Bạn có bao giờ nghe bàn luận về những cuộc xung đột trong lịch sử nhân loại như Chiến Tranh Lạnh hay những sự kiện đương đại như các cuộc khủng hoảng tại Trung Đông và tự hỏi hoàn cảnh lịch sử nào đã thực sự phát sinh ra chúng? Nếu vậy, thì bước khởi đầu quan trọng để tìm lời giải đáp là hiểu về lịch sử của Trật tự thế giới.
Trật tự thế giới về căn bản ám chỉ một tập hợp những tư tưởng và niềm tin cùng được chia sẻ bởi một cộng đồng rộng lớn. Chúng thường là các khu vực hoặc các nền văn minh phát triển những quan điểm chung về cách thế giới này nên được điều khiển, như ai là người nên nắm quyền lực trong một nền văn minh.
Lấy các nước châu Âu làm một ví dụ. Hầu hết đồng ý rằng tất cả các chính phủ nên được lựa chọn thông qua những cuộc bầu cử tự do và dân chủ. Nhưng niềm tin này không chỉ được áp dụng cho các quốc gia của họ - nó là thứ họ mong muốn lan tỏa ra khắp thế giới.
Giờ bạn đã biết một trật tự thế giới là gì, vậy cái gì khiến nó quan trọng đến vậy?
Chính những ý tưởng vĩ đại và niềm tin vững chắc về trật tự thế giới của một quốc gia tự nhiên sẽ có tác động rất lớn lên cách đất nước đó tương tác với các nước bên ngoài; trên thực tế, rất nhiều cuộc chiến đã nổ ra chỉ bởi vì mỗi nước lại có góc nhìn khác nhau về trật tự thế giới.
Ngoài ra, các trật tự thế giới có thể xác định nền tảng chính sách ngoại giao và chiến lược dài hạn của một quốc gia. Trật tự thế giới được áp dụng thông qua những quyết định chính sách đối ngoại để thúc đẩy mục tiêu riêng biệt của từng quốc gia; những đại ý tưởng này cung cấp một nền móng vững chắc cho các chiến lược và kế hoạch trong tương lai của họ.
Ví dụ, chiến lược gia tài ba, Hoàng tử Klemens von Metternich hành động theo niềm tin rằng để duy trì những mối quan hệ quốc tế bền vững, bạn cần thừa nhận những lợi ích thật sự của tất cả những chủ thể tham gia cuộc chơi, chứ không chỉ của riêng bạn.