50 nhà kinh tế tiêu biểu - Cung cấp cái nhìn bao quát về lịch sử các tư tưởng kinh tế diễn ra trong gần bốn thế kỷ
50 nhà kinh tế tiêu biểu - Cung cấp cái nhìn bao quát về lịch sử các tư tưởng kinh tế diễn ra trong gần bốn thế kỷ
Cuốn 50 nhà kinh tế tiêu biểu của S. Pressman đã cung cấp cho chúng ta một cái nhìn bao quát về lịch sử các tư tưởng kinh tế diễn ra trong gần bốn thế kỷ thông qua việc giới thiệu 50 nhà kinh tế được Pressman lựa chọn là tiêu biểu nhất. Tác phẩm được Pressman viết bằng một ngôn ngữ dễ hiểu với quảng đại độc giả.
Một thực tế khiến cho kinh tế học có vị trí khác thường và duy nhất trên quĩ đạo của cả tri thức thuần tuý lẫn việc ứng dụng chúng trong thực tiễn là các định lý của nó không mở ra bất kỳ một cánh cửa nào để có thể kiểm chứng (verification) hay phủ chứng (falsification) bằng thực nghiệm. Tất nhiên, một giải pháp được đưa ra từ lập luận kinh tế đúng đắn sẽ tạo ra các ảnh hưởng mong muốn hướng tới, và một giải pháp có được từ lập luận kinh tế sai lầm sẽ bất lực trong việc giải quyết các mục tiêu đặt ra. Tuy vậy, kinh nghiệm có được từ các giải pháp đó vẫn luôn chỉ là kinh nghiệm lịch sử, nghĩa là kinh nghiệm về các hiện tượng phức. Như đã chỉ ra [tr. 31 và 32, cùng tác phẩm], kinh nghiệm loại này không bao giờ có thể dùng để chứng minh hoặc phản chứng bất kỳ một định lý cụ thể nào. Việc áp dụng các định lý kinh tế không phù hợp sẽ gây ra các hậu quả không mong đợi. Nhưng các ảnh hưởng này lại chưa bao giờ đủ thuyết phục, bất khả phản, giống kiểu các dữ kiện thí nghiệm có được trong địa hạt của các ngành khoa học tự nhiên. Thước đo cuối cùng cho sự đúng đắn hoặc không đúng đắn của một định lý kinh tế đơn thuần chỉ là từ lý trí, không có sự hỗ trợ của kinh nghiệm.” Đấy là lời nhận xét của Ludwig von Mises về tính đặc thù của kinh tế học trong Human Action: A Treatise on Economics. 

Tính đặc thù của kinh tế học - tức việc xây dựng và kiểm nghiệm các lý thuyết kinh tế đơn thuần bằng lý trí - khiến cho các tư tưởng kinh tế rất đa dạng và thường xuyên trái ngược nhau dù rằng tất cả các nhà kinh tế đều hướng tới việc tìm kiếm những nguyên nhân đích thực dẫn đến sự thịnh vượng cũng như nghèo đói của xã hội. Một cách tốt để nắm bắt được tính đặc thù này là tìm hiểu xem các nhà kinh tế lỗi lạc trong quá khứ đã đưa ra các tư tưởng của mình trong hoàn cảnh nào và để giải quyết vấn đề gì trong thời đại của họ. Chúng ta sẽ thấy là không có tư tưởng kinh tế nào là lỗi thời, ngay cả những lý thuyết mà khi việc áp dụng chúng trong quá khứ đã dẫn đến những kết quả tồi tệ. Các nhà kinh tế hiện đại, bằng năng lực xét đoán của mình, vẫn có thể lục tìm được những ý tưởng thích hợp trong kho tàng lịch sử tư tưởng đa dạng của kinh tế học cho mục đích xây dựng các lý thuyết mới cho các vấn đề kinh tế mới nảy sinh.

Cuốn 50 nhà kinh tế tiêu biểu của S. Pressman đã cung cấp cho chúng ta một cái nhìn bao quát về lịch sử các tư tưởng kinh tế diễn ra trong gần bốn thế kỷ thông qua việc giới thiệu 50 nhà kinh tế được Pressman lựa chọn là tiêu biểu nhất. Tác phẩm được Pressman viết bằng một ngôn ngữ dễ hiểu với quảng đại độc giả. Với mỗi nhà kinh tế, tác giả đều trình bày theo một bố cục thống nhất, đầu tiên là nêu bật những cống hiến tiêu biểu của họ, tiếp đến là phần sơ lược tiểu sử và phần tóm tắt nội dung các tư tưởng chính, và cuối cùng là đánh giá về thứ hạng của nhà kinh tế theo quan điểm của đa số các nhà kinh tế cũng như của chính tác giả. Ở phần cuối của mỗi bài giới thiệu, tác giả đều liệt kê một thư mục các tác phẩm tiêu biểu của nhân vật và một số tài liệu phổ biến mà tác giả tham khảo.

Trong số 50 nhà kinh tế này, ngoài các nhà kinh tế học cổ điển và chính thống đã khá quen thuộc với các độc giả Việt Nam như A. Smith, Malthus, Ricardo, J.S. Mill , và K. Marx, L. Walras, A. Marshall, V. Pareto, J. M. Keynes, P. Samuelson, K.J. Arrow vv…, chúng ta có thể tìm ở đây các nhà kinh tế học tiền sử khá lạ lẫm ngay cả với giới nghiên cứu ở Việt nam, như T. Mun, W. Petty, R. Cantillon, F. Quesnay, và D. Hume, các nhà kinh tế học theo trường phái Áo như C. Menger, von Bohm-Bawerk, và F. von Hayek – dòng kinh tế đặt nền tảng kinh tế cho chủ nghĩa tự do, và các nhà kinh tế học phi chính thống khác như T. Veblen và J.K. Galbraith. Chúng ta cũng tìm thấy trong số họ những người đã có những đóng trong việc xây dựng các công cụ lượng hóa các vấn đề kinh tế như S. Kurzets, J. Tinbergen, J. Hicks, W. Leontief, và Modigliani, và những nhân vật có công mở ra những hướng đi mới cho kinh tế học như I. Fisher và M. Friedman về lý thuyết tiền tệ, J. von Neumann về lý thuyết trò chơi, J.M. Buchanan về việc áp dụng kinh tế học cho các vấn đề quyết định chính trị, D.C. North cho kinh tế sử lượng và kinh tế thể chế, G. Becker cho việc áp dụng phân tích kinh tế cho các vấn đề phi thị trường, A. Sen cho kinh tế học phúc lợi và phát triển, và R.E. Lucas với hướng đi mới cho kinh tế học vĩ mô.

Xem tiểu sử cuộc đời của các nhân vật chúng ta sẽ thấy họ đến với kinh tế học bằng nhiều con đường khác nhau. Chỉ khoảng 1/3 trong số họ khởi đầu việc học hành từ kinh tế học. Số còn lại đến từ nhiều chuyên ngành khác nhau như triết học, luật học, toán học, sử học, kỹ sư, kinh doanh, văn chương, cha xứ, và thậm chí cả y khoa. Sự dấn thân của họ vào trong địa hạt kinh tế học thường xuất hiện khi họ gặp một biến cố trong xã hội, chẳng hạn như đối mặt với một nạn nghèo đói hoặc nạn bất công ở đâu đó, hoặc đơn giản là tình cờ đọc được một tác phẩm kinh tế nào đó và thấy mình có nghĩa vụ phải làm một cái gì đó cho kinh tế học. Và thành công mà họ có được là kết quả của một nỗ lực bền bỉ, đôi khi phải vượt qua rất nhiều khó khăn về đời sống, đặc biệt là đối với những nhân vật trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Chẳng hạn, để nghiên cứu kinh tế, Walras đã phải nuôi sống mình bằng nghề viết báo và làm quản lý cho một công ty đường sắt, Wicksell phải theo học cử nhân luật ở tuổi 48 để có thể được phép giảng dạy kinh tế, Veblen thường phải sống trong tầng hầm của người bạn và ra vào qua lối cửa sổ, và Sraffa phải làm người phụ trách thư viện. 

Việc lựa chọn 50 nhân vật tiêu biểu là một công việc khó khăn và dĩ nhiên là mang tính chủ quan như tác giả cuốn sách đã bộc bạch trong phần Dẫn Nhập. Đó là lý do mà một số nhà kinh tế kiệt xuất khác như Ludwig von Mises, tác giả của câu trích dẫn ở trên - người được xem là đã có công hệ thống và đặt ra một nền tảng tư duy kinh tế cho một xã hội tự do, hay Ronald Coase, người đã đặt nền móng cho trường phái kinh tế thể chế mới (new institutional economics) lại không có mặt trong cuốn sách này. 

Nhưng dù thế nào thì cuốn 50 nhà kinh tế tiêu biểu là một điểm khởi đầu tốt cho những ai quan tâm đến kinh tế học cũng như lịch sử phát triển của nó.

Đôi nét về những người dịch: 

Ba người dịch Đặng Tài An Trang, Nguyễn Xuân Nam, Tống Minh Tuấn là nhóm bạn cùng lớp tại Dự án Cao học Kinh tế Phát triển Việt nam - Hà lan thuộc ĐH Kinh tế quốc dân, Hà nội (KTQD), hoàn thành cuốn sách này lúc 25 tuổi, và hiện đang là nhân viên công tác tại Vietcombank. Từ niềm yêu thích đọc sách, và nghiên cứu, nhận thấy sự thiếu thốn tài liệu của sinh viên Việt nam trong việc nghiên cứu lịch sử các học thuyết kinh tế, khi đọc được cuốn Fifty Major Economists của S. Pressman, tại Thư viện Cao học Hà Lan, họ quyết định dịch cuốn sách này, cho mình và cho bạn bè. Đó thực sự là quá trình tự học và tự hoàn thiện. Bản dịch đã được sự hiệu đính của Th.S Nguyễn Đức Thành, cũng là một cựu sinh viên Cao học Hà Lan  và lời giới thiệu cuốn sách là của PGS.TS Nguyễn Khắc Minh, chủ nhiệm khoa Kinh tế học, ĐH KTQD, người thầy của họ.

Dịch từ nguyên bản tiếng Anh: S. Pressman, 1999, Fifty Major Economists, Routlege, London.

Người dịch: Đặng Tài An Trang, Nguyễn Xuân Nam, Tống Minh Tuấn

>> CÓ THỂ BẢN QUAN TÂM:
7 cuốn sách kinh tế và quản trị của Alpha Books đạt Giải Sách Hay 2010 - 2020

Kinh tế học: Kiêu hãnh và định kiến

 
 
Tags: