1/ Đừng bao giờ đánh giá thấp tầm quan trọng của đồng tiền
Tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến mẹ tôi, bà đã khéo léo giúp tôi hiểu rằng quan tâm đến tiền bạc là hoàn toàn đúng đắn. Suy cho cùng, tiền cũng chính là bàn thắng ghi điểm của hầu hết những người theo nghiệp kinh doanh.
2/ Không bao giờ quá coi trọng giá trị của tiền
Tiền không phải là công cụ lưu thông duy nhất trong cuộc sống nói chung và kinh doanh nói riêng. Điều quan trọng chính là khả năng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, sự tôn trọng người khác và giá trị bất ngờ của khả năng biến cái không thành có.
3/ Thương trường không phải là nơi dễ kết bạn
Có được những người bạn thật sự chính là lợi thế lớn nhất trong cuộc chiến thương trường. Nếu được lựa chọn, người ta luôn muốn hợp tác với bạn bè dù có thể có những đối tác kinh doanh tốt hơn.
4/ Đừng ngại nói câu: “Tôi không biết”
Nếu bạn không biết một điều gì đó, hãy mạnh dạn thú nhận. Không ai có thể biết tất cả mọi thứ. Thực tế, việc thú nhận điều đó chính là bí quyết thông minh và khéo léo nhất để học hỏi từ người khác. Ngay cả khi tôi biết, tôi cũng thường nói là không biết để hiểu được người khác thật sự biết được bao nhiêu.
5/ Nói ít
Tin Nếu nói ít, bạn sẽ không bị hớ hay tự làm khó mình. Quan trọng hơn là khi mải mê nói, bạn sẽ không thể biết được cảm xúc của người nghe và nắm bắt được tình hình. Hai giác quan vô cùng quan trọng bạn nên thường xuyên sử dụng là đôi mắt và đôi tai.
6/ Giữ lời hứa
Trong cuộc sống, những người giữ lời hứa, nói được làm được luôn để lại ấn tượng tốt trong tôi. Người thất hứa, nói nhưng không làm sẽ để lại ấn tượng vô cùng xấu. Mẫu người này phá vỡ quy luật thương trường. Niềm tin là khởi nguồn của bất cứ mối quan hệ nào chứ không phải sự nghi ngờ.
7/ Luôn biết thích ứng
Một số người thích được quan tâm, chăm sóc, số khác lại cần đến sự quản thúc, giục giã. Khi nhận biết được điều đó, bạn sẽ thích ứng được với họ. Khi bước vào cuộc đàm phán, chúng ta càng có ít định kiến càng tốt. Cho dù những điều đạt được nhiều hay ít hơn những gì bạn mong muốn, thì chắc chắn cũng là nhiều hơn lúc ban đầu.
8/ Chất lượng là trên hết!
Dù nhiệm vụ bạn đang thực hiện tầm thường hay quan trọng, bạn cũng đều phải cố gắng thực hiện thật tốt. Thà chúng ta không làm gì chứ không nên làm mà không có chất lượng!
9/ Duy trì mối quan hệ tốt với mọi người
Đối xử tốt với mọi người không chỉ vì bạn cần họ trong cuộc sống mà vì đó chính là con đường thuận lợi nhất để bạn đạt tới thành công. Bạn sẽ luôn được đền đáp xứng đáng nếu biết quan tâm đến người khác. Đây chính là phương thức hữu hiệu để giúp bạn: (1) hiểu nhu cầu thương mại của người khác, (2) nhạy bén với ý niệm thời gian, (3) vượt qua những tình huống khó xử. Khi bạn tạo dựng được những mối quan hệ bình đẳng và hài hòa, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn.
10/ Không thể hiện mình thái quá
Hãy biết chia sẻ với đồng nghiệp. Bạn không nhất thiết phải chứng tỏ với mọi người rằng mình tài giỏi bằng mọi giá.
Những quan điểm trên đây chưa phải là điểm mấu chốt để thành công trong kinh doanh nhưng là những tiền đề để suy ngẫm về bí quyết thành công mà bạn sẽ đọc tiếp trong các chương sau.
Dù bạn phải đối mặt với tình huống xấu hay tốt trong cuộc chiến thương trường, thì cũng hãy tiếp thu có chọn lọc những ý tưởng này và biến nó thành hành động thường ngày. Chắc chắn chúng sẽ mang lại lợi ích cho bạn.
- Trích lời nói đầu cuốn sách “Những điều trường Harvard vẫn không dạy bạn” của tác giả Mark McComark