tại Mỹ, tờ New York Times đã đăng liền hai bài giới thiệu trọn trang, một “vinh dự” hầu như không tác phẩm nào có được.

 

Người Thầy - Hồi Ức Của Một Nhà Giáo Mỹ

 

Một cuốn tự truyện với lối viết hóm hỉnh, văn đối thoại rành mạch, rõ ràng. Frank McCourt, một nhà văn đồng thời cũng là một thầy giáo dạy văn tại các trường trung học ở New York đã một lần nữa vẽ lại câu chuyện của đời mình - câu chuyện của một nhà giáo Mỹ. Có những khó khăn, có những gian truân vất vả trong con đường tìm kiếm một phương pháp giảng dạy tốt nhất và cũng có cả những bất ngờ, những thành tựu được đền bù xứng đáng từ những “gai góc bền chí” mà ông đã bỏ ra. Cứ thế câu chuyện lớn của cuộc đời “người thầy” với kinh nghiệm giảng dạy 30 năm hiện lên chân thật nhất trong mắt người đọc. Đó là một người thầy mà tất cả chúng ta đều mong ước có được, với tâm huyết và nhiệt thành với nghề, luôn tâm lý và giành được sự yêu thương, quý trọng từ những học trò năng động và cả nghịch ngợm ở lứa tuổi mới lớn.

“Từ những con phố Ireland nghèo khổ đến những lớp trung học của thành phố New York, Frank McCount đã đổi khu vườn gian khó này lấy khu vườn gian khó khác, nhưng luôn luôn là con mắt hài hước, trái tim biết cảm thông và cái tài của một người kể chuyện bậc thầy. Người Thầy chính là một tiếng kêu từ trong cơ man chướng ngại vật của giáo dục công, là tài liệu cần phải đọc không chỉ cho tất cả các thầy cô giáo mà cho bất kỳ ai từng đặt chân vào một trường trung học. Thật may, sẽ không có bài kiểm tra nào hết.

Đây ắt hẳn là một tác phẩm mà tự bản thân mỗi người nên tự chiêm nghiệm để hiểu và thấm thía thêm về nghề giáo. Một quyển sách và một câu chuyện liên can tới tất cả chúng ta. Một hành trình cần được khám phá bởi chính tất cả mọi người.

 

 

Bài Giảng Cuối Cùng

 


“Chúng ta không đổi được những quân bài đã chia, chỉ có thể đổi cách chơi những quân bài đó.” Randy Pausch

Thực tế, đã có nhiều giáo sư được mời thuyết trình “Bài giảng cuối cùng” trước khi chia tay giảng đường. Khi đó họ thường chia sẻ về những thất bại cũng như những tinh hoa rút tỉa từ cuộc đời và sự nghiệp của mỗi cá nhân. Trong khi nghe thuyết trình, cử tọa bao giờ cũng day dứt trước câu hỏi: Giả như đây là cơ hội cuối cùng thì ta có thể gửi gắm thông điệp gì đến mọi người? Nếu ngày mai phải ra đi thì ta muốn cái gì sẽ là di sản để lại cho đời?

 

Khi Randy Pausch, Giáo sư Tin học giảng dạy tại Carnegie Mellon, được yêu cầu thuyết trình một bài giảng như vậy, ông hình dung đó sẽ là buổi thuyết trình cuối cùng, bởi ông vừa được chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Nhưng bài giảng của ông - “Chạm tay vào ước mơ tuổi thơ” - không phải là về cái chết mà là về quá trình vượt qua các chướng ngại, về việc lan tỏa cách thức hiện thực hóa ước mơ đến người khác và không bao giờ để hoài phí bất kỳ khoảnh khắc nào trong đời (bởi “Thời gian là tất cả những gì bạn có. Một ngày nào đó, bạn sẽ nhận ra bạn có ít hơn là bạn nghĩ”). Đó là triết lý mà Randy đúc kết từ cuộc sống.

Trong quyển sách này, Randy Pausch đã kết hợp nhuần nhụy giữa óc hài hước, văn phong cuốn hút và sự uyên thâm, đĩnh đạc, giúp cho bài giảng của ông trở thành một hiện tượng lưu dấu ấn trong lòng các thế hệ độc giả. Đây chắc chắn sẽ là cuốn sách được chuyền tay nhau bởi nhiều thế hệ tương lai.

 

Những đứa trẻ thông minh nhất thế giới

 


Cuốn sách này chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân khiến nền giáo dục phát triển: giáo viên cần được tuyển chọn hết sức khắt khe. Cách duy nhất để nghiêm túc về giáo dục là lựa chọn giáo viên có trình độ cao, những người giỏi nhất và thông minh nhất trong mỗi thế hệ.

 

 

Tác giả vốn là một phóng viên từng được trao tặng hai giải thưởng báo chí quốc gia ở Mỹ, đã theo chân ba du học sinh Mỹ đến Hàn Quốc, Phần Lan, Ba Lan để khám phá những bí mật giúp các nước này đào tạo nên những học sinh tài năng. Ở những nước này, trở thành nhà giáo là việc vô cùng khó khăn và cần được đào tạo kỹ lưỡng.


Amanda cũng chỉ ra một điểm quan trọng mà giáo viên cần là sự tận tâm. Chính sự tận tâm cùng tính kiên trì của người giảng dạy sẽ thúc đẩy sự chăm chỉ, có tổ chức của học sinh giúp các em vượt qua rào cản về trí thông minh hay nền tảng xuất thân để tập trung học hành đạt hiệu quả cao.

 

Viết Lên Hy Vọng

 

Vào năm 1994, Erin Gruwell - một giáo viên Ngữ văn mới 23 tuổi và tràn đầy lý tưởng - về dạy tại trường Trung học Wilson, Long Beach, California. Như nhiềugiáo viên mới ra trường khác, cô phải đương đầu với một lớp học toàn những học sinh cá biệt, những thành phần “hết thuốc chữa” và vô cùng “nguy hiểm”. Ban đầu, gần như cả lớp đều tỏ thái độ chống đối cô bằng những trò quậy phá, đánh nhau trong lớp, trốn tiết… nhưng cô vẫn không đầu hàng. Cô có niềm tin mạnh mẽ rằng giáo dục có thể chiến thắng cả những nghịch cảnh tồi tệ nhất và cô hạ quyết tâm các học sinh “hết thuốc chữa” của mình phải có được cơ hội giáo dục bình đẳng như tất cả mọi người.

Một ngày, từ một sự cố trong lớp học, cô vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra gần như tất cả học sinh trong lớp đều không hề biết gì về cuộc tàn sát người Do Thái của phát xít Đức và các nước cùng phe trong Thế chiến thứ hai, nhưng dường như chính các em lại đang là nạn nhân của một cuộc chiến khác - một cuộc chiến không được tuyên bố nhưng không kém phần đau thương và thống khổ.

Erin quyết định giới thiệu với cả lớp hai cuốn sách viết về lòng khoan dung của con người. Đó là hai cuốn nhật kí có rất nhiều nét tương đồng của Anne Frank -cô bé nạn nhân của cuộc tàn sát người Do Thái trong Chiến tranh thế giới thứ haivà Zlata Filipovic - người thiếu nữ viết về cuộc sống của mình trong cuộc chiến ác liệt ở Sarajevo. Từ những nét tương đồng giữa Anne và Zlata với các học sinh của mình, Erin truyền cảm hứng cho các em bắt đầu viết nhật ký về cuộc sống đầy rẫy bạo lực, vô gia cư, phân biệt chủng tộc, bệnh tật và bị lạm dụng… của các em. Và từ những dòng nhật ký đó, Erin Gruwell dần thấu hiểu được hoàn cảnh riêng của từng em, cô đã tìm mọi cách giúp các em lấy lại niềm tin vào chính bản thân mình, niềm tin rằng các em cũng có cơ hội để trở thành người cóích cho xã hội, rằng nếu thật sự muốn, các em không những có khả năng thay đổi được cuộc sống của mình mà còn có thể thay đổi cả thế giới.

 

Chiến Binh Cầu Vồng

 

Trong ngày khai giảng, nhờ sự xuất hiện vào phút chót của cậu bé thiểu năng trí tuệ Harun, trường Muhammadiyah may mắn thoát khỏi nguy cơ đóng cửa.

Nhưng ước mơ dạy và học trong ngôi trường Hồi giáo ấy liệu sẽ đi về đâu, khi ngôi trường xập xệ dường như sẵn sàng sụp xuống bất cứ lúc nào, khi lời đe dọa đóng cửa từ viên thanh tra giáo dục luôn lơ lửng trên đầu, khi những cỗ máy xúc hung dữ đang chực chờ xới tung ngôi trường để dò mạch thiếc…? Và liệu niềm đam mê học tập của những Chiến binh Cầu vồng đó có đủ sức chinh phục quãng đường ngày ngày đạp xe bốn mươi cây số, rồi đầm cá sấu lúc nhúc bọn ăn thịt người, chưa kể sự mê hoặc từ những chuyến phiêu lưu chết người theo tiếng gọi của ngài pháp sư bí ẩn trên đảo Hải Tặc, cùng sức cám dỗ khôn cưỡng từ những đồng tiền còm kiếm được nhờ công việc cu li toàn thời gian ...?

 

Chiến binh Cầu vồng có cả tình yêu trong sáng tuổi học trò lẫn những trò đùa tinh quái, cả nước mắt lẫn tiếng cười – một bức tranh chân thực về hố sâu ngăn cách giàu nghèo, một tác phẩm văn học cảm động truyền tải sâu sắc nhất ý nghĩa đích thực của việc làm thầy, việc làm trò và việc học.
Andrea Hirata là nhà văn Indonesia ăn khách nhất từ trước đến nay. Tác phẩm đầu tay của ông, Chiến binh Cầu vồng (trong tiếng Indonesia là Laskar Penlangi) được dựa trên câu chuyện có thực về thời thơ ấu của chính nhà văn. Ngay từ lần xuất bản đầu tiên năm 2005, cuốn sách về ước mơ và cuộc đấu tranh bền bỉ của thầy trò trường Muhammadiyah để gìn giữ giáo dục cho chính mình đã đạt thành công vang dội.

 

Những Tấm Lòng Cao Cả

 

Những tấm lòng cao cả là một cuốn tiểu thuyết trẻ em của nhà văn người Ý Edmondo De Amicis. Lấy bối cảnh trong lúc nước Ý đang thống nhất cũng như nói về đề tài yêu nước.

 

Xuyên suốt tiểu thuyết là những vấn đề xã hội như sự nghèo đói, Những tấm lòng cao cả được yêu chuộng vì văn phong giản dị và ý nghĩa giáo dục về tình nhân ái.Những tấm lòng cao cả được viết theo hình thức nhật ký của Enrico Bottini, một cậu học trò 10 tuổi học tiểu học ở Ý. Gia đình cậu thuộc tầng lớp thượng lưu trong khi nhiều bạn cùng lớp lại xuất thân từ tầng lớp lao động. Cốt truyện diễn ra theo thứ tự thời gian xuyên suốt năm lớp 3 của Enrico. Ở đó Enrico đã được tiếp xúc với những cậu bé đủ mọi tính cách...

Xen kẽ vào cuốn nhật kí của cậu bé Enrico là các truyện đọc hàng tháng (thầy giáo yêu cầu học sinh chép để đọc cho cả lớp), đây là những câu chuyện kể về tấm gương những thiếu niên dũng cảm của nước Ý, có những người hi sinh vì Tổ quốc như cậu bé trinh sát ở Lombardia, có người chết để cứu những người thân thiết như cậu bé ở Roma hay cậu bé người Sicilia, và cả những người có nhiều nghĩa cử cao đẹp.

Trích đoạn

"Garrone là người cuối cùng mà tôi ôm hôn ngoài phố. Tôi không cầm nổi nước mắt khi từ biệt cậu ta. Cậu hôn tôi lên trán, rồi chạy lại chào bố mẹ tôi. Bố và mẹ đều hỏi tôi:
- Con đã từ biệt tất cả các bạn chưa? Nếu có bạn nào mà con đã trót có điều lầm lỗi thì phải đến xin lỗi đi. Có bạn nào như thế không?
- Không có ai cả.
Thế là bố đưa mắt nhìn lần cuối cùng ngôi trường và nói, giọng run run:
- Vậy thì xin từ biệt!
Mẹ cũng nhắc lại:
- Xin từ biệt!
Còn tôi, tôi xúc động đến nỗi không thể nói lên được một lời!"

 

 

Từ Bục Giảng Đến Văn Đàn

 

25 “chân dung” các giáo sư thuộc “thế hệ vàng” trí thức Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX được tác giả miêu tả trong tập sách với tấm lòng kính phục đạo đức và tâm huyết trong công việc giảng dạy, nghiên cứu và sáng tác, và cả công phu tự học của các thầy. Ngoại trừ hai giáo sư Trương Vĩnh Ký và Dương Quảng Hàm là tác giả học hỏi qua các công trình để lại, 23 giáo sư còn lại đều là người thầy trực tiếp hoặc đồng nghiệp của tác giả, do vậy ngoài giới thiệu một cách khái quát những cống hiến xuất sắc của mỗi người trong lĩnh vực sáng tác hoặc nghiên cứu, hoặc cả hai, tác giả còn chọn lọc kể lại một số kỷ niệm riêng, chủ yếu để độc giả hiểu được nhân phẩm, tính cách cao đẹp và cũng rất đời thường của các thầy.

Các bài viết được sắp xếp theo trật tự ngày tháng năm sinh của 25 vị, kèm theo bản tóm tắt tiểu sử trước mỗi bài viết.

Trước hiện trạng xã hội đang kỳ vọng vào sự thay đổi của giáo dục nước nhà, tập sách như một điểm sáng để thế hệ hậu sinh nhìn lại những tấm gương người thầy thế hệ trước, những người đã làm rạng danh chữ “Thầy” trong nền giáo dục của đất nước ở giai đoạn khó khăn, từ đó góp phần “tạo nền, chấn hưng giáo dục nước nhà” như lời tác giả đã gửi gắm ở đầu sách.

 

Émile hay là về giáo dục – J. J. Rousseau

 


Mang một văn phong hài hòa giữa văn chương và triết lý, “Émile hay là về giáo dục” được các nhà phê bình trên thế giới đánh giá không chỉ là một chuyên luận về giáo dục, mà còn là một tác phẩm về “nghệ thuật hình thành con người”.

Cuộc đời của Émile được đề cập trong tác phẩm trọn vẹn từ khi cậu ra đời, bập bẹ tập nói đến giai đoạn Émile 20-25 tuổi. Khi còn bé, Émile được hướng vào việc học tập, vui chơi giải trí phù hợp với lứa tuổi, đến khi trở thành một chàng trai độc lập, anh được giáo dục về giới tính, thẩm mỹ, tri thức và tình cảm…

Bách khoa toàn thư Việt Nam nhận xét cuốn sách này là một tác phẩm “thể hiện lòng yêu trẻ tha thiết, tinh thần dân chủ và chủ nghĩa nhân văn, tôn trọng tự do và nhân phẩm con người”. Ở Nhật Bản, người ta bắt buộc tất cả giáo viên mầm non phải đọc cuốn sách này trước khi bước vào nghề.

Trạm Đọc tổng hợp.

Tags: