Trong một buổi nói chuyện với nhà đầu tư tài ba Warren Buffett vào năm 2005, Bill Gates tiết lộ rằng ông có một "thói quen rất xấu" khi còn học tại Đại học Harvard, đó là sự trì hoãn và để mọi thứ cho đến những phút cuối cùng mới bắt tay vào làm.
"Tôi thích cho mọi người thấy rằng tôi không làm gì cả, tôi không phải đến lớp và tôi không quan tâm", Bill Gates chia sẻ. Tuy nhiên, khi gần đến hạn cuối, như có bài thi hoặc nộp bài luận, Bill Gates mới bắt tay vào chuẩn bị.
"Nhiều người sẽ nghĩ rằng điều đó thật vui. Nó dường như trở thành thương hiệu của tôi: chàng trai không làm gì cả cho đến phút chót", Bill Gates cho biết thêm.
Tuy nhiên, khi bắt đầu gầy dựng sự nghiệp, Bill Gates nhận ra thói quen này không giúp ích được gì cho mình và buộc phải từ bỏ nó.
"Chẳng ai khen ngợi tôi vì tôi làm mọi thứ vào phút cuối cùng", Bill Gates nói, đồng thời thừa nhận rằng việc từ bỏ thói quen xấu này đã giúp ông có được những thành công trong cuộc sống và sự nghiệp.
Được viết bởi David Allen, một trong những nhà tư tưởng về hiệu suất công việc hàng đầu thế giới, cuốn sách “Sẵn sàng cho mọi việc” đúc kết những nền tảng kiến thức, nguyên tắc và bí quyết quan trọng để thúc đẩy bản thân đón nhận thử thách mới trong công việc và cuộc sống.
Cuốn sách gồm 52 nguyên lý vàng để tăng hiệu suất làm việc, được phân bổ trong 5 phần chính: Giải quyết những vấn đề dở dang, Tập trung hiệu quả, Tạo nên những khuôn khổ hiệu quả, Nghỉ ngơi và hành động, Ghi nhớ những nguyên tắc cơ bản.
Cụ thể, theo tác giả, hoàn thành những công việc dở dang, cho dù là việc nhỏ hay việc lớn, với quy mô và tầm quan trọng khác nhau, sẽ tạo cảm hứng và tiếp thêm động lực để bạn sẵn sàng đón nhận và giải quyết bất cứ vấn đề nào xảy ra.
Bên cạnh đó, tập trung cũng là yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại, bởi tâm trí chúng ta hoạt động tốt nhất khi không bị sao nhãng bởi bất cứ một sự kiện nào trong quá khứ hay tương lai. Chỉ khi tập trung vào hiện tại, ta mới có thể hoàn thành tốt nhất công việc đang làm.
Một nguyên lý quan trọng khác được David Allen đề cập là sáng tạo trong khuôn khổ. Theo ông, sự tự do hoàn toàn trong hoạt động sáng tạo là con dao hai lưỡi, đôi khi phát huy hết tác dụng và hiệu quả trong thời gian ngắn, nhưng lại phương hại đến lợi ích lâu dài về sau. Vả lại, hành trình đạt đến mục tiêu, nhiệm vụ đề ra lại rất dài. Do vậy, để vững tâm bước đi trên con đường đó, việc chúng ta cần làm không phải là sống buông thả, tự do mà là sống theo kỷ luật.
Cũng theo tác giả, chúng ta chỉ thực sự làm tốt khi có được sức khoẻ dẻo dai và tinh thần ổn định. Do đó, dù công việc của bạn có bận rộn ra sao, hãy cố gắng nhất có thể trong việc phân bổ thời gian làm và nghỉ.
Nguyên tắc cuối cùng được David Allen đề cập là Ghi nhớ những nguyên tắc cơ bản. Cuộc sống bận rộn, liên tục xoay vần dễ khiến chúng ta trở nên sao nhãng, do vậy, hãy tự tạo, ghi nhớ những quy tắc giá trị cốt lõi mình đặt ra, để không bị cuốn vào những cám dỗ dẫn sai lầm không đáng có.
Đọc "Sẵn sàng cho mọi việc" bạn được dẫn dắt qua những nguyên tắc cốt lõi để đạt được hiệu quả công việc cao nhất. Cuối mỗi nguyên lý vàng đều có những triết lý sâu sắc và câu hỏi, bài tập đi kèm giúp bạn đọc thêm và hiểu thêm về bản thân mình.
Một số thông tin về tác giả: David Allen là một trong những nhà tư tưởng về hiệu suất công việc có ảnh hưởng nhất trên thế giới, là diễn giả chủ chốt cũng như nhà tư vấn cho các tổ chức như New York Life, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Ford. Ông đồng thời là chủ tịch của The David Allen, có hơn 20 năm kinh nghiệm làm tư vấn quản lý, huấn luyện quản trị, và thường tổ chức hội thảo cho các cá nhân và tổ chức trên toàn nước Mỹ.
Trì hoãn là nguyên nhân khiến bạn dậm chân tại chỗ, không thể đạt được bất cứ mục tiêu nào trong công việc và cuộc sống, bởi làm sao có thể đạt được thành tựu gì khi chúng ta còn chưa thể bắt đầu.
Trên thực tế, dù là trong những công việc tủn mủn hàng ngày, mỗi câu nói “để sau” “để mai” đều có thể ảnh hưởng đến lối sống, lối tư duy định hình sự thành công của bạn.
Trong cuốn sách “Ngay bây giờ hoặc không bao giờ”, tác giả S J. Scott đã phân tích rõ nhận định này, đồng thời, cung cấp chiến lược, kế hoạch hành động cụ thể với hàng loạt các bí quyết, nguyên tắc, phương pháp được trình bày khoa học, chi tiết, nhằm giúp bạn khám phá ra nhiều ý tưởng độc đáo để thoát khỏi cạm bẫy trì hoãn trong công việc và cuộc sống.
Theo tác giả, chúng ta thường tự đặt ra nhiều lý do biện minh để kéo dài thời gian hoàn thành công việc, điển hình như “công việc này cũng không quan trọng đến thế”, “Tôi cần thêm thông tin trước khi đưa quyết định”, “Tôi không có thời gian”, “Đây không phải là thời gian thích hợp”, v.v.
Những lúc như vậy, Hãy tự nhủ: “Mình cần bắt đầu ngay bây giờ vì hiện không còn bất cứ điều gì cản trở”, “Mình không thể đạt được thứ tôi muốn nếu như không bắt đầu ngay và luôn”. Thay vì dành quá nhiều thời gian và công sức cho việc cho khâu chuẩn bị, hãy bắt đầu hành động, mọi việc sau đó sẽ tiếp tục phát triển theo hướng tốt đẹp hơn. Việc này sẽ có tác động tích cực đến việc rèn luyện, xây dựng niềm tin, là nền tảng cho sức mạnh và lý trí của chúng ta.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần đặt mục tiêu cụ thể, lên kế hoạch thực hiện từng bước nhỏ để định hướng bản thân và không dễ bị nản lòng. Đồng thời, tác giả cũng đánh giá cao tác động của các mối quan hệ xã hội đến sức mạnh tinh thần của mỗi cá nhân. Cụ thể, ông đưa ra lời khuyên cho bạn đọc hãy luôn luôn trong tư thế chủ động giao tiếp với mọi người, bởi sự tự tin sẽ giúp ta có thêm sức sống, sự sôi nổi và hăng hái trong công việc.
Tác giả, S J. Scott là người sáng lập và điều hành blog Develop Good Habits (Phát triển các thói quen tốt). Mục đích của trang web này là chỉ ra làm sao mà việc liên tục phát triển thói quen có thể đưa bạn đến với một cuộc sống tươi đẹp hơn. Thay vì giảng giải cho bạn, tôi sẽ cung cấp những chiến lược giản đơn mà ai cũng có thể áp dụng vào cuộc sống bận rộn của mình. Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, cách tốt nhất để tạo ra được một thay đổi triệt để đó là chỉ nên tập trung phát triển từng thói quen một.
Trạm mời các bạn tìm đọc./.